Sunday, September 4, 2022

Bối cảnh xã hội và mục vụ (Ph. 2/ Ch. 1)

Trích từ tập sách "Sứ vụ của Giáo hội trong kỷ nguyên kỹ thuật số". (Tác giả: Lm. Anthony Lê Đức, SVD). NXB. Asian Research Center for Religion and Social Communication, 2022.



Các thách đố mục vụ


1. Khía cạnh xã hội



Tác động của CNTT-TT đối với đời sống xã hội của con người nhìn chung được đánh giá là tích cực. Trong quá trình phát triển CNTT-TT, đã xuất hiện nhiều nền tảng truyền thông (email, tin nhắn, hội nghị trực tuyến, v.v.) cũng như các trang mạng xã hội cho phép kết nối xuyên thời gian và không gian. Các ứng dụng như WhatsApp, Facetime và Viber cho phép chúng ta giao tiếp và kết nối với nhau trên toàn cầu cách nhanh chóng và hiệu quả với chi phí rẻ. Mặc dù không hoàn hảo, nhưng các công cụ chuyển ngữ giúp cho chúng ta có thể giao tiếp và cộng tác với những người thuộc các nền văn hóa và ngôn ngữ khác một cách dễ dàng hơn. Các nền tảng có tính năng gọi điện video mang lại lợi ích cho nhiều người, đặc biệt là những người cao tuổi mà phần lớn thời gian ở trong nhà và không dễ dàng đến thăm người thân ở các thành phố hoặc quốc gia khác.

Phương tiện mạng xã hội cũng giúp chúng ta kết nối lại với những người bạn đã mất liên lạc từ lâu, giúp tìm kiếm các đối tác kinh doanh tiềm năng, và tìm kiếm các cộng sự mới cho những dự án của mình. Internet cũng đã trở thành một nền tảng phổ biến để thực hiện các dự án nhân đạo và các hoạt động từ thiện do cộng đồng tài trợ. Ở quy mô lớn hơn, internet có thể giúp thúc đẩy nhận thức về một gia đình nhân loại và tình huynh đệ của con người. Các cộng đồng được thiết lập trực tuyến cũng tạo cơ hội cho những cuộc gặp gỡ với những cá nhân có nền tảng văn hóa và địa vị xã hội khác với mình, các mối tương quan mới có thể chỉ được duy trì trên không gian mạng, hoặc được vun đắp bằng những buổi gặp gỡ ngoại tuyến, diện đối diện.

Tuy CNTT-TT mang lại rất nhiều lợi ích cho chúng ta, nhưng cũng có không ít những biểu hiện tiêu cực đáng quan ngại. Việc lạm dụng CNTT-TT và dành quá nhiều thời giờ để tiêu khiển trên mạng xã hội có thể gây nên những tác động nguy hại đến các mối tương quan hằng ngày trong đời sống của chúng ta. Mặc dù CNTT-TT mang lại sự dễ dàng trong việc làm quen với người khác và tham gia vào cuộc trò chuyện thông qua các phương tiện kỹ thuật số, nhưng công nghệ không đảm bảo một tình bạn lâu dài và có ý nghĩa. Chúng ta thấy rằng việc tương tác trực tuyến rất phổ biến, nhưng nhiều người, đặc biệt là giới trẻ thuộc thế hệ Y (hoặc Igen) cho biết: họ không có một người bạn thực sự thân thiết nào và thường xuyên rơi vào trạng thái cảm thấy cô đơn.[1] Một phần nguyên nhân là giao tiếp trực tuyến có xu hướng không phản ánh suy nghĩ và cảm xúc thực sự của cá nhân, nhất là khi người ta thường xuyên diễn đạt ý tưởng với các biểu tượng cảm xúc (emoji) tuy thú vị nhưng cũng mơ hồ ý nghĩa, như biểu tượng mặt cười, mặt buồn, mặt khóc... Hơn nữa, vì tương tác trực tuyến mang lại cho nhiều người cảm giác như đang ẩn danh, họ tỏ ra ít kiềm chế hơn trong việc sử dụng ngôn ngữ và hình ảnh khi giao tiếp với người khác, dẫn đến việc họ dễ dàng xúc phạm và gây tổn thương cho nhau trên không gian trực tuyến. Ngay cả trên diễn đàn báo chí thời sự mà người ta thường cho là thuộc về tầng lớp có học, có nhiều lời bình luận từ độc giả mang tính đả kích, chia rẽ, thiếu văn hóa.

Việc ít giao tiếp trực tiếp có thể dẫn đến sự “ngắt kết nối xã hội” (social disconnect), khiến cho các mối tương quan nhân vị trong đời sống trở nên hời hợt, thiếu sự liên đới và mật thiết. Trong một số trường hợp cực đoan, có người chuyển sang xây dựng mối tương quan với những đối tượng kỹ thuật số như chó, mèo, người điện tử thay vì vun đắp mối tương quan với người thật, và trải nghiệm các tình huống và cảm xúc trong đời thực.

Năm 2019, một người đàn ông tại Nhật Bản tên Akihiko Kondo đã “kết hôn” với một “hologram” của một thần tượng ảo (virtual idol) có tên Hatsume Miko, và coi đó là vợ của mình.[2] Trong nghi lễ kết hôn còn có sự tham dự của 39 khách mời là bà con và bạn bè. Tuy nhiên, bố mẹ của nhà trai đã không đến tham dự. Chắc hẳn hai ông bà từng mơ ước con mình sẽ cưới một cô gái xinh đẹp và sinh ra cho họ những đứa cháu dễ thương làm vui nhà vui cửa, chứ không phải cưới một nhân vật điện tử. Chúng ta không cần phải đặt vấn đề “bố mẹ nhà gái” là ai; chắc hẳn, “bố mẹ” là những anh chàng kỹ sư phần mềm với trí tưởng tượng phong phú và khả năng lập trình thuộc hạng giỏi. Một điều đáng quan ngại khác nữa về hiện tượng này là ngoài Akihiko Kondo ra, còn có thêm 3.700 người Nhật khác nữa cũng đã đăng ký với công ty phát triển công nghệ Gatebox vào năm 2017 để “kết hôn” với những nhân vật ảo mà họ hâm mộ.

Đối với những người vẫn còn trò chuyện với người thật, nghiên cứu cho thấy rằng việc dùng mạng xã hội trực tuyến để liên lạc với gia đình và bạn bè không phải là một giải pháp hiệu quả nhằm làm giảm cảm giác cô đơn.[3] Trong các gia đình ở thành thị, các thành viên ngày càng cô lập mình trong phòng riêng nhiều hơn. Ở đó, họ chủ yếu tiêu khiển thời giờ với các thiết bị điện tử. Mặc dù có sự giao tiếp với người khác diễn ra liên tục thông qua việc nhắn tin, đăng bài và trò chuyện, nhưng tất cả những phương thức này đều thiếu yếu tố giao tiếp giữa người với người cách trực tiếp. Thói quen sử dụng các thiết bị vi tính trong việc giao tiếp với gia đình, đồng nghiệp, người yêu…khiến nhiều người cảm thấy thoải mái hơn khi liên hệ qua trung gian CNTT-TT thay vì trực tiếp đến với nhau. Trớ trêu thay, mặc dù chúng ta nhốt mình trong phòng riêng nhiều hơn, nhưng dường như chúng ta ít được nghỉ ngơi hơn trước đây. Điện thoại thông minh đã có tác động tiêu cực đáng kể đến thời gian nghỉ ngơi, gây ra sự suy giảm chất lượng cũng như thời lượng giấc ngủ trên toàn cầu.[4]

Phải thừa nhận CNTT-TT mang lại cho chúng ta nhiều cơ hội để kết nối với người khác, đặc biệt khi chúng ta biết sử dụng công nghệ cách phù hợp và thận trọng. Tuy nhiên, nó cũng gây nên vô số các tác động tiêu cực do sự lạm dụng bởi những cá nhân và tổ chức với mục đích xấu. Lạm dụng internet bao gồm các hành vi như: đánh cắp thông tin và tấn công bằng vi-rút, các nhóm cực đoan sử dụng internet để tuyên truyền, chiêu mộ thành viên mới và lên kế hoạch tấn công khủng bố. Việc sử dụng các thuật toán tích hợp (algorithms) và các công cụ khác khiến cho việc tiếp cận thông tin ngày càng có xu hướng một chiều, dẫn đến tình trạng chia rẽ và phân cực trong xã hội.[5] Ảnh hưởng này càng mạnh hơn khi người ta có xu hướng chia sẻ những nội dung tiêu cực về cá nhân hoặc nhóm khác, góp phần làm gia tăng sự thù hận, thành kiến và bất hòa xã hội.

Trên thực tế, có một phần nhân loại đáng kể chưa thể tiếp cận được với CNTT-TT. Nếu như tỷ lệ sử dụng internet trên toàn cầu hiện nay được cho là ở mức 60%, thì vẫn còn 40% chưa tiếp cận được với công nghệ này. Sự chênh lệch kỹ thuật số (digital divide) được thấy trong các nhóm khác nhau tùy theo giới tính, địa vị kinh tế - xã hội, địa lý cũng như bối cảnh chính trị.[6] Ngay cả ở Hàn Quốc, một trong những quốc gia được kết nối mạng cao nhất thế giới, việc sử dụng mạng internet của nhóm người trên 75 tuổi thấp hơn đáng kể so với các thế hệ trẻ hơn; các thế hệ dưới 75 tuổi này thường chiếm gần mức 100%. Mặc dù internet có tiềm năng to lớn để đạt được lý tưởng về một xã hội bình đẳng, nhưng khả năng tiếp cận công nghệ và điều kiện kinh tế trở thành những trở ngại để đạt được lý tưởng này. Ở các quốc gia có sự phân biệt đối xử về giới tính, phụ nữ ít được tiếp cận với công nghệ hơn. Sự thống trị của nam giới trong việc sử dụng CNTT-TT được thể hiện rõ qua thực tế là ở nhiều quốc gia, nam giới sở hữu điện thoại thông minh nhiều hơn so với nữ giới. Ngoài giới tính thì sự nghèo đói cũng hạn chế khả năng tiếp cận internet và các dịch vụ xã hội khác. Cuối cùng, khoảng cách kỹ thuật số cũng được nhận thấy trong sự chênh lệch giữa nông thôn và thành thị; thường người dân thành phố có lợi thế tiếp cận với CNTT-TT nhiều hơn.


[1] “The terrible problem afflicting millennials,” Aleteia (22/10/2019), https://aleteia.org/2019/10/22/the-terrible-problem-afflicting-millennials/?print=1

[2] “Japanese man marries hologram of virtual idol Hatsume Miko,” South China Morning Post (03/12/2019), https://www.scmp.com/yp/discover/lifestyle/features/article/3069257/japanese-man-marries-hologram-virtual-idol-hatsune.

[3] Mike Z. Yao and Zhong Zhi-jin, "Loneliness, social contacts and Internet addiction: A cross-lagged panel study," Computers in Human Behavior 30 (2014): 164-170.

[4] Katherine Ormerod, Why Social Media is Ruining Your Life (UK: Hachette, 2018).

[5] Vấn đề này sẽ được bàn luận chi tiết hơn trong những chương kế tiếp.

[6] “Digital Divide,” Wikipedia, https://en.wikipedia.org/wiki/Digital_divide



Thursday, September 1, 2022

Bối cảnh xã hội và mục vụ (Ph. 1/ Ch. 1)

Trích từ tập sách "Sứ vụ của Giáo hội trong kỷ nguyên kỹ thuật số". (Tác giả: Lm. Anthony Lê Đức, SVD). NXB. Asian Research Center for Religion and Social Communication, 2022.

Tôi sống trong một cộng đoàn nhỏ tại Bangkok bao gồm năm thành viên – ba linh mục, một thỉnh sinh và một bạn trẻ đang tìm hiểu ơn gọi truyền giáo Dòng Ngôi Lời. Ba anh em linh mục chúng tôi đều là người gốc Việt. Chúng tôi đã tham gia sứ vụ truyền giáo của hội dòng ở Thái Lan vào các giai đoạn khác nhau. Tôi là người phục vụ tại Thái Lan lâu nhất, tính đến nay đã 15 năm, riêng hai thành viên còn lại thì đến Thái Lan khoảng 10 năm.

Một trong ba anh em linh mục chúng tôi là Cha Đaminh Nguyễn Đức Linh. Khi đến xứ Chùa Vàng để phục vụ, Cha Linh đã được hội dòng sai đi làm mục vụ tại một giáo xứ ở tỉnh Udon Thani, thuộc vùng Đông Bắc Thái Lan. Ở đó giáo dân chủ yếu là người Thái có nền văn hóa địa phương mà người ta gọi là “Isan” với giọng nói có nhiều điểm tương đồng với người Lào. Sau một thời gian làm mục vụ giáo xứ, năm 2019 Cha Linh làm đơn xin phép bề trên cho đi học về mục vụ truyền thông vì ngài có sở thích về mảng mục vụ này, đặc biệt trong lĩnh vực gọi là “truyền thông mới” (new media). Hội đồng Bề trên Dòng đã chấp thuận cho Cha Linh đi học tại Philippines. Tuy nhiên, vừa khi ngài bàn giao lại giáo xứ cho Giáo phận Udon Thani thì tình hình dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát tại Thái Lan cũng như trên toàn thế giới. Vì cả Thái Lan lẫn Philippines đều đóng cửa toàn quốc và hủy bỏ hoàn toàn các chuyến bay giữa hai nước, Cha Linh buộc phải lưu lại Bangkok một thời gian dài để chờ tình hình đại dịch cải thiện, các nước nối lại các chuyến bay để thực hiện dự tính ban đầu.

Ảnh hưởng của đại dịch trên Giáo hội Thái Lan cũng không khác ở những nơi khác trên thế giới. Các nhà thờ phải đóng cửa ở nhiều thời điểm kéo dài hàng tháng. Mọi sinh hoạt bị hạn chế và nhiều lúc bị tạm ngưng để tuân thủ các biện pháp ứng phó với dịch bệnh của chính quyền địa phương. Vì thế, các sinh hoạt trong cộng đoàn nhỏ bé của anh em Ngôi Lời ở Bangkok cũng phải chịu chung một hoàn cảnh. Tuy nhiên, Cha Linh vẫn tìm nhiều cách để làm mục vụ, tránh tình trạng nhàn rỗi chờ ngày hết dịch. Một ngày nọ giữa mùa dịch, tôi nhận được cuộc điện thoại trên ứng dụng LINE từ Sơ Kanlaya thuộc Dòng Thánh Tâm Nữ tại Bangkok. Sơ nói với tôi rằng, hội dòng có kế hoạch qua Việt Nam để thiết lập cộng đoàn, đồng thời tìm kiếm ơn gọi cho hội dòng, vì ơn gọi ở Thái Lan ngày càng khan hiếm. Để chuẩn bị cho sứ vụ này, có một sơ cần phải học tiếng Việt, đó là sơ Băng-on hiện đang là tổng thư ký của Liên hiệp tu sĩ nam nữ tại Thái Lan. Sơ nhờ tôi giúp dạy tiếng Việt cho Sơ Băng-on hoặc giúp tìm người để làm công việc này. Vì các sinh hoạt của tôi cũng đã khá đầy, hơn nữa khả năng tiếng Việt của tôi cũng không giỏi cho lắm, đặc biệt ở phần phát âm các dấu, cho nên tôi đã giới thiệu Cha Linh với Sơ Băng-on. Tôi nói rằng, Cha Linh sẽ làm việc này tốt hơn tôi rất nhiều vì ngài sinh ra và lớn lên tại Việt Nam, nên sẽ nắm chắc các quy tắc về Việt ngữ hơn tôi. May cho Sơ Băng-on, Cha Linh đã đồng ý dạy tiếng Việt cho sơ để giúp hội dòng sớm có thể bắt đầu sứ vụ mới tại Việt Nam. Vì thời gian đại dịch đòi hỏi mọi người hạn chế đi lại và tụ tập, nên Cha Linh đã không dạy Sơ Băng-on trực tiếp, nhưng qua hệ thống Zoom đang thịnh hành hiện nay. Sau một thời gian học tiếng Việt đều đặn và chăm chỉ, Sơ Băng-on đã bắt đầu nói và đọc được tiếng Việt căn bản, thậm chí còn đọc kinh và tự đàn hát được những bài thánh ca tiếng Việt mà Cha Linh dạy cho sơ.

Đó không phải là việc duy nhất mà Cha Linh làm một cách ngẫu nhiên trong mùa dịch. Mỗi ngày, vào 3 giờ chiều, Cha Linh “quy tụ” một số anh chị em giáo dân từ nhiều nơi khác nhau – Thái Lan, Úc, Việt Nam – để cầu nguyện và suy niệm Lời Chúa. Một số tham gia qua Zoom, có nhóm tham gia qua Facebook Messenger. Trong số người tham gia có người là lao động di dân tại Thái Lan, có người thuộc tầng lớp tri thức hoặc là các tu sĩ, nhưng mọi người nối kết với nhau trong tâm tình cầu nguyện dưới sự hướng dẫn của Cha Linh. Cha Linh rất dấn thân với nhóm cầu nguyện online của ngài. Thậm chí có ngày cộng đoàn tổ chức đi dã ngoại, trên đường về, đến giờ sinh hoạt của nhóm, ngài xin dừng lại ở trạm xăng 30 phút để hiện diện với mọi người trong giờ cầu nguyện ban chiều.

Một sinh hoạt nữa mà Cha Linh đã làm rất đều đặn trong thời gian lưu lại Bangkok trong mùa dịch là phát sóng trực tuyến các Thánh Lễ Chúa Nhật. Vào những thời điểm tình hình kiểm soát dịch của chính phủ được nới lỏng hơn thì có một số nhỏ anh chị em Việt Nam đến tham dự nghi thức phụng vụ, đồng thời tham gia tích cực qua việc thực hiện các phận vụ dành cho giáo dân trong Thánh lễ. Tuy nhiên, vào những thời gian mà tình hình dịch căng thẳng, mọi người được khuyến cáo không nên tụ tập, thành phần “giáo dân” chỉ là những thành viên trong cộng đoàn. Ngay cả anh chàng thỉnh sinh người Thái, nhờ được cha Linh dạy cho đọc tiếng Việt cũng tham gia thưa đáp và hát trong Thánh lễ cho thêm phần “xôm tụ”. Thánh lễ trực tuyến được phát đi từ nhà nguyện nhỏ bé của cộng đoàn Ngôi Lời tại Bangkok. Vì mục đích của Thánh lễ là để phục vụ các anh chị em lao động di dân nên Cha Linh phát trên trang Facebook “Di dân Việt Nam tại Á châu,” rồi chia sẻ vào trang “Liên hiệp Công giáo Việt Nam tại Thái Lan”.

Chính vì những sinh hoạt mục vụ này mà Cha Linh đã có những trải nghiệm mới trong sứ vụ, sau khi rời khỏi giáo xứ ở vùng quê mà ngài đã dấn thân một thời gian dài. Tuy nhiên, những gì chia sẻ ở trên chỉ mô tả một khía cạnh rất nhỏ về những biến chuyển to lớn đã và đang diễn ra trên toàn thế giới, liên quan đến bối cảnh xã hội với những tác động sâu xa do công nghệ kỹ thuật số mang lại cho chúng ta. Nhân loại đang trong quá trình tạo ra và sống theo một khuôn mẫu mới của truyền thông xã hội, có khả năng tác động mạnh mẽ đến mục vụ và sứ mạng Phúc Âm hóa của Giáo hội trong hiện tại và tương lai. Kỷ nguyên số ra đời cách đây vài thập kỷ đã mang lại bước tiến bội phần trong việc phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT) mà nó đang tràn ngập mọi khía cạnh của đời sống con người. CNTT-TT với vô số ứng dụng làm thay đổi cách làm việc và giải trí của chúng ta cũng như cách chúng ta tương quan với gia đình, bạn bè và những người hoàn toàn xa lạ. Công nghệ kỹ thuật số hiện đại thay đổi cách chúng ta mua sắm và tham gia vào các trách nhiệm dân sự. Nó cũng tác động không ít đến cách chúng ta sống đời sống thiêng liêng và tôn giáo, và thậm chí thay đổi cả cách chúng ta nhìn nhận vị trí của mình trên thế giới.

Với việc CNTT-TT tác động đến nhiều khía cạnh trong đời sống cá nhân và tập thể, chúng ta không ngạc nhiên khi bối cảnh mới này đưa Giáo hội đến những thách đố mục vụ chưa từng có trong quá khứ, hoặc có những đặc điểm riêng biệt chưa được biết đến trước khi thời đại kỹ thuật số ra đời. Để thấu hiểu bối cảnh mới một cách tường tận hơn, chúng ta cần tìm hiểu về những thách đố mục vụ đến từ việc sử dụng phổ biến CNTT-TT trong xã hội ngày nay, nhằm có đủ cơ sở để đề xuất các đường hướng mục vụ phù hợp dưới ánh sáng của thần học và giáo huấn mục vụ truyền thông của Giáo hội. Đây là việc làm cần thiết trong quá trình phân định những dấu chỉ thời đại mà Giáo hội luôn kêu gọi các vị lãnh đạo trong Giáo hội và những người làm mục vụ phải thực hiện một cách chuyên cần và đầy ý thức.

Trong phạm vi của tập sách này, chúng ta không thể đào sâu vào tất cả các khía cạnh của bối cảnh kỹ thuật số hiện đại cách chi tiết. Tuy nhiên, những gì được đề cập ở đây cũng phần nào mô tả được những tác động lớn lao mà công nghệ kỹ thuật số đang mang đến cho xã hội con người ở khắp các châu lục và vùng miền khác nhau trên thế giới.


Bối cảnh kỹ thuật số


Sự phát triển công nghệ thông tin và truyền thông đã mang đến cho nhân loại một công cụ hữu ích mang tên Internet. Tính đến nay chúng ta đã có 4 thế hệ Internet gọi là Web 1.0, Web 2.0, Web 3.0, và đến Web 4.0.[1] Thời gian đầu, công nghệ internet[2] chỉ mang hình thức trang web tĩnh với các siêu liên kết (hyperlinks), người dùng chỉ đơn thuần lướt qua các trang thông tin dưới dạng truyền thông một chiều. Tuy nhiên, hiện nay internet đã chuyển sang hình thức truyền thông tự trị, chủ động, khám phá nội dung, tự học hỏi cũng như cộng tác. Trong hình thức mới, các công cụ dùng để tạo nội dung được hỗ trợ một cách hiệu quả bởi học máy (machine learning) và Trí tuệ nhân tạo (AI).[3] Chúng ta có thể truy cập internet thông qua các thiết bị máy tính khác nhau, như máy tính để bàn, máy tính xách tay, máy tính bảng, điện thoại thông minh và đồng hồ thông minh, v.v. Các thiết bị điện tử này không chỉ làm trung gian cho chúng ta giao tiếp mà còn hỗ trợ nhiều hoạt động như chuyển khoản qua điện thoại (mobile banking), dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa (telehealth services), hội nghị trực tuyến (video conferencing), v.v.

Ngày càng có nhiều người, ngay cả những người sống ở những vùng sâu vùng xa có thể học cách sử dụng công nghệ trong các sinh hoạt hằng ngày, cho phép họ tận hưởng những lợi ích mà nó mang lại. Bởi vì CNTT-TT có tính tức thời, linh hoạt, chi phí phải chăng và dễ sử dụng, nên bất kỳ ai tiếp cận nó đều có thể tận dụng công nghệ không chỉ để phục vụ nhu cầu cá nhân, mà còn tạo ảnh hưởng đến suy nghĩ và hành vi của người khác. Các số liệu thống kê sau đây cho thấy tốc độ thâm nhập của CNTT-TT trên thế giới ngày càng gia tăng:[4]

● Vào tháng 1 năm 2021, có khoảng 5,22 tỷ người sử dụng điện thoại di động trên thế giới, tăng thêm 93 triệu (1,8%) so với số liệu của tháng 1 năm 2020, chiếm 66,6% dân số toàn cầu.

● Người dùng internet đạt 4,66 tỷ hoặc 59,5% dân số toàn cầu vào năm 2021; đánh dấu mức tăng 316 triệu, hoặc 7,3% so với tháng 1 năm 2020.

● Người dùng mạng xã hội đạt con số 4,20 tỷ hoặc 53,6% dân số toàn cầu vào năm 2021, tăng 490 triệu (13,2%) trên toàn thế giới so với con số của năm trước.

● Trung bình người dùng internet trên thế giới dành 6 giờ 54 phút trực tuyến mỗi ngày.

● Lượng thời gian mà mọi người dành cho các mạng xã hội tăng lên mức trung bình là 2 giờ 25 phút mỗi ngày. Tuy nhiên, có những khác biệt đáng chú ý giữa các quốc gia; ví dụ, người dùng ở Nhật Bản chỉ dành trung bình 51 phút trên mạng xã hội mỗi ngày trong khi người Philippines sử dụng mạng xã hội trung bình khoảng 4 giờ 15 phút mỗi ngày.


[1] Sareh Aghaei, Mohammad Ali Nematbakhsh and Hadi Khosravi Farsani, “Evolution of the World Wide Web: From Web 1.0 to Web 4.0,” International Journal of Web & Semantic Technology 3, no. 1 (2012): 1– 10.

[2] Ngày nay từ “internet” khi dùng để nói về công nghệ truyền thông, tương đương với radio, truyền hình, điện thoại, v.v. không còn phải viết hoa, nhưng được xem là một danh từ chung. X. “Capitalization of Internet,” https://en.wikipedia.org/wiki/Capitalization_of_Internet.

[4] “Digital 2021 Global Overview Report,” DataReportal (27/01/2021), https://www.slideshare.net/DataReportal/digital-2021-global-overview-report-january-2021-v01

Giới thiệu về sách: