3.2. Khái niệm lương tâm sinh thái
Để cho có sự cảm thức về tội hệ sinh thái dẫn đến sự hoán cải sinh thái cần có sự đào tạo và hình thành một “lương tâm sinh thái”. Tuy khái niệm “tội hệ sinh thái” chỉ mới xuất hiện trong các thảo luận trong vài chục năm gần đây, khái niệm “lương tâm sinh thái” đã được giới thiệu từ lâm. Vào những năm thập kỷ 1940, Aldo Leopold đã bàn về khái niệm này trong cuốn sách A Sand County Almanac. Trong tập sách này, Leopold cho rằng cần có một lương tâm về môi trường trong đạo đức đất đai. Theo Leopold, lương tâm về môi trường xuất phát từ việc ý thức rằng mối tương quan giữa con người và môi trường mang ý nghĩa sâu xa hơn phương diện cá nhân và cộng đồng. Leopold viết:
Đạo đức đầu tiên đề cập đến mối quan hệ giữa các cá nhân; Bộ luật mô-sê là một ví dụ. Sau đó, những phát triển trong suy nghĩ đề cập đến mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội. Quy tắc Vàng cố gắng kết hợp cá nhân với xã hội; dân chủ kết hợp tổ chức xã hội với cá nhân. Tuy nhiên, vẫn chưa có một đạo đức nào đề cập đến mối quan hệ giữa con người với đất đai và với các loài động vật và cây cỏ phát triển trên đó. Đất đai, giống như những người hầu gái của Odysseus, vẫn là tài sản. Mối quan hệ với đất đai vẫn chỉ có tính kinh tế, mang theo đặc quyền nhưng không có nghĩa vụ. Mở rộng đạo đức đến chiều kích thứ ba này trong môi trường con người là, nếu tôi hiểu chứng cứ đúng, một khả năng tiến hóa và một sự cần thiết sinh thái. Đây là bước thứ ba trong một chuỗi. Hai bước đầu tiên đã được thực hiện. Tư duy của cá nhân từ thời của Ezekiel và Isaiah đã khẳng định rằng việc cướp bóc đất đai không chỉ là thiếu khôn ngoan mà còn là sai trái. Tuy nhiên, xã hội vẫn chưa xác nhận niềm tin của họ. Tôi coi phong trào bảo tồn hiện tại như là phôi thai của một sự khẳng định như vậy.
Gần một thế kỷ đã trôi qua kể từ khi khái niệm lương tâm sinh thái được giới thiệu bởi Leopold. Nhưng khi chúng ta đang đứng trên bờ vực của một thời đại mới, vẫn còn rất nhiều công việc cần phải làm để thúc đẩy lương tâm trong lĩnh vực này. Hơn bất cứ tổ chức nào trong xã hội, tôn giáo phải dẫn đầu nỗ lực này. Đối với Ki-tô hữu, lương tâm sinh thái sinh ra từ sự tôn trọng sâu sắc đối với sự nối kết của mọi loài dưới sự quan phòng của Thiên Chúa. Đó là một sự nhận thức rằng trái đất là một món quà thiêng liêng được Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta để trân trọng và bảo vệ. Đó là một nhận thức rằng mọi hành động của chúng ta có tác động không chỉ trên môi trường xung quanh chúng ta, mà còn trên toàn thế giới và mọi sinh vật sống trên đó.
Lương tâm sinh thái này khiến chúng ta giật mình khi chứng kiến sự phá hủy của hệ sinh thái, sự tuyệt chủng của các loài và sự suy thoái của các tài nguyên tự nhiên. Nó khiến chúng ta cảm thấy bất an khi nhận ra rằng hành động của chúng ta, ngay cả những hành động nhỏ nhặt, đóng góp vào sự tổn hại và lạm dụng môi trường. Ví dụ, chúng ta có thể cảm thấy gánh nặng của lương tâm sinh thái khi chúng ta thấy hình ảnh các vụ tràn dầu gây hủy hoại đời sống động vật biển, hoặc khi nghe về nạn phá rừng gây mất môi trường sống của vô số loài. Chúng ta cũng có thể cảm thấy có trách nhiệm khi sử dụng các sản phẩm nhựa một lần rồi bỏ quăng hoặc lãng phí thức ăn, biết rằng những hành động này góp phần vào các vấn đề môi trường lớn hơn. Chúng ta bắt đầu tự chất vấn bản thân: Tôi có thực sự cần phải dùng ống hút khi uống nước Coca hoặc nước đóng chai? Tôi có thực sự cần ăn những thực phẩm nhập từ phía bên kia trái đất? Tôi có thực sự cần mua thêm một chiếc áo khoác trong khi trong tủ đã đầy nhóc những áo quần, có cái mới mua chưa kịp mặc? Tôi có cần phải lái xe máy hay ô-tô cho một chuyến đi chỉ dài 1km thay vì đi bộ hoặc đạp xe đạp?
No comments:
Post a Comment