Friday, June 28, 2024

Nền tảng thần học di dân (2): Chúa Giêsu – Hiện thân của Deus Migrator

 

Hình ảnh về Chúa Giêsu được khắc họa qua các sách Phúc Âm có nhiều mối tương đồng với những chủ đề về sự tha hương, di cư và vô gia cư. Các tác giả Tin Mừng mô tả Ngài như một nhân vật liên kết chặt chẽ với trải nghiệm của những cộng đồng bị tách biệt và di cư. Chân dung này không chỉ nhấn mạnh nhân tính của Chúa Giêsu mà còn trưng bày một khuôn mẫu thần học sâu sắc liên quan trực tiếp đến các vấn đề về thực trạng mất chỗ ở và di cư trong thế giới ngày nay.

Tâm điểm của khái niệm thần học Deus Migrator là sự Nhập Thể của Chúa Giêsu như là hiện thân của Thiên Chúa Di Cư. Biến cố Ngôi Hai Thiên Chúa trở nên người phàm không chỉ là một sự thay đổi khung cảnh mà là một cuộc di cư ngoạn mục từ cõi trời đến cõi thế trần. Phúc Âm của Gioan miêu tả hành động này một cách sống động rằng Ngôi Lời vĩnh cửu của Thiên Chúa đã đến trong thế gian và "cắm lều giữa chúng ta" (Ga 1,14). Ẩn dụ mạnh mẽ này nói lên rằng quyết định nhập thể của Thiên Chúa không chỉ là một sự lưu trú tạm thời – một chuyến đi cởi ngựa xem hoa. Từ ‘σκηνόω’ (skēnoō) trong tiếng Hy Lạp có nghĩa cắm trại, cư trú, dựng lều, định cư, và cư trú trong Nhà Tạm (Tabernacle).[1] Hình ảnh cứ trú trong Nhà Tạm gợi ý nơi ở của Đức Chúa khi Người đi cùng dân Israel trong những cuộc hành trình về Đất Hứa. Vì thế, qua ẩn dụ này, thánh Gioan khẳng định rằng việc nhập thể của Chúa Giêsu không thể ví như một chuyến thăm viếng ngắn hạn đến thế gian, nhưng Ngài dựng trại cùng nhân loại, đồng hành và chia sẻ cuộc hành trình của chúng ta. Thần học gia qua nhiều thế hệ đã khẳng định rằng Con Thiên Chúa đời đời đã làm người, và dựng lều ở giữa chúng ta, để nhờ Ngài và bởi Ngài, chúng ta được chiêm ngưỡng vinh quang của Thiên Chúa.

Hành động "hạ mình" này – theo nghĩa đen, là một sự bước xuống – không chỉ là sự khiêm nhường. Đó là một cuộc di cư không thể tưởng tượng của Thiên Chúa vượt qua mọi rào cản và ranh giới. Thần học gia Daniel Groody bình luận, “Ngay cả khi con người dựng lên đủ mọi rào cản, nhưng Thiên Chúa vẫn không ngăn cách bất kỳ ai khỏi vòng tay yêu thương của Người.”[2] Điều này nhấn mạnh tình yêu vô biên của Thiên Chúa và sự sẵn lòng bước vào hoàn cảnh con người một cách trọn vẹn và thân mật.

Vì thế, sự Nhập Thể không chỉ là việc Chúa Giêsu sinh ra, mang hình dạng của con người như những ông bụt bà tiên hóa thân thành người trong các câu chuyện cổ tích, nhưng là Ngài hoàn toàn sống một cuộc đời con người. Ngài không chỉ là thần thánh bọc trong xác thịt, nhưng Ngài thực sự có những trải nghiệm đói, khát, đau đớn và bị cám dỗ như tất cả mọi người trên trần thế. Chính vì trải nghiệm di cư này mà Chúa Giêsu có thể kết nối với nhân loại ở mức độ sâu hơn, hiểu rõ những thách đố của chúng ta như một người trong cuộc.

Những tường thuật Phúc Âm của Matthew và Luca miêu tả sống động việc Chúa Giêsu sinh ra trong hoàn cảnh khiêm nhường, nghèo nàn. Thay vì đến trần gian ở trong một cung điện nguy nga, Ngài xuất hiện trong thân hình của em trẻ sơ sinh yếu ớt, dễ bị tổn thương ở một chuồng chiên đơn giản tại một ngôi làng xa xôi (Mt 2,1). Thánh Luca mô tả Thánh Gia chỉ tìm được một máng cỏ nhỏ bé làm giường cho Chúa Giêsu (Lc 2,7). Sự bấp bênh và nghèo nàn mà Chúa Giêsu trải qua ngay từ những giây phút đầu tiên trên trần thế có nhiều đồng điểm với cuộc sống của người di cư khi họ buộc phải rời bỏ nhà cửa và định cư trong những môi trường xa lạ với điều kiện thiếu thốn, khắc nghiệt.

Phúc Âm của Matthew càng làm rõ mối liên kết giữa Chúa Giêsu và trải nghiệm của người di cư bằng cách miêu tả giai đoạn đầu tiên trong cuộc đời của Ngài như một người tị nạn. Sắc lệnh giết người của vua Hê-rô-đê buộc thánh Giuse phải đưa Mẹ Maria và trẻ sơ sinh Giêsu trốn sang Ai Cập (Mt 2,13-14). Câu chuyện này nhắc lại sự kiện cuộc xuất hành của dân Israel ra khỏi Ai Cập (Xh 1-15) nhằm tìm kiếm nơi ẩn náu ở một vùng đất xa lạ để trốn tránh sự bách hại. Ai Cập, trong Kinh Thánh Cựu Ước, đã từng là nơi ẩn náu cho dân Israel trốn tránh nạn đói ở Canaan (St 42-45). Bằng cách để Chúa Giêsu đi lại những bước này, Matthew gợi ý một mối liên kết mạnh mẽ giữa cuộc di cư của dân Israel và trải nghiệm của chính Ngài. Cả hai cuộc hành trình đều diễn tả việc tìm kiếm sự an toàn và một khởi đầu mới ở một vùng đất xa lạ, nhấn mạnh tính phổ quát của cảnh ngộ của người di cư.

Phúc Âm của Máccô mở đầu với việc Chúa Giêsu bị Thần Linh đưa vào hoang địa (Mc 1,12). Sa mạc, trong sách Cựu Ước, là nơi nói lên sự thử thách và lưu đày. Đó là nơi dân Israel đi lang thang trong bốn mươi năm sau khi trốn khỏi vùng đất Ai Cập (Xh 16-19). Đó cũng là nơi các vị ngôn sứ như Êlia đã gặp gỡ Đức Chúa và đáp trả lời mời gọi của Người để trở nên ngôn sứ (1 Các Vua 19,1-8). Cuộc hành trình của Chúa Giêsu vào hoang địa để ăn chay, hảm mình, và chịu cơn cám dỗ có thể được xem như một hành động tượng trưng cho sự lưu đày và tha hương, xa cộng đồng, người thân và những thứ quen thuộc trong cuộc sống.

Các chuyên gia Kinh Thánh đã giải thích trải nghiệm sa mạc này như một giai đoạn chuẩn bị cho sứ vụ của Chúa Giêsu. Bằng cách bước vào một nơi cô độc và thử thách, Chúa Giêsu gắn liền với trải nghiệm của những người bị cô lập và bị gạt ra ngoài lề xã hội. Hành động và những trải nghiệm trong nơi hoang địa báo trước tính chất của sứ vụ mà Chúa Giêsu sẽ thực hiện là “rao giảng Phúc Âm cho người nghèo khó, thuyên chữa những tâm hồn sám hối, loan truyền sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được trông thấy, trả tự do cho những kẻ bị áp bức, công bố năm hồng ân và ngày khen thưởng” (Lc 4, 18-19). Trong sứ vụ này, chính Ngài cũng thường xuyên gặp phải sự khước từ và phản đối từ những người xung quanh.

Trong quá trình thi hành sứ vụ, Chúa Giêsu không giới hạn hoạt động loan báo Tin Mừng ở một địa điểm duy nhất. Các sách Phúc Âm miêu tả Ngài luôn di chuyển từ thị trấn này sang thị trấn khác để giảng dạy và thực hiện các phép lạ (Mt 8,23, Mc 1,38). Sự di chuyển liên tục của Chúa Giêsu có thể được xem như một cách để đưa thông điệp về vương quốc của Thiên Chúa đến tất cả mọi người, bất kể địa điểm hay địa vị xã hội. Ngài không chờ đợi người ta đến với Ngài mà Ngài tích cực tìm kiếm họ, phản ánh tình yêu của Thiên Chúa luôn mở rộng đến mọi người, đi vào mọi ngõ ngách của thế giới. Ngoài ra, cuộc sống du mục này còn phản ánh tình trạng lênh đênh của nhiều người di cư khi họ rời bỏ nhà cửa để tìm tị nạn hoặc tìm kiếm cơ hội mưu sinh kiếm sống ở những vùng đất khác.

Phúc Âm của Luca vẽ nên một bức tranh hấp dẫn về Chúa Giêsu như là một "vị khách độc đáo." Ngài phá vỡ hoàn toàn các quy tắc xã hội bằng cách nối kết với những người ở bên lề xã hội. Khác với các nhà lãnh đạo tôn giáo thời đó, Chúa Giêsu không quan tâm đến địa vị xã hội hay các quy tắc tôn giáo về sự trong sạch. Ngài sẵn lòng nhận lời mời dùng bữa với những người thu thuế và tội nhân (Lc 15,1-2), bất chấp sự phản đối của giới lãnh đạo tôn giáo (Lc 14,1-2). Hành động của Chúa Giêsu là một thách thức có chủ ý đối với trật tự xã hội đã được thiết lập. Bằng cách gần gũi những người bị gạt ra ngoài, Chúa Giêsu đã chứng minh rằng tình yêu của Thiên Chúa mở rộng đến tất cả mọi người, bất kể họ là ai.

Luca nhấn mạnh đến lời giảng dạy của Chúa Giêsu về lòng hiếu khách, đặc biệt trong các dụ ngôn. Ví dụ, trong dụ ngôn Đại Tiệc (Lc 14,7-11), Chúa Giêsu chỉ trích xu hướng chỉ mời gia đình hoặc bạn bè cùng đẳng cấp. Ngài khuyến khích mở rộng lòng hiếu khách đến "người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù" (Lc 14,13). Lời giảng dạy của Chúa Giêsu về lòng hiếu khách bày tỏ tính cách của Thiên Chúa. Trong Kinh Thánh Cựu Ước miêu tả Thiên Chúa như là người bảo vệ quả phụ, trẻ mồ côi và người khách lạ (Đnl 10,18). Bằng cách nhấn mạnh lòng hiếu khách đối với những người bị gạt ra ngoài, Chúa Giêsu phản ánh lòng thương xót của Chúa. Vì vậy, khi được hỏi ai là người thân cận của mình, Chúa Giêsu đã kể dụ ngôn ‘Người Samaria Nhân Lành’ (Lc 10,25-37) để minh họa về quan điểm của Ngài. Câu chuyện này thách thức nhận thức hẹp hòi và thiện cẩn về người thân cận, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thể hiện lòng bác ái đối với những người cần giúp đỡ, bất kể nguồn gốc của họ.

Dụ ngôn này càng có ý nghĩa hơn khi xem xét đến thân phận của chính Chúa Giêsu như một người di cư. Bị từ chối bởi quê hương của mình (Lc 4,24), chính Chúa Giêsu đã từng trải nghiệm cảm giác làm người xa lạ, sống cuộc sống nay đây mai đó. “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Lc 9, 58). Cuộc đời của Chúa Giêsu kết thúc bằng hành động di dời cuối cùng – sự tử hình của Ngài. Bị từ chối bởi các nhà lãnh đạo tôn giáo, bị bỏ rơi bởi các môn đệ, và bị tách biệt khỏi Chúa Cha (Mc 15,34), Chúa Giêsu đã trải nghiệm sâu sắc cảm giác bị cô lập và xa lánh. Từ dinh của quan tổng trấn Philatô, lên đồi Calvary, và cuối cùng bị đóng đinh và treo trên thập giá, Chúa Giêsu đã chịu đựng sự di dời tột đỉnh, đã thể hiện sự liên đới hoàn toàn với nhân loại trong tất cả sự đổ vỡ và đau khổ. Qua sự hy sinh tột cùng đó, Ngài đã mang lại niềm hy vọng và sự cứu chuộc cho những ai đang đứng bên lề vực thẳm, hoàn toàn lạc lối và mất phương hướng trong cuộc sống.

[1] https://resoundingthefaith.com/2018/05/27/%E2%80%8Egreek-%CF%83%CE%BA%CE%B7%CE%BD%CF%8C%CF%89-skenoo/

[2] Groody, 650.

No comments:

Post a Comment