Con người là imago Dei
Như đã bàn trên, khái niệm "imago
Dei," (hình ảnh của Thiên Chúa) mang ý nghĩa sâu sắc trong thần học Kitô
Giáo. Khái niệm này định hình nhận thức về bản sắc, mục đích và mối quan hệ của
con người với Thiên Chúa. Khái niệm có nguồn gốc trong câu chuyện tạo dựng
trong sách Sáng Thế, đặc biệt trong đoạn 1,26-27. Thiên Chúa phán:
"Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta,
để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và
mọi giống vật bò dưới đất." Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình
ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa
sáng tạo con người có nam có nữ. Qua hai câu này, tác giả Kinh Thánh khẳng
định rằng nhân loại được tạo dựng một cách độc đáo theo hình ảnh của chính
Thiên Chúa. Đoạn Kinh Thánh cũng xác thực rằng hành động tạo dựng của Thiên
Chúa là một hành động có chủ đích.
Cốt lõi của khái niệm imago dei là sự khẳng định phẩm giá và giá trị vốn có của mọi con người bởi vì con người sở hữu những phẩm chất và thuộc tính phản ánh bản chất của Chúa. Những phẩm chất này bao gồm lý trí, sự sáng tạo, năng lực đạo đức và khả năng thiết lập các mối quan hệ khác nhau. Những đặc điểm này phân biệt con người với các loài thụ tạo khác, đồng thời thiết lập nền tảng cho giá trị và phẩm giá của con người.
Hơn nữa, imago dei không chỉ áp dụng cho mỗi cá nhân mà còn bao gồm các khía cạnh cộng đồng. Nhân loại, trên phương diện là một tập thể cũng mang hình ảnh của Thiên Chúa. Cộng đồng nhân loại cũng được kêu gọi để phản ánh bản chất và mục đích của Người trên thế giới. Điều này bao gồm sự chăm sóc đối với vạn vật (St 1,28), trách nhiệm đạo đức đối với nhau (St 9,6), và sứ mệnh tìm kiếm công lý và sự công chính (Mc 6,8).
Trong thần học Kitô Giáo, khái niệm
imago dei được làm sáng tỏ qua cuộc sống và lời dạy của Chúa Giêsu Kitô.
Thánh Phaolô mô tả Chúa Giêsu là "hình ảnh Thiên Chúa vô hình" (Cl 1,15).
Nói cách khác, Chúa Giêsu là hiện thân trọn vẹn của bản chất và tính cách của
Chúa. Thông qua Chúa Kitô, nhân loại nhìn thấy sự biểu hiện đích thực của imago
dei. Ngài mời gọi các tín hữu bước vào một mối quan hệ được phục hồi với Thiên
Chúa, đồng thời minh chứng cho sức mạnh biến đổi của hình ảnh của Chúa.
Dù nhân loại ở trong trạng thái sa ngã và bị tổn thương bởi tội lỗi và hèn yếu, khái niệm thần học về imago dei vẫn là một khẳng định cho niềm hy vọng về kế hoạch cứu chuộc của Chúa. Thông qua quá trình thánh hóa, các tín hữu được kêu gọi để trở nên giống hình ảnh của Chúa Kitô (Rm 8,29), phản ánh tình yêu, lòng từ bi và sự công chính của Ngài trong cuộc sống của họ.
Imago dei cũng làm nền tảng cho các suy tư đạo đức
và quan điểm công lý xã hội trong giáo huấn Kitô Giáo. Sự công nhận rằng mỗi cá
nhân mang hình ảnh của Thiên Chúa thúc đẩy sự cam kết bảo vệ phẩm giá con
người, bảo vệ những người dễ bị tổn thương và ủng hộ công lý trong xã hội.
Khung thần học này thách thức các bất công mang tính hệ thống, sự phân biệt đối
xử và phi nhân hóa, đồng thời khẳng định giá trị vốn có của từng người như Thiên
Chúa đã định đoạt.
Missio Dei là để phục hồi imago Dei
Khái niệm missio Dei, hay
sứ mệnh của Chúa, là một khái niệm thần học sâu sắc trong lĩnh vực thần học
truyền giáo ngày nay. Cốt lõi của missio Dei có thể nói là việc khôi
phục imago Dei, hình ảnh của Chúa, trong mỗi cá nhân. Do sự hiện diện
của tội lỗi trên thế giới mà hình ảnh này đã bị lu mờ và biến dạng. Sự khôi
phục hình ảnh của Thiên Chúa trong con người gắn liền với hành động cứu chuộc
của Chúa Giêsu Kitô. Thông qua cái chết và sự phục sinh của Ngài, nhân loại được
ban sự cứu rỗi và cơ hội để bước vào một mối tương quan mới với Thiên Chúa.
Công cuộc này khởi đầu một quá trình đổi mới bắt đầu từ mức cá nhân, nhưng rồi mở
rộng ra cho toàn bộ vạn vật.
Công cuộc cứu chuộc của Chúa Giêsu Kitô là trọng tâm của missio Dei. Qua việc nhập thể, Chúa Giêsu hoàn toàn là hiện thân cho imago Dei. Ngài vừa hoàn toàn là Thiên Chúa cũng vừa hoàn toàn là con người (Cl 1,15). Cuộc sống, lời dạy, cái chết trên thập giá và sự phục sinh trong vinh quang của Ngài tạo nên hành động tình yêu và hòa giải tối thượng, mang lại sự tha thứ đối với con người tội lỗi và khôi phục các mối quan hệ bị đổ vỡ với Thiên Chúa. Theo thần học gia Daniel Groody, “Trên thập giá, Chúa Giêsu đã hoàn tất missio Dei bằng cách xóa bỏ sự chia cách giữa Thiên Chúa với con người và giữa con người với nhau, khởi xướng một sự sáng tạo mới được đặc trung bởi mối quan hệ đúng đắn.”[1]
Sự hy sinh mạng sống của Chúa
Giêsu được hiểu như là hành động của Ngài nhằm gánh chịu hình phạt của tội lỗi
thay cho nhân loại (Is 53, 5-6; Rm 5,8). Hành động này không chỉ minh chứng cho
tình yêu vô biên của Chúa đối với thụ tạo mà còn là phương tiện để các cá nhân
được tha thứ, được phục hồi sự ân sủng của Chúa và được đổi mới trong bản sắc
của họ như là những người mang hình ảnh của Chúa.
Hơn nữa, sự phục sinh của Chúa Giêsu từ cõi chết biểu thị chiến thắng trên tội lỗi và cái chết, khai mở một kỷ nguyên mới để những ai đặt niềm tin vào Ngài có thể trải nghiệm sự tái sinh và biến đổi tâm linh (1 Cr 15, 20-22). Công việc biến đổi của Chúa Thánh Thần trong các tín hữu tiếp tục quá trình khôi phục imago Dei, giúp cho họ trở nên giống hình ảnh của Thiên Chúa hơn (2 Cr 3,18).
Trong thực tế, missio Dei
vẫn đang còn tiếp diễn và mỗi Kitô hữu được mời gọi tham gia vào sứ mệnh của
Chúa trong công việc khôi phục và hòa giải. Điều này bao gồm việc loan báo Tin
Mừng về sự cứu rỗi và tha thứ qua Chúa Giêsu Kitô, thể hiện tình yêu và lòng từ
bi của Chúa thông qua các hành động nhân ái và công lý, và biểu thị các giá trị
của Vương quốc Chúa trong cuộc sống hằng ngày và trong các tương tác với người
khác.
Việc tham gia vào missio Dei không chỉ mang tính cá nhân mà còn bao gồm các khía cạnh cộng đồng. Khi các cá nhân được hòa giải với Chúa, họ cũng được hòa giải với nhau. Họ vượt qua các rào cản về chủng tộc, dân tộc, địa vị xã hội và quốc tịch (Gl 3,28). Hơn nữa, missio Dei mong đợi sự khôi phục cuối cùng của toàn bộ thụ tạo. Khi ấy vương quốc hòa bình, công lý và sự công chính của Chúa sẽ được thực hiện trọn vẹn (Kh 21,1-5).
Một khía cạnh thiết yếu của missio
Dei là vượt qua những chia rẽ vốn chia cắt con người. Sứ mệnh hòa giải của
Chúa Giêsu là một ví dụ mạnh mẽ. Ngài đã thách thức các rào cản do con người
tạo ra, tiếp cận những người bị coi là ngoài lề, bao gồm cả dân ngoại, người
Samari và những người bị gạt ra ngoài xã hội. Ngài nhấn mạnh tình yêu và lòng
từ bi như là nguyên tắc căn bản cho sự tương tác giữa con người. Sứ mệnh này
không dừng lại ở những hành động bác ái mang tính cá nhân, nhưng được hướng tới
việc xây dựng một thế giới công bằng và hòa bình hơn. Vì thế tất cả mọi người được
mời vào bàn tiệc của Chúa bất kể họ là ai hay có địa vị như thế nào. Bằng cách
theo gương của Chúa Giêsu về tình yêu, lòng hiếu khách và phá bỏ các rào cản,
Kitô hữu có thể tạo ra một thế giới phản ánh hòa bình và sự hiệp thông mà Chúa
mong muốn.
No comments:
Post a Comment