Thursday, February 24, 2022

Lời Nói Đầu (Sứ Vụ Của Giáo Hội Trong Kỷ Nguyên Kỹ Thuật Số)

 LM Anthony Lê Đức, SVD



 Trong cuộc đời của mỗi người đều có những cột mốc quan trọng đánh dấu những thay đổi lớn trong cuộc hành trình của chính mình. Riêng với tôi, năm 1994 là một thời điểm đáng nhớ, đó là năm tôi tốt nghiệp cấp III và bước vào đại học, bắt đầu cuộc sống tự lập xa mái ấm và sự chăm sóc của gia đình. Nhà tôi ở miền Nam California, còn trường Đại học California tại Berkeley (UC Berkeley) nơi tôi theo học thì ở vùng Vịnh San Francisco, miền Bắc của tiểu bang. Tuy không xa lắm, chỉ mất một tiếng đồng hồ đi máy bay, nhưng cũng đủ cho tôi cảm thấy như mình đang bước vào một cuộc sống và một thế giới hoàn toàn mới lạ so với những gì tôi đã từng trải nghiệm trước đây.

Vì là con út trong gia đình có nhiều anh chị em nên mãi đến khi vào đại học tôi mới lần đầu tiên tự đi chợ nấu cơm, tự mình tính toán chi phí sinh hoạt cho mỗi kỳ học để không bị thiếu hụt. Tôi vẫn nhớ khi lần đầu tiên nấu cơm, tôi phải gọi điện hỏi mẹ nên đổ bao nhiêu nước cho vừa. Khác với hầu hết các bạn sinh viên năm I, tôi không lưu trú trong ký túc xá của trường đại học, nhưng chọn thuê một căn hộ để ở chung với một người quen. Anh ấy là sinh viên năm thứ III, cũng là người gốc Việt đang theo học ngành Kỹ sư vi tính.

Cuộc sống tự lập của tôi không chỉ bao gồm những công việc mới mà tôi phải tự đảm trách hằng ngày, những kiến thức mới mà tôi được học trong môi trường đại học, hoặc những mối quan hệ mới mà tôi có được, mà còn liên quan rất nhiều đến việc tiếp cận với công nghệ kỹ thuật số ở các khía cạnh hoàn toàn mới lạ đối với tôi. Năm 1994, khi bước vào đại học cũng là lần đầu tiên tôi được sở hữu một tài khoản email do trường cấp riêng cho mỗi sinh viên. Qua địa chỉ email đó, tôi có thể liên lạc dễ dàng với các giáo sư, các bạn học cùng trường cũng như những người bạn đang học ở các trường đại học khác. Khi ở trường tôi có thể vào các thư viện hoặc các phòng vi tính để kiểm tra và gửi email đi đến những người thân quen. Khi ở căn hộ, tôi có thể dùng điện thoại bàn và modem để nối kết internet. Vì thế, việc liên lạc với người thân và bạn bè rất thuận lợi, giúp cho tôi có cái cảm giác “tuy xa mà gần,” nên không mấy nhớ nhà hay những người bạn cũ.

Năm 1994 cũng là một cột mốc quan trọng trong lịch sử của công nghệ internet, vì đó là thời điểm trình duyệt web Netscape Navigator được ra đời. Mặc dù Mạng lưới toàn cầu (World Wide Web) đã xuất hiện từ năm 1990, nhưng mãi đến cuối năm 1994 mới có một trình duyệt web được phổ biến rộng rãi với những công nghệ mới, nhờ đó mà việc duyệt web hiệu quả và thú vị hơn. Thời gian đầu, các sản phẩm của Netscape đã thống trị thị trường trình duyệt web tại Hoa Kỳ. Tuy nhiên, sau khi công ty Microsoft trình làng phần mềm Internet Explorer với những phát minh mới, Netscape bắt đầu mất đi thị phần và tiếp tục giảm dần khi thị trường trình duyệt web ngày càng cạnh tranh khốc liệt hơn do có nhiều sản phẩm mới ra đời. Đỉnh cao của Netscape là năm 1995, khi nó chiếm lĩnh 90% thị trường. Một số nhà xã hội học lấy năm 1995 là năm đầu tiên của thế hệ “Igen” (sinh từ năm 1995-2012) vì họ cho rằng sự ra đời của Netscape đã khởi đầu một kỷ nguyên mới với nhiều tác động mạnh mẽ trên đời sống, tính cách và tâm sinh lý của thế hệ sinh ra vào những năm đó, đặc biệt ở các quốc gia có ngành công nghệ phát triển.

Tôi không thuộc thế hệ sinh năm 1995, nhưng tôi đã làm quen với Netscape ngay khi nó được giới thiệu cho các cơ sở giáo dục trên toàn quốc. Thời gian đầu, phần mềm này cũng được công ty sản xuất cho người dùng tải miễn phí. Vì thế, mặc dù tôi theo học khoa Sinh học phân tử tế bào (Molecular Cell Biology), nhưng nhờ có người bạn ở cùng phòng học chuyên ngành Kỹ sư vi tính nên anh đã chỉ cho tôi cách sử dụng Netscape. Thậm chí anh ấy còn giúp tôi tạo một trang web cá nhân để tôi tự giới thiệu về mình. Kể từ đó, tôi đã nhanh chóng “nhập cư” vào thế giới mạng và ngày càng hòa nhập sâu hơn vào thế giới kỹ thuật số. Các sinh hoạt và mối tương quan của tôi ngày càng được định hình, hỗ trợ và duy trì bởi thứ công nghệ hiện đại và vô cùng hấp dẫn này.  

Vào những năm giữa thập niên 1990, lúc đó công nghệ kỹ thuật số đã đưa tôi đến với rất nhiều thứ mà trước đó tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ được trải nghiệm. Công nghệ thông tin và truyền thông đã tạo điều kiện cho tôi có thể tham gia vào nhiều cuộc thảo luận sôi nổi trên các diễn đàn newsgroup mà tôi quan tâm. Nó đã giới thiệu đến tôi nhiều cuốn sách cũng như tài liệu học tập quan trọng có sẵn trong thư viện của trường UC Berkeley hoặc ở các trường đại học khác trên toàn nước Mỹ. CNTT-TT cũng đã mang lại cho tôi nhiều mối tương quan thú vị với những người gặp gỡ trên mạng dù chúng tôi chưa bao giờ một lần nhìn thấy mặt nhau ở đời thực. Nhưng trên hết, công nghệ kỹ thuật số chính là công cụ đã đưa tôi đến với Dòng Truyền Giáo Ngôi Lời. Lần đầu tiên tôi biết đến Dòng Ngôi Lời là vào năm 1995, khi tôi đọc được một bài giới thiệu về Dòng trên diễn đàn soc.culture.vietnamese. Đây là một trong những hàng nghìn newsgroup được tạo nên để bàn thảo về mọi đề tài mà người ta quan tâm. Vốn là một người trẻ lớn lên tại Hoa Kỳ nhưng phần nào có “tâm hồn” Việt Nam nên tôi thường xuyên vào diễn đàn này để đọc các tin tức cũng như theo dõi và tham gia vào các đề tài được các thành viên bàn luận.

Nội dung của bài viết về Dòng Ngôi Lời trên diễn đàn soc.culture. vietnamese khi đó có đề cập đến một trường đại học tại bang Iowa, Hoa Kỳ đang có rất nhiều sinh viên người Việt Nam theo học. Bài viết mô tả, trên thực tế sinh viên gốc Việt chiếm phần đa số sinh viên của trường. Thông tin này khiến cho tôi khá bất ngờ và hiếu kỳ vì ở UC Berkeley cũng có nhiều sinh viên Việt Nam, nhưng chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong toàn bộ sinh viên của trường. Tôi quyết định gửi email đến văn phòng của trường để tìm hiểu thêm thông tin, không phải vì tôi có nhu cầu muốn chuyển nơi học, nhưng đơn giản vì muốn biết tại sao một trường đại học ở Mỹ mà lại có nhiều sinh viên Việt Nam đến như vậy.

Không lâu sau khi gửi email, tôi nhận được phản hồi từ văn phòng của trường. Người gửi điện thư xin địa chỉ để gửi các tài liệu về trường đến cho tôi qua đường bưu điện. Nhận được các tài liệu và sau khi đọc qua, tôi mới được biết đó không phải là một trường đại học thông thường, nhưng là một cơ sở chuyên đào tạo các chủng sinh thuộc một dòng tu có tên là Dòng Ngôi Lời (Society of the Divine Word). Sau này tìm hiểu thêm tôi cũng biết lý do trong trường đa số người theo học là người Việt vì vào thời điểm đó, Dòng Ngôi Lời tích cực tuyển ơn gọi trong cộng đồng Việt Nam, vốn có nhiều ơn gọi tu trì.

Ngoài việc gửi tài liệu về trường cho tôi thì Cha Gus Wall, linh mục đặc trách Văn phòng Ơn gọi của Dòng Ngôi Lời, cũng đã liên lạc và hẹn gặp tôi ở Berkeley để làm quen. Cha Gus mới trở lại Hoa Kỳ sau một thời gian truyền giáo tại Kenya và được bề trên bổ nhiệm phụ trách Văn phòng Ơn gọi. Sau khi nhận được email của tôi, ngài đã liên lạc và hẹn tới gặp tôi trong một chuyến đi đến California. Tôi sẵn sàng nhận lời và hẹn gặp ngài ở một quán cà phê gần trường mà tôi thường xuyên đến uống cà phê và học bài. Trong lần gặp gỡ đó, ngài đã chia sẻ cho tôi biết nhiều hơn về Dòng Ngôi Lời, sứ mạng và hoạt động của dòng trên thế giới cũng như linh đạo của dòng. Ngài cũng kể cho tôi nghe kinh nghiệm truyền giáo của ngài tại châu Phi. Mặc dù tôi rất ấn tượng và thích thú về những gì Cha Gus chia sẻ, nhưng tôi cũng thẳng thắn trình bày với ngài rằng, hiện tôi đang học năm thứ II đại học, khoa Sinh học phân tử tế bào. Người ta hay gọi khoa này là khoa “pre-med” (tiền y khoa) vì nó chuẩn bị sinh viên cho việc xin vào trường y sau khi tốt nghiệp. Kế hoạch của tôi (cũng như của gia đình tôi) là sau khi tốt nghiệp chương trình cử nhân, tôi sẽ xin vào trường y, làm những gì cần thiết để trở thành một bác sĩ y khoa trong tương lai. Trước những trình bày của tôi, Cha Gus không có những lời khuyên thay đổi kế hoạch hay chuyển hướng. Ngài khuyên tôi cầu nguyện, tìm hiểu thêm về những gì Chúa muốn cho tôi và hãy tiếp tục học theo chương trình mà tôi đã đề ra.

Tôi đã làm theo lời khuyên của Cha Gus. Tôi vẫn theo học khoa Sinh học phân tử tế bào, vẫn tham gia vào các hoạt động, đặc biệt là những thứ mà tôi nghĩ sẽ giúp cho đơn xin vào trường y của tôi nổi trội hơn. Ngoài ra, tôi còn đăng ký học thêm khoa thứ hai là Á châu học, một phần vì tôi thích thú với lĩnh vực này. Bởi lẽ, tôi tự nghĩ tốt nghiệp với hai bằng cử nhân sẽ giúp cho hồ sơ của tôi sáng giá hơn trong hàng nghìn bộ hồ sơ mà các trường y nhận được. Phần Cha Gus, ngài vẫn làm công việc của ngài được hội dòng đã trao phó. Ngài vẫn thực hiện các chuyến đi dài hàng ngàn cây số khắp các bang của nước Mỹ rộng lớn để gặp gỡ và đồng hành với những người trẻ đang tìm hiểu về ơn gọi của mình. Mỗi lần ngài có chuyến đi California, ngài lại gọi điện thoại lấy hẹn để đến thăm tôi. Tôi luôn gặp ngài ở một trong hàng chục quán cà phê gần trường để nói chuyện cho tự nhiên.

Mọi thứ cứ diễn ra như vậy suốt thời gian tôi theo học đại học. Đến kỳ học cuối trước khi tốt nghiệp, có lẽ vì sự kiên trì của Cha Gus và có lẽ một phần vì tôi không thực sự hứng thú với ngành y cũng như quá trình đầy căng thẳng để xin vào được một trường y; phần khác vì trong tôi có những thao thức hoài bão mới cho cuộc sống nên tôi quyết định thực hiện một việc là bỏ ra một cuối tuần để đi thăm ngôi trường mà đa số người theo học là người Việt Nam như từng được đăng trên mạng. Kết quả của chuyến đi bất ngờ đó là bây giờ tôi đã trở thành tu sĩ của Dòng Ngôi Lời với hơn 20 năm sống trong dòng và trải qua 15 năm truyền giáo tại Thái Lan. Mọi thứ dường như bắt đầu với một email được gửi đi vì sự hiếu kỳ, nhưng chính sự hiếu kỳ đó đã dẫn tôi tới một cuộc hành trình hoàn toàn khác với những gì tôi đã từng mường tượng về cuộc sống và tương lai của mình. Sau này, tôi cũng được cho biết rằng tôi là người đầu tiên liên lạc với Dòng Ngôi Lời tại Hoa Kỳ qua phương tiện email. Công nghệ này chính là cầu nối đưa tôi tới với ơn gọi truyền giáo, và nó cũng chính là một trong những phương tiện mà Dòng Ngôi Lời cũng như tất cả các hội dòng khác ngày nay đang sử dụng để quảng bá ơn gọi tu trì đến những người mang thao thức tìm cho mình một lối đi trong cuộc sống.

Công nghệ kỹ thuật số không chỉ đã đưa tôi đến với đời sống tu trì mà nó còn đóng vai trò quan trọng trong mục vụ truyền giáo của tôi suốt thời gian qua. Từ năm 2006 tôi bắt đầu viết blog để chia sẻ kinh nghiệm truyền giáo của mình. Năm 2010 tôi bắt đầu sử dụng truyền thông mạng xã hội khi nhận thấy nền tảng này bổ ích cho sứ vụ của mình tại Thái Lan. Bất kể trong mục vụ giáo xứ tại vùng quê ở Đông bắc Thái Lan, hay mục vụ di dân Việt Nam tại Bangkok, mạng xã hội đã trở nên một công cụ không thể thiếu để quảng bá sứ vụ, truyền tải các thông tin bổ ích cho cộng đồng, nối kết các tấm lòng với nhau và xây dựng tình tương thân tương ái giữa người với người. Nếu chia sẻ về hết những câu chuyện liên quan đến blog và mạng xã hội trong mục vụ truyền giáo suốt 15 năm qua, tôi có thể viết ra được thành nhiều tập sách dày hàng trăm trang.

Ở đây tôi không muốn làm mất thời giờ của độc giả với những trải nghiệm dài dòng, tôi chỉ muốn chia sẻ mục đích tại sao tôi thực hiện tập sách có tựa đề “Sứ vụ của Giáo hội trong kỷ nguyên kỹ thuật số” mà quý vị đang cầm trong tay. Từ đâu mà tôi có ý tưởng cho ra đời tập sách với những bài viết xoay quanh đề tài Công nghệ Thông tin và Truyền thông Kỹ thuật số. Nếu tôi chỉ là người luôn sử dụng CNTT-TT trong đời sống và trong công việc mục vụ thì chắc hẳn tôi cũng sẽ không khác bao nhiêu người trên thế giới ngày nay. Công nghệ kỹ thuật số đã trở thành một thứ không thể thiếu được trong cuộc sống hằng ngày vì nó đã đi vào mọi ngõ ngách của đời sống cá nhân và xã hội. Tuy nhiên, việc sử dụng một cái gì đó và việc bàn luận về nó một cách khoa học là hai hoạt động hoàn toàn khác nhau. Không phải cứ biết nói một ngôn ngữ nào đó là có thể dạy cho người khác cũng nói được ngôn ngữ đó, bởi vì việc sử dụng ngôn ngữ cách thành thạo và việc truyền đạt kiến thức cho người khác để họ cũng có thể nói, nghe, đọc và viết được đòi hỏi những kỹ năng khác nhau.

Lý do tôi thực hiện tập sách này bắt đầu từ năm 2014 khi tôi tình cờ gặp được Cha Franz-Josef Eilers, SVD – một chuyên gia kỳ cựu trong lĩnh vực truyền thông xã hội – tại một chương trình hội thảo được Tỉnh dòng Ngôi Lời Úc châu tổ chức tại Melbourne. Vốn là người Đức, nhưng Cha Eilers đã có thời gian dài giảng dạy trong Học viện Hoàng gia và Giáo hoàng Học viện Santo Tomas tại Philippines. Ngài cũng đã từng dạy học tại Đại học Giáo Hoàng Gregorian và Salesian tại Rôma, và có nhiều năm là thư ký Văn phòng Truyền thông Xã hội của Hội đồng Giám mục Á châu (FABC-OSC). Vào năm 1999, khi đang là thư ký của FABC-OSC, Cha Eilers đã thành lập Trung tâm Nghiên cứu Á châu về Tôn giáo và Truyền thông Xã hội (Asian Research Center for Religion and Social Communication - ARC) với mục đích cổ võ và phổ biến các công trình nghiên cứu và đối thoại liên tôn trong lĩnh vực tôn giáo và truyền thông xã hội tại Á châu. Thời gian đầu, ARC hoạt động như một phần của FABC-OSC; nhưng sau đó, Trung tâm đã được tách ra khỏi FABC-OSC và trở nên một tổ chức độc lập, có văn phòng tại trường Đại học St. John’s, Bangkok, Thái Lan và tại Manila, Philippines.

Trong cuộc hội thảo tại Úc, Cha Eilers được mời để thuyết trình về vai trò của truyền thông xã hội trong sứ mạng truyền giáo của Giáo hội ngày nay. Vào giờ giải lao của cuộc hội thảo, tôi tình cờ đứng gần ngài nên chào và bắt chuyện với ngài. Ngài cho tôi biết Trung tâm ARC đang chuẩn bị tổ chức một chương trình hội thảo tại Bangkok vào tháng 10/2014 về đề tài “Truyền thông Tôn giáo tại Á châu trong kỷ nguyên kỹ thuật số”. Ngài mời tôi tham gia hội thảo và thuyết trình vì tôi ở Bangkok nên thuận tiện đi lại. Tôi nhận lời mời của ngài nhưng cũng nói rằng, tôi không biết sẽ thuyết trình đề tài gì vì lĩnh vực truyền thông kỹ thuật số không thuộc chuyên môn của tôi. Tới thời điểm đó, hầu hết những gì tôi nghiên cứu chỉ xoay quanh lãnh vực đạo đức môi trường sinh thái trong các hệ thống tôn giáo. Luận án tiến sĩ của tôi với tựa đề “Theravada Buddhist Environmental Spirituality: Relational and Developmental Dimensions in Promoting Environmental Well-Being” (Các chiều kích tương quan và phát triển trong linh đạo về môi trường sinh thái trong Phật giáo Nam Tông) cũng rơi vào lãnh vực như đã nói trên mà tôi đặc biệt quan tâm và muốn dấn thân nghiên cứu.

Cha Eilers gợi ý cho tôi đề tài “Suy tư thần học trong bối cảnh kỹ thuật số”. Ngài nói đây là một đề tài rất mới, chưa có nhiều người nghiên cứu, nhưng lại chứa đựng nhiều điều cần phải được tìm hiểu trong thời đại mà công nghệ kỹ thuật số ngày càng thâm nhập vào mọi khía cạnh của đời sống con người – kể cả đời sống tâm linh. Tôi lại thêm bối rối khi nghe gợi ý của Cha Eilers vì chuyên môn của tôi không phải là Thần học mà là Tôn giáo học. Ngoài những môn thần học mà tôi từng học ở Catholic Theological Union (Chicago, IL, USA) trước khi chịu chức linh mục thì tôi chưa có gì chuyên sâu về thần học để có thể thuyết trình về đề tài này, đặc biệt là trong bối cảnh của công nghệ kỹ thuật số. Mặc dù rất do dự, nhưng vì không muốn từ chối lời mời của một vị linh mục và một chuyên gia đáng kính 82 tuổi, nên tôi hứa sẽ tìm hiểu thêm về đề tài mà Cha Eilers đưa ra.

Sau khi trở lại Thái Lan từ cuộc hội thảo tại Úc, tôi đã bắt đầu tìm đọc các tài liệu về truyền thông kỹ thuật số cũng như các tài liệu của Giáo hội về truyền thông xã hội, đặc biệt về truyền thông mới, nhằm tiếp thu thêm kiến thức về đề tài nghiên cứu. Sau một thời gian tìm hiểu và suy tư về đề tài tôn giáo trong bối cảnh công nghệ kỹ thuật số, tôi cảm thấy ngày càng quan tâm về những cơ hội và thách đố mà thực trạng mới đặt ra cho xã hội cũng như Giáo hội Công giáo. Càng đi sâu vào vấn đề tôi càng nhận ra những phát triển trong công nghệ kỹ thuật số không đơn thuần chỉ là những gì mang đến những thay đổi trong đời sống kinh tế - xã hội mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến tất cả các chiều kích của cuộc sống con người; tác động mạnh mẽ đến cách chúng ta tương quan với những người xung quanh, với môi trường, ngay cả đối với Thiên Chúa nữa.

Sau lần tham dự chương trình hội thảo quốc tế của ARC, tôi được Cha Eilers mời cộng tác lâu dài với Trung tâm trong vai trò là Phó giám đốc điều hành. Trong công việc mới, tôi có cơ hội tiếp xúc nhiều hơn với các chuyên gia đến từ các tôn giáo bạn. Qua các cuộc hội thảo và bài viết của các học giả từ Ấn giáo, Hồi giáo, Phật giáo, Kỳ Na giáo… tôi có thể nhận thấy những tác động trên các tôn giáo từ công nghệ kỹ thuật số là mối quan tâm lớn đối với tất cả các truyền thống tôn giáo trên thế giới, không chỉ riêng Kitô giáo. Từ ngày tôi được bổ nhiệm vào vị trí Tổng biên tập của Tạp chí học thuật “Tôn giáo và Truyền thông Xã hội” (Religion and Social Communication) thuộc Trung tâm ARC, các bài viết mà các tác giả gửi đến cho Ban biên tập cũng chứng minh rằng, đề tài tôn giáo và công nghệ kỹ thuật số tiếp tục chiếm rất nhiều thời gian và chất xám của những người làm công tác nghiên cứu hiện nay trên toàn cầu.

Tương lai của xã hội và Giáo hội trước sự tiến triển vô định của công nghệ hiện đại cũng đã trở thành một trong những đề tài mà tôi dành sự quan tâm lớn và nhiều thời gian để tìm hiểu trong những năm gần đây. Tập sách mà quý vị cầm trong tay bao gồm một số bài viết mà tôi đã thực hiện thời gian qua. Tất cả những bài viết trong sách đã được lược dịch và biên soạn lại từ những bài viết bằng tiếng Anh. Chương 1-3 được biên soạn lại từ một bài viết mà tôi đã cộng tác với hai linh mục Mi Shen (Trung Quốc) và Joshy Xavier, SJ (Ấn Độ) để thực hiện cho Ban Kỹ thuật số của Tổ chức Truyền thông Công giáo SIGNIS mà chúng tôi là thành viên của ban. Riêng những bài viết còn lại trong tập sách đã từng được phát hành trong các tạp chí học thuật hoặc các tập sách nghiên cứu chuyên đề đã được phát hành thời gian qua. Tuy nhiên, tôi đã cố gắng biên tập và chỉnh chữa lại sao cho phù hợp hơn với đối tượng độc giả người Việt Nam.

Như tôi đã chia sẻ ở trên, tôi lớn lên tại Hoa Kỳ nên khả năng tiếng Việt gặp nhiều hạn chế. Vì thế có được tập sách này, tôi đã phải nhờ vào sự giúp đỡ của một số linh mục và tu sĩ trong việc dịch thuật và chỉnh sửa bài viết. Tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc và chân thành đến tất cả những người đã hy sinh thời giờ và công sức hỗ trợ tôi trong quá trình thực hiện tập sách này. Đọc qua tựa đề của mỗi chương trong phần Mục lục, quý vị có thể dễ dàng nhận thấy các bài viết xoay quanh chủ đề của tập sách. Ngoài ra, các bài viết này có thể được xem như là những mảnh ghép trong rất nhiều mảnh ghép liên quan đến đề tài về Giáo hội và bối cảnh kỹ thuật số. Vì thế, tôi không dám khẳng định rằng những bài viết này đã khai thác và trình bày về chủ đề của tập sách một cách đầy đủ. Đúng hơn, những bài viết cho thấy rằng đề tài mà tập sách muốn tìm hiểu và bàn luận còn có quá nhiều điều cần được nghiên cứu, đào sâu suy tư và phân tích cặn kẽ hơn nữa.

Tôi đang viết những dòng chữ này vào những ngày cuối Mùa Vọng năm 2021, trong khi thế giới đang hoang mang vì có thêm biến chủng mới của vi-rút corona. Biến chủng mới với tên gọi Omicron xuất phát từ Nam Phi và hiện nay nó đã được phát hiện tại nhiều quốc gia trên thế giới. Vừa qua, Bộ Y tế Thái Lan thông báo đã có trường hợp nhiễm chủng mới đầu tiên tại nước này. Trước thông tin chủng Omicron đã du nhập đến đất nước nơi tôi đang phục vụ, tôi đón nhận sự việc này một cách bình thản, bởi lẽ tâm tình của Mùa Vọng đã giúp tôi trầm tĩnh hơn trước những biến cố trong cuộc sống. Mặt khác, có lẽ vì người ta chưa có bằng chứng rõ rệt cho thấy chủng mới này sẽ tàn phá nhiều hơn các chủng trước đây; hoặc cũng có thể mỗi ngày tôi nghiệm cảm ra rằng chữ “đại” trong thuật ngữ “đại dịch” phần nào phụ thuộc vào thái độ, tâm lý, và phản ứng của mỗi cá nhân và tập thể trước những gì đang diễn ra cho nhân loại. Nếu chúng ta bình tĩnh hơn trước những biến cố lớn nhỏ xảy đến mỗi ngày, dành thời giờ để suy tư và phân định về những sự việc ấy một cách có hệ thống, chắc hẳn chúng ta sẽ nhận ra tính chất của vấn đề một cách toàn diện hơn và biết tìm ra phương cách ứng phó khôn ngoan hơn.

Những thay đổi nhanh chóng trong khoa học công nghệ cũng đòi hỏi nơi chúng ta một thái độ bình thản để cân nhắc những cơ hội và thách đố cho đời sống vật chất cũng như tinh thần của mỗi người chúng ta. Đối với Giáo hội, các vị lãnh đạo, thần học gia và chuyên gia trong Hội Thánh cũng có trách nhiệm phải nhìn vào những biến chuyển trong xã hội như những dấu chỉ thời đại cần được tìm hiểu và phân định dưới ánh sáng của Tin Mừng, nhằm nắm bắt tất cả những cơ hội mà sự sáng tạo của trí tuệ con người mang đến cho chúng ta; đồng thời, đáp ứng một cách kịp thời và phù hợp với những thách đố mà Giáo hội phải đối phó trong kỷ nguyên mới.

 

Sách mới "Sứ vụ của Giáo hội trong kỷ nguyên kỹ thuật số" (2022)

Xin kính mời quý vị tham dự buổi ra mắt sách mới: 


 Về tập sách:

Kỷ nguyên kỹ thuật số với mức độ phát triển công nghệ vô cùng nhanh chóng đang tác động mạnh mẽ trên đời sống tôn giáo - xã hội - kinh tế - chính trị toàn cầu. Lối sống của con người và cách chúng ta tương quan với Thiên Chúa, với những người xung quanh và với môi trường thiên nhiên cũng chịu ảnh hưởng sâu sắc do sự thâm nhập của công nghệ số vào mọi ngõ ngách của cuộc sống. Những thay đổi to lớn này tạo ra nhiều cơ hội quý giá cho Giáo hội trong việc thi hành sứ vụ trong thời đại mới, nhưng đồng thời cũng đặt ra không ít thách đố cho Giáo hội. Các thành phần trong Hội Thánh không những phải biết cách tận dụng những quà tặng của Thiên Chúa một cách đúng đắn và hiệu quả, mà còn mạnh dạn cất lên tiếng nói ngôn sứ trước những xu hướng phát triển và sử dụng công nghệ phản lại với các giá trị của Tin Mừng.

     Tập sách này bàn luận về một số đề tài quan trọng liên quan đến sứ vụ của Giáo hội trong kỷ nguyên mới, đặc biệt các hoạt động mục vụ giáo dân, suy tư thần học, đối thoại liên tôn, giao thoa văn hóa, và truyền thông xã hội. Các bài viết với những suy tư và phân tích mang tính học thuật là kết quả của quá trình nghiên cứu của tác giả từ các văn kiện của Giáo hội, các công trình nghiên cứu quốc tế, các tài liệu thời sự, và kinh nghiệm cá nhân trong công việc nghiên cứu, giảng dạy và làm mục vụ truyền giáo trên 15 năm qua.



Sunday, February 20, 2022

Hội thảo trực tuyến đề tài "Đường hướng mục vụ hậu đại dịch Covid-19"

XIN KÍNH MỜI QUÝ VỊ THAM DỰ TRỰC TUYẾN BUỔI HỘI THẢO ĐỀ TÀI "ĐƯỜNG HƯỚNG MỤC VỤ HẬU ĐẠI DỊCH COVID-19"
Ngày thứ sáu, 4 tháng 3 năm 2022 (15g00 - giờ Việt Nam)


 

Tuesday, February 15, 2022

New book to be published "Ecclesiology for a Digital Church"

 






The book is available on Amazon

My Contribution:

The Church’s Online Presence and Ecclesial Communion: Virtual or Real?

Summary: The Covid-19 pandemic forced church leaders to intensify the use of digital information and communication technology in order to be present to and maintain communion with the faithful and beyond. In light of this unprecedented incorporation of ICT in the life of the church brought about by the pandemic, there needs to be a more insightful understanding of the nature and quality of this digitally mediated presence. A deeper appreciation of online presence will be beneficial to the post-pandemic church as it navigates between the digital and analog spaces in order to carry out the mission of evangelization.