Wednesday, June 23, 2021

Hướng đến Thần học mạng: Thần học trong bối cảnh kỹ thuật số (Phần IV - hết)

 Tác giả: LM Anthony Lê Đức, SVD


Tương quan liên vị trong thời đại kỹ thuật số


Kể từ khi loại hình Web 2.0 ra đời, người dùng được trải nghiệm chuyển đổi từ việc xem thông tin cách thụ động sang việc tạo nội dung, tương tác và cộng tác với những người dùng khác,[1] không chỉ tập trung nhận hoặc trao đổi thông tin nhưng hướng đến tương quan nhân bản. Không giống các trang web truyền thống dựa trên chữ, trong đó các nhóm tin tức, danh sách thư từ không làm nổi bật được khía cạnh tương quan của người dùng, các mạng xã hội nhắm đến việc đặt mối tương quan ở trung tâm. Trong mô hình mới này, khái niệm sự hiện diện (presence) được thay bằng kết nối (connection) hay kết nối hỗ tương (interconnection). Nếu không có sự kết nối hỗ tương giữa chúng ta và người khác trên internet, chúng ta chỉ là những thực thể đơn lẻ trên không gian mạng. Thật ra trên Facebook, người dùng có tùy chọn hoặc trở thành “bạn bè” của người khác nếu người đó có trang cá nhân (profile page), hoặc trở thành “người hâm mộ” của ai đó nếu họ có “fan page”. Mặc dù Facebook, Tiktok và WeChat thuộc nhóm những mạng xã hội phổ biến nhất hiện nay, vẫn có hàng trăm mạng xã hội khác được xây dựng để đáp ứng các mục đích, sở thích và văn hóa khác nhau…[2]

Dẫu rằng mô hình web mới nhấn mạnh đến tương quan, nhưng các tương quan trong môi trường này luôn luôn bị giới hạn vì tính đa chiều của các tương quan luôn bị “san phẳng” cách nào đó bởi bản chất của công nghệ. Hệ quả là trên Facebook, bạn cùng lớp, ông bà, cha xứ ở ngoài đời thực cũng như những người ở một thế giới mà bạn chưa gặp bao giờ cũng đều bị thu gọn trong một danh mục “bạn bè”. Còn trên Twitter, tất cả những người bạn nối kết đều là “người theo dõi” của bạn. Cách nào đó những từ ngữ này không chỉ bỏ qua bản chất thực sự của mối tương quan giữa bạn và một người nào đó cụ thể nối kết với bạn, nhưng chúng còn làm sai lệch ý nghĩa của từ “bạn bè” hay “người theo dõi”. Theo Brett McCraken, trong thế giới Facebook, người ta chọn “bạn bè” như một thứ đồ sưu tầm để xây dựng hình ảnh và vị thế xã hội của chính mình. Người ta “kết bạn” trên Facebook hay “theo dõi” ai đó trên Twitter với chủ đích và theo chiến lược, và chúng ta đăng gì đó lên tường của họ hay gắn thẻ họ trong một bài đăng để công khai hóa mối tương quan đó cho mọi người đều biết.[3]

McCraken khẳng định rằng cách người ta đưa các mối tương quan công khai lên thế giới trực tuyến, chia sẻ rộng rãi những thông tin đáng lẽ nên giữ “nội bộ”, và quản lý vi mô các mối tương quan xã hội bằng các bài đăng trên tường của mình hay trạng thái của người khác tạo nên những hành động giả tạo, “mang tính biểu diễn”, làm giảm giá trị các mối tương quan.[4] Đức Thánh Cha Biển Đức cảnh báo trong Sứ điệp ngày Thế giới Truyền thông năm 2009: “Tình bạn đích thực là một trong những điều tốt đẹp nhất mà con người được trải nghiệm. Vì thế cần phải cẩn trọng, đừng bao giờ tầm thường hóa khái niệm hay kinh nghiệm về tình bạn.”[5] Cũng trong sứ điệp ấy, Đức Thánh Cha nhắc đến nguy cơ đầu tư thời gian và năng lực vào những mối quan hệ trực tuyến trong khi quên sót việc nuôi dưỡng các mối tương quan khác trong đời sống:

Thật đáng buồn nếu cái giá phải trả để duy trì và phát triển tình bạn trực tuyến lại là hy sinh sự gắn kết với gia đình, láng giềng và những người chúng ta gặp gỡ trong đời thường, nơi chúng ta làm việc, học hành và giải trí. Nếu bị ám ảnh bởi ước muốn kết nối ảo, người ta có thể cô lập chính mình khỏi những tương tác xã hội thực sự, đồng thời làm xáo trộn thời gian nghỉ ngơi, thinh lặng và suy tư cần thiết cho sự phát triển nhân bản cách lành mạnh.[6]

Quan điểm này dựa trên tư tưởng rằng việc nuôi dưỡng các mối tương quan thực sự cần đến chiều kích tiếp xúc cá nhân và thể lý mà không gian mạng không thể cung cấp. Cả Đức Thánh Cha Biển Đức XVI và vị tiền nhiệm của ngài là Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đều nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc tiếp xúc trực tiếp giữa con người trong mối tương quan hàng ngày, như đề cập trong các sứ điệp ngày Thế giới truyền thông của các ngài.[7] Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nhận định: “Các mối tương quan qua trung gian điện tử không bao giờ có thể thay thế sự tiếp xúc trực tiếp giữa người với người.”[8]

Bất chấp những giới hạn của các mối tương quan qua web, thực tế và sự phổ biến của các tương quan đó mời gọi chúng ta không loại bỏ chúng hoàn toàn, nhưng cố gắng nhận biết sự tồn tại của chúng, cũng như tìm cách mở rộng những phạm vi hiện tại để thấu hiểu ý nghĩa đích thực của việc xây dựng mối tương quan với người khác cũng như gọi ai đó là người thân cận của mình. Mặc dù ba vị Giáo hoàng gần nhất đều mời gọi cảnh giác với các mối quan hệ trực tuyến, tất cả ba vị đều hiểu rõ hoàn cảnh thực tế cũng như những cơ hội do những tương quan này có thể tạo ra. Đức Thánh Cha Biển Đức khẳng định rằng hình thức “chuyển tải thông tin và kiến thức này làm nảy sinh cách thức mới để học hỏi và tư duy, với những cơ hội bất ngờ để thiết lập các tương quan và xây dựng tình bằng hữu.”[9] Nó không chỉ tạo điều kiện cho người ta đến với nhau, nhưng còn hỗ trợ việc loan báo Tin Mừng. Đức Thánh Cha Biển Đức kêu gọi các linh mục đang đứng “trước ngưỡng cửa của thời đại mới khi những công nghệ mới tạo ra các hình thức tương quan sâu xa hơn và vượt qua những khoảnh cách lớn hơn, hãy đáp ứng mục vụ bằng cách sử dụng truyền thông cách hữu hiệu hơn bao giờ hết cho việc phục vụ Lời Chúa.”[10]

Từ một góc nhìn cởi mở, chúng ta có thể nhận ra rằng các tương quan trực tuyến không luôn có nghĩa là ước muốn thoát khỏi những mối tương quan thực sự của đời sống, nhưng là một cách tượng trưng cho khát vọng sâu xa của con người là được giao tiếp với người khác. Các ứng dụng internet đa dạng giúp mọi người tham gia xây dựng các mối tương quan, chia sẻ thông tin, trao đổi ý tưởng, tạo ra các hình thức giải trí mới có thể nói được là phản ánh khát vọng nối kết có gốc rễ sâu xa trong tâm hồn con người.[11] Chúng cũng thể hiện nhu cầu mở lòng ra với người khác và tìm sự hiệp thông với họ, một hành động giúp hoàn thành nhân tính của chúng ta.[12] Thời đại kỹ thuật số và các loại tương quan có thể xây dựng trong môi trường này buộc chúng ta tái duyệt xét và định nghĩa thế nào là một người bạn và thân cận.

Dụ ngôn về người Samari nhân hậu của Chúa Giêsu cho chúng ta thấy rằng việc xem ai là người thân cận không dựa trên chủng tộc hay địa vị xã hội, nhưng dựa trên sự sẵn lòng của chúng ta trước người khác. Trong dụ ngôn, một người Do Thái bị tấn công và bị cướp trên đường từ Giêrusalem đi Giêricô. Mặc dù anh ta nằm dở sống dở chết bên vệ đường, cả thầy tư tế và Lêvi đều đi ngang qua mà không đoái hoài. Cuối cùng, một người Samari tình cờ đi ngang qua chỗ nạn nhân và đã cung cấp sự chăm sóc cần thiết nhằm cứu nạn nhân khỏi nguy kịch. Trong xã hội Do Thái, người Samari bị coi thường và tương quan với họ là điều cấm kỵ, trong khi đó các thầy tư tế và Lêvi lại được rất kính trọng, người có học thức và quyền lực. Tuy nhiên, trong dụ ngôn, họ đã thất bại trong việc giúp đồng loại của mình, còn người Samari lại biểu tỏ được lòng trắc ẩn và thương xót với nạn nhân, vượt xa những gì người ta mong đợi nơi anh.

Dụ ngôn người Samari nhân hậu trình bày một mô hình tương quan không bị giới hạn bởi những biên giới nhân tạo do các chuẩn mực văn hóa, xã hội, đạo đức hay tôn giáo áp đặt. Hơn nữa, dụ ngôn ấy còn nhấn mạnh đến những khả năng tạo tương quan của một con tim thấm nhuần lòng bác ái, trắc ẩn và xót thương. Mặc dù câu chuyện được Chúa Giêsu kể từ hai thiên niên kỷ trước, mô hình tương quan mà Ngài đề nghị vẫn không mất đi giá trị của nó qua mọi thời đại, bao gồm cả thời đại kỹ thuật số hiện nay. Nếu có khác thì chỉ là thời đại kỹ thuật số với những cơ hội và giới hạn có thể giúp chúng ta suy nghĩ về mô hình tương quan trong những cách thế mới. Không gian mạng là nơi mọi người trên thế giới với các bối cảnh văn hóa, tôn giáo và xã hội đa dạng có thể đến với nhau và tham gia vào sự trao đổi và chia sẻ hỗ tương; việc xây dựng rộng rãi các mối tương quan trên mạng cũng có thể biện minh cho lập luận rằng, nhu cầu hiệp thông của con người có khả năng và buộc phải vượt qua mọi trở ngại. Nếu tương quan không nên bị giới hạn bởi yếu tố văn hóa, giới tính hay xã hội thì chúng cũng không nên bị kìm hãm bởi khoảng cách dù là vật lý hay kỹ thuật số.

Thời đại kỹ thuật số làm nổi bật mong muốn có người thân cận dù ở bất cứ tuổi nào. Có một số người cho rằng bận tâm với các mối tương quan trực tuyến cản trở chúng ta tìm hiểu về những người sống trong cùng khu phố và ngay cả người đang sống cạnh nhà chúng ta. Tuy nhiên, cũng cần phải đặt câu hỏi: Liệu mối bận tâm với tương quan trực tuyến là nguyên do gây ra khoảng cách với người hàng xóm bên cạnh, hay đó chỉ là kết quả phản ánh về một xã hội mà có nhiều người không hay biết tên người hàng xóm dù đã sống nhiều năm bên cạnh họ? Và vì thế người ta buộc phải đi tìm mối tương quan ở môi trường khác để thay thế cái mà người ta không tìm ra được trong không gian vậy lý?

Đây là vấn đề được gọi là “con gà và quả trứng” – cái nào có trước? Vào những năm cuối của thập kỷ vừa qua, các ứng dụng mạng xã hội dựa trên vị trí Foursquare và Gowalla đã được phát hành. Foursquare là một ứng dụng thông qua mô tả của chính người dùng về sở thích và những nơi thường lui tới cũng như phản hồi của người dùng khác để đưa ra đề xuất về các địa điểm trong khu vực hiện hành.[13] Gowalla, ra đời năm 2007 và đóng lại năm 2012, là một ứng dụng cho phép người dùng check-in những địa điểm mà họ đến.[14] Gowalla sau đó đã được Facebook mua lại,[15] và từ khi đó chức năng check-in đã trở thành một trong những chức năng thịnh hành nhất của Facebook. Việc check-in trên mạng xã hội tiết lộ rõ ràng cho tất cả “bạn bè” của bạn biết sự hiện diện của bạn ở một địa điểm cụ thể, tạo điều kiện cho những cuộc gặp gỡ trực tuyến và cả thể lý nữa.[16] Do đó, việc check-in có thể giúp những người bị xa cách về địa lý hay thiếu thông tin đến với nhau để cùng uống cà phê, xem phim hay hẹn hò nữa. Antonio Spadaro đặt vấn đề: “Cái gì khiến cho người ta liên tục xâm phạm quyền riêng tư của mình để đưa thông tin về sự di chuyển của mình lên thế giới kỹ thuật số của họ?”[17] Spadaro tự trả lời: “Dĩ nhiên điều này diễn tả ước muốn gần gũi, một ước muốn đem thế giới các mối tương quan của chính mình lên mức độ tiếp xúc thực sự” (tác giả thêm chữ in nghiêng).[18] Thật vậy, các ứng dụng mạng xã hội khai thác chức năng định vị và check-in cho thấy rằng trong nền văn hóa đương đại, mong muốn sâu xa có những tương quan ý nghĩa và hiệp thông với người khác tiếp tục định hướng cho sự phát triển công nghệ. Cách nào đó, những tiến bộ kỹ thuật này giúp chúng ta đương đầu với và bù đắp cho thực trạng ngày càng khó tìm được cơ hội để dừng lại trước sân nói chuyện với người hàng xóm hay quy tụ bạn bè, gia đình thường xuyên sau giờ làm việc hay vào dịp cuối tuần.

Mô hình tương quan trong dụ ngôn người Samari nhân hậu nhắc nhớ một điều quan trọng là trở nên người thân cận đòi chúng phải hành xử cách thân cận. Trở nên thân cận rõ ràng là nói về một điều sâu xa hơn là sự gần gũi về mặt thể lý hay sự tham gia vào các cuộc tiếp xúc trực tiếp. Nó nói đến cách người ta đối xử với nhau, đặc biệt trong lúc khó khăn hoạn nạn. Môi trường kỹ thuật số không chỉ giúp chúng ta có thể giữ liên lạc với nhiều người hơn trong xã hội truyền thống, mà còn biết nhiều hơn về đời sống của biết bao người trên thế giới. Thuật ngữ “từ thiện lan truyền” (viral philanthropy) hay “bác ái lan truyền” (viral charity) ra đời trong thời đại internet để mô tả những sáng kiến bác ái trên thế giới trực tuyến, dù có kế hoạch hay tự phát, đã quyên góp được những số tiền khổng lồ cho cá nhân và nhóm người, đôi khi hơn rất nhiều so với mục tiêu ban đầu của kế hoạch. Trong đại dịch virus corona, một khách hàng của cà phê Starbucks ở San Diego, California cố tình hạ nhục nhân viên pha chế tên là Lenin Gutierrez trên tài khoản Facebook sau khi anh ta từ chối phục vụ cô vì cô không đeo khẩu trang theo quy định của công ty. Bài đăng của cô ấy đã thu hút hàng trăm ngàn lượt bình luận, nhưng hầu hết để bảo vệ Gutierrez. Cùng lúc đó, vào ngày 22/06/2020, một cư dân mạng tên là Matt Cowan thuộc Irvine, California, người không biết nhân viên pha chế kia, đã quyết định lập một hộp tiền thưởng trên trang mạng xã hội GoFundMe với tiêu đề “Thưởng cho Lenin đã đấu tranh với San Diego Karen."[19] Dù ý định ban đầu là quyên góp số tiền thưởng 1,000 USD, nhưng số tiền thu được cho đến ngày 20/08/2020 lại lên đến 105,000 USD.[20] Nhận được sự hỗ trợ đầy bất ngờ từ những người hoàn toàn xa lạ, Gutierrez vô cùng biết ơn. Trong một video đăng trực tuyến, nhân viên pha chế trẻ tuổi cho biết anh sẽ dùng số tiền đó để thực hiện ước mơ trở thành một vũ công và dạy múa cho các trẻ em. Sự việc kể trên xem ra đáng ngạc nhiên, tuy nhiên, trong thời đại mạng xã hội, sự việc các chiến dịch từ thiện bất ngờ lan truyền, thu góp được số tiền khổng lồ cho cá nhân và tổ chức ngày nay khá phổ biến.

Trong khi thời đại kỹ thuật số chứng minh sức mạnh và khả năng của tình làng nghĩa xóm, nó vẫn chưa thể đáp ứng mô hình tương quan mà Chúa Giêsu đặt ra. Trong dụ ngôn, trước khi người Samari trả tiền nhà trọ cho nạn nhân giúp anh phục hồi, thì câu chuyện cho chúng ta biết rằng người Samari “đã nhìn thấy nạn nhân và động lòng trắc ẩn. Người đó lại gần, băng bó những vết thương, xức dầu và rượu, rồi đỡ nạn nhân lên lừa của mình, đưa về quán trọ săn sóc.”[21] Từ hành động của người Samari nhân hậu, chúng ta nhận ra rằng việc thực hiện hành động mang tính thân cận có ý nghĩa sâu xa hơn đơn thuần việc bỏ tiền ra để trợ giúp người túng thiếu. Chiếu theo những gì người Samari nhân hậu đã làm, rõ ràng tiền bạc không được xếp đầu tiên trong hệ thống thứ tự. Trở nên thân cận trong mô hình của Chúa Giêsu nghĩa là nhận biết sự hiện diện của ai đó, là nhìn thấy nỗi đau khổ của họ, là động lòng thương với họ. Hơn nữa, nó đòi hỏi cả chiều kích thể lý, như trong dụ ngôn thể hiện qua những hành động đến gần, băng bó vết thương, xức dầu và rượu, đỡ nạn nhân lên lừa và đem về quán trọ. Những hành động cụ thể, gần gũi và trực tiếp này ngụ ý rằng những tương quan đích thực đòi hỏi các khía cạnh thể hiện khác ngoài các khía cạnh như tình cảm và tinh thần. Theo Đức Thánh Cha Phanxicô, hình ảnh của người Samari chăm sóc người bị thương đã biểu lộ được ý nghĩa thực sự của tình thân.[22] Đức Thánh Cha Biển Đức nhắc chúng ta “Luôn luôn phải nhớ rằng tiếp xúc ảo không thể và không được thay thế việc tiếp xúc trực tiếp giữa người với người ở mọi cấp độ của đời sống.”[23] Bởi lẽ chỉ trong giao tiếp trực tiếp, con người mới xức dầu và rượu lên được vết thương của người khác, như trong trường hợp người Samari nhân hậu và nạn nhân người Do Thái, hay mới có thể rửa chân cho người khác như Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ trong Bữa Tiệc Ly. Sự nối kết tình cảm và tinh thần giữa các cá nhân trong môi trường kỹ thuật số phải được bổ xung, cụ thể hóa và hiện thực hóa qua những biểu lộ diễn ra trong không gian thể lý.

Như chúng ta thấy, mặc dù môi trường kỹ thuật số đem lại những khía cạnh mới cho các tương quan liên vị, chúng vẫn có những giới hạn trong việc thể hiện các tương quan đó trong đời sống thực tế. Hơn nữa, khi các tương quan phụ thuộc nhiều vào sự phát triển của công nghệ và khả năng của con người được tiếp cận với nó, thì sẽ luôn luôn có nguy cơ sự tiếp cận ấy không được bình đẳng, dẫn đến chênh lệch giàu nghèo. Trong kỷ nguyên kỹ thuật số này, sự chênh lệch trong việc tiếp cận được gọi là “khoảng cách kỹ thuật số”, là một vấn đề thực tế trên thế giới cũng như tại Á châu. Người ta ước tính đến tháng 07/2020, số người dùng internet trên thế giới là 4,7 tỷ, chiếm 59% dân số toàn cầu. Tuy nhiên vẫn còn có 41% dân số thế giới không tiếp cận được internet.[24] Những lý do dẫn đến thiếu tiếp cận internet bao gồm thiếu phủ sóng 4G, không thể trả phí dịch vụ, không có nội dung bằng ngôn ngữ mà người dùng có thể hiểu được. Khoảng cách kỹ thuật số dễ thấy trong bối cảnh châu Á. Trong khi Hàn Quốc, Brunei và Nhật Bản có tỷ lệ người dùng internet lần lượt là 96%, 95,3% và 93,8%, dẫn đầu cả ở châu Á lẫn thế giới, thì Bắc Hàn có tỷ lệ chỉ khoảng 0,1%. Afghanistan và Turmenistan có tỷ lệ người dùng internet là 18,8% và 20,9%.[25] Trong khi Singapore xếp thứ hai trên thế giới về Chỉ số sẵn sàng kết nối (NRI), Yemen lại xếp cuối danh sách. Pakistan, Nepal, Campuchia và Lào thuộc số 20 nước có điểm số NRI thấp nhất.[26] Không chỉ có khoảng cách kỹ thuật số trong dân chúng nói chung, còn có khoảng cách lớn liên quan đến giới tính. Tại châu Á, tỷ lệ nam giới truy cập internet là 54,6% vượt nữ giới chỉ có 41,3%.[27] Khoảng cách kỹ thuật số theo giới tính không được cải thiện, mà còn tệ hơn trong những năm vừa qua. Theo Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU), từ 2013 – 2017, sự chênh lệch tăng từ 17% lên 24%. Indonesia, một trong các quốc gia thành viên ASEAN, có độ chênh lệch kỹ thuật số về giới tính cao nhất trong khối kinh tế APEC.[28] Độ chênh lệch này không chỉ do nghèo đói nhưng còn vì thái độ và hạn chế mang tính thể chế và văn hóa – xã hội gây cản trở người nữ tiếp cận và truy cập internet.

Những con số thống kê nêu trên cho thấy rằng các tương quan liên vị được hình thành và duy trì bằng công nghệ kỹ thuật số có liên quan đến công bằng xã hội, vì khoảng cách trong xã hội được thể hiện dưới hình thức mới – sự khác biệt giữa người có điều kiện và không có điều kiện để tiếp cận với công nghệ. Khoảng cách kỹ thuật số là khoảng cách giữa “giàu thông tin” và “nghèo thông tin”. Do đó, nếu công nghệ là trung gian đầu tiên cho các tương quan liên vị của chúng ta, thì rất có thể chúng ta chỉ tương tác với những người có tình trạng tương tự về xã hội và công nghệ như chúng ta. Những người “nghèo kỹ thuật số” trở thành những người ở đâu đó mà chúng ta có lẽ chỉ biết qua các bản báo cáo hay tin tức, nhưng không có cơ hội để biết về họ cách cá vị sâu xa hơn. Vì vậy, khoảng cách kỹ thuật số cản trở tiềm năng đưa mọi người thuộc mọi bối cảnh lại gần nhau của internet, nhất là ở lục địa Á châu.



Kết luận

Bài viết này đào sâu hai khía cạnh cơ bản của thần học mạng ngang qua phần thảo luận về tương quan của con người với Chúa, với anh em đồng loại, và những tương quan này được thông tri và biến đổi thế nào trong môi trường kỹ thuật số. Những nội dung này cho thấy internet và thần học mạng tạo điều kiện nhận thức về sự hiện diện của Thiên Chúa theo nghĩa ẩn dụ, không giới hạn Ngài trong thời gian lẫn không gian. Trong khi khoa học với những khám phá về thời gian và không gian dường như loại trừ khả năng có thiên đàng như một nơi chốn xa xôi nào đó và khiến cho tín ngưỡng bình dân trở nên phi lý, thì công nghệ mới với không gian mạng được tạo ra bởi những con số không đụng chạm được, lại cho chúng ta thấy rằng sự hiện diện là có thể xảy ra, ngay cả khi không có những tính chất vật lý theo yêu cầu của khoa học truyền thống. Hình ảnh về Thiên Chúa trở nên phong phú hơn cho những người mong muốn tìm hiểu về Ngài, bởi lẽ nhận thức về Chúa thế nào không nhất thiết được truyền lại từ một nguồn tài liệu chính thức duy nhất của Giáo hội hay được viết ra theo phương pháp sư phạm của một mục tử duy nhất, nhưng đến từ vô số nguồn chính thống lẫn không chính thống. Thêm vào ảnh hưởng từ các dung mạo truyền thống, nhận thức của một người về Chúa và mối tương quan với Ngài có thể chịu ảnh hưởng bởi các bài viết của những thần học gia chuyên môn và cả người viết blog nghiệp dư, các bài đăng của Đức Giáo Hoàng trên Twitter cũng như chứng từ của một người bạn trên truyền thông xã hội. Giống như kỷ nguyên kỹ thuật số xác nhận thực tế rằng Thiên Chúa không bị giới hạn trong bất cứ lãnh vực cụ thể nào, nó cũng làm cho việc đóng khung Chúa trong bất kỳ tín điều hay học thuyết cụ thể nào trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Tương tự như các biên giới bao quanh Chúa, dù là thực hay tưởng tượng, đã được loại bỏ thế nào bởi môi trường kỹ thuật số, các biên giới truyền thống quanh các mối tương quan liên vị cũng được biến đổi. Trong khi mô hình của Chúa Giêsu về người thân cận không bị bất cứ phương tiện nào loại bỏ, thì thời đại kỹ thuật số cho chúng ta thấy tình thân không chỉ vượt trên điều kiện xã hội, văn hóa và tôn giáo, nhưng còn siêu vượt cả không gian vật lý và tự thể hiện trên không gian mạng bằng những cách rất chân thực và ý nghĩa. Không thể phủ nhận rằng những tương quan liên vị được nuôi dưỡng thực sự cần phải có một số mức độ biểu hiện. Như đã được chứng minh, khi được sử dụng cách nghèo nàn, môi trường kỹ thuật số sẽ cô lập con người và tạo ra một hình thức thoát ly; còn nếu được sử dụng cách khôn ngoan, nó lại trở thành những công cụ vô cùng hữu hiệu cho con người thực hiện ước vọng sâu xa nhất là được hiệp thông với người khác.

Đối với người dân trong bối cảnh châu Á, môi trường kỹ thuật số có tiềm năng tác động đến mối tương quan của họ với Thiên Chúa và với người khác cách sâu xa. Là thành phần tôn giáo thiểu số trong lục địa rộng lớn của các tôn giáo lớn trên thế giới, sống chung với những người thuộc các tín ngưỡng khác, việc tìm hiểu về Chúa và nhận thức về Ngài của người châu Á sẽ được phong phú hóa nhờ những gì internet cung cấp, thêm vào những điều kiện hiện nay hình thành nên niềm tin và tâm linh của họ. Tuy nhiên, người châu Á phải nỗ lực để vượt qua thách đố về khoảng cách kỹ thuật số đang tách biệt người giàu – người nghèo, nam và nữ có nguy cơ làm mất đi tiềm năng của những tương quan liên vị. Thay vì giúp xóa bỏ những biên giới đang tồn tại giữa các cá nhân, khoảng cách kỹ thuật số có thể lại trở thành một hình thức khác làm người ta xa cách nhau.

Việc suy tư về những khía cạnh thần học đa dạng có nguồn cảm hứng và gắn liền với kỷ nguyên kỹ thuật số còn là một nhiệm vụ khá mới, nó sẽ phát triển khi thế hệ các thần học gia mới là “những người nhập cư kỹ thuật số”, và đặc biệt là những “cư dân kỹ thuật số” suy tư sâu xa hơn về ý nghĩa thần học của môi trường kỹ thuật số thay đổi không ngừng. Dù vậy, nghiên cứu này đã cố gắng góp phần vào tiến trình suy tư có hệ thống khi xem xét môi trường kỹ thuật số do công nghệ tạo ra đã tích hợp vào đời sống con người ra sao, từ đó kêu gọi và cổ võ cho nỗ lực hình thành nền thần học mạng hoặc điều gì đó tương tự.



HẾT

[1] Thuật ngữ Web 2.0 được Tim O'Reilly và Dale Dougherty đưa ra tại Hội nghị O'Reilly Media năm 2004. Những điển hình của Web 2.0 là mạng xã hội, blog, wiki, folksonomies, web chia sẻ video, các dịch vụ lưu trữ, các ứng dụng Web  mashup

[2] Wikipedia cung cấp một danh sách vô tận những mạng xã hội đang hiện hành hoặc không còn tồn tại trên toàn thế giới, https://en.wikipedia.org/wiki/List_of_social_networking_trang webs.

[3] Brett McCraken, “The Separation of Church and Status: How Online Social Networking Helps and Hurts the Church,” Princeton Theological Review 17, No. 2 (2010): 26

[4] Ibid., 27

[5] Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, “Sứ điệp ngày Thế giới Truyền thông 2009,” http://w2.vatican.va/content/benedict-xvi/en/messages/communications/documents/hf_ben-xvi_mes_20090124_43rd-world-communications-day.pdf.

[6] Ibid.

[7] Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, “Sứ điệp ngày Thế giới Truyền thông 2011,” https://w2.vatican.va/content/benedict-xvi/en/messages/communications/documents/hf_ben-xvi_mes_20110124_45th-world-communications-day.html.

[8] Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, “Sứ điệp ngày Thế giới Truyền thông 2002,” http://w2.vatican.va/content/john-paul-ii/en/messages/communications/documents/hf_jp-ii_mes_20020122_world-communications-day.html.

[9] Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, “Sứ điệp ngày Thế giới Truyền thông 2011.”

[10] Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, “Sứ điệp ngày Thế giới Truyền thông 2010,” https://w2.vatican.va/content/benedict-xvi/en/messages/communications/documents/hf_ben-xvi_mes_20100124_44th-world-communications-day.html.

[11] Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, “Sứ điệp ngày Thế giới Truyền thông 2013.”

[12] Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, “Sứ điệp ngày Thế giới Truyền thông 2009.”

[13] Wikipedia, “Foursquare,” https://en.wikipedia.org/wiki/Foursquare.

[14] Wikipedia, “Gowalla,” https://en.wikipedia.org/wiki/Gowalla.

[15] Ibid.

[16] Spadaro, Cybertheology, 33.

[17] Ibid., 34

[18] Ibid.

[19] Theo Wikipedia, “Karen” là từ mang tính tiêu cực được dùng ở Hoa Kỳ và các quốc gia nói tiếng Anh, để nói về một người nữ yêu cầu hay đòi hỏi điều gì vượt quá sự hợp lý hoặc cần thiết. Thường là người nữ da trắng dùng vị thế xã hội của mình để đòi hỏi cho mình những điều không thỏa đáng. https://en.wikipedia.org/wiki/Karen_(pejorative)#:~:text=Karenper cent20isper cent20aper cent20pejorativeper cent20term,atper cent20theper cent20expenseper cent20ofper cent20others.

[20] "Tips for Lenin Standing up to a San Diego Karen," https://www.gofundme.com/f/tips-for-lenen-standing-up-to-a-san-diego-karen

[21] Luke 10:33-34 (NIV).

[23] Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, “Sứ điệp ngày Thế giới Truyền thông 2011.”

[24] We Are Social, “Digital use around the world in July 2020,” https://wearesocial.com/blog/2020/07/digital-use-around-the-world-in-july-2020.

[25] “Sử dụng Internet ở châu Á, 31 tháng Năm năm 2020” https://www.internetworldstats.com/stats3.htm.

[26] “Chỉ số sẵn sàng kết nối NRI năm 2019 của các quốc gia,” https://networkreadinessindex.org/nri-2019-countries/#complete-ranking.

[27] “Nỗ lực xóa bỏ khoảnh cách kỹ thuật số theo giới tính ở châu Á,” Web Foundation (3 April 2020), https://webfoundation.org/2020/04/working-towards-closing-the-digital-gender-gap-in-asia/

[28] “Khoảnh cách kỹ thuật số theo giới tính ngày càng rộng,” Bangkok Post (11 May 2020), https://www.bangkokpost.com/opinion/opinion/1915812/digital-gender-divide-is-getting-wider

Sunday, June 20, 2021

Hướng đến Thần học mạng: Thần học trong bối cảnh kỹ thuật số (Phần III)

Tác giả: LM Anthony Lê Đức, SVD 




Tìm kiếm Thiên Chúa trong môi trường kỹ thuật số

Thần học khởi đầu trước hết và trên hết bằng sự suy gẫm về việc con người tìm kiếm và tri nhận Thiên Chúa. Theo truyền thống, các Kitô hữu định vị Thiên Chúa trong khuôn khổ thời gian và không gian như được diễn tả trong “Kinh Lạy Cha”, nghĩa là Thiên Chúa ở trên “trời”. Thiên Chúa cũng là Thượng đế vĩnh cửu và tối cao của vương quốc sẽ đến vào thời viên mãn. Như Vịnh gia công bố “Muôn lạy Chúa, lời Ngài bền vững; đến ngàn đời, trên cõi trời cao.”[1] Con người hiểu về vĩnh cửu như tưởng tượng ngàn năm của Chúa ví như một ngày trong kinh nghiệm loài người: “Anh em thân mến, một điều duy nhất, xin anh em đừng quên: đối với Chúa, một ngày ví thể ngàn năm, ngàn năm cũng tựa một ngày.”[2] Bằng cách tưởng tượng thiên đàng là một nơi chốn cụ thể, còn vĩnh cửu là một ngày kéo dài vô tận, việc xác định Thiên Chúa hiện hữu ở đâu và thế nào có vẻ dễ hơn. Mặc dù các thần học gia khẳng định rằng thiên đàng không phải là một địa điểm vật lý, các tín hữu vẫn ngước mắt lên trời cao, vượt qua các vì sao để nghĩ tưởng về một nơi nào đó Thiên Chúa đang âu yếm nhìn xuống con cái của Người, nhìn thấy những niềm vui, nỗi buồn cũng như những thách đố và yếu đuối của họ. Điều này mang lại cho người ta cảm nhận có phương hướng và sự an toàn trong cuộc sống. Lavinia Byrne viết: “Không có gì đánh động trái tim con người cách mảnh liệt bằng lời hứa rằng họ sẽ được sống đời đời trên thiên đàng. Không có gì có thể an ủi bằng ý thức thêm ngày tháng nghĩa là có thêm cùng một loại thời gian, với bình minh và hoàng hôn đều đặn mỗi ngày để tính toán ngày giờ.”[3]

Tuy nhiên, khoa học hiện đại đã làm nhiều việc để xâm nhập vào các khái niệm được hiểu trước đây về Thiên Chúa và thiên đàng, ít nhất là đối với những người coi trọng sự phát triển khoa học. Có thuyết khoa học tuyên bố rằng không gian trên thực tế là vô hạn, do đó loại bỏ khả năng thiên đường có một vị trí cụ thể.[4] Điều này gây hoang mang đối với linh đạo bình dân, vì làm sao Thiên Chúa có thể ngự trên trời nếu một nơi như thế không tồn tại về mặt logic?[5] Các thần học gia cố gắng giải thích thực tại này bằng cách đưa ra sự hiện hữu của thế giới tinh thần siêu vượt không gian thông thường, hay giới thiệu khái niệm về “không gian bí tích” (sacramental space) ngay trong thế giới này hay trong cộng đồng Kitô giáo, nơi đó sự hiện diện của Thiên Chúa là thật và có thể cảm nhận được.[6]

Môi trường kỹ thuật số cũng tạo nên những cơ hội mới để đào sâu việc tìm hiểu về Thiên Chúa và hình dung Ngài hiện diện ra sao trong thế giới này. Lavinia Byrne lưu ý rằng vũ trụ bao gồm các nguyên tử khả giác tụ lại với nhau để tạo thành vật chất không còn là loại vũ trụ duy nhất mà con người có thể quan niệm nữa. Với không gian mạng tạo thành từ những con số phi vật lý, chúng ta được biết đến các chiều kích không gian mới tồn tại song song với thế giới các hạt nguyên tử. Bà đặt câu hỏi: “Nếu thế giới kỹ thuật số có thể thâm nhập vào máy tính của chúng ta, vậy tại sao không có sự tương tự về tâm linh? Bổng nhiên khái niệm về Thiên Chúa là hợp lý vì có nơi mà Thiên Chúa có thể hiện hữu. Ý tưởng về các thiên thần nhảy múa trên đầu chiếc đinh ghim được khơi lại, bởi lẽ có gì đó hơn cả không gian và thời gian mà chúng ta có thể nhìn thấy hay thông truyền.”[7] Theo Singh, thế giới kỹ thuật số cung cấp một ẩn dụ về sự hiện diện của Thiên Chúa và cách thức hình dung về mọi sự trong một ý nghĩa mới của thời gian và không gian, trong đó những thông tin được cung cấp thông qua những dữ liệu kỹ thuật số.[8] Thực tại của thế giới kỹ thuật số giúp chúng ta vượt qua những giới hạn và thách đố mà khoa học bàn đến. Như thế, ẩn dụ này trình bày một hiểu biết sâu xa và một câu trả lời mới mẻ đối với câu hỏi: “Lạy Thầy, Thầy ở đâu?”.

Trong khi môi trường kỹ thuật số với những khả thể mới có thể giúp vượt qua những giới hạn trước đây do khoa học đặt ra, thì nó không hứa hẹn việc tìm hiểu về Thiên Chúa sẽ đơn giản và dễ dàng hơn. Trong quá khứ, người ta tìm đến những người có thẩm quyền như các linh mục, tu sĩ khi thắc mắc về Thiên Chúa, những vấn đề liên quan đến đạo, cũng như những điều trong đời sống thường nhật. Bởi lẽ các linh mục không chỉ được nhìn nhận là những hình tượng đáng tin cậy trong các vấn đề tâm linh, nhưng còn được xem như thuộc về nhóm những người có học thức cao, thậm chí có thể là cao nhất ở trong làng xóm hay thị trấn. Tại nhiều nơi ở châu Á, nhất là ở vùng quê, trường hợp này vẫn khá phổ biến. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều người tham gia vào internet, truyền hình và các loại hình truyền thông khác để tìm kiếm câu trả lời cho họ, nhất là ở các nước phát triển.[9] Trong kỷ nguyên kỹ thuật số, vai trò của các thể chế và cá nhân như những thực thể có thẩm quyền ngày càng giảm bớt.[10] Đồng thời, có quá nhiều thông tin trên internet khiến người ta dễ bị choáng ngợp bởi những gì bày ra trước mắt họ. Từ khóa “God” trên Google có thể cho ra hơn 2,5 tỉ kết quả.[11] Nếu tìm từ “พระเจ้า” (tiếng Thái), có thể cho ra gần 17 triệu mục, và từ “Thiên Chúa” (tiếng Việt) cũng cho kết quả hơn 41 triệu mục. Khi tìm kiếm hình ảnh bằng từ khóa “God”, kết quả là những hình ảnh hỗn hợp về Thiên Chúa của Do Thái giáo – Kitô giáo và Chúa Giêsu xuất hiện trên màn hình, cùng với các vị thần của các tôn giáo khác cũng như hình ảnh của các nhân vật khác nhau trong những trò chơi điện tử. Hiện tượng bị tấn công bởi thông tin dư thừa như thế được gọi là quá tải thông tin. Antonio Spadaro bình luận: “Vấn đề ngày nay không phải là tìm được một thông điệp có ý nghĩa, nhưng là biết giải mã chúng, nhận ra nó trên cơ sở của biết bao thông điệp chúng ta nhận được.”[12] Do đó, mặc dù có dư thừa thông tin, nhưng trớ trêu thay, trong kỷ nguyên kỹ thuật số, việc tìm kiếm Thiên Chúa lại có thể trở thành một kinh nghiệm đòi hỏi rất nhiều kiên nhẫn và sàng lọc qua vô số các loại dữ liệu mới tìm ra được điều mà người ta cần.

Mặc dầu vậy, người ta vẫn có thể không chắc rằng, nội dung mình đã tìm thấy có thực sự chính thống và bổ ích cho việc nuôi dưỡng tâm linh hay không. Như Đức Thánh Cha Biển Đức XVI lưu ý:

Thông thường xảy ra với các phương tiện truyền thông xã hội, ý nghĩa và hiệu quả của các hình thức biểu đạt khác nhau được quyết định bởi sự thịnh hành hơn là tầm quan trọng nội tại và giá trị của chúng. Và sự ưa chuộng thường gắn liền với người có danh tiếng hoặc với các chiến lược thuyết phục hơn là logic của biện luận.[13]

Hệ quả là nhận thức của ai đó về Thiên Chúa và mối tương quan với Ngài có thể bị định hình bởi một blog mà người đó theo dõi hơn là từ những trang web chính thức của Giáo hội, cho dù của Vatican hay giáo xứ địa phương. Tuy nhiên, các ứng dụng internet đã tạo mẫu một cách thức để chúng ta tập trung hơn vào việc tìm hiểu về Thiên Chúa. Trong khi Google là một công cụ tìm kiếm theo cú pháp, nghĩa là dựa trên một số từ ngữ cụ thể có trong bản văn và hiển thị vô số kết quả, thì công cụ tìm kiếm theo ngữ nghĩa lại hoạt động trên một logic khác. Công cụ tìm kiếm theo ngữ nghĩa có xét đến mục tiêu và ngữ cảnh của thuật ngữ được sử dụng.[14] Nó cố gắng giải nghĩa suy nghĩ của người đang tìm kiếm và cung cấp thông tin họ cần. Ví dụ, khi đánh cụm từ “Who is Jesus” vào công cụ tìm kiếm Google, kết quả xuất hiện trên đầu danh sách là những trang web có những từ khóa tương ứng. Tuy nhiên, khi cũng tìm kiếm như thế bằng ứng dụng WolframAlpha, một công cụ tìm kiếm theo ngữ nghĩa thì kết quả xuất hiện không phải là một danh sách các trang web, nhưng là một tấm hình và một loạt thông tin về Chúa Giêsu như ngày sinh, nơi sinh, ngày và nơi qua đời. Từ thông tin sẵn có trên web, nó cũng kê khai những biến cố quan trọng trong cuộc đời Chúa Giêsu. Lối hoạt động của ứng dụng Wolfram Alpha cũng như các công cụ tìm kiếm dựa trên ngữ nghĩa khác xem ra tiết kiệm công sức và thời gian hơn cho người sử dụng.

Tuy nhiên, không may là trong khi Google thường cho quá nhiều thông tin, thì công cụ tìm kiếm theo ngữ nghĩa thì không thể cung cấp câu trả lời cho mọi câu hỏi của người dùng. Ví dụ khi tìm kiếm “Where can I find God” (Tôi có thể tìm thấy Thiên Chúa ở đâu) thì ứng dụng cho thông báo “Wolfram/Alpha không hiểu câu hỏi của bạn”, chứ không có câu trả lời đại loại như “Bạn có thể tìm thấy Chúa trên thiên đàng” hay “Bạn có thể gặp Chúa trong tâm hồn”. Cũng vậy, khi hỏi “Does God exist” (Thiên Chúa có hiện hữu không) thì nhận câu trả lời sau: “Xin lỗi, môt công cụ tri thức máy tính nghèo nàn, dù mạnh đến đâu cũng không thể trả lời cho câu hỏi này được.” Logic của hai loại công cụ tìm kiếm cho thấy những cách thức khác nhau để con người có thể tìm hiểu về Chúa – một cái mang tính ngẫu nhiên, phụ thuộc chủ yếu vào sự tình cờ, cái còn lại có chủ đích, tập trung và chính yếu. Không may là một hình thức thì có thể cho quá tải thông tin; nhưng hình thức còn lại thì chẳng có thông tin gì cả. Thực tế của thời đại kỹ thuật số nhắc chúng ta nhớ rằng việc tìm kiếm về Thiên Chúa trong môi trường này có thể vừa thú vị vừa hoang mang. Một hành trình tìm Chúa sinh hoa kết trái dường như phụ thuộc vào năng lực của người biết cân bằng giữa việc để mọi thứ diễn ra một các ngẫu nhiên với việc đặt ra những câu hỏi quá hạn hẹp làm mất đi khả năng có những khám phá bất ngờ.

Kỷ nguyên kỹ thuật số không chỉ giúp đưa ra những cách thức mới để tìm gặp Chúa hiện diện trong thế giới, mà còn cung cấp những phương tiện để tìm kiếm Người bằng những cách vượt ra khỏi kênh truyền thống (như hàng phẩm trật hay cha xứ). Trong bối cảnh châu Á, internet tạo sự dễ dàng cho việc tìm hiểu về Chúa với những cách thức phong phú hơn, không chỉ ngang qua cha xứ hoặc các tu sĩ. Ở châu Á, Kitô giáo là một nhóm nhỏ, chiếm khoảng 4,5%.[15] Công giáo chỉ chiếm khoảng 3% dân số châu Á,[16] hơn 115 triệu người.[17] Hơn 63% người Công giáo châu Á sống ở Philippines và Đông Timor,[18] trong khi ở các nước khác thì Công giáo chiếm chưa đầy 1% dân số.[19] Thái Lan có khoảng 300,000 người Công giáo[20] trong số 67 triệu dân, còn Campuchia có khoảng 20,000 người Công giáo[21] trên tổng số 15 triệu dân. Việc tìm hiểu về Chúa và duy trì mối tương quan thân thiết với Người ở châu Á không chỉ bị thách đố bởi phương tiện giới hạn của Giáo hội nhưng còn vì ảnh hưởng sâu rộng của môi tường văn hóa tôn giáo nơi mà các Kitô hữu sinh sống.

Tiếp cận với internet tạo cơ hội để việc tìm kiếm này được thuận lợi hơn và mối tương quan với Chúa được nuôi dưỡng bằng những cách thức mới, khác với những gì sẵn có. Người Công giáo ở các vùng quê xa xôi có thể tìm được những tài liệu thiêng liêng hữu ích, khác với những bài giảng mà cha xứ lặp đi lặp lại, nhất là những vị không chỉ giảng Lời Chúa nhưng còn bỏ ra thêm thời giờ trong Thánh Lễ để dạy dỗ đủ điều về các vấn đề trong xứ đạo. Trong đợt dịch Covid-19 đầu tiên ở Việt Nam, khi các nhà thờ buộc phải đóng cửa, người Công giáo Việt Nam ở mọi lứa tuổi phải dự lễ online. Và nó trở thành một cơ hội cho nhiều người Công giáo lớn tuổi ở các vùng xa đã quen với việc dự lễ hàng ngày ở nhà thờ xứ được dự lễ trực tuyến lần đầu tiên qua điện thoại hay truyền hình thông minh. Rõ ràng là có nhiều người không chỉ dự lễ trực tuyến của giáo phận hay giáo xứ mình, nhưng cũng xem lễ được cử hành bởi các giáo xứ và giáo phận khác nữa.

Ngoài việc tạo cơ hội cho người Công giáo ở những làng quê nhỏ bé tiếp cận nhiều hơn với tài liệu thiêng liêng, internet cũng giúp các linh mục, tu sĩ, chủng sinh có thêm các nguồn liệu cho sứ vụ. Trong thư viện của đại chủng viện ở Lào chẳng hạn, nguồn tài liệu Kinh Thánh và thần học bằng tiếng Anh hay tiếng Lào đều khá giới hạn. Các chủng sinh có nhu cầu học tập hay chuẩn bị bài suy niệm Lời Chúa để chia sẻ với người dân có thể dùng internet như công cụ hỗ trợ. Tại Thái Lan, nhiều phật tử và những người muốn theo đạo Kitô giáo tham gia vào nhóm Facebook và một diễn đàn do một giáo dân lập ra để trao đổi những vấn đề về đức tin.[22] Với sự hỗ trợ của internet, người ta có thể dễ dàng tiếp cận với Thiên Chúa hơn và các hình ảnh về Chúa được giới thiệu phong phú, đa dạng hơn.

Vì thế, người châu Á tìm kiếm, nhận thức và duy trì mối tương quan với Thiên Chúa ra sao có lẽ chịu ảnh hưởng nhiều bởi môi trường kỹ thuật số hiện đại giúp cho những việc đó thuận lợi hơn. Tuy nhiên, việc tìm hiểu về Thiên Chúa trong thời đại kỹ thuật số chẳng hứa hẹn dễ tiếp cận được chân lý hơn khi mà trên mạng có sẵn cả kho thông tin, và không phải cái nào cũng dẫn ta đi đúng hướng hay cung cấp nguồn dinh dưỡng cần thiết cho đời sống đức tin. Hơn bao giờ hết, việc tìm kiếm Thiên Chúa và vun trồng mối tương quan với Ngài đòi hỏi sự chủ động, cẩn trọng và kiên trì. Hình ảnh và cách tương quan mà một người xây dựng với Thiên Chúa không thể được chỉ định từ cấp trên như trong quá khứ nữa. Trong thời đại số, mỗi người phải biết trách nhiệm hơn với nhiệm vụ tâm linh của mình. Bên cạnh đó qua sự hiện diện và tham dự của từng người vào môi trường kỹ thuật số, họ cũng có thể góp phần vào cách người khác nhận ra và hiểu biết về Thiên Chúa. (Hết Phần III)



[1] Psalm 119:89 (NIV).

[2] 2 Peter 3:8 (NIV).

[3] Lavinia Byrne, “Thiên Chúa trên không gian mạng,”(2000),  http://www.ed.ac.uk/files/imports/fileManager/godper cent20inper cent20cyberspace.pdf.

[4] Singh, “Overview of Cybertheology.”

[5] Byrne, “God in Cyberspace.”

[6] Ibid.

[7] Ibid.

[8] Singh, “Overview of Cybertheology.”

[9]Philip Clayton, “Theology and the Church after Google,” Princeton Theological Review 17, No. 2 (2010): 8

[10] Ibid., 14.

[11] This Google search result is as of 25 August 2020.

[12] Spadaro, Cybertheology, 23.

[13] Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, “Sứ điệp ngày Thế giới Truyền thông 2013.”

[14] Wikipedia, “Semantic Search,” https://en.wikipedia.org/wiki/Semantic_search.

[15] FABC Papers No.131, “A Glimpse at Dialogue in Asia,” 3.

[16] Ibid.

[17] James H. Kroeger, “An ‘Asian’ Dialogue Decalogue: Principles of Interreligious Dialogue from Asia’s Bishops,” http://www.lst.edu/academics/landas-archives/353-an-qasianq-dialogue-decalogue-j-kroeger-mm.

[18] FABC Papers No.131, 3.

[19] Kroeger, “An ‘Asian’ Dialogue Decalogue.”

[20] Udomsarn, “How Many Thai Catholics Are There Really?” http://www.thaicath.net/diarybible/cathsuebsiri/word/enew05.htm.

[21] Wikipedia, “Roman Catholicism in Cambodia,” https://en.wikipedia.org/wiki/Roman_Catholicism_in_Cambodia.

[22] Theo người quản trị diễn đàn “New Manna”, có hàng chục người đã theo Kitô giáo một phần vì tham gia diễn đàn này. http://www.newmana.com/phpbb/index.php.