Dẫn nhập
6g30
sáng ngày Chúa Nhật Lễ Mình Thánh Máu Thánh Chúa năm 2017, tôi đang chuẩn bị
dâng lễ cho một nhóm lao động di dân Việt Nam tại cố đô Ayutthaya, Thái Lan.
Trong khi đang ngồi trong tòa giải tội, chờ giáo dân đến nhà thờ để xưng tội, tôi
truy cập Facebook thì thấy xuất hiện trên trang tường một cảnh liên hoan trong
phòng trọ thật vui vẻ của một nhóm thanh niên Công giáo đang được quay và chia
sẻ trực tiếp. Biết là thanh niên Công giáo vì trên tường có dán ảnh Lòng Thương
Xót Chúa, Đức Mẹ và thánh An-tôn. Nhóm bạn trẻ ngồi trên sàn nhà xung quanh những
món ăn và thức uống đã được bày ra. Thức ăn thì tôi không nhận ra là những món
gì, nhưng thức uống thì dễ dàng nhận ra là whiskey “285”, một nhãn hiệu phổ biến
tại Thái Lan vì giá cả phù hợp với túi tiền của người lao động. Khi thấy cảnh
ăn nhậu vào sáng sớm Chúa Nhật Lễ Mình Máu Thánh Chúa, vì chủ nhân của tài khoản
Facebook có kết bạn với tôi nên tôi đặt câu hỏi: - Hôm nay Lễ Mình Thánh Máu
Thánh Chúa, các bạn có đi lễ không?
Chủ
nhân tài khoản Facebook trả lời câu hỏi của tôi bằng một câu hỏi khác: - Lễ ở
đâu thưa cha?
Tôi
trả lời: - Lễ ở nhà thờ chứ ở đâu. Chỗ nào có nhà thờ thì ở đó có Thánh lễ Chúa
Nhật.
Chủ
nhân của trang FB sau đó gọi điện thoại cho tôi và thanh minh rằng anh và những
người bạn thỉnh thoảng đi tham dự Thánh lễ tiếng Việt vào các dịp quan trọng.
Còn các thánh lễ Chúa Nhật khác thì không đi bởi vì một lý do rất thực tế: “Như
cha biết, mục đích con qua Thái Lan là để làm ăn.” Điều đáng nói là phòng trọ của
các bạn trên nằm trong quận Huây Khoảng của thành phố Bangkok, cách nhà thờ chỉ
vài cây số.
Việc
các lao động di dân Việt Nam tại Thái Lan thường xuyên chụp hình, quay phim đưa
lên mạng xã hội những sinh hoạt phản cảm xét về khía cạnh tâm linh không phải
là điều xa lạ. Năm 2017, lễ hội Songkran (còn được gọi là Lễ hội té nước) của
Thái Lan diễn ra đúng vào ba ngày Tam Nhật Thánh. Lễ hội Songkran là lễ hội văn hóa và tôn giáo mà người dân ở các quốc gia theo Phật giáo Nam tông, trong đó có Thái Lan, gọi
là năm mới của họ. Người ta ăn mừng lễ Songkran bằng nhiều cách, nhưng một
trong những cách phổ biến nhất là tụ tập trên các đường phố và xối nước lên
nhau hoặc bắn nước vào nhau bằng những chiếc súng nhựa. Mặc dầu là một lễ hội
truyền thống gắn liền với văn hóa Phật giáo, nhưng ngày lễ đã biến dạng khi các
trò chơi té nước trở nên dịp cho những thanh niên, thanh nữ ăn mặc hở hang, xuống
đường nhảy múa và có những hành động phản cảm. Khi ở trong đám đông chật cứng
người đã có nhiều cô gái đã trở thành nạn nhân của những hành vi sờ soạng bởi
những gã đàn ông biên thái.
Năm
2017, ba ngày lễ Songkran trùng hợp với ngày thứ năm, thứ sáu và thứ bảy Tuần
Thánh. Tuy nhiên, đối với nhiều lao đông Công giáo Việt Nam tại Thái Lan, việc
ăn mừng Songkran vẫn dành ưu tiên vì trong những ngày đó họ không phải làm việc
mà được vui chơi thỏa thích. Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh khi cả Giáo hội Công giáo
đang tưởng niệm về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu thì trên Facebook vẫn xuất hiện
những hình ảnh các bạn trẻ Công giáo Việt Nam đi chơi Songkran một cách vô tư.
Một bạn nam đăng hình đang vui chơi ở phố Silom, nơi có hàng nghìn người tụ tập,
kèm theo lời rủ rê bạn bè tới để “ngắm gấy”. Có người không đi chơi ở những nơi
đông người nhưng lại tìm đến quán bar hoặc phòng karaoke để hát hò, nhảy nhót,
ăn uống và dĩ nhiên là chia sẻ cuộc vui lên mạng xã hội cho mọi người cùng biết.
Đây
chỉ là một vài ví dụ trong vô số câu chuyện mà một người đã trải qua hơn 10 năm
làm mục vụ với lao động di dân Công giáo Việt Nam tại Thái Lan có thể nêu lên để
dẫn chứng về thực trạng liên quan đến đời sống tâm linh của giới trẻ Việt Nam
khi rời khỏi quê hương, giáo xứ, đi đến một đất nước khác để mưu sinh. Bài viết
này chỉ nhìn vào tình trạng tại Thái Lan với những chiều kích liên quan đến bối
cảnh ở đây. Tuy nhiên, nếu những gì đang xảy ra ở Thái Lan có phần giống như những
gì tìm thấy được ở các đất nước khác thì có nhiều điều mà các vị lãnh đạo trong
Giáo hội quê nhà cần phải cân nhắc và điều chỉnh trong công việc giáo dục tâm
linh cho giới trẻ trong thời đại mới.
Thực trạng người lao động Công
giáo Việt Nam tại Thái Lan
Việc một người trẻ khi bước qua tuổi thành niên rời khỏi tổ ấm
và nề nếp của gia đình cũng như khuôn khổ của giáo xứ, đi tới một nơi xa để học
tập hoặc làm việc đã trở nên một thực tại phổ biến trong đời sống của người Việt
Nam. Ở các vùng nông thôn, những ngày bình thường trong năm, cộng đoàn giáo xứ
chủ yếu bao gồm người già và con nít. Lớp thanh niên thanh nữ đa số đi xa để học
tập hoặc làm ăn kiếm sống. Hiện tượng 15-20 năm qua tại Thái Lan có hàng chục
nghìn người lao động Việt Nam, đa số tuổi từ 15-35 làm việc bất hợp pháp phản ảnh
thực trạng người Việt sẵn sàng đi ra nước ngoài để làm việc, ngay cả ở những
nơi mà sức lao động của họ không được chấp nhận theo luật pháp. Nếu như ở các
thành phố lớn ở Việt Nam vào dịp Tết trở nên trống vắng vì người nhập cư rời khỏi
thành phố về quê ăn Tết thì tại Thái Lan cũng diễn ra cảnh tượng những chuyến
xe đò đầy nhóc người Việt rời khỏi đất nước Chùa Vàng để về đoàn tụ với gia
đình trong những ngày đầu năm. Ngoại trừ những ngày ngắn ngủi đó, đa số thời
gian trong năm thì họ ở Thái cặm cụi làm việc, nghỉ trong những phòng trọ chật
hẹp, cố gắng dành dụm để có tiền xây nhà, mua đất hay có vốn để làm một công việc
gì đó trong tương lai. Nhiều người trong họ thấy không đạt được những gì mình
mong muốn tại Thái Lan thì lại tìm cách đi các nước khác như Hàn Quốc, Nhật Bản,
Mỹ hoặc Úc. Ít ai trong họ nghĩ rằng nếu ở mãi tại Việt Nam mà không đi ra nước
ngoài thì vẫn tìm được sự thành công.
Song
song với việc người trẻ Việt Nam sinh sống và làm việc xa gia đình, giáo xứ và
quê hương là việc họ phải sống đạo và giữ đạo trong một môi trường hoàn toàn tự
do hoặc có rất ít khuôn khổ. Ở đây không có lời nhắc nhở của cha mẹ, không có lời
giảng dạy hay răn đe của cha xứ, không có tập tục và truyền thống của cộng đồng,
không có tiếng chuông đánh thức mỗi sáng sớm để thôi thúc họ đến nhà thờ với những
người xóm giềng. Việc sống đạo và giữ đạo xem như hoàn toàn tự lập, ngay cả đối
với những người tuổi 17, 18 mới chập chững bước vào đời. Một số người nếu ở
chung phòng trọ với đàn anh anh đàn chị mà siêng năng trong việc kinh nguyện, lễ
lạt thì may ra vẫn duy trì được phần nào lối sống đạo như cũ. Nhưng cũng không
ít người cho dù là bậc làm anh làm chị, thậm chí là cô chú mà cũng không làm
gương tốt cho em út, con cháu noi theo.
Khi
đến sinh sống và làm việc bất hợp pháp tại một đất nước mà người Công giáo chỉ
chiếm 0.4% dân số trên cả nước thì việc duy trì đời sống đạo gặp nhiều thách đố
là điều không đáng bất ngờ. Để cho một người Công giáo Việt Nam lao động tại
Thái Lan làm những việc căn bản như đi lễ ngày Chúa Nhật, đa số phải chấp nhận
đến nhà thờ vào những giờ không thuận tiện với sinh hoạt hàng ngày. Giờ diễn ra
Thánh lễ thường trùng hợp với giờ phải làm việc hoặc giờ họ ngủ nghỉ sau khi
làm việc về. Ngoài ra, để đến nhà thờ thường họ phải đi lại bằng taxi chứ không
phải đi bộ hoặc đi xe máy như ở Việt Nam. Một số ít may mắn ở gần nơi có nhà thờ
Công giáo, nhưng đa số ở cách xa nhà thờ từ 5 đến 30 cây số. Có người phải mất
vài trăm baht là một phần lớn của thu nhập trong một ngày để giữ điều răn thứ 3
trong 10 điều răn Đức Chúa Trời. Khi tới nhà thờ, nếu là Thánh lễ tiếng Thái
thì người Việt Nam khó có thể tham dự Thánh lễ một cách trọn vẹn vì thiếu kiến
thức ngôn ngữ. Mặc dầu lao động Việt Nam tại Thái Lan khá giỏi trong việc giao
tiếp bằng tiếng địa phương, nhưng nghi thức phụng vụ Công giáo sử dụng những từ
ngữ ít gặp trong cuộc sống thường nhật. Khó khăn về ngôn ngữ làm cho nhiều người
không hứng thú để hy sinh thời giờ, tiền bạc, giấc ngủ hay một cuộc vui để đi lễ.
Tuy nhiên, những yếu tố này không phải là yếu tố quyết định. Có người sẵn sàng
hy sinh những thứ trên để hoàn tất trách nhiệm của người Ki-tô hữu. Song có những
người khác không phải hy sinh nhiều mà cũng không đến nhà thờ tham dự Thánh lễ,
cho dù đó là Thánh lễ được cử hành bằng tiếng Việt vào một giờ tương đối là thuận
tiện đối với họ. Ở một phòng trọ có ba bạn nam người Hương Khê, Hà Tĩnh ở
chung, vào ngày Chúa Nhật Phục Sinh vừa qua, chỉ có một trong ba người đi tham
dự đại lễ trong khi hai người còn lại thì đi chơi.
Việc
tham dự Thánh lễ của người Việt Nam lao động tại Thái Lan chỉ là một vấn đề điển
hình về tinh thần sống đạo và giữ đạo của người Công giáo khi rời xa gia đình
và giáo xứ. Nó được đưa ra để dẫn chứng vì tính cụ thể và quan sát được một
cách dễ dàng. Tuy nhiên, còn có nhiều vấn đề khác để cho các bậc phụ huynh và
lãnh đạo trong Giáo hội phải quan ngại. Một trong những điều nghiêm trọng nhất
là những hành vi và thái độ coi thường những giá trị đạo đức và nhân bản mà họ
đã học hỏi được trong môi trường sống tại quê nhà. Tại Thái Lan hành vi ăn cắp
vặt, gian lận, nói dối… dường như đã trở thành những thứ được xem là cần thiết
để sinh tồn trong môi trường sinh sống và làm việc đầy bất ổn và khó khăn. Có một
bạn gái làm việc phục vụ quán rượu chia sẻ với tôi, “Làm quán mà không ăn gian
là không sống nổi.” Việc “ăn gian” mà người bạn gái ấy đề cập tới có nhiều hình
thức khác nhau. Có khi việc ăn gian là nhân viên phục vụ tính tiền khách hàng
nhiều hơn thực tế và giữ phần dư cho riêng mình. Có khi việc ăn gian là lấy
hàng của bàn này bán cho bàn kia để lấy tiền mà chủ quán không hề hay biết.
Theo lý giải của họ thì nếu như không có những hành động này mà chỉ dựa vào
lương căn bản và số tiền boa của khách hàng thì không đủ để sống.
Tuy
nhiên, cũng vì số tiền boa từ khách hàng mà những người làm công việc phục vụ tại
các quán rượu là những bạn nữ thường phải nói dối về tình trạng hôn nhân của
mình. Biết rõ tâm lý của khách hàng nam là thích những cô gái đẹp chưa chồng,
nên nhiều người mặc dầu đã lập gia đình, nhưng vẫn trả lời với khách là còn độc
thân khi họ đặt câu hỏi. Tuy nhiên, nhiều cô gái không chỉ dừng lại ở việc nói
dối với khách về tình trạng chồng con mà còn xây dựng những mối quan hệ vượt giới
hạn để có được những thứ mình muốn. Điều này càng dễ xảy ra khi người đã lập
gia đình không sống chung với nhau—một người làm việc tại Thái Lan, còn một người
tiếp tục ở quê nhà.
Việc
nói dối trở thành một thứ hiển nhiên và cần thiết trong đời sống của nhiều người
lao động tại Thái Lan, và có khi nó dẫn đến những trường hợp mà không ai ngờ đó
là sự thật. Có một người trong cộng đồng lao động liên lạc và trình bày với tôi
rằng, ở Bangkok có một cặp vợ chồng Công giáo thuộc một giáo xứ lớn ở Hà Tĩnh.
Hai vợ chồng này đang chung sống với một đàn ông người Thái Lan. Người phụ nữ sống
với người đàn ông Thái như là vợ chồng và đã có con với ông ta. Đối với người
đàn ông Việt Nam thì họ khai với ông chồng Thái rằng là anh trai nên ông ta
không hề nghi ngờ gì. Cả ba người ở với nhau trong cùng một nhà. Khi người đàn
ông Thái có ở nhà thì ông ta và người phụ nữ Việt là vợ chồng. Khi ông ấy vắng
nhà thì hai người Việt Nam là vợ chồng. Khi nghe về sự việc lạ kỳ này, tôi hỏi
vậy cha xứ và gia đình của họ ở Việt Nam đã biết chuyện chưa thì được cho hay
là mọi người đều đã biết chuyện. Tuy nhiên, họ không thể giải quyết được gì. Được
biết vị quản xứ của giáo xứ nói trên là một người có tiếng nghiêm khắc với giáo
dân. Nhưng một khi giáo dân đã “thoát” ra khỏi ranh giới của giáo xứ thì một vị
linh mục có quyền lực tới đâu đi chăng nữa cũng không thể dễ dàng gây ảnh hưởng
trên họ.
Cũng
rất may khi toàn cảnh đời sống tâm linh của lao động di dân Công giáo Việt Nam
tại Thái Lan không phải là một bức tranh hoàn toàn u ám. Trong cộng đồng vẫn có
nhiều người cũng phải bươn chải với cuộc sống và công việc như bao nhiêu người
khác, nhưng họ vẫn sắp xếp thời giờ để đi lễ hàng tuần, bất kể là lễ tiếng Việt
hay tiếng Thái. Có một nhóm bạn nữ ở khu vực Bangyai gần Bangkok dường như
không bao giờ bỏ lễ. Vì trong khu vực của họ chỉ có lễ tiếng Việt một tháng một
lần nên các tuần còn lại họ hẹn nhau đi lễ Việt được tổ chức ở các vùng khác.
Ngay cả những Thánh lễ hoặc giờ cầu nguyện được tổ chức tại nhà cộng đoàn dòng
Ngôi Lời của tôi họ cũng đến tham dự rất đều đặn. Ngoài những người siêng năng
trong việc lễ lạt, kinh nguyện còn có những người dám dấn thân để cộng tác với
các linh mục để phục vụ cộng đoàn trong các vai trò thành viên ban điều hành
nhóm hoặc ca đoàn để phục vụ trong các Thánh lễ. Nếu không có những cộng tác
viên giáo dân tích cực thì khó để cho công việc mục vụ của các vị chủ chăn có thể
diễn ra một cách hiệu quả.
Vài điều cần suy nghĩ
Mặc
dầu tôi đã cộng tác với một số linh mục và tu sĩ Việt Nam đang phục vụ tại Thái
Lan để làm mục vụ cho lao động di dân Việt Nam tại Thái Lan hơn 10 năm qua,
nhưng những gì chúng tôi có thể làm được chỉ là giúp cho những ai còn có phần
nào tinh thần sống đạo duy trì đời sống tâm linh của mình trên đất nước Phật
giáo này. Đối với những người có tinh thần thấp hoặc hoàn toàn nguội lạnh trong
vấn đề đạo đức, chúng tôi dường như bất lực. Tôi vẫn nhớ có một lần tôi dâng lễ
tiếng Việt ở nhà thờ thánh Giuse tại Bangkok. Khi đó nhà cộng đoàn dòng của tôi
ở cách nhà thờ chỉ khoảng 500 mét. Và cách nơi tôi ở khoảng 300 mét có một nhóm
bạn trẻ Công giáo Việt Nam làm việc trong một xưởng may. Nhưng vào sáng Chúa Nhật,
nhóm bạn trẻ đó đã quyết định mở một cuộc liên hoan trong phòng trọ. Đến 1 giờ
chiều khi diễn ra Thánh lễ thì họ đã tạm dừng cuộc chơi để đi ngủ nên không đến
tham dự. Tuy nhiên, khoảng 3 giờ chiều sau khi họ ngủ dậy thì quyết định kéo
nhau đi hát karaoke. Tôi biết họ đi hát karaoke là vì họ đi ngang qua nơi tôi ở
trước khi lên taxi, rồi sau khi tới tụ điểm karaoke thì họ đã livestream cuộc
liên hoan trên mạng xã hội Facebook. Sau khi tôi phản ảnh về sự việc này thì người
lớn nhất trong nhóm đó, một người đã có gia đình, nói rằng, “Cha có quyền gì mà
nói.”
Câu
nói của giáo dân đó, tuy có điều hơi thiếu tôn trọng, là một câu nói chính xác.
Xét về mặt hành chánh, thời điểm ấy tôi không có bất cứ thẩm quyền nào trên anh
ta hoặc nhóm bạn trẻ trong phòng trọ. Tôi không phải là cha xứ của anh ta ở Việt
Nam hoặc ở Thái Lan. Tôi không được bất cứ giáo quyền nào bổ nhiệm để điều
hành, giải quyết, hoặc có tiếng nói với các lao động Việt Nam tại Thái Lan. Thời
điểm ấy, tôi chỉ là một “tình nguyện viên” tích cực, cộng tác với các linh mục tình
nguyện khác trong một tổ chức không chính thức mang tên “Hiệp hội Công giáo Việt
Nam tại Thái Lan.” Mặc dầu đã hoạt động trong nhiều năm, nhưng Hiệp hội chưa hề
được Giáo hội địa phương chính thức công nhận. Vì thế nếu tiếng nói của chúng
tôi có được các lao động di dân Việt Nam tôn trọng thì cũng bởi vì họ nhận ra sự
nhiệt tâm của chúng tôi đối với họ. Trên thực tế thì không có bất cứ một điều
luật nào ràng buộc họ phải tuân theo những gì chúng tôi chỉ bảo. Chính vì thế
mà trong dịp đại lễ Giáng Sinh 2016, khi có một vụ ẩu đả xảy ra tại nhà thờ
ngay sau Thánh lễ, tôi đã yêu cầu các đương sự tới gặp tôi để giải quyết, đặc
biệt để xin lỗi cha xứ của nhà thờ, nhưng chỉ có một bên đồng ý đến gặp tôi.
Còn một bên thì không chấp nhận làm theo yêu cầu nên tôi đành phải trình sự việc
đến cha xứ của họ tại Việt Nam để xin ngài giải quyết.
Mục
vụ di dân Việt Nam tại Thái Lan thời gian qua không chỉ gặp hạn chế về thẩm quyền
mà còn về nhân sự. Mặc dầu trên cả nước có gần 20 linh mục Việt Nam đang phục vụ,
nhưng chỉ có 5-6 vị tham gia vào mục vụ di dân Việt Nam. Trong số các linh mục
tham gia vào mục vụ di dân Việt Nam thì không có người nào làm đầy thời giờ. Tất
cả đều có những trọng trách khác được giao phó bởi hội dòng hoặc giáo phận. Trước
đây tôi vừa quản xứ một giáo xứ của người Thái vừa làm mục vụ cho người Việt.
Hiện nay công việc chính của tôi là giảng dạy tại Đại Chủng Viện Lux Mundi và
làm nghiên cứu. Tuy nhiên, tôi vẫn dành thời giờ cho mục vụ di dân Việt Nam. Tháng
12, năm 2017, Hội đồng Giám mục Thái Lan đã chính thức thành lập Ủy ban mục vụ
di dân Việt Nam. Hiện nay trong Ủy ban chỉ có 7 thành viên (2 linh mục người
Thái Lan và 5 linh mục người Việt).
Sự
thiếu thốn về mặt nhân sự đã là một trở ngại lớn trong công tác mục vụ, nhưng
việc lao động di dân Việt Nam sống không tập trung mà chia ra thành nhiều vùng
trên cả đất nước Thái Lan cũng là một yếu tố quan trọng khiến công việc khó đạt
được hiệu quả như mong muốn. Mặc dầu trong Tổng giáo phận Bangkok vẫn có số lượng
người Việt nhiều nhất, nhưng ở các tỉnh thành khác cũng có người Việt đang sinh
sống. Ở những nơi đó, nếu không có nhà thờ, hoặc có nhà thờ cử hành Thánh lễ tiếng
Thái mà họ không chịu đi thì cũng không có ai ép họ được. Chỉ mới gần đây tôi
đã bắt đầu làm mục vụ cho một nhóm tại đảo Phuket ở miền nam Thái Lan, cách thủ
đô Bangkok 850km. Trước đây chưa từng có một Thánh lễ tiếng Việt nào tại thành
phố du lịch nổi tiếng này. Trong dịp Tuần Thánh 2018, tôi đến giải tội cho các
thành viên nhóm, trong đó có nhiều người 4-5 năm qua chưa được đến với bí tích
hòa giải.
Một
vài điều sơ lược về thực trạng của mục vụ cho người di dân Việt Nam tại Thái
Lan cho thấy rằng trách nhiệm chính để bảo đảm những người trẻ Công giáo khi đến
Thái Lan tiếp tục duy trì đời sống tâm linh và đạo đức nằm ở Giáo hội quê nhà.
Gia đình và giáo xứ có trách nhiệm phải chuẩn bị cho các bạn trẻ có một đức tin
vững chắc và tư duy trưởng thành về việc sống và giữ đạo cho dù họ đang ở bất cứ
nơi nào. Quá trình giáo dục tâm linh cho các bạn trẻ phải hướng tới một thời điểm
trong tương lai khi họ sẽ sống xa quê hương, sống ngoài tầm quản lý của cha mẹ
và cha xứ. Họ sẽ không còn nghe được tiếng chuông của nhà thờ báo giờ đi lễ hay
nghe tiếng nói của vị đại diện ban hành giáo thông báo trên loa nhà thờ kêu gọi
mọi người đến đọc kinh hoặc tham dự một sinh hoạt đặc biệt nào đó tại nhà thờ. Họ
không còn phải bận tâm nhiều việc hành vi của họ sẽ ảnh hưởng đến bộ mặt của
gia đình, dòng họ trong ánh mắt của người trong cộng đoàn giáo xứ như thế nào. Ở
trên đất nước Thái Lan, các lao động di dân Công giáo Việt Nam phải dựa vào đức
tin cá nhân, dựa vào kiến thức về đạo đã học hỏi được, và dựa vào tiếng nói
lương tâm để duy trì đời sống tâm linh và đạo đức của mình. Chỉ bằng sự chuẩn bị
đầy đủ thì họ mới trải qua thời gian ở đây mà không đánh mất căn tính và lối sống
của người Công giáo.
Kết luận
Trực
trạng về xã hội Việt Nam cho thấy hiện tượng người Việt đi ra nước ngoài để mưu
sinh sẽ ngày càng gia tăng. Tuy Thái Lan là một quốc gia không cho phép người
Việt lao động một cách hợp pháp, nhưng vẫn có trên dưới 50.000 người đang làm
việc tại đây, trong đó một số đáng kể là người Công giáo. Các giáo xứ tại Việt
Nam, đặc biệt là các vùng thôn quê đã dần quen với cảnh người trong giáo xứ
không chỉ đi làm ở các thành phố lớn trong nước, mà còn ra nước ngoài để sinh sống.
Có người ở nước ngoài một vài năm rồi quay trở về. Nhưng số người ở nước ngoài
thời gian 5 đến 10 năm, thậm chí lâu hơn ngày càng phổ biến. Chương trình đào tạo
tâm linh vì thế cần phải chuẩn bị cho người Công giáo, đặc biệt là người trẻ,
có thể ra nước ngoài để sinh sống và làm việc trong một môi trường hoàn toàn tự
lập. Chất lượng và hiệu quả của việc mục vụ giáo xứ trong thời đại mới không
còn nằm ở việc giáo hội địa phương xây được cơ sở to lớn như thế nào, hay một bạn
trẻ học giáo lý xong thuộc lòng được bao nhiêu kinh, nhưng ở cách sống đạo và
giữ đạo của giáo dân khi hoàn cảnh bắt buộc họ phải rời xa quê hương, rời xa
giáo xứ để đến một đất nước xa lạ. Ở đó họ phải thật sự nỗ lực để mưu sinh kiếm
sống và phải phấn đấu để thể hiện đức tin và đạo đức của người Công giáo giữa
muôn vàn khó khăn và cạm bẫy. Thực trạng của người di dân Công giáo Việt Nam tại
Thái Lan cho thấy còn có nhiều vấn đề cần phải suy nghĩ trong quá trình giáo dục
và đào tạo tâm linh cho giới trẻ trong bối cảnh sống mới.
Lm.
Anthony Lê Đức, SVD
Tháng
4, 2018
No comments:
Post a Comment