Tác giả: LM Anthony Lê Đức, SVD
Bài viết này trích từ tập sách "Đường hướng mục vụ hậu đại dịch Covid-19: Các bài học từ dấu chỉ thời đại" (LM Anthony Lê Đức, SVD biên tập), sẽ được xuất bản trong thời gian sắp tới.
Nhằm đối phó với những thách đố mục vụ do đại dịch Covid-19 gây nên, Giáo hội
toàn cầu cũng như địa phương đã phải đưa ra hàng loạt những hành động thích ứng
nhằm duy trì sự liên đới và hiệp thông giữa cơn khủng hoảng. Một trong những
công cụ được nhiều lãnh đạo Giáo hội chọn là công nghệ thông tin (CNTT), cụ thể
các phương tiện internet như mạng xã hội và ứng dụng chat, và các thiết bị có kết
nối với internet, như máy vi tính và điện thoại thông minh. Tuy nhiên, thời tiền
đại dịch, khi vi-rút corona chưa xâm nhập và chưa làm chao đảo đời sống của con
người, đối với không ít lãnh đạo trong Giáo hội, các phương tiện CNTT nói trên chưa
được xem là “các nhu yếu phẩm”, mà chỉ là “các phụ kiện” hỗ trợ thú vị cho sứ vụ
truyền giáo của Giáo hội mà thôi.
Tuy nhiên, những công cụ trước đây tưởng chừng như chỉ đóng vai trò hỗ trợ
thì nay đã trở thành một trong những thứ không thể thiếu được trong bối cảnh của
đại dịch Covid-19. Đối với các giáo xứ trên toàn thế giới, đại dịch đã xảy ra
và bùng phát trở lại vào những thời điểm quan trọng như Tuần Thánh và Giáng
Sinh, đây là những dịp linh thiêng nhất trong lịch Phụng vụ Kitô giáo. Đối với
một giáo xứ, trong những dịp quan trọng như vậy, người ta sẽ có rất nhiều hoạt
động như tĩnh tâm, các chương trình từ thiện, công tác chuẩn bị cũng như việc cử
hành các nghi thức Phụng vụ. Nhưng khi đại dịch xảy đến, bầu không khí tại các
nhà thờ bổng trở nên u ám và yên tĩnh đến lạ thường. Các nhà thờ phải đóng cửa.
Các sinh hoạt cộng đồng bị hủy bỏ. Thậm chí, Thánh lễ cũng chỉ được cử hành một
cách riêng tư hoặc bị giới hạn với chỉ một ít người tham dự trực tiếp. Trong thời
gian đại dịch bùng phát, biện pháp cách ly toàn vùng hoặc toàn quốc được áp dụng,
tất cả mọi người được khuyến khích hoặc buộc phải ở nhà để làm giảm bớt sự lây
nhiễm. Các nghi thức Phụng vụ cũng như các sinh hoạt tâm linh khác không được tổ
chức như trước, nên các cử hành Phụng vụ được đưa lên internet để các tín hữu
có thể tham dự trực tuyến tại gia nhằm đảm bảo sự an toàn cho cá nhân cũng như
tập thể.
Trong tiếng Anh, những buổi cử hành Phụng vụ trực tuyến thường được gọi là
những sự kiện “virtual” (ảo),[1] cho dù đó là những buổi
cử hành thực tế, mục đích chính là phục vụ những tín hữu không thể có mặt tại
nơi diễn ra nghi thức Phụng vụ, thay vào đó họ “tham gia” trực tuyến thông qua
chương trình phát trực tiếp (livestream)
hoặc dưới hình thức video được phát lại. Ngoài các Thánh lễ trực tuyến, còn có
các sinh hoạt đạo đức khác như Chầu Thánh Thể, lần Chuỗi Mân Côi, và Lectio
Divina. Những sinh hoạt có tính cộng đồng như các lớp học Kinh Thánh, các lớp học
giáo lý, thậm chí cả các buổi tĩnh tâm cũng được đưa lên mạng để giáo dân có thể
tham dự. Trong bối cảnh Giáo hội ngày càng tăng cường các hoạt động qua trung
gian kỹ thuật số, đặc biệt trong hoàn cảnh của đại dịch Covid-19, bài khảo luận
này nêu lên một vài vấn đề và gợi ý về bản chất của cách thức truyền thông này,
nhằm giúp chúng ta có cái nhìn đầy đủ và toàn diện hơn về hình thức hiện diện
trong không gian mạng, trong cũng như sau thời đại dịch. Đặc biệt, bài viết tập
trung trình bày về mối liên hệ giữa sự hiện diện trực tuyến (online presence) và sự hiệp thông trong Giáo
hội (ecclesial communion) được hiểu
và đánh giá như thế nào.
Phân biệt giữa ‘ảo’ (virtual) và ‘thực’ (real)
Mặc dù các cử hành Phụng vụ trực tuyến thường được gọi là "ảo", nhưng thuật ngữ này không chỉ được dùng để nói về các sinh hoạt tôn giáo trên internet, mà còn được dùng để diễn tả mọi hoạt động đang diễn ra và được phát trên mạng. Chẳng hạn, các vận động viên đang tập luyện tại nhà và trao đổi với nhau qua internet thì được coi là đang có các “bài tập ảo” (virtual workouts). Các nhạc sĩ và ca sĩ biểu diễn cho khán giả trực tuyến được cho là đang có những buổi hòa nhạc "ảo". Một trong những sự kiện như vậy là chương trình ca nhạc chủ đề “Một thế giới” (One World), do nhóm Global Citizen và ca sĩ Lady Gaga thực hiện nhằm quyên góp tiền cho WHO (Tổ chức Y tế Thế giới) để chống lại đại dịch Covid-19. Sự kiện kéo dài 8 giờ, “quy tụ” các phần trình diễn của các nghệ sĩ nổi tiếng như Rolling Stones, Lizzo, Camila Cabello, Sir Paul McCartney, John Legend và Billie Eilish. Chương trình đã quyên góp được gần 128 triệu đô-la Mỹ để hỗ trợ cho hoạt động của WHO (Dungan, 2020).
Việc áp dụng thuật ngữ "ảo"
cho các hoạt động trực tuyến này có chủ đích phân biệt giữa hai hình thức hiện
diện: "hiện diện thể lý" (physical
presence) với "hiện diện phi thể lý" (non-physical presence). Theo đó, sự hiện diện thể lý thường được
đánh giá là "thực/thật" hay "xác thực" hơn, trong khi sự hiện
diện phi thể lý được coi là "ít thực hơn" (less-than-real) hoặc chỉ đơn thuần là "mô phỏng" (simulation) những gì là thật. Chắc chắn
đối với người Công giáo, việc xem Thánh lễ Chúa Nhật trực tuyến, ngay cả khi được
truyền hình trực tiếp, sẽ không được coi là đã hoàn thành nghĩa vụ tham dự Thánh
lễ Chúa Nhật, vì để hoàn thành nghĩa vụ đòi hỏi người tín hữu phải tham dự Thánh
lễ trực tiếp, tức là cả người cử hành và người tham dự Phụng vụ đều ở trong
cùng một không gian vật lý. Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi trong bài giảng
Lễ Mình Máu Thánh Chúa, năm 2020, Đức Giám mục Broderick Pabillo của Giáo phận
Manila, Philippines, đã nhận xét rằng: “Chúng ta có những Thánh lễ trực tuyến,
nhưng đây không phải là Bí tích Thánh Thể [đối với những người tham dự trực tuyến]…
Chúng ta cử hành Thánh lễ trực tuyến tạm thời vì hoàn cảnh bất thường của chúng
ta, nhưng bản thân nó không phải là Thánh lễ” (Macairan, 2020). Trong một phần
khác của bài giảng, ĐGM Pabillo nhấn mạnh: “Các việc cử hành của chúng ta dâng
lên Thiên Chúa và sự tương quan với Ngài là điều gì đó mang tính chất thật, thực
tế và không thể bị kéo xuống thành ảo. Tất cả chúng ta đều mong mỏi được trở lại
để tham dự Thánh lễ trong nhà thờ. Ảo thôi không đủ, chúng ta muốn cái thật.”
Đối diện với thực tế truyền
thông, qua trung gian kỹ thuật số, đang ngày càng trở thành một phần quen thuộc
trong các hoạt động của Giáo hội, và đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy điều này
hơn, chúng ta cần phải suy nghĩ như thế nào về bản chất và giá trị của sự hiện
diện trực tuyến của Giáo hội và của các vị lãnh đạo Giáo hội trong kỷ nguyên kỹ
thuật số? Chắc chắn, đại dịch Covid-19 đang cho thấy tầm quan trọng và cần thiết
về sự hiện diện liên tục của Giáo hội trong mọi lúc, bất kể nhân loại đang ở
trong hoàn cảnh nào. Trong đại dịch, một cách để thực hiện sự hiện diện là qua
trung gian công nghệ kỹ thuật số, vì việc mọi người gặp gỡ nhau trong các không
gian vật lý rõ ràng mang lại nhiều nguy cơ lây nhiễm bệnh dịch, nhiều khi còn
vi phạm luật pháp của chính quyền sở tại. Tuy nhiên, ngay cả sau khi đại dịch
đã lắng xuống, mức độ phổ biến của CNTT sẽ không giảm trong cuộc sống của con
người nói chung, cũng như các tín hữu nói riêng. Do đó, việc suy tư nghiêm túc
hơn về ý nghĩa và tính chất của hình thức hiện diện trực tuyến là cần thiết, đồng
thời sẽ mang lại nhiều ích lợi hơn cho đường hướng mục vụ hậu đại dịch.
Để việc suy tư được rõ ràng
và lôgic, điều chúng ta cần phải làm là định nghĩa hay xem xét cách sử dụng thuật
ngữ "ảo" để chỉ các hành động
và sự kiện trực tuyến. Theo nhận xét của tác giả, việc mô tả các sự kiện truyền
thông trên mạng là ảo có thể gây ra sự ngộ nhận, mặc dù có sự khác biệt về phẩm
chất giữa sự hiện diện trực tuyến và sự hiện diện vật lý, nhưng cách diễn tả
này có thể gây hiểu sai bản chất của sự hiện diện trực tuyến, vì nó phủ định
giá trị tiềm năng và làm suy yếu tính đích thực của sự hiện diện trực tuyến. Điều
mà thoạt đầu chỉ xem như là vấn đề ngữ nghĩa, thì trên thực tế, nó có những hệ
quả quan trọng đối với cách nhận thức của Giáo hội và các nhà lãnh đạo Giáo hội
về nhu cầu và giá trị của sự tương tác với các tín hữu trên không gian mạng.
Việc sử dụng thuật ngữ “ảo” để chỉ các sự kiện trực tuyến có thể
dẫn đến sự ngộ nhận, vì có nhiều cách hiểu cũng như ý nghĩa được gán cho từ
này, tùy thuộc vào ngữ cảnh mà từ này được sử dụng. Ví dụ, khi được sử dụng như
một thuật ngữ chuyên môn trong lĩnh vực công nghệ thông tin, “ảo” hoặc “thực tế ảo” (virtual reality)
nói đến việc sử dụng đồ họa tương tác không gian thực 3D và các thiết bị công
nghệ để tạo ra một mô phỏng hoặc một bản sao của thực thể vật lý. Đây là một
công nghệ chuyên biệt nhằm mục đích giúp người dùng đạt được một trải nghiệm nhất
định. Bất cứ điều gì có thể được mô tả là thực tế ảo phải có những tính chất: đáng
tin cậy, có tính tương tác, do máy tính tạo ra, có thể khám phá và nhập vai. Việc
sử dụng công nghệ thực tế ảo tạo ra một “sự
hiện diện ảo” (virtual presence),
khiến cho người dùng cảm tưởng rằng, họ không chỉ đang thực sự ở một nơi nào
đó, mà còn có thể chia sẻ trải nghiệm đó cùng với những người khác đang tham
gia vào sinh hoạt của công nghệ thực tế ảo. Một khái niệm có liên quan nhưng
không đồng nhất, đó là “viễn vọng” (telepresence), tức là trải nghiệm nhập
vai và hiện diện với người khác, nhưng không phải ở một nơi ảo mà trong thế giới
thực, chẳng hạn như trong phòng họp hoặc phòng hội nghị của một tòa nhà nào đó.
Qua công nghệ này, các tham dự viên ở nhiều nơi khác nhau có thể cảm thấy như
mình đang ngồi họp với nhau trong cùng một phòng hội thảo thực để trao đổi và
bàn luận những vấn đề của cuộc họp. Trong bối cảnh của đại dịch Covid-19, khi
các thành viên của một công ty hoặc tổ chức phải làm việc từ nhà và không thể tổ
chức những cuộc họp mặt đối mặt được, công nghệ này có thể giúp cho họ cảm thấy
như mình đang tụ họp ở trong một phòng họp truyền thống của công ty như trước
đây, mặc dù trên thực tế mọi người đang ở cách biệt nhau.
Dựa trên cách giải nghĩa này,
thì việc xem một buổi hòa nhạc hoặc tham dự một cử hành Phụng vụ trực tuyến
không đủ điều kiện để được cho là một trải nghiệm về thực tế ảo. Trong sinh hoạt
này, cả người làm chương trình lẫn người xem đều không sử dụng bất kỳ công nghệ
đặc biệt nào để khuếch đại thực tế. Hơn nữa, trừ khi người ta sử dụng nhiều trí
tưởng tượng, chẳng hạn một người nào đó xem Thánh lễ trực tuyến của ĐGH
Phanxicô tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, sẽ không cảm thấy như thể mình
đang ở cùng với ĐGH trong ngôi thánh đường nguy nga này. Một cách tương tự, trừ
khi một người đang tham dự buổi học Kinh Thánh trực tuyến cùng với một số thành
viên trong gia đình hoặc bạn bè, họ sẽ không cảm thấy như đang ở cùng một không
gian vật lý với những người khác cũng đang theo dõi. Do đó, trải nghiệm các
chương trình trực tuyến thực sự không phải là một trải nghiệm thực tế ảo theo
nghĩa chuyên môn trong lĩnh vực công nghệ kỹ thuật số.
Trên thực tế, thuật ngữ “ảo” có thể được hiểu theo một cách đơn
giản là “đang diễn ra hoặc được mô phỏng trên máy tính hoặc mạng máy tính" (being on or simulated on a computer or a computer network).[2]
Theo cách định nghĩa này, khi đề cập đến ảo là ám chỉ về một sự kiện gì đó diễn
ra trên máy tính hoặc trên mạng máy tính thì không có gì đáng tranh cãi, và dường
như đó là nghĩa đang được sử dụng rộng rãi để mô tả vô số hoạt động và sự kiện
được thực hiện trực tuyến hiện nay. Tuy nhiên, khía cạnh khác của định nghĩa
này đề cập đến sự kiện ảo như một hoạt động mô phỏng, do đó nó gợi lên ấn tượng
về một điều gì đó không có thật.
Trong từ điển Merriam-Webster Online, ấn tượng này lại
được củng cố thêm bởi một định nghĩa khác về “ảo” rằng: “Tương tự như vậy về bản chất hoặc hiệu quả mặc dù không
được chính thức công nhận hoặc thừa nhận" (being such in essence or effect though not formally recognized or admitted). Do đó, khi sử dụng một
cách trung lập, mặc dù thuật ngữ “ảo” đơn thuần chỉ về một việc gì đó xảy ra
qua mạng máy tính, nhưng các cách hiểu và cách sử dụng khác về thuật ngữ lại gợi
lên những quan niệm có ý xem thường, cho rằng điều đó không có thực. Trong nhận
thức của người Việt, thuật ngữ “virtual”
được dịch là “ảo” lại càng gợi lên những
cách hiểu tiêu cực nói lên sử giả tạo, giả dối, thậm chí là lừa đảo. Chẳng hạn,
một người “sống ảo” là sống cách biệt với thực tế, xây dựng hình ảnh thiếu
trung thực với mục đích đánh bóng chính mình để tìm kiếm sự hâm mộ từ người
khác trên mạng.
Tính đích thực của sự hiện diện trực tuyến
Vậy thì chúng ta nên nhận thức thế nào về sự hiện diện trực tuyến của Giáo hội hoặc qua các nghi thức Phụng vụ hoặc qua các hoạt động và phương tiện tương tác khác? Về cơ bản, các cử hành Phụng vụ, các buổi chia sẻ tĩnh tâm hoặc học Kinh Thánh trực tuyến là các hoạt động truyền thông sử dụng internet như một phương tiện trung gian. Việc truyền thông được xem như là một quá trình, bao gồm mối quan hệ đối thoại liên tục giữa hai hoặc nhiều người, họ trao đổi các tín hiệu mang ý nghĩa nhằm hướng đến sự hiểu biết lẫn nhau (Eilers, 1994, tr. 24). Theo nghĩa rộng nhất, bởi vì đại đa số loài người không giao tiếp với nhau bằng thần giao cách cảm, nên mọi việc truyền thông của con người đều qua trung gian một cái gì đó - có thể là cử chỉ (ngôn ngữ cơ thể), lời nói (ngôn ngữ bằng lời), văn bản, thiết bị công nghệ, hoặc sự kết hợp của những thứ này. Nhà vật lý nổi tiếng thế giới Stephen Hawkins, bị mất khả năng nói do bệnh suy nhược thần kinh vận động, đã cố gắng giao tiếp “bằng lời nói” bằng cách sử dụng một bộ tổng hợp giọng nói và một phần mềm có tên SwiftKey, do hãng vi tính Intel tạo ra đặc biệt dành riêng cho ông. Mặc dù tiếng phát ra là từ thiết bị vi tính chứ không phải từ thanh quản của Hawkins, nhưng người giao tiếp với ông ấy sẽ không phủ nhận rằng, ông đã thực sự “nói” với họ. Bất kể bằng phương tiện gì đi chăng nữa, trong mọi trường hợp, hành động truyền thông và nội dung truyền đạt luôn xảy ra trong một môi trường cụ thể, bao gồm cả những yếu tố bên trong và bên ngoài. Bối cảnh văn hóa và xã hội quyết định truyền thông từ bên ngoài, trong khi bối cảnh tâm lý chỉ đạo truyền thông từ bên trong (Eilers, tr. 25-26).
Việc truyền thông qua trung
gian CNTT, mặc dù có những đặc điểm riêng biệt, nhưng cũng có chung những động
lực và nguyên lý cơ bản như các hình thức truyền thông khác. Truyền thông dựa
trên ác ý và lừa dối sẽ dẫn đến hận thù, chia rẽ và phân cực, trong khi truyền
thông xuất phát từ các nguyên lý của chân lý và tình yêu sẽ thúc đẩy sự kết nối
và hiệp thông. Thật vậy, sự hiệp thông luôn là mục đích tối hậu của truyền thông
xã hội. Theo cách nhìn của Giáo hội, các phương tiện và tiện ích công nghệ được
sử dụng trong truyền thông xã hội luôn được đánh giá dựa trên khả năng đóng góp
của chúng vào việc xây dựng sự hiệp thông trong Giáo hội cũng như toàn thể gia
đình nhân loại.
Huấn thị mục
vụ về truyền thông xã hội Communio
et Progressio (1971) khẳng định rằng, các phát minh kỹ thuật thúc đẩy
truyền thông giữa con người với nhau, “phục vụ cho việc xây dựng các mối quan hệ
mới và tạo ra một ngôn ngữ mới cho phép con người hiểu rõ bản thân hơn và hiểu
nhau dễ dàng hơn. Bằng cách này, con người dẫn đến sự hiểu biết lẫn nhau và
chia sẻ tham vọng. Và điều này, đến lượt họ, hướng họ đến công lý và hòa bình,
thiện chí và bác ái tích cực, giúp đỡ lẫn nhau, yêu thương và cuối cùng hướng đến
hiệp thông”(C&P, số 12). Đó là lý do tại sao mặc dù thỉnh thoảng vẫn có một
số hoài nghi từ bên trong các góc nhìn của Giáo hội, các nhà lãnh đạo Giáo hội
luôn cởi mở và dễ dàng tiếp nhận các tiến bộ của công nghệ truyền thông, bao gồm
cả công nghệ kỹ thuật số, trong đó có CNTT.
Thời Giáo hội sơ khai, một
trong những cách mà các nhà lãnh đạo Giáo hội xây dựng và nuôi dưỡng sự hiệp
thông là qua việc viết thư. Chẳng hạn, thánh Phaolô đã viết nhiều lá thư quan
trọng gửi cho các Giáo hội địa phương. Nội dung các bức thư đề cập đến nhiều vấn
đề: các xung đột và suy đồi đạo đức trong cộng đoàn, sự đàn áp từ những người
ngoại đạo và các nhà lãnh đạo chính trị, và bao gồm cả những bất đồng về thần học
liên quan đến yêu cầu đối với dân ngoại muốn gia nhập Hội Thánh. Những bức thư
do thánh Phaolô viết đã được đọc trước cộng đoàn Phụng vụ như một phần của buổi
nhóm họp chính thức của các tín hữu (Heil, 2011, tr. 1). Tuy nhiên, việc đọc
các thư của thánh Phaolô trong các buổi cử hành Phụng vụ còn có một mục đích
sâu xa hơn. Với vai trò “thay thế cho sự hiện diện cá nhân của mình, những lá
thư của thánh Phaolô khiến thánh nhân hiện diện với nhiều khán giả khác nhau
trong và qua những lời quý mến của ngài được coi là ‘hành vi lời nói’ (speech acts) mang tính nghi thức, nghĩa
là những lời thực sự mang tính hành động, những lời truyền đạt không chỉ để
thông báo mà còn được thực hiện” (Ibid., tr. 3).[3]
Vì vậy, mặc dù thánh Phaolô không hiện diện trực tiếp, mặt đối mặt, nhưng ngài
vẫn có thể dẫn dắt các tín hữu, “quy tụ lại như một cộng đoàn Phụng vụ, trong một
hành động thờ phượng để chúc tụng sự vĩ đại của Thiên Chúa về những gì Ngài đã
làm trong việc cho Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết” (Ibid., tr. 41).
Tuy nhiên, thánh Phaolô không
phải là người lãnh đạo Giáo hội duy nhất viết thư cho các cộng đoàn Kitô hữu;
Tân ước cũng như vô số tài liệu lịch sử của Giáo hội đã chứng thực điều này. Mặc
dù không phải tất cả những bức thư này đều phải được sử dụng trong cộng đoàn Phụng
vụ như các thư của thánh Phaolô, nhưng không ai có thể phủ nhận sự đóng góp của
chúng trong việc nuôi dưỡng sự hiệp thông trong Giáo hội non trẻ với muôn vàn
khó khăn. Khi công nghệ tiên tiến, các hình thức truyền thông mới đã được đưa
vào sử dụng để duy trì và củng cố ý thức hiệp thông trong Giáo hội.
Trong kỷ nguyên kỹ thuật số,
CNTT đã trở thành một công cụ không thể thiếu trong truyền thông của con người
nói chung và truyền thông của Giáo hội nói riêng. ĐGH Gioan Phaolô II (2002) đã
đề cao giá trị của CNTT khi tuyên bố rằng: “Giống như các phương tiện truyền
thông khác, nó là một phương tiện, không phải là mục đích tự thân. Internet có
thể mang đến những cơ hội tuyệt vời cho việc truyền giáo nếu được sử dụng đúng
khả năng và nhận thức rõ ràng về điểm mạnh và điểm yếu của nó.” Nhiều nhận xét
về internet của ba vị Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Bênêđíctô XVI và Phanxicô đều
phản ánh một cách nhìn rất thực tế về những lợi ích và cạm bẫy của công nghệ kỹ
thuật số. Trong Thông điệp nhân Ngày Truyền thông Thế giới năm 2010, ĐGH
Bênêđíctô XVI nhắc nhở các linh mục rằng, họ đang đứng “trước ngưỡng cửa của một
kỷ nguyên mới: khi các công nghệ mới tạo ra các hình thức quan hệ sâu sắc hơn
xuyên qua những khoảng cách xa hơn, họ được kêu gọi đáp ứng mục vụ bằng cách tận
dụng các phương tiện truyền thông nhiều hơn để phục vụ Lời Chúa một cách hiệu
quả.” Hơn nữa, Đức Thánh Cha cũng kêu gọi các linh mục hãy “hiện diện trong thế
giới truyền thông kỹ thuật số với tư cách là nhân chứng trung thành cho Tin Mừng,
thực hiện vai trò thích hợp của họ với tư cách là người lãnh đạo các cộng đồng
ngày càng thể hiện mình bằng những 'tiếng nói' khác nhau được cung cấp bởi thị
trường kỹ thuật số" (ĐGH Bênêđíctô XVI, 2010).
Trên thực tế, không phải chỉ
có các linh mục được kêu gọi thực hiện sự hiện diện trong thế giới kỷ thuật số,
mà tất cả các thành phần của Giáo hội bao gồm cả vị đứng đầu Hội Thánh. Kể từ
những ngày đầu tiên được bầu làm Giáo Hoàng, tháng 3 năm 2013, ĐGH Phanxicô bắt
đầu đăng tweet thường xuyên qua tài khoản @Pontifex, do ĐGH Bênêđíctô XVI lập,
vào tháng 12 năm 2012 (Narbona, 2016, tr. 97). Sự hiện diện của ĐGH Phanxicô
trên Twitter, Facebook, Instagram và các mạng xã hội khác ngày càng tăng đều đặn,
bằng nhiều ngôn ngữ trong suốt nhiệm kỳ giáo hoàng của ngài. Điều này chứng tỏ
ngài nhận thức về sự cần thiết của các phương tiện truyền thông kỹ thuật số cho việc truyền bá những suy tư về tôn giáo và tâm linh nhằm thúc đẩy đức tin, hòa bình,
đại kết, sự hòa hợp trong Giáo hội và giữa các nền văn hóa. Vào năm 2019,
Vatican cũng đã ra mắt ứng dụng “Nhấp chuột để cầu nguyện” (Click to Pray) như một phần của Mạng lưới
cầu nguyện trên toàn thế giới của ĐGH Phanxicô. Theo Thánh bộ Truyền thông, ứng
dụng này cho phép các tín hữu “đồng hành cùng Đức Giáo Hoàng trong sứ mệnh bày
tỏ lòng nhân hậu cho thế giới,” vì người dùng sẽ được thông báo về những mối
quan tâm của Đức Giáo Hoàng mỗi ngày (Vatican News, 2019).
Tại Hoa Kỳ, Đức Giám mục
Robert Barron, Giám mục phụ tá của Tổng Giáo phận Los Angeles, đã đầu tư nhiều
thời gian và công sức vào việc loan báo Tin Mừng bằng phương tiện kỹ thuật số.
Các video “Lời bùng cháy” (Word on Fire)
của ngài trên mạng YouTube đã nhận được hàng triệu lượt xem bởi cả những người Công
giáo và không Công giáo. Theo ĐGM Barron, thực tế của bối cảnh hiện nay là nhiều
người đã rời bỏ Giáo hội và trở nên những người theo “không tôn giáo”. Trong thực
trạng này, mạng xã hội đóng vai trò như một phương tiện tốt để tìm kiếm và bước
vào thế giới của những “người không theo gì cả” (Bordona, 2018). Trước khi ngài
được thăng chức Giám mục phụ tá, ĐGM Barron đã bắt đầu sự hiện diện trực tuyến
của ngài trong một thời gian dài. Chúng ta không quá ngạc nhiên khi vị Giáo
Hoàng sử dụng mạng xã hội nhiều nhất trong lịch sử Giáo hội đã chọn một trong
những linh mục hiểu biết về mạng xã hội nhất ở Hoa Kỳ vào vị trí lãnh đạo Giáo
hội địa phương.
ĐGH Phanxicô và ĐGM Barron đã
đi trước nhiều nhà lãnh đạo Giáo hội khác trong sự hiện diện trực tuyến. Đối với
nhiều giám mục và linh mục, cho đến khi đại dịch Covid-19 bùng phát khiến các
nhà thờ đóng cửa trên khắp thế giới, mới "đổ xô" sử dụng truyền thông
để hiện diện trực tuyến với giáo dân của mình, bởi vì chủ chiên thì phải sát
cánh với đoàn chiên. Tuy nhiên, khi con chiên không thể đến nhà thờ, thì địa điểm
mà các chủ chăn chắc chắn sẽ gặp gỡ được họ là trên internet, đặc biệt trên các
mạng xã hội phổ biến như Facebook và YouTube. Đối với những vị lãnh đạo như ĐGH
Phanxicô và ĐGM Barron, sự hiện diện trực tuyến của các ngài, mặc dù thường
xuyên hơn so với thời gian trước đại dịch, chỉ đơn giản là sự tiếp nối những gì
các ngài đã làm trong quá khứ theo chức vụ của mình. Tuy nhiên, nhiều nhà lãnh
đạo Giáo hội khác có thể được xem là “lính mới” khi nói đến sự hiện diện trong
không gian mạng. Tất nhiên, việc bị chụp ảnh hoặc quay video/phát trực tiếp Thánh
lễ của giáo xứ hoặc nghi thức truyền chức không phải là điều gì mới mẻ đối với
đại đa số các giám mục và linh mục. Tuy nhiên, sự hiện diện trực tuyến, trong
đó vị mục tử chủ ý và chủ yếu giao tiếp và tương tác với khán giả trên
internet, trong một nghi thức Phụng vụ hoặc một sinh hoạt tâm linh, không hẳn
là điều mà nhiều vị lãnh đạo Giáo hội đã có kinh nghiệm. Đại dịch Covid-19 khiến
các vị mục tử phải điều chỉnh bản thân trong một thời gian rất ngắn, để đối mặt
với một máy quay đơn độc, phải nói chuyện với một khán giả bao gồm nhiều thành
phần khác nhau về giới tính, tuổi tác, chủng tộc, vị trí kinh tế, xã hội… Mặc
dù không thấy được khuôn mặt của khán giả, nhưng vị mục tử biết rằng bên kia đường
giây là những con người thực với những cuộc sống và lo toan thực. Đối với một số
linh mục, việc thuyết giảng, chia sẻ với một khán giả “vô hình” là một trải
nghiệm đầy lo lắng. Tuy nhiên, đối với cả hai đối tượng của hành động truyền
thông qua trung gian công nghệ kỹ thuật số, tính đích thực của sự việc phụ thuộc
hoàn toàn vào thái độ nghiêm túc, cởi mở và sẵn sàng đón nhận của người truyền
đạt cũng như người tiếp nhận thông tin. Tính xác thực của sự việc còn dựa trên
sự tin tưởng lẫn nhau, rằng ở nơi được gọi là không gian kỹ thuật số hay không
gian mạng này, có sự hiện diện thực sự, theo nghĩa là có những con người thực,
sống động và hoạt động, đang nối kết và tương tác với nhau qua hành động truyền
thông.
Trong thực tế, không gian mạng
không chỉ có những “cư dân” thật, mà họ còn làm những việc vốn thuộc về bản chất con
người thật - chia sẻ và tranh luận, kinh doanh buôn bán, xung đột và hòa giải,
chửi bới và thờ phượng, phạm tội và tìm kiếm sự tha thứ. Theo Domenico Pomili,
trước thực tế không gian mạng đang ngày càng trở thành một thực thể liền mạch với
thế giới vật lý trong đời sống con người, môi trường kỹ thuật số nên được xem
là môi trường có thật, và hội tụ đủ tiêu chuẩn để có thể được nhìn nhận như là
một không gian nhân học (anthropological
space) (Pomili, 2011, tr. 62). Những gì diễn ra trong môi trường này phản
ánh tất cả các khía cạnh của đời sống con người - tâm linh, xã hội, chính trị,
đạo đức… Thật vậy, ĐGH Benêdictô XVI (2013) nhận xét rằng: “Môi trường kỹ thuật
số không phải là một thế giới song song hay hoàn toàn ảo, mà là một phần trong
trải nghiệm hàng ngày của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ.” Nhưng chắc chắn
thế giới mạng không còn chỉ là nơi hội tụ của những người trẻ, vì như chúng ta
thấy trong đại dịch Covid-19, những cụ già ở các vùng thôn quê Việt Nam, những
người thậm chí chưa từng sở hữu một chiếc điện thoại thông minh, cũng đã cung
kính xem Thánh lễ hàng ngày trên các thiết bị này. Họ không chỉ xem các Thánh lễ
được cử hành bởi các giám mục hay linh mục địa phương, mà còn tìm xem các Thánh
lễ được phát từ các giáo xứ và vùng miền khác, hầu được thưởng thức với những
món ăn tinh thần đa dạng và hấp dẫn hơn. Cha Joshy Xavier, SJ, ở Ấn Độ, cho biết
rằng, trong một số gia đình, các thành viên của họ chỉ dùng chung một chiếc điện
thoại thông minh. Vào ban ngày, những đứa trẻ sử dụng để học trực tuyến; vào buổi
tối thì người lớn dùng để xem các cử hành Phụng vụ (Le Duc và Mi Shen, 2021).
"Sáng tạo truyền giáo" trong đại dịch
“Sáng tạo truyền giáo” (missionary creativity) là cụm từ được ĐGH Phanxicô sử dụng hai lần trong Tông huấn Evangelii Gaudium (số 28) và Amoris Laetitia (số 57). Trong Evangelii Gaudium, ngài viết:
Giáo xứ không phải là một thiết chế lỗi thời; chính vì nó có tính linh hoạt cao, nó có thể mang những đường nét khá khác nhau tùy thuộc vào sự cởi mở và khả năng sáng tạo truyền giáo của mục tử và cộng đoàn. Mặc dù chắc chắn không phải là cơ sở duy nhất truyền giáo, nhưng nếu giáo xứ chứng tỏ được khả năng tự đổi mới và thích nghi liên tục, thì giáo xứ đó vẫn tiếp tục là “Giáo hội sống giữa nhà của những người con trai và con gái của mình. (số 28)
Mặc dù trong đoạn này, ĐGH
Phanxicô nói về môi trường giáo xứ trong những thời điểm bình thường khi các
cánh cửa nhà thờ không bị đóng kín, nhưng tinh thần của lời khuyến dụ của ngài
có thể áp dụng cho bất kỳ thời điểm hay hoàn cảnh nào của giáo xứ hoặc Giáo hội.
Khả năng sáng tạo truyền giáo, khi được các nhà lãnh đạo ở các cấp độ khác nhau
trong Hội Thánh khai thác mục vụ cách tích cực, có thể thích ứng và đáp trả với
vô số thách đố nảy sinh từ các biến cố khác nhau đang diễn ra trên thế giới, bất
kể tự nhiên hay nhân tạo.
Vào tháng 05 năm 2020, một số
nhà lãnh đạo chính trị ở Hoa Kỳ đã kêu gọi các thống đốc tiểu bang mở cửa các
nhà thờ để cho các tín hữu có thể trở lại với sinh hoạt tôn giáo. Mặc dù tại thời
điểm ấy, đại dịch chưa có dấu hiệu lắng xuống, nhưng lời kêu gọi nói trên có ý
nói rằng, sinh hoạt tôn giáo là một sinh hoạt thiết yếu (essential), tương đương với việc đi chợ, đi bệnh viện… nên không thể
cấm cản được. Nhằm đáp lại quan điểm này, cha Edward Beck, một linh mục dòng
Passionist, đã đăng bài viết trên trang Web của đài CNN với lời bình luận rằng,
trong suốt đại dịch, cha và các tổ chức tôn giáo khác không ngừng cung cấp các
dịch vụ “thiết yếu” cho các tín hữu. Cha Beck viết: “Trong đại dịch này, tôi đã
chôn cất người chết tại các nghĩa trang - với số lượng các thành viên gia đình
có mặt bị hạn chế. Tôi đã cầu nguyện với mọi người qua FaceTime và Zoom. Tôi thậm
chí còn giải tội trong bãi đậu xe của một siêu thị” (2020). Thật vậy, các nhà
lãnh đạo Giáo hội và các thừa tác viên mục vụ đã thích nghi với tình hình, tìm
cách hỗ trợ tinh thần cho các tín hữu qua sự hiện diện trực tuyến, hoặc nếu điều
kiện cho phép, thì hiện diện một cách trực tiếp. Các vị mục tử cũng như các thừa
tác viên mục vụ khác không ngừng thi hành sứ vụ hay vắng khỏi đời sống của giáo
dân, mặc dầu các nhà thờ buộc phải cửa khóa then cài, vì họ đã làm trách nhiệm
của mình qua những hình thức và phương cách mới, đặc biệt qua trung gian CNTT.
Như cha Beck, các mục tử và
thừa tác viên mục vụ trong Giáo hội đã sử dụng khả năng sáng tạo truyền giáo của
họ để đáp ứng các nhu cầu mục vụ của giáo dân theo nhiều cách khác nhau. Tại
Hoa Kỳ, Cha Antôn Phạm Hữu Tâm, một bác sĩ y khoa, hưởng ứng lời kêu gọi của Thống
đốc New York đã đóng cửa văn phòng của ngài ở Houston trong ba tuần, để tình
nguyện giúp đỡ nạn nhân của đại dịch, tại Bệnh viện Elmhurst, ở Queens. Sau đó,
cha cũng tổ chức các chương trình xét nghiệm Covid-19 cho cộng đồng Việt Nam, tại
các nhà thờ và chùa trong khu vực Houston bang Texas. Tháng 7 năm 2021, khi ở
Việt Nam và Thái Lan tái bùng phát dịch với hàng nghìn người bị nhiễm mỗi ngày,
nhiều lao động di dân Việt Nam tại Thái Lan không được nhập viện vì nhiều lý do
khác nhau, tác giả đã liên lạc với cha Tâm xin ngài đăng bài viết chỉ dẫn cách
phòng ngừa và điều trị Covid-19 tại nhà. Ngài đã đáp lại bằng cách đăng một số
bài viết với những thông tin thiết thực trên trang Facebook cá nhân, nhận được
lượng chia sẻ rất cao.
Tại Thái Lan, Cha Somkiat
Trinikorn, nguyên tổng đại diện của Tổng Giáo phận Bangkok và là một học giả Kinh
Thánh, đã thường xuyên xuất hiện trên mạng xã hội Công giáo Thái Lan từ rất
lâu, trước đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, phải đến khi đại dịch xảy ra, Cha
Trinikorn mới phát trực tuyến các bài nói chuyện và bài thuyết giảng về Kinh
Thánh của mình — không phải dành cho các đại chủng sinh tham gia các khóa học của
ngài, mà dành cho tất cả những người Công giáo Thái Lan. Khi thực hiện các bài
giảng thuyết, Cha Trinikorn luôn ngồi bên cạnh màn hình tivi hiển thị nội dung
bài giảng trên phần mềm Powerpoint. Mỗi
lần chương trình của ngài được phát trực tiếp, đã có rất nhiều người theo dõi
cũng như chia sẻ vào các trang cá nhân hoặc các trang mạng xã hội Công giáo
khác trong cộng đồng Thái Lan.
Tại Philippines, cha John Mi
Shen, một linh mục người Trung Quốc, đang giảng dạy tại Đại học Giáo Hoàng
Santo Tomas (UST), ở Manila. Kể từ tháng 1 năm 2020, ngài bắt đầu cử hành Thánh
lễ trực tuyến hàng ngày cho một nhóm khoảng 100 người Công giáo đến từ thành phố
Vũ Hán, Trung Quốc, tâm chấn ban đầu của đại dịch toàn cầu. Theo Cha Mi Shen,
ngài đã chọn cử hành Thánh lễ trực tuyến “riêng tư” với nhóm này thay vì Thánh
lễ “công khai”, nơi mọi người có thể theo dõi, vì cha muốn duy trì một bầu
không khí ấm áp để có thể đồng hành và chia sẽ với giáo dân Công giáo tại Vũ
Hán. Từ việc dâng lễ trực tuyến mỗi ngày cho các gia đình Công giáo Vũ Hán, Cha
Mi Shen cho biết ngài đã có thể làm quen được với tất cả các gia đình theo cách
riêng. Cha nói, “Nhiều người trong số họ đã tiếp cận tôi để được tư vấn trực
tuyến, vì vậy tôi có thể biết hầu hết các gia đình trong nhóm và những mối quan
tâm của họ.”[4]
Các giáo dân trong nhóm cũng
đã trở thành những người cộng tác vào hoạt động giúp đỡ người nghèo của Cha Mi
Shen ở Philippines, vì ngoài việc cử hành Thánh lễ trực tuyến cho nhóm người Công
giáo Vũ Hán, Cha Mi Shen còn sử dụng các diễn đàn mạng xã hội của Trung Quốc để
chia sẻ về những khó khăn mà người dân Philippines phải gánh chịu trong đại dịch.
Kết quả của việc chia sẻ những câu chuyện đáng thương đó, Cha Mi Shen đã nhận
được những khoản quyên góp đáng kể từ giáo dân tại Trung Quốc, trong đó có cả
“cộng đoàn Kitô hữu trực tuyến” của cha, để giúp đỡ các nạn nhân Covid-19 ở
Philippines. Cha Mi Shen cho biết, các giáo dân bên Trung Quốc rất đồng cảm với
các nạn nhân tại Philippines, vì chính họ đã trải qua cuộc khủng hoảng trước
đó, nên họ có thể chia sẻ với những khó khăn mà người Philippines đang phải đối
diện.
Các câu chuyện mục vụ thời
Covid-19 trên cho thấy, từ cách nhìn của các nhà lãnh đạo Giáo hội, không có gì
phải bất đồng với quan điểm cho rằng, Giáo hội đóng một vai trò thiết yếu cho
cuộc sống của các tín hữu. Tuy nhiên, việc thi hành sứ vụ thiết yếu đó không nhất
thiết phải “ngừng” trong thời gian đại dịch xảy ra, ngay cả trong lúc các cơ sở
của Giáo hội buộc phải đóng cửa. Trong mọi hoàn cảnh, Giáo hội luôn thi hành sứ
vụ của mình bằng khả năng và sự sáng tạo dưới sự linh ứng của Chúa Thánh Thần.
Ngày nay, khi nói về Giáo hội, chúng ta liên tưởng đến Giáo hội như một sự hiệp
thông của dân Chúa với nhau và với Thiên Chúa. Cách nhìn này về Giáo hội nhấn mạnh
đến những cách thức thúc đẩy việc xây dựng các mối tương quan và tính cộng đồng
hơn là sự giàu có và vẻ uy nghi bề ngoài, hoặc thể hiện sức mạnh và quyền lực của
một thể chế. Vì thế, việc các nhà thờ bị đóng cửa để phòng chống dịch sẽ không
gây tác hại đến tinh thần hiệp thông trong Giáo hội, nếu sự lãnh đạo và sự hiện
diện của Giáo hội tiếp tục được thực hiện theo những cách sáng tạo cả trực tuyến
và ngoại tuyến.
Trên thực tế, không nên xem
các chiều kích trực tuyến và ngoại tuyến như hai điều tồn tại tách biệt với
nhau hoặc đối nghịch nhau. Khi xem trực tuyến ĐGH Phanxicô đơn độc đứng tại Quảng
trường Thánh Phêrô cầu nguyện cho thế giới, ngày 27 tháng 03 năm 2020, trong
tâm thức của chúng ta, chúng ta đang hiệp thông cầu nguyện với một con người thật,
đó là vị lãnh đạo của Giáo hội, đại diện của Đức Kitô ở thế gian. Tương tự như
vậy, các buổi chầu Thánh Thể mà chúng ta theo dõi trực tuyến thực sự được cử
hành, Mình Thánh Chúa thực sự đã được đặt trên bàn thờ bởi một thừa tác viên, để
mọi người chiêm ngắm và thờ phượng Chúa Kitô trong Mình Thánh Chúa.
Do đó, không gian kỹ thuật số nơi những sự việc này được nhìn thấy, nghe biết và cảm nhận, chúng ta không thể phủ nhận thực tế rằng, mọi hành động và lời nói được truyền đạt đã thực sự được thể hiện và đón nhận bởi những người ở hai đầu của đường giây truyền. Không thể gọi một Thánh lễ trực tuyến là “ảo” khi bánh và rượu thực sự đã biến thành Mình và Máu Chúa Kitô. Một buổi hòa nhạc trực tuyến không phải là “ảo” khi mà trên thực tế, những bản nhạc hay đã được trình diễn cho hàng triệu người nghe và thưởng thức. Một chương trình cầu nguyện trực tuyến không thể nào là “ảo” khi nhiều trái tim đã đắm chìm trong tâm tư cầu nguyện và thờ phượng. Với sự liên kết ngày càng chặt chẽ giữa không gian kỹ thuật số và không gian vật lý, bất kỳ sự hiện diện nào xây dựng sự hiệp thông và gia tăng việc thờ phượng Chúa đều có giá trị cũng như tính đích thực của nó.
Ưu tiên sự hiện diện thể chất
Trong phần cuối này, thiết nghĩ cần nhấn mạnh một điều rằng, việc khẳng định giá trị và tính xác thực của trải nghiệm truyền thông trực tuyến không nên được hiểu như một luận cứ đánh đồng tính chất giữa hai hình thức trực tuyến và trực tiếp. Trở lại với Hội Thánh sơ khai, chúng ta đừng quên rằng mặc dù thánh Phaolô gửi cho tín hữu Côrintô những bức thư đầy tâm huyết, nhưng không phải mọi vấn đề đều nhanh chóng được giải quyết. Một phần của quá trình giải hòa đòi hỏi thánh Phaolô phải trực tiếp đến thăm người Côrintô “để anh em được lợi gấp đôi” (2Cr 1,15). Thực ra, trước khi thánh Phaolô thực hiện chuyến đến thăm cộng đoàn để giải quyết những vấn đề khúc mắc, ngài đã viết những lá thư dọn đường rồi, để khi đến nơi, cuộc gặp gỡ mặt đối mặt sẽ có kết quả hơn và dễ dàng hơn cho cả hai bên (2,1-3). Việc Thánh Phaolô mong muốn và thừa nhận sự cần thiết phải trực tiếp đến thăm các giáo đoàn Kitô hữu, không chỉ giao tiếp bằng thư từ, cũng được thể hiện rõ ràng trong lá thư gửi cho tín hữu Rôma. Mặc dù tại thời điểm viết thư, thánh Phaolô chưa bao giờ đến Rôma, ngài cũng không phải là người có vai trò thành lập giáo đoàn ở đó, nhưng thánh Phaolô bày tỏ rằng: “Tôi rất ước ao được gặp anh em để chia sẻ với anh em phần nào ân huệ Thánh Thần, nhờ đó anh em vững mạnh, nghĩa là để anh em chúng ta cùng khích lệ nhau, bởi vì cả anh em lẫn tôi, chúng ta đều chung một niềm tin” (Rm 1,11-12).
Cách nhìn về giá trị của những
chuyến thăm trực tiếp không chỉ thấy ở riêng thánh Phaolô. Trong các giáo đoàn
của thánh Gioan, vị lãnh đạo Giáo hội, khi viết thư cho người đứng đầu một giáo
đoàn nhỏ, ngài cũng bày tỏ mong muốn được gặp gỡ để trao đổi trực tiếp về các vấn
đề liên quan đến giáo đoàn. Khi kết thúc bức thư, ngài viết: “Tôi còn có nhiều
điều phải viết cho anh em, tôi không muốn dùng giấy mực. Nhưng tôi hy vọng có
thể đến với anh em và nói chuyện trực tiếp, để niềm vui của chúng ta được nên
trọn vẹn” (2 Ga 12). Những tâm tư của thánh
Phaolô và người đứng đầu giáo đoàn của Gioan đều chứng minh rằng, những
cuộc gặp gỡ trực tiếp không chỉ mang lại niềm vui và ân sủng lớn hơn cho các
tín hữu, mà còn đáp ứng nhu cầu tình cảm và tâm linh của chính những người lãnh
đạo Hội Thánh.
Qua sự ao ước được hiện diện
trực tiếp của các vị lãnh đạo Giáo hội với các tín hữu cho thấy, đây cũng là
khao khát mà chính Thiên Chúa đã thể hiện với con người. Từ sự hiện diện của
Thiên Chúa giữa dân Is-ra-en dưới nhiều hình thức khác nhau (tiếng gió, ngọn lửa,
các biến cố thiên nhiên…), cũng như việc Ngài sử dụng các tiên tri để truyền
thông với dân Is-ra-en, cuối cùng Thiên Chúa đã nhập thể làm người, qua Đức
Giêsu, để liên kết với con người một cách chặt chẽ và cụ thể. Qua biến cố Nhập
thể của Đức Giêsu, Thiên Chúa trực tiếp làm người, mang thân phận con người, để
bày tỏ cho con người biết về chính Ngài một cách sâu xa hơn. Biến cố Nhập thể
đã mang lại giá trị và hiệu quả cho kế hoạch cứu chuộc của Thiên Chúa vượt xa
những gì có thể làm được qua những phương cách truyền thông khác đã được thực
hiện trước đó.
Trong bối cảnh của đại dịch
Covid-19, sự khác biệt về phẩm chất giữa hình thức hiện diện trực tuyến và trực
tiếp có thể nhận thấy qua những sự việc cụ thể. Chẳng hạn, nhiều sinh viên đại
học ở Hoa Kỳ đã yêu cầu các trường đại học phải hoàn trả hoặc giảm học phí sau
khi buộc phải tham gia các lớp học trực tuyến dài hạn. Họ cho rằng hình thức học
trực tuyến không thể nào so sánh với việc học trực tiếp trên lớp. Tương tự, nhiều
trẻ em trên khắp thế giới sau nhiều ngày bị cô lập trong nhà, ao ước được ra
ngoài để vui chơi, gặp gỡ bạn bè, thay vì chỉ liên lạc với nhau qua tin nhắn hoặc
cuộc gọi bằng hình ảnh (video chat).
Vào ngày 14 tháng 6 năm 2020, nhóm nhạc nổi tiếng toàn cầu, BTS, đến từ Hàn Quốc,
đã biểu diễn một buổi hòa nhạc trực tuyến có số lượng khán giả theo dõi kỷ lục
650.000 người hâm mộ trên khắp thế giới. Mặc dù được coi là một thành công lớn
về mặt doanh thu (gần 20 triệu Mỹ kim) cũng như lượng khán giả, nhưng Suga, một
thành viên của ban nhạc, bày tỏ: “Nói thật là chúng tôi muốn biểu diễn [trong
chuyến lưu diễn] rất nhiều. Thật kỳ lạ khi không có tất cả các bạn cổ vũ chúng
tôi trực tiếp. Mặc dù chúng ta không thể nhìn thấy nhau về mặt thể lý, nhưng
chúng ta nên tin tưởng vào thực tế là chúng ta sẽ sớm gặp nhau” (Bate, 2020).
Những ví dụ trên cùng với
kinh nghiệm của chính chúng ta trong thời gian phải giãn cách xã hội khẳng định
rằng, việc thừa nhận giá trị và tính xác thực của trải nghiệm trực tuyến không
cần và không nên hàm ý rằng, hai trải nghiệm gặp gỡ và truyền thông trực tiếp
và trực tuyến đều mang phẩm chất ngang nhau; hình thức này có thể thay thế hình
thức kia cách tuyệt đối. Trên thực tế, những cuộc gặp gỡ trực tuyến hiệu quả nhất
chính là những lần khơi lên trong tâm tư mỗi người chúng ta ao ước muốn kết nối
với nhau mật thiết hơn nữa qua những cuộc gặp gỡ mặt đối mặt, vai kề vai, “tay
bắt mặt mừng”. Cũng như Thiên Chúa đã không chỉ muốn truyền thông với nhân loại
qua những dấu chỉ thiên nhiên hay qua lời các ngôn sứ, nhưng qua chính Con Một
của Ngài, hầu nhân loại được cứu rỗi.
Kết luận
Khi các nhà lãnh đạo Giáo hội ứng phó với đại dịch Covid-19, tìm cách thực hiện “sáng tạo truyền giáo” như ĐGH Phanxicô đã thúc giục bằng cách hiện diện trực tuyến, họ không thể cùng một lúc dựa vào CNTT để thi hành sứ vụ mà lại cho rằng hình thức này là “ảo”, “kém chân thực” hoặc “không hoàn toàn chân thực”, và vì thế không phải là một ưu tiên. Thái độ này không chỉ xem thường và bỏ qua sức mạnh tiềm tàng của CNTT cho công việc rao giảng Tin Mừng, mà còn hạ thấp giá trị của chính truyền thông đang nỗ lực thực hiện nhằm mục đích nuôi dưỡng sự hiệp thông trong Giáo hội. Do đó, Giáo hội trong thời hậu đại dịch, các nhà lãnh đạo, đặc biệt là những người đã sử dụng phương tiện trực tuyến trong cuộc khủng hoảng, không nên rút lui hay từ bỏ cách đột ngột khỏi không gian mạng. Nếu CNTT và không gian mạng được các Đức Giáo Hoàng công nhận là “thành quả của sự khéo léo của con người, phải được đặt để phục vụ lợi ích toàn diện của cá nhân và toàn thể nhân loại” (ĐGH Bênêđíctô XVI, 2011), thì sự hiện diện trực tuyến và việc lãnh đạo trong lĩnh vực kỹ thuật số không thể chỉ là một giải pháp tạm thời để cầm cự trong khi đại dịch đang xảy ra, mà nó phải được đưa vào chương trình truyền giáo một cách quy mộ và lâu dài của Giáo hội. Nếu đại dịch Covid-19 dạy chúng ta một điều, thì điều đó chính là nhân loại, trong đó bao gồm cả Giáo hội, có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Theo cách tương tự, cuộc sống trực tuyến và ngoại tuyến của chúng ta ngày càng được kết nối liền mạch với nhau trong kỷ nguyên kỹ thuật số. Việc xây dựng và duy trì sự hiệp thông trong Giáo hội cũng như trong toàn thể gia đình nhân loại đòi hỏi chúng ta phải sử dụng mọi phương tiện có sẵn. Bên cạnh đó, sự hiện diện và hướng dẫn của Giáo hội luôn cần thiết trong mọi bối cảnh. Do đó, Giáo hội sau đại dịch sẽ phục vụ tốt cho Thiên Chúa và nhân loại khi có thể điều hướng và sử dụng CNTT một cách hợp lý, ưu tiên thích đáng cho các hình thức truyền thông có lợi cho việc nuôi dưỡng tinh thần của các tín hữu, luôn đặt lên hàng đầu mục đích tối hậu là sự hiệp thông giữa con người với Thiên Chúa và với toàn thể thụ tạo trong “Ngôi nhà chung” mà Chúa đã ban cho chúng ta.
Tài
liệu tham khảo
Bate, Ellie (2020). BTS' virtual concert "bang bang con" proved their biggest strength is their connection with their fans. Buzzfeed.Com. Truy cập từ https://www.buzzfeed.com/eleanorbate/bts-bang-bang-con-live-concert-army
Beck, Edward (2020). Priest: Mr. President, we don't need to open churches to practice our faith. CNN. Truy cập từ https://edition.cnn.com/2020/05/22/opinions/churches-reopening-trump-covid-19-beck/index.html.
Bordona, Linda (2018, October 17). Bishop Barron on the Synod, 'nones', existential peripheries and social media. Vatican News. Retrieved from https://www.vaticannews.va/en/church/news/2018-10/synod-youth-2018-interview-bishop-barron0.html
Communio et Progressio (1971). Truy cập từ http://www.vatican.va/roman_curia/pontifical_councils/pccs/documents/rc_pc_pccs_doc_23051971_communio_en.html
Dungan, Kelli (2020). Coronavirus: star-studded ‘One World’ virtual concert raises $128M for front-line pandemic workers. Truy cập từ https://www.wsbtv.com/news/trending/coronavirus-star-studded-one-world-virtual-concert-raises-128m-front-line-pandemic-workers/WUOMI63245DTTO7VVV67OVCKVA/
Eilers, Josef-Franz (2009). Communicating in community: an introduction to social communication. Manila, Philippines: Logos Publications, Inc.
Heil, John Paul (2011). The letters of Paul as rituals of worship. Eugene, Oregon: Cascade Books.
Le Duc, Anthony and John Mi Shen (2021). Pastoral Creativity Amid the Covid-19 Pandemic: Global Experiences. Manila, Philippines: Logos Publications, Inc.
Macairan, Evelyn (2020). Online masses not enough, bishop says. Truy cập từ https://www.philstar.com/headlines/2020/06/15/2020955/online-masses-not-enough-bishop-says
Merriam-Webster Dictionary Online (2020). Truy cập từ https://www.merriam-webster.com/dictionary/virtual.
Narbona, Juan (2016). Digital leadership, Twitter and Pope Francis. Church, Communication and Culture 1(1), 90-109. doi: 10.1080/23753234.2016.1181307
New International Version Online Bible. Truy cập từ https://www.biblegateway.com/versions/New-International-Version-NIV-Bible/
Pomili, Domenico (2011). Il nuovo ell’antico: comunicazione e testimonianza nell’era digitale [The new in the old: communication and witnessing in the digital era]. San Paolo, Italy: Cinisello Balsamo.
Pope Benedict XVI (2011). World communications day message 2011. The Holy See. Truy cập từ http://www.vatican.va/content/benedict-xvi/en/messages/communications/documents/hf_ben-xvi_mes_20110124_45th-world-communications-day.pdf.
Pope Benedict XVI (2013). World communications day message 2013. The Holy See. Truy cập từ http://www.vatican.va/content/benedict-xvi/en/messages/communications/documents/hf_ben-xvi_mes_20130124_47th-world-communications-day.html.
Pope Francis (2013). Evangelii
Gaudium. The Holy See. Truy cập từ http://www.vatican.va/content/francesco/en/apost_exhortations/documents/papa-francesco_esortazione-ap_20131124_evangelii-gaudium.html.
Pope John Paul II (2002). World communications day message 2002. The Holy See. Truy cập từ http://w2.vatican.va/content/john-paul-ii/en/messages/communications/documents/hf_jp-ii_mes_20020122_world-communications-day.html.
Vatican News (2019, January 20). Pope launches his click to pray app profile. Truy cập từ https://www.vaticannews.va/en/pope/news/2019-01/pope-launches-click-to-pray-app.html.
[1] Theo ý kiến của người viết thì từ “virtual” được dịch ra tiếng Việt là “ảo” chưa thực sự chính xác. Tuy nhiên,
đây là từ đang được sử dụng phổ biến và rộng rãi.
[2] Theo định nghĩa của từ điển Merriam-Webster Online.
[3] Serving “as substitutes for his personal presence, the
letters of Paul make him present to his various audiences in and through his
words of worship considered as ritual ‘speech acts,’ that is, words that
actually do what they say, words that communicate by not only informing but
performing” (p. 3)
[4] Các thông tin này đến từ những lần tác giả đã nói chuyện
với Cha John Mi Shen qua ứng dụng WhatsApp.
No comments:
Post a Comment