Sunday, April 24, 2022

Mạng xã hội và sự hủy hoại khái niệm “ăn xem nồi – ngồi xem hướng”


Phương cách chúng ta hành động trong xã hội truyền thống con người được xây dựng trên sự hiểu biết và nhận thức về bối cảnh ở mức tình huống cụ thể cũng như mức vĩ mô bao gồm các chiều kích văn hóa, lịch sử, tôn giáo, xã hội, v.v.. Trong xã hội văn hóa Việt Nam có câu “ăn xem nồi – ngồi xem hướng” để diễn tả nguyên tắc hành động sao cho phù hợp với bối cảnh thực tế. Trước khi múc cơm thì cũng phải nhìn xem trong bàn ăn có bao nhiêu người và trong nồi còn chừng nào cơm để không lấy nhiều quá khiến người khác phải nhịn đói. Khi chọn chỗ ngồi trong một bữa tiệc thì phải nhận thức rõ vị trí của mình để chọn chỗ cho phù hợp với tuổi tác, vai trò và địa vị. Biết nhìn trước nhìn sau, nhìn lên nhìn xuống giúp cho chúng ta hành động một cách hợp lý và duy trì sự hài hòa trong môi trường sống.


Ai cũng phải để ý về những gì xung quanh mình để ứng xử cho đúng đắn và phù hợp với mỗi tình huống mà ta đối diện. Khi nghe ai đó nói điều gì với mình thì mình phải cân nhắc nội dung theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng để hiểu được ý người nói mà đối đáp cho hợp lý. Một ông tơ bà nguyệt vào nhà của một người có đứa con gái ở tuổi lập gia đình, đi dạo trong vườn với chủ nhà, rồi hỏi: “Cây hoa nhà anh xinh quá, đã có người tới ngắm chưa?”. Khi nghe câu hỏi này, chủ nhà phải hiểu “cây hoa” ở đây ám chỉ điều gì. Chủ nhà mà trả lời “Đã có người tới ngắm rồi” thì xem như là xong phim (người Thái Lan diễn tả tình trạng này với câu nói “bản tin thời sự đã chấm dứt”).

Đời sống con người trong xã hội truyền thống hoàn toàn dựa trên bối cảnh vì bối cảnh được tạo ra bởi sự liên tục và liên quan giữa tất cả các khía cạnh của cuộc sống. Về mặt thời gian có sự liên tục giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Về mặt văn hóa có những phong tục tập quán được truyền đạt từ thế hệ này đến thế hệ kia được hình thành qua hàng trăm hàng nghìn năm lịch sử của một dân tộc. Về mặt tôn giáo, tín ngưỡng được truyền đạt và hướng dẫn bởi các lãnh đạo tôn giáo được mọi người công nhận và đặt sự tín nhiệm vào họ. Việc thờ phượng diễn ra ở không gian và thời gian thích hợp để đảm bảo sự tôn nghiêm và hiệu quả trong việc nuôi dưỡng đời sống tinh thần của tín đồ. Về mặt xã hội có một cơ cấu rõ ràng với những trách nhiệm được phân bổ cho từng cá nhân một cách cụ thể để mọi người ý thức được trách nhiệm của mình mà thi hành cho đúng đắn. Vì thế, lãnh đạo chính trị có trách nhiệm quản trị đất nước. Các nhà giáo dục có trách nhiệm nâng cao kiến thức của người dân, đặc biệt người trẻ. Các bậc cha mẹ có trách nhiệm chăm lo cho con cái mình để chúng trở nên người tốt trong cộng đồng và xã hội. Những người trẻ có trách nhiệm phải vâng lời bề trên, cố gắng học tập để trở nên những người lãnh đạo gia đình, xã hội, tôn giáo hoặc đất nước trong tương lai.

Ngược lại với xã hội truyền thống của con người, môi trường mạng xã hội (MXH) là một môi trường rời rạc và không có bối cảnh cụ thể. Trong môi trường này, các nội dung không liên quan gì đến nhau liên tục hiện lên trước mặt chúng ta. Một bài “tin tức” về ca sĩ diễn viên Hàn Quốc tiếp nối một bài giảng của Đức Giáo Hoàng, tiếp theo là link YouTube bà Hằng bốc phốt người nổi tiếng, tiếp theo là hình ảnh tự sướng của một người bạn mới làm quen qua MXH, tiếp theo là một clip video chiến tranh thế giới của thế kỷ trước, rồi một clip đánh ghen ở Trung Quốc, rồi trở lại một bài suy niệm kèm theo một bức ảnh Lòng Thương Xót Chúa…. Quá khứ, hiện tại, tương lai hiện lên trước mặt chúng ta dưới sự sắp xếp của thuật toán không theo bất cứ một thứ tự hay hệ thống nào. Những nội dung đạo đức và trần tục lẫn lộn với nhau, áp đặc cho người dùng phải nhảy từ trạng thái này qua trạng thái kia trong vòng chỉ vài giây hoặc vài phút đồng hồ. Tin giả, tin thật, tin giả như thật, tin thật như giả…lẫn lộn với nhau như cỏ lùng mọc lên giữa đám lúa mì. Chúng ta có thể bỏ ra vài phút để bấm vào từng nội dung, hoặc, như đa số những người dùng, có thể lướt qua các bài viết một cách vô tư, hoặc bấm like một cách hời hợt rồi xem tiếp những nội dung khác.

Vài thập niên trước, Neil Postman từng chỉ trích sự phát minh máy truyền hình làm hủy hoại khái niệm về bối cảnh. Trong lịch phát sóng truyền hình, mọi vấn đề được gói gọn trong một quãng thời gian nhất định. Sau khi chương trình đó kết thúc, một chương trình khác hoàn toàn không liên quan gì được tiếp theo, và cứ như vậy hết giờ này qua giờ khác, hết ngày này qua ngày khác. Điều này cũng có thể thấy trong một chương trình thời sự với những bản tin về những sự việc xảy ra ở nơi này nơi kia trên thế giới không liên quan gì đến nhau cứ tiếp nối nhau trong vòng 30 hoặc 60 phút. Để chuyển tiếp từ bản tin về một vụ giết người ở địa phương qua bản tin về chiến tranh ở bên kia quả cầu, người đọc tin tức chỉ cần nói một câu đại loại như “Và bây giờ….”. Xem như mọi thứ trước đây đã chấm dứt sau bản tin dài 1 phút 29 giây. Và sau khi đưa những hình ảnh phóng sự về chiến tranh đẫm máu khiến nguy cơ xảy ra diệt chủng, chương trình bước vào phần quảng cáo với những clip đã được đầu tư công phu giới thiệu những sản phẩm như xe ô-tô đời mới nhất sẽ đưa người tiêu dùng lên một đẳng cấp mới, gói du lịch hấp dẫn cho mùa hè sắp tới khiến cho cả gia đình vui vẻ và hạnh phúc, loại bột giặt mới sẽ giúp cho mọi người làm nội trợ hạnh phúc với cuộc sống, hiệu kem ăn nhiều mà không phải lo sẽ tăng cân, v.v. và v.v.

Nếu như trước đây Postman từng than phiền về tác hại trên nền tảng và bối cảnh của xã hội gây ra bởi sự phát minh của máy truyền hình thì những gì MXH đang làm còn nghiêm trọng hơn TV gấp bội lần. MXH loại bỏ hết các trật tự, cơ cấu và khái niệm nền tảng của xã hội truyền thống. MXH như Twitter buộc người dùng phải gói gọn mọi ý tưởng trong vòng 140 ký tự bất kể người đăng Tweet bàn về vấn đề gì trong cuộc sống và xã hội. Điều này chẳng khác gì một người đàn ông bất thình lình xuất hiện giữa một cái chợ đông người và tuyến bố “Tôi mới chui từ dưới đất lên,” rồi ngay sau đó trở nên câm điếc. Người nói không có cơ hội để trình bày tại sao ông ta chui từ dưới đất lên, và người nghe buộc phải tự suy đoán nguyên do tại sao một người có thể từ dưới đất mà chui lên được. Vì thế thông tin về một người đàn ông từ dưới đất chui lên một cách huyền bí được lan truyền khắp khu chợ, vào trong cộng đồng rồi tới các vùng miền khác với hàng loạt phiên bản khác nhau về căn tính và nguồn gốc của ông ấy. Cuối cùng không ai biết sự thật là gì, mặc dù ai cũng có ý kiến về sự việc lạ kỳ này.

Cơ cấu của MXH phản lại bối cảnh xã hội con người vì trên MXH, mọi người bất kể tuổi tác, địa vị xã hội, một khi đã nối kết với mình đều trở nên “bạn”. Cái khái niệm sâu xa về tình bạn hoặc tình bằng hữu được Chúa Giê-su, Không tử, Đức Phật giải nghĩa và toàn thể nhân loại thấu hiểu và cảm nhận trong kinh nghiệm thực tế suốt chiều dài lịch sử con người đã bị MXH chiếm hữu và bóp méo chỉ trong vòng một thập kỷ. Ngày xưa chúng ta chỉ nói chữ bạn là đủ hiểu. Nhưng ngày nay, chúng ta phải thêm từ bổ nghĩa để phân biệt giữa bạn theo khái niệm truyền thống và bạn chỉ trên không gian MXH. Và chỉ trên MXH chúng ta mới có thể nhận kết bạn hàng loạt như sưu tầm đồ chơi. Dĩ nhiên chúng ta cũng có thể hủy kết bạn hàng loạt mà không hề có một chút nuối tiếc. Và cũng trên MXH mà chúng ta có thể thoải mái thể hiện những cảm xúc qua những lời nói hoặc qua những emoji nhí nhảnh mà trong đời thường chúng ta không mấy khi dám thổ lộ. Bên cạnh những lời mật ngọt, chúng ta cũng có thể vô tư đăng những dòng trạng thái hoặc những lời bình luận tấn công, chửi rủa người khác một cách thô tục, hàm hồ mà không sợ phải nhận một phần thưởng bất ngờ là một cú đấm vào mặt làm văng cái răng giả và một vài cái răng thiệt.

Tóm lại, trong môi trường MXH, nguyên tắc “ăn xem nồi – ngồi xem hướng” dường như bị vô hiệu hóa vì không còn tiêu chuẩn nào để đánh giá sự đúng đắn và tử tế trong cách ứng xử. Và nếu có tiêu chuẩn đi chăng nữa thì cũng không có ai có đầy đủ thẩm quyền để ra lệnh cho mọi người phải tuân theo tiêu chuẩn đó. Cho dù các công ty công nghệ có cố gắng tạo ra tiêu chuẩn thì họ cũng gặp phải vô vàn rắc rồi khi áp dụng nó. Tuy nhiên, nhân loại dường như đã bước vào đường cùng nếu chúng ta phải ủy thác cho các công ty công nghệ trách nhiệm tạo nên và áp dụng tiêu chuẩn đạo đức cho xã hội. Kết cuộc, vì chưa có tiểu chuẩn cũng như phương pháp áp dụng tiêu chuẩn một cách hiệu quả cho nên người ta không còn cần thiết phải xem nồi khi ăn, và không cần phải xem hướng khi ngồi nữa. Bởi lẽ trên mạng xã hội, không còn ai để canh nồi, và không có một phương hướng nào cụ thể để lấy làm tiêu chuẩn.

Bị ảnh hưởng bởi cơ cấu và văn hóa của MXH nên trong cuộc sống hằng ngày, người ta cũng ngày càng chứng kiến sự loại bỏ của nguyên tắc “ăn xem nồi – ngồi xem hướng” ra khỏi đời sống. Chúng ta quen dần với việc có người vừa đi trên đường vừa nhắn tin trên điện thoại, buộc những người xung quanh phải nhìn và tránh mình. Ở trường đại học Kasetsart tại Thái Lan, hành vi này trong giới sinh viên đã trở nên một “tệ nạn” nên lãnh đạo trường đại học đã phải tạo ra một lối đi riêng cho người có nhu cầu sử dụng điện thoại di động khi đi lại để tránh tình trạng va vấp vào nhau gây ra thương tích. Nhưng lối đi đó chỉ dài 500 mét. Sau khi chặng đường đó kết thúc thì mọi thứ vẫn trở lại như cũ, và những người luôn bị chi phối bởi điện thoại này cũng thường xuyên bước vào xe điện hay thang máy cho dù người bên trong chưa kịp bước ra. Ngoài ra, chúng ta ngày càng chấp nhận tình trạng người trẻ (và cả người lớn) ngồi ở bàn ăn nhưng mắt dán vào điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng. Cảnh các giáo dân đang tham dự Thánh lễ mà vẫn lướt mạng hoặc gửi tin nhắn đã trở nên phổ biến trong các nhà thờ ở khắp mọi nơi. Và chúng ta ngày càng không cảm thấy khó chịu khi ai đó nói chuyện với mình nhưng mắt liên tục liếc vào điện thoại khi có tín hiệu tin nhắn hiện lên. Chúng ta không cảm thấy khó chịu có lẽ bởi vì chính chúng ta cũng nhiều khi làm những điều này.

Thường người ta liên tưởng về một căn bệnh khá phổ biến ngày nay khi nói về những người thiếu kỹ năng ứng xử trong xã hội – đó là căn bệnh tự kỷ. Người mắc bệnh tự kỷ thiếu khả năng để đọc được bối cảnh trong tình huống và ngữ nghĩa trong các câu nói nên họ lúng túng trong giao tiếp và có những phản ứng không phù hợp với thực tế. Nói cách khác, việc “ăn xem nồi – ngồi xem hướng” là một việc rất khó đối với người mắc bệnh tự kỷ. MXH dường như ngày càng làm cho cơ cấu của bộ não và tâm tính của con người thay đổi, khiến cho nhiều người có những lối ứng xứ không khác gì những người mang căn bệnh tự kỷ.

Vì MXH là một môi trường không có bối cảnh cụ thể, nên việc người ta bỏ ra hàng giờ đồng hồ mỗi ngày để lên MXH khiến cho họ ít nhiều quen dần với một lối sống và cách ứng xử không dựa trên bối cảnh – muốn nói gì thì nói, muốn làm gì thì làm, muốn giải nghĩa như thế nào thì giải nghĩa, muốn nói ngược rồi nói xuôi tùy ý, phát biểu không cần phải có đầu có đuôi, ý tưởng sau không cần phải dựa trên ý tưởng trước. Vì thế, chúng ta không mấy bất ngờ khi chứng kiến nhiều học sinh thuộc thế hệ MXH không có khả năng để viết một bài văn với những lý luận chặt chẽ và hợp lý. Vì vậy mà hành vi “copy and paste” (sao chép và dán) các tài liệu trên mạng thường xuyên xảy ra khi các học sinh, sinh viên được yêu cầu nghiên cứu và viết về một đề tài nào đó. Vì thế mà học sinh, sinh viên ngày nay càng gặp khó khăn khi phải ngồi nghe giáo sư thuyết giảng một giờ đồng hồ, hay đọc một tài liệu dài hơn một dòng trạng thái. Và đó có lẽ cũng là lý do tại sao ngày nay giáo dân ngày càng muốn linh mục hạn chế bài giảng trong Thánh lễ chỉ từ 7 tới 10 phút. Cũng không thể trách họ bởi vì trong kỷ nguyên công nghệ thông tin và truyền thông kỹ thuật số, cuộc sống của chúng ta bị tràn ngập bởi các thông tin, phần lớn là thông tin vô bổ, rời rạc mà chúng ta có thể lướt nhanh qua để đến với thông tin khác. Vì thế một bài viết hay một video clip không thể quá dài vì nó sẽ trở nên một thách đố cho người đọc và người xem, mà không phải ai cũng sẽ vượt qua được. Chúng ta nghiện thông tin mới như nghiện ma túy, nhưng thông tin phải được chia ra thành liều vừa đủ để tiêu thụ để tránh tình trạng quá liều. 

Nếu như các vấn nạn trong xã hội có thể được so sánh như những căn bệnh như nhức đầu, ung thư, dịch bệnh….thì vấn nạn thiếu kỹ năng đọc, hiểu và hành động dựa trên bối cảnh ngày càng được chứng kiến trong xã hội con người trong thời kỳ MXH có thể được ví như một thứ căn bệnh tự kỷ. Chúng ta phải đặt vấn đề xã hội loài người sẽ như thế nào nếu một phần đáng kể các thành viên đều mắc các triệu chứng của căn bệnh tự kỷ này. Vậy đã đến lúc các vị lãnh đạo truyền thống – lãnh đạo tôn giáo, lãnh đạo xã hội, các nhà giáo dục… cất lên tiếng nói ngôn sứ để cảnh báo về nguy hại to lớn từ MXH và tìm cách để điều trị căn bệnh đang bùng phát trên diện rộng trên toàn thế giới. Trong khi chúng ta tìm cách khắc phục những khủng hoảng như đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, chiến tranh…chúng ta không thể bỏ qua nguy hại của một cách phát triển và sử dụng MXH thiếu kiềm chế và ý thức về những lợi điểm và mối nguy hiểm của nó.


No comments:

Post a Comment