Sunday, September 4, 2022

Bối cảnh xã hội và mục vụ (Ph. 2/ Ch. 1)

Trích từ tập sách "Sứ vụ của Giáo hội trong kỷ nguyên kỹ thuật số". (Tác giả: Lm. Anthony Lê Đức, SVD). NXB. Asian Research Center for Religion and Social Communication, 2022.



Các thách đố mục vụ


1. Khía cạnh xã hội



Tác động của CNTT-TT đối với đời sống xã hội của con người nhìn chung được đánh giá là tích cực. Trong quá trình phát triển CNTT-TT, đã xuất hiện nhiều nền tảng truyền thông (email, tin nhắn, hội nghị trực tuyến, v.v.) cũng như các trang mạng xã hội cho phép kết nối xuyên thời gian và không gian. Các ứng dụng như WhatsApp, Facetime và Viber cho phép chúng ta giao tiếp và kết nối với nhau trên toàn cầu cách nhanh chóng và hiệu quả với chi phí rẻ. Mặc dù không hoàn hảo, nhưng các công cụ chuyển ngữ giúp cho chúng ta có thể giao tiếp và cộng tác với những người thuộc các nền văn hóa và ngôn ngữ khác một cách dễ dàng hơn. Các nền tảng có tính năng gọi điện video mang lại lợi ích cho nhiều người, đặc biệt là những người cao tuổi mà phần lớn thời gian ở trong nhà và không dễ dàng đến thăm người thân ở các thành phố hoặc quốc gia khác.

Phương tiện mạng xã hội cũng giúp chúng ta kết nối lại với những người bạn đã mất liên lạc từ lâu, giúp tìm kiếm các đối tác kinh doanh tiềm năng, và tìm kiếm các cộng sự mới cho những dự án của mình. Internet cũng đã trở thành một nền tảng phổ biến để thực hiện các dự án nhân đạo và các hoạt động từ thiện do cộng đồng tài trợ. Ở quy mô lớn hơn, internet có thể giúp thúc đẩy nhận thức về một gia đình nhân loại và tình huynh đệ của con người. Các cộng đồng được thiết lập trực tuyến cũng tạo cơ hội cho những cuộc gặp gỡ với những cá nhân có nền tảng văn hóa và địa vị xã hội khác với mình, các mối tương quan mới có thể chỉ được duy trì trên không gian mạng, hoặc được vun đắp bằng những buổi gặp gỡ ngoại tuyến, diện đối diện.

Tuy CNTT-TT mang lại rất nhiều lợi ích cho chúng ta, nhưng cũng có không ít những biểu hiện tiêu cực đáng quan ngại. Việc lạm dụng CNTT-TT và dành quá nhiều thời giờ để tiêu khiển trên mạng xã hội có thể gây nên những tác động nguy hại đến các mối tương quan hằng ngày trong đời sống của chúng ta. Mặc dù CNTT-TT mang lại sự dễ dàng trong việc làm quen với người khác và tham gia vào cuộc trò chuyện thông qua các phương tiện kỹ thuật số, nhưng công nghệ không đảm bảo một tình bạn lâu dài và có ý nghĩa. Chúng ta thấy rằng việc tương tác trực tuyến rất phổ biến, nhưng nhiều người, đặc biệt là giới trẻ thuộc thế hệ Y (hoặc Igen) cho biết: họ không có một người bạn thực sự thân thiết nào và thường xuyên rơi vào trạng thái cảm thấy cô đơn.[1] Một phần nguyên nhân là giao tiếp trực tuyến có xu hướng không phản ánh suy nghĩ và cảm xúc thực sự của cá nhân, nhất là khi người ta thường xuyên diễn đạt ý tưởng với các biểu tượng cảm xúc (emoji) tuy thú vị nhưng cũng mơ hồ ý nghĩa, như biểu tượng mặt cười, mặt buồn, mặt khóc... Hơn nữa, vì tương tác trực tuyến mang lại cho nhiều người cảm giác như đang ẩn danh, họ tỏ ra ít kiềm chế hơn trong việc sử dụng ngôn ngữ và hình ảnh khi giao tiếp với người khác, dẫn đến việc họ dễ dàng xúc phạm và gây tổn thương cho nhau trên không gian trực tuyến. Ngay cả trên diễn đàn báo chí thời sự mà người ta thường cho là thuộc về tầng lớp có học, có nhiều lời bình luận từ độc giả mang tính đả kích, chia rẽ, thiếu văn hóa.

Việc ít giao tiếp trực tiếp có thể dẫn đến sự “ngắt kết nối xã hội” (social disconnect), khiến cho các mối tương quan nhân vị trong đời sống trở nên hời hợt, thiếu sự liên đới và mật thiết. Trong một số trường hợp cực đoan, có người chuyển sang xây dựng mối tương quan với những đối tượng kỹ thuật số như chó, mèo, người điện tử thay vì vun đắp mối tương quan với người thật, và trải nghiệm các tình huống và cảm xúc trong đời thực.

Năm 2019, một người đàn ông tại Nhật Bản tên Akihiko Kondo đã “kết hôn” với một “hologram” của một thần tượng ảo (virtual idol) có tên Hatsume Miko, và coi đó là vợ của mình.[2] Trong nghi lễ kết hôn còn có sự tham dự của 39 khách mời là bà con và bạn bè. Tuy nhiên, bố mẹ của nhà trai đã không đến tham dự. Chắc hẳn hai ông bà từng mơ ước con mình sẽ cưới một cô gái xinh đẹp và sinh ra cho họ những đứa cháu dễ thương làm vui nhà vui cửa, chứ không phải cưới một nhân vật điện tử. Chúng ta không cần phải đặt vấn đề “bố mẹ nhà gái” là ai; chắc hẳn, “bố mẹ” là những anh chàng kỹ sư phần mềm với trí tưởng tượng phong phú và khả năng lập trình thuộc hạng giỏi. Một điều đáng quan ngại khác nữa về hiện tượng này là ngoài Akihiko Kondo ra, còn có thêm 3.700 người Nhật khác nữa cũng đã đăng ký với công ty phát triển công nghệ Gatebox vào năm 2017 để “kết hôn” với những nhân vật ảo mà họ hâm mộ.

Đối với những người vẫn còn trò chuyện với người thật, nghiên cứu cho thấy rằng việc dùng mạng xã hội trực tuyến để liên lạc với gia đình và bạn bè không phải là một giải pháp hiệu quả nhằm làm giảm cảm giác cô đơn.[3] Trong các gia đình ở thành thị, các thành viên ngày càng cô lập mình trong phòng riêng nhiều hơn. Ở đó, họ chủ yếu tiêu khiển thời giờ với các thiết bị điện tử. Mặc dù có sự giao tiếp với người khác diễn ra liên tục thông qua việc nhắn tin, đăng bài và trò chuyện, nhưng tất cả những phương thức này đều thiếu yếu tố giao tiếp giữa người với người cách trực tiếp. Thói quen sử dụng các thiết bị vi tính trong việc giao tiếp với gia đình, đồng nghiệp, người yêu…khiến nhiều người cảm thấy thoải mái hơn khi liên hệ qua trung gian CNTT-TT thay vì trực tiếp đến với nhau. Trớ trêu thay, mặc dù chúng ta nhốt mình trong phòng riêng nhiều hơn, nhưng dường như chúng ta ít được nghỉ ngơi hơn trước đây. Điện thoại thông minh đã có tác động tiêu cực đáng kể đến thời gian nghỉ ngơi, gây ra sự suy giảm chất lượng cũng như thời lượng giấc ngủ trên toàn cầu.[4]

Phải thừa nhận CNTT-TT mang lại cho chúng ta nhiều cơ hội để kết nối với người khác, đặc biệt khi chúng ta biết sử dụng công nghệ cách phù hợp và thận trọng. Tuy nhiên, nó cũng gây nên vô số các tác động tiêu cực do sự lạm dụng bởi những cá nhân và tổ chức với mục đích xấu. Lạm dụng internet bao gồm các hành vi như: đánh cắp thông tin và tấn công bằng vi-rút, các nhóm cực đoan sử dụng internet để tuyên truyền, chiêu mộ thành viên mới và lên kế hoạch tấn công khủng bố. Việc sử dụng các thuật toán tích hợp (algorithms) và các công cụ khác khiến cho việc tiếp cận thông tin ngày càng có xu hướng một chiều, dẫn đến tình trạng chia rẽ và phân cực trong xã hội.[5] Ảnh hưởng này càng mạnh hơn khi người ta có xu hướng chia sẻ những nội dung tiêu cực về cá nhân hoặc nhóm khác, góp phần làm gia tăng sự thù hận, thành kiến và bất hòa xã hội.

Trên thực tế, có một phần nhân loại đáng kể chưa thể tiếp cận được với CNTT-TT. Nếu như tỷ lệ sử dụng internet trên toàn cầu hiện nay được cho là ở mức 60%, thì vẫn còn 40% chưa tiếp cận được với công nghệ này. Sự chênh lệch kỹ thuật số (digital divide) được thấy trong các nhóm khác nhau tùy theo giới tính, địa vị kinh tế - xã hội, địa lý cũng như bối cảnh chính trị.[6] Ngay cả ở Hàn Quốc, một trong những quốc gia được kết nối mạng cao nhất thế giới, việc sử dụng mạng internet của nhóm người trên 75 tuổi thấp hơn đáng kể so với các thế hệ trẻ hơn; các thế hệ dưới 75 tuổi này thường chiếm gần mức 100%. Mặc dù internet có tiềm năng to lớn để đạt được lý tưởng về một xã hội bình đẳng, nhưng khả năng tiếp cận công nghệ và điều kiện kinh tế trở thành những trở ngại để đạt được lý tưởng này. Ở các quốc gia có sự phân biệt đối xử về giới tính, phụ nữ ít được tiếp cận với công nghệ hơn. Sự thống trị của nam giới trong việc sử dụng CNTT-TT được thể hiện rõ qua thực tế là ở nhiều quốc gia, nam giới sở hữu điện thoại thông minh nhiều hơn so với nữ giới. Ngoài giới tính thì sự nghèo đói cũng hạn chế khả năng tiếp cận internet và các dịch vụ xã hội khác. Cuối cùng, khoảng cách kỹ thuật số cũng được nhận thấy trong sự chênh lệch giữa nông thôn và thành thị; thường người dân thành phố có lợi thế tiếp cận với CNTT-TT nhiều hơn.


[1] “The terrible problem afflicting millennials,” Aleteia (22/10/2019), https://aleteia.org/2019/10/22/the-terrible-problem-afflicting-millennials/?print=1

[2] “Japanese man marries hologram of virtual idol Hatsume Miko,” South China Morning Post (03/12/2019), https://www.scmp.com/yp/discover/lifestyle/features/article/3069257/japanese-man-marries-hologram-virtual-idol-hatsune.

[3] Mike Z. Yao and Zhong Zhi-jin, "Loneliness, social contacts and Internet addiction: A cross-lagged panel study," Computers in Human Behavior 30 (2014): 164-170.

[4] Katherine Ormerod, Why Social Media is Ruining Your Life (UK: Hachette, 2018).

[5] Vấn đề này sẽ được bàn luận chi tiết hơn trong những chương kế tiếp.

[6] “Digital Divide,” Wikipedia, https://en.wikipedia.org/wiki/Digital_divide



No comments:

Post a Comment