Friday, June 28, 2024

Nền tảng Thần học di dân (1): Thiên Chúa là Deus Migrator (Thiên Chúa Di Cư)



Trong một bài luận, thần học gia người Mỹ gốc Việt Peter C. Phan đã giới thiệu khái niệm thần học "Deus Migrator" (Thiên Chúa Di cư), xuất phát từ sự suy tư sâu sắc về mối tương quan giữa Thiên Chúa với nhân loại, vốn được đan dệt phức tạp với chủ đề di cư.[1] Những trình bày của Phan nhằm khẳng định sự hiện diện tích cực và tình liên đới của Thiên Chúa xuyên suốt lịch sử của nhân loại. Khái niệm Thiên Chúa Di Cư có thể được dẫn chứng qua những bàn luận sau đây:


Hành động sáng tạo

Hành động sáng tạo đánh dấu bước di chuyển ban đầu của Thiên Chúa hướng tới thế giới. Trong lời tường thuật Kinh Thánh, Thiên Chúa tạo nên vũ trụ và mọi thứ trong vũ trụ từ hư vô (creatio ex nihilo). Đây có thể được xem là một sự “di cư” của Thiên Chúa khi Người bước ra khỏi cõi vĩnh cửu để bước vào cõi tạm bợ và hữu hạn. Hành động này biểu thị quyết định của Thiên Chúa thiết lập mối quan hệ năng động với thụ tạo của Người, đồng thời ban cho thụ tạo mục đích và trật tự.

Quan điểm truyền thống trong Kinh Thánh và thần học nhấn mạnh sự thống trị hoàn toàn và quyền năng tuyệt đối của Thiên Chúa bởi Người tạo dựng mọi thứ từ hư vô. Tuy nhiên, theo Phan, từ góc nhìn của Thiên Chúa, hành động sáng tạo của Người lại bao hàm một rủi ro đáng kể khi Người ban cho con người trí thông minh và tự do ý chí, khiến cho con người trở nên không thể kiểm soát và khó đoán định. Ban cho con người sự tự do đích thực có nghĩa là Thiên Chúa có thể bị chính thụ tạo của mình khước từ, làm suy giảm quyền năng tuyệt đối của Người. Bằng việc tạo ra con người, Chúa trở nên dễ bị tổn thương trước sự chấp nhận hay từ chối của con người. Việc hoàn thành các mục đích của Người đòi hỏi sự đồng ý và hợp tác của con người, một sự phụ thuộc mà Thiên Chúa sẵn sàng chấp nhận xuất phát từ tình yêu thương vô điều kiện chứ không phải vì sự cần thiết.[2]

Ý nghĩa thần học của khái niệm ‘Thiên Chúa là Đấng Sáng Tạo - Di Cư’ nằm ở hành động Người chủ ý bước vào trật tự và bối cảnh của vạn vật. Bằng việc tạo dựng vũ trụ, Thiên Chúa thể hiện sự sáng tạo, sự khôn ngoan và quyền tể trị của Người đối với tất cả mọi loài. Hành động này nhấn mạnh mong muốn của Thiên Chúa hiện diện một cách mật thiết giữa các thụ tạo của Người, duy trì và hướng dẫn chúng theo mục đích cao siêu của Người. Điều này cũng nói lên khía cạnh tương quan trong sự di cư của Thiên Chúa, khi Người đảm nhận vai trò chăm sóc và duy trì thế giới mà Người đã tạo nên. Sự nuôi dưỡng liên tục này phản ánh sự cam kết của Thiên Chúa đối với các thụ tạo và ý định đồng hành cùng chúng qua dòng thời gian.


Thiên Chúa đồng hành với dân tộc di cư của Người

Khái niệm về Thiên Chúa là Đấng Di Cư được miêu tả một cách sống động trong các tường thuật Kinh Thánh về sự hiện diện và tham gia tích cực của Chúa vào hành trình di cư của dân Người xuyên suốt lịch sử. Lời tường thuật bắt đầu với tiếng gọi của tổ phụ Abraham trong sách Sáng Thế Ký 12, khi Thiên Chúa truyền lệnh cho ông rời bỏ quê hương và đi đến vùng đất mà Người sẽ chỉ cho ông. Lời gọi này khiến cho Abraham trở thành một người di cư. Đáp trả lời mời gọi, Abraham đã bắt đầu hành trình đức tin và vâng phục trong sự tín thác vào những lời hứa của Thiên Chúa. Xuyên suốt cuộc đời của Abraham, Thiên Chúa hiện diện với ông vào những thời điểm then chốt nhằm tái khẳng định giao ước của Người và hứa ban phước lành để biến con cháu ông thành một dân tộc hùng mạnh (St 12, 1-3; 15, 1-21). Vai trò của Thiên Chúa trong những biến cố này không chỉ là quan sát từ xa mà còn đồng hành cùng Abraham trong những cuộc di cư và củng cố niềm tin của ông vào lời giao ước ở những thời điểm khác nhau (St 17).

Cuộc Xuất Hành khỏi Ai Cập đánh dấu một sự kiện then chốt khác. Trong biến cố này, Thiên Chúa đã can thiệp giải phóng dân Người khỏi cảnh nô lệ. Lời tường thuật trong sách Xuất Hành khắc họa vai trò tích cực của Thiên Chúa qua các dấu chỉ và phép lạ mà Người đã thực hiện để bảo vệ dân Người. Đỉnh điểm của biến cố là việc dân Israel vượt qua Biển Đỏ và hành trình hướng tới Núi Sinai. Lời hứa hiện diện của Thiên Chúa được tóm gọn trong câu khẳng định của Chúa nhằm trấn an Mô-se rằng, "Ta sẽ ở cùng ngươi" (Xh 3,12) khi ông dẫn dắt dân Israel ra khỏi Ai Cập. Suốt hành trình lang thang trong sa mạc, sự đồng hành của Thiên Chúa được tượng trưng bởi các trụ mây và lửa để bảo vệ và dẫn đường dân Israel (Xh 13: 21-22). Những biểu hiện này nhấn mạnh sự di cư liên tục của Thiên Chúa với dân Người. Người không ngừng ban lương thực, bảo vệ và định hướng cho họ giữa cuộc sống du mục.

Tại Núi Sinai, Thiên Chúa lập giao ước với dân Israel, một hành động quả quyết rằng Người sẽ đồng hành với họ với tư cách là Thiên Chúa của họ và họ là dân riêng của Người. Giao ước bao gồm các nghĩa vụ đạo đức, luân lý và nghi lễ, định hình bản sắc cộng đồng và thực hành tôn giáo của Israel. Việc ban giới luật và thiết lập Đền tạm làm nơi ở di động cho Thiên Chúa (Xh 25-31) càng nhấn mạnh sự hiện diện của Đức Chúa giữa dân Người khi họ tiến về Đất Hứa.

Chủ đề di cư trong các câu chuyện Kinh Thánh không chỉ giới hạn trong biến cố Xuất hành mà còn bao gồm các trải nghiệm của sự lưu vong và sự trở về trong thời kỳ bị lưu đày Babylon. Lời công bố của ngôn sứ Ê-dê-ki-en về viễn cảnh Thiên Chúa rời khỏi Đền Thờ (Ed 10) nhấn mạnh sự di chuyển của Thiên Chúa và khả năng của Người đi cùng dân của Người ngay cả trong thời điểm phân tán và lưu vong. Mặc dù Đền Thờ bị phá hủy và người Do Thái bị trục xuất, lời hứa tái thiết của Thiên Chúa thông qua các ngôn sứ như Ê-dê-ki-en và Isaia đệ nhị lại khẳng định sự hiện diện và đồng hành của Người, cũng như lòng trung thành của Người với lời giao ước.

Các câu chuyện Kinh Thánh này đồng miêu tả về Thiên Chúa như một Thiên Chúa Di Cư; Người luôn tham gia tích cực vào các hành trình di cư của nhân loại. Các hành động di cư của Thiên Chúa không chỉ là những sự kiện lịch sử mà còn là những xác nhận thần học về sự hiện diện, hướng dẫn và lòng trung thành của Người suốt chiều dài lịch sử nhân loại. Chúng thể hiện bản chất tương quan của Thiên Chúa, cam kết kiên định của Đức Chúa với dân Người và sự liên đới của Người với những người đang sống trong cảnh lưu vong và di cư.


Ngôi Lời Nhập Thể -- hành động di cư tột đỉnh

Sự nhập thể của Chúa Giêsu thể hiện một hành động sâu sắc khác của sự di cư của Thiên Chúa. Trong con người của Chúa Giêsu, Ngôi Lời (Verbum Dei) đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa nhân loại (Ga 1,14). Hành động này vượt qua ranh giới chia cách thần tính và nhân tính bởi vì Thiên Chúa đã hoàn toàn bước vào thực trạng của con người, chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn và thử thách của nhân loại. Theo thần học gia Daniel G. Groody, “Không có khía cạnh nào trong thần học di cư lại cơ bản hơn, cũng đầy thách thức hơn về ý nghĩa của nó, so với sự nhập thể. Thông qua Chúa Giêsu, Thiên Chúa bước vào lãnh địa tan vỡ và tội lỗi của thân phận con người để giúp đỡ con người lạc lối trong cuộc hành trình trần thế, tìm đường trở về nhà với Thiên Chúa.”[3]

Biến cố nhập thể bày tỏ sự liên đới triệt để của Thiên Chúa với nhân loại. Cuộc sống trần thế của Chúa Giêsu, sứ vụ của Ngài, cùng với sự đau khổ và cái chết của Ngài minh họa sự sẵn lòng của Thiên Chúa để đón nhận hoàn toàn kiếp sống con người. Hành động di cư này biểu thị sự chủ động của Thiên Chúa để hòa giải nhân loại với chính Người, lấp đi khoảng cách do tội lỗi gây ra và ban sự cứu chuộc và cuộc sống mới cho con người qua Đức Kitô. Thánh Arenaeus thành Lyons đã khẳng định, “Chính vì điều này mà Ngôi Lời của Thiên Chúa đã làm người, và Đấng vốn là Con Thiên Chúa đã trở thành Con Người, để con người, được kết hợp với Ngôi Lời, nhận được sự làm con, có thể trở thành con cái của Thiên Chúa.”[4]

Hơn nữa, mầu nhiệm nhập thể nhấn mạnh cam kết của Thiên Chúa trong việc đồng hành với nhân loại vốn trong tình trạng tội lỗi và yếu đuối. Việc thi hành sứ vụ của Chúa Giêsu giữa những người bị thiệt thòi, lòng thương xót của Ngài đối với những người bị gạt ra ngoài lề xã hội, và sự hy sinh tột đỉnh của Ngài trên thập giá cho thấy tình yêu vô hạn cũng như sự hiện diện của Thiên Chúa giữa sự đau khổ của con người.

Khái niệm về một Thiên Chúa là Đấng Di Cư - Nhập Thể mang hàm ý thần học vô cùng sâu sắc. Khái niệm này tiết lộ sự khiêm nhường và tình yêu vô biên của Thiên Chúa, cũng như mong muốn của Người thiết lập một mối tương quan cá nhân với dân Người. Qua Chúa Giêsu, Thiên Chúa không chỉ bày tỏ tính cách và mục đích của Người mà còn cho con người cơ hội để phục hồi mối quan hệ với Người. Chúng ta sẽ tìm hiểu sâu hơn chủ đề này trong phần tiếp theo.




[1] Peter C. Phan, “God, the Beginning and the End of Migration A Theology of God from the Experience and Perspective of Migrants,” in Christian Theology in the Age of Migration: Implications for World Christianity, ed. Peter C. Phan (New York: Lexington Books, 2020), 101-127.


[2] Ibid., 122.


[3] Daniel G. Groody, "Crossing the Divide: Foundations of a Theology of Migration and Refugees," Theological Studies 70 (2009): 649.


[4] Against Heresies (Book III, Chapter 19, Section 1)


No comments:

Post a Comment