Monday, July 8, 2024

Tiếng nói ngôn sứ của tôn giáo trong việc thúc đẩy nền văn minh sinh thái (Phần 2)




3. Tìm hiểu khái niệm “Vị ngôn sứ” và “Tính ngôn sứ” trong bối cảnh tôn giáo

Thuật ngữ “tính ngôn sứ” (prophetic), như được sử dụng trong bài viết này, cần được giải thích thêm. Thông thường, khi nghe thấy từ “tính ngôn sứ” (prophetic), nhiều người nghĩ đến việc nói tiên tri. Ví dụ, từ điển Cambridge Online định nghĩa từ “prophetic” là “nói chính xác những gì sẽ xảy ra trong tương lai”, và từ điển Merriam-Webster Online định nghĩa thuật ngữ là “tiên đoán sự kiện”. Mặc dù những định nghĩa này chính xác, có một định nghĩa thứ hai trong từ điển Merriam-Webster Online phù hợp hơn với ngữ cảnh của bài viết này: “thuộc về, liên quan đến, hoặc đặc trưng của một vị ngôn sứ hoặc lời ngôn sứ”.

Để hiểu định nghĩa này, ta phải khám phá ý nghĩa của thuật ngữ “vị ngôn sứ”. Thuật ngữ “vị ngôn sứ” có nhiều nghĩa. Ngoài việc là một người dự đoán các sự kiện trong tương lai, từ điển Merriam-Webster Online còn định nghĩa vị ngôn sứ là “người thốt ra những khải thị được thần linh soi sáng” và “người có tài năng tinh thần và đạo đức vượt trội hơn người thường”. Những định nghĩa này kết hợp lại phản ánh sát nhất ý nghĩa của “ngôn sứ” và “tính ngôn sứ” trong bài viết này.

Định nghĩa đầu tiên về “ngôn sứ” phù hợp với các hệ thống nhất thần giáo như các tôn giáo thuộc truyền thống Abraham (Do Thái giáo, Kitô giáo, Hồi giáo). Định nghĩa thứ hai có thể được áp dụng cho tất cả các truyền thống tôn giáo, bao gồm cả những tôn giáo vô thần như Phật giáo và Nho giáo. Trong truyền thống Do Thái - Kitô giáo, vai trò ngôn sứ bao gồm truyền đạt những thông điệp được thần linh soi sáng và thường nhằm kêu gọi mọi người trở lại với lòng trung thành, công lý và chính trực. Các ngôn sứ được coi là những cá nhân được Chúa tuyển chọn để truyền đạt ý muốn và mục đích của Chúa cho mọi người. Các ngôn sứ nhận được thông điệp qua nhiều phương cách khác nhau, bao gồm cả những thị kiến, giấc mơ hoặc các kinh nghiệm giao tiếp trực tiếp với Thiên Chúa (Morcov, 2023).

Tâm điểm của vai trò ngôn sứ là lời kêu gọi hối cải và lòng trung thành với giao ước. Các ngôn sứ nhắc nhở mọi người về mối quan hệ giao ước của họ với Chúa, thúc giục họ từ bỏ thờ thần tượng, những hành động bất công và thiếu đạo đức. Lời kêu gọi hối cải này thường đi kèm với cảnh báo về sự phán xét sắp tới nếu mọi người không thay lòng đổi dạ. Ví dụ, ngôn sứ Giêrêmia đã cảnh báo dân Israel về hậu quả của sự bất trung đối với Thiên Chúa và sự lưu đày Babylon sắp tới (Giêrêmia 25,1-14).

Một khía cạnh quan trọng khác của hoạt động ngôn sứ là việc kêu gọi công lý và hòa bình trong xã hội. Các ngôn sứ trong Kinh Thánh luôn lên tiếng chống lại sự áp bức, bóc lột và bất bình đẳng, nhắc nhở dân chúng rằng sự thờ phượng Chúa còn bao gồm cả việc đối xử công bằng và nhân ái với người khác. Ngôn sứ Amốt tố cáo bất công xã hội cùng với lời của Thiên Chúa rằng: “Ta chỉ muốn cho lẽ phải như nước tuôn trào, cho công lý như dòng suối không bao giờ cạn” (Amốt 5,24).

Trong khi việc nói lên những thông điệp nhằm đối mặt với các hoàn cảnh hiện tại và tình trạng đạo đức của người dân là một chức năng chính của các ngôn sứ, các nhân vật này cũng tiên đoán các sự kiện tương lai, đặc biệt liên quan đến kế hoạch phán xét và cứu chuộc của Chúa. Những lời tiên đoán này nhằm xác thực thông điệp của ngôn sứ và nhấn mạnh sự cấp bách của việc hối cải. Những lời tiên tri về Đấng Messia sắp đến, như thấy trong các sách Isaia và Mica, là những thông điệp nhằm mang lại hy vọng về sự phục hồi và cứu rỗi cho dân Do Thái trong tương lai (Isaia 7,14; 9,6-7; Mica 5,2). Vai trò kép của việc “nói thật, nói thẳng” về hiện tại cũng như tiên đoán về tương lai làm cho sứ mệnh ngôn sứ thêm sâu sắc và đa dạng, liên kết thực tại của người dân với hậu quả và lời hứa của Chúa trong tương lai.

Trong Hồi giáo, cũng như trong bối cảnh Do Thái-Kitô giáo, vai trò ngôn sứ rất quan trọng. Các ngôn sứ, được gọi là ‘Anbiya’ (số ít: Nabi) hoặc ‘Rasul’ (sứ giả), được Đức Allah chọn để truyền đạt các thông điệp của Người. Sứ mệnh của họ bao gồm hướng dẫn mọi người hướng tới sự chính trực, giảng dạy thuyết nhất thần và thiết lập các quy tắc đạo đức và luân lý dựa trên sự mạc khải (Solihu, 2009). Trọng tâm của sứ mệnh ngôn sứ là công bố lời giáo huấn về thuyết nhất thần gọi là “Tawhid”. Khái niệm này khẳng định rằng Đức Allah là duy nhất, không có thần linh nào đáng thờ phượng ngoại trừ Allah.

Các ngôn sứ Hồi giáo cũng kêu gọi hành vi đạo đức và luân lý, thúc giục mọi người sống theo các nguyên tắc công lý, trung thực, lòng nhân ái và khiêm tốn (Junaidi et al., 2023). Công lý xã hội là một chủ đề được lặp đi lặp lại nhiều lần trong thông điệp của các ngôn sứ. Họ lên tiếng chống lại sự áp bức, bóc lột và bất bình đẳng, đấu tranh cho quyền lợi của người nghèo, trẻ mồ côi và những người bị gạt ra ngoài lề xã hội (Najmuddin et al., 2022).

Vai trò ngôn sứ cũng bao gồm việc cảnh báo về hậu quả của sự cứng lòng, không tuân thủ giáo huấn trong khi hứa hẹn phần thưởng cho việc thi hành các mệnh lệnh của Đức Allah. Các ngôn sứ tuyên bố về cả kết quả ngay lập tức cũng như trong ngày cánh chung. Họ trình bày một viễn tưởng chất chứa niềm hy vọng về thiên đường cho những người trung thành với Đức Allah và cảnh báo về sự tra tấn của địa ngục cho những bất tuân phục đối với mệnh lệnh của Người. Những cảnh báo và lời hứa này nhằm củng cố các giới luật đạo đức được truyền đạt bởi các ngôn sứ và khẳng định tầm quan trọng của việc tuân theo con đường mà Allah đã đề ra (Surah An-Naba 78:36; Surah Al-Baqarah 2:81).

Ngoài vai trò là những sứ giả của Chúa, các ngôn sứ trong Hồi giáo còn là những mẫu mực xuất sắc về lòng đạo đức và sự chính trực. Cuộc đời của họ được người Hồi giáo tìm hiểu và noi theo nhằm nuôi dưỡng đức tin cũng như điều chỉnh cách sống đạo và giữ đạo. Sách Sunna thuật lại những lời nói và hành vi chuẩn mực của ngôn sứ Muhammad; vì thế, các tín đồ có thể tìm hiểu kinh sách này nhằm noi gương ngôn sứ Muhammad để sống theo các nguyên tắc Hồi giáo. Ngôn sứ Muhammad được người Hồi giáo coi là “Uswatun Hasana”, là tấm gương tốt nhất về mọi mặt cho các tín đồ có thể nhìn vào để noi theo (Ahmad, 2017).

Đối với các tôn giáo ngoài truyền thống Abraham, ý nghĩa của vai trò ngôn sứ thường liên quan đến việc tuyên bố các giáo huấn tinh thần và đạo đức nhằm giúp hướng dẫn cá nhân và cộng đồng tránh khỏi sự đau khổ và lối sống tiêu cực, mang lại sự tai hại cho bản thân. Trong Phật giáo, tính ngôn sứ gắn liền với việc tuyên bố các thông điệp xuất phát từ giáo lý của Đức Phật. Phật pháp với những quy tắc sâu sắc cung cấp hướng dẫn đạo đức và tinh thần nhằm giảm bớt đau khổ và giúp con người thoát khỏi kiếp luân hồi – sinh, lão, bệnh, tử. Các giáo huấn của Đức Phật có giá trị vì có thể tiết lộ bản chất thật của thực tại, giúp Phật tử thăng tiến bản thân và hướng tới cuộc sống đạo đức, kỷ luật tâm trí và trí tuệ. Vì thế, trong Phật giáo, những cá nhân bất kể là giới tu trì hoặc các Phật tử, khi họ cam kết học tập và sống theo Phật pháp có thể đóng vai trò ngôn sứ khi họ mạnh dạn nói lên những ý kiến được đặt trên nền tảng của các giáo huấn của Đức Phật. Những giáo huấn của Phật giáo về tham, sân si, về nỗi khổ trong cuộc sống và về bản ngã luôn là những ý tưởng phản ánh rõ nét tình trạng của đời sống con người, cũng như là một thách đố lớn cho xã hội trong mọi thời đại.

Trong Nho giáo, các phẩm chất ngôn sứ được thể hiện qua các bậc thánh hiền và các cá nhân gương mẫu. Những nhân vật này có nhận thức đạo đức và trí tuệ sâu sắc, thường xuất phát từ hiểu biết về các nguyên tắc về hài hòa, chính trực và lễ nghĩa. Các tư tưởng của Khổng Tử và Mạnh Tử là nguồn hướng dẫn đạo đức dựa trên hiểu biết sâu sắc về bản chất con người và nhu cầu xã hội. Các giáo huấn của họ nhấn mạnh các đức tính như hiếu thảo, lòng nhân ái và chính trực, cung cấp một khuôn khổ cho hành vi đạo đức và phương cách vận hành xã hội. Phẩm chất ngôn sứ trong Nho giáo nằm ở khả năng của những bậc thánh hiền này để nhận ra con đường đạo đức và truyền cảm hứng cho người khác trau dồi các đức tính góp phần vào sự phát triển cá nhân và hài hòa xã hội.

Trong Nho giáo, trong khi các bậc thánh hiền như Khổng Tử và Mạnh Tử được coi trọng nhất, những cá nhân khác dù không đạt đến tầm vóc của một bậc thánh hiền vẫn có thể đóng vai trò ngôn sứ trong gia đình, cộng đồng và xã hội. Những cá nhân này góp phần vào việc truyền bá và hiện thân các giá trị Nho giáo, do đó có ảnh hưởng trên xã hội về mặt đạo đức và đạo lý.

Một trong những khái niệm chính trong Nho giáo là khái niệm “quân tử”. Quân tử là một con người mẫu mực. Theo chuyên gia về Nho giáo Tu Weiming (1985), quân tử là một “người sâu sắc” hoặc “người thâm sâu”. Quẩn tử sở hửu sự hiểu biết sâu sắc về bản thân, lòng can đảm kiên định và sự nhạy cảm cao với thế giới xung quanh. Mặc dù quân tử không nhất thiết phải là các bậc thánh hiền, họ cố gắng sống theo các đức tính Nho giáo như nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Từ đó, họ trở thành những tấm gương về lối sống tử tế, đạo đức trong gia đình và cộng đồng (Snell et al., 2022). Bằng cách hiện thân các nguyên tắc Nho giáo trong cuộc sống hàng ngày và trong các mối tương quan, quân tử gây ảnh hưởng tích cực đến suy nghĩ và hành động của người khác. Sự dấn thân của quân tử trong lối sống đạo đức truyền cảm hứng cho những người xung quanh, gây cảm hứng cho họ cũng nỗ lực cải thiện và phát triển các đức hạnh vì lợi ích cá nhân và xã hội (Yang & McCann, 2022). Một điều cần nhấn mạnh ở đây là mặc dù khái niệm quân tử thường được gắn liền với nam giới, nhưng trên thực tế, những đức tính và lối sống của một quân tử không chỉ hạn chế cho phái nam mà cho tất cả mọi người.

Trong xã hội Nho giáo, người làm công tác giáo dục giữ một vai trò quan trọng. Họ đóng vai trò ngôn sứ bằng cách truyền đạt các lý tưởng và kiến thức về Nho giáo cho học trò của mình. Thông qua việc giảng dạy, các nhà giáo dục bảo tồn và truyền đạt các giá trị Nho giáo, hình thành nhân cách đạo đức của các thế hệ tương lai. Các nhà tri thức đóng góp vào việc diễn giải và mở rộng tư tưởng Nho giáo, tham gia vào các cuộc đối thoại học thuật nhằm giúp giữ cho các giáo huấn Nho giáo luôn phù hợp và năng động trong bối cảnh xã hội đương thời.

Tóm lại, trong khi các phương cách truyền thông mang tính ngôn sứ của tôn giáo có sự khác biệt giữa các truyền thống khác nhau, trọng tâm của sự việc luôn là để nói lên những gì được cho là sự thật vì lợi ích của con người trên phương diện cá nhân lẫn cộng đồng. Nói cách khác, mục đích của truyền thông mang tính ngôn sứ của tôn giáo là để khẳng định sự thật, kích thích trí tưởng tượng, làm rõ sự hiểu lầm, truyền cảm hứng hành động và đối mặt với những vấn nạn nguy hiểm trong xã hội (Bevans, 2022).

No comments:

Post a Comment