Tác giả: LM Anthony Lê Đức, SVD
Dẫn Nhập
Khi công nghệ kỹ
thuật số xâm nhập vào mọi khía cạnh của xã hội loài người, vào cả đời sống tôn
giáo và tâm linh, đã có một số thuật ngữ nghe có vẻ không quen thuộc được đề cập
đến trong các cuộc thảo luận thần học mà ý nghĩa của chúng không được rõ ràng
ngay với người nghe. Những thuật ngữ như “thần học kỹ thuật số”, “thần học
trong thời đại kỹ thuật số”, “thần học mạng”, “thần học về internet” và một số
thuật ngữ khác. Trong khi chưa có thuật ngữ nào được công nhận chính thức là
truyền đạt đầy đủ ý nghĩa, chúng lại chỉ ra một thực tại quan trọng đang thu
hút sự quan tâm đáng kể là mối tương quan giữa thần học và công nghệ thông tin
kỹ thuật số (ICT). Chương này không quan tâm nhiều đến việc đưa ra một thuật ngữ
cụ thể nào bởi lẽ sự đồng thuận sẽ đến vào đúng thời của nó. Mục tiêu đầu tiên
của chương 1 này là suy tư một số vấn đề thần học phát sinh trong bối cảnh kỹ
thuật số, trong đó những từ ngữ như “thời đại kỹ thuật số” và “không gian mạng”
trước đây nghe có vẻ xa lạ và viễn vông thì ngày nay lại phản ánh một thực tại
cụ thể đang lan tỏa trong đời sống con người. Thần học Kitô giáo vốn đụng chạm
đến những vấn đề và khát vọng tâm linh sâu xa nhất của nhân loại không thể làm
ngơ trước những ảnh hưởng của công nghệ kỹ thuật số đến những chiều kích quan
trọng của đời sống con người, đặc biệt là mối tương quan của con người với
Thiên Chúa và với anh em đồng loại.
Ngay từ đầu, cần
phải nói rõ rằng những suy tư dưới đây chỉ là một nỗ lực khiêm tốn để đóng góp
vào các nghiên cứu có hệ thống hơn trong lãnh vực vẫn còn khá mới này. Mặc dù
trong những năm gần đây, sau khi cuốn sách Cybertheology: Thinking
Christianity in the Era of the Internet[1]
(Thần học mạng: Kitô giáo trong thời
đại Internet) của LM Antonio Spadaro xuất bản năm 2014, người ta đã quan
tâm nhiều hơn đến việc xem xét sự giao thoa giữa thần học và kỷ nguyên kỹ thuật
số. Đây là một bước tiến theo thời gian kể từ khi Spadaro bắt đầu xem xét chủ đề
này. Trong cuốn sách của mình, chính Spadaro đã than thở về việc thiếu nguồn
tài liệu và phải nhìn chằm chằm vào “màn hình máy tính trống rỗng mà không biết
bắt đầu từ đâu hoặc viết gì”[2]
khi được yêu cầu trình bày nội dung thần học về tôn giáo và internet. Vị linh mục
và tác giả dòng Tên này đã tìm thấy rất nhiều thông tin liên quan đến chiều
kích mục vụ của internet - những lợi ích và rủi ro của nó, việc sử dụng nó như
một công cụ truyền giáo, v.v. - nhưng những phản ánh thần học có hệ thống lại rất
ít.[3]
Mặc dù thừa nhận đã có nhiều cuộc thảo luận hơn về thần học kỹ thuật số trong
các cuộc đối thoại tri thức và trên các tạp chí học thuật trong những năm gần
đây, Heidi Campbell nhận thấy rằng cho đến nay vẫn chưa có cuốn sách nào chỉ tập
trung vào chủ đề thần học kỹ thuật số.[4]
Cũng quan trọng
phải nêu những lý do tại sao cần có một thần học mạng và thuật ngữ này căn bản
nói đến điều gì. Mặc dù vẫn chưa có định nghĩa chính thức về thần học mạng hay
thần học kỹ thuật số, những suy tư trong tài liệu này có thể đóng góp vào quá
trình phát triển một khái niệm nhất định trong tương lai. Một trong những mục
tiêu của nghiên cứu này là thảo luận về thần học mạng trong sự đối chiếu với bối
cảnh châu Á. Bằng cách đưa những suy tư trong môi trường Á châu và nối kết phù
hợp, chúng ta sẽ thấy thần học mạng mang những sắc thái đa dạng tùy thuộc vào bối
cảnh đặc thù. Vì vậy, nhiệm vụ của chúng tôi có 3 khía cạnh: (1) biện luận cho
sự cần thiết phải khai triển thần học mạng và khám phá những nét bản chất liên
quan; (2) suy tư về tương quan của con người với Thiên Chúa và người thân cận từ
quan điểm thần học mạng; và (3) ứng dụng những suy tư này trong bối cảnh xã hội
– tôn giáo – văn hóa Á châu.
Cần
có một nền Thần học mạng
Thần học có những
bước tiến khác nhau là một tiến trình tự nhiên trong đời sống của Giáo hội –
đôi khi đó là kết quả do những biến cố bên ngoài thể chế của Giáo hội thúc đẩy.
Những bước tiến đó có thể do khám phá khoa học đem đến, như trong trường hợp
khám phá về vũ trụ của Copernic và thuyết tiến hóa của Darwin cho Giáo hội hiểu
được rằng không thể đọc Kinh Thánh như một nguồn dữ liệu khoa học. Những tiến bộ
kỹ thuật cũng ảnh hưởng đáng kể đến thần học. Trong thời Cựu ước, các bản văn
Kinh thánh được viết và truyền lại trên những cuộn da. Tuy nhiên, mỗi cuộn chỉ chứa
đựng được một số nội dung, vì thế cần phải có rất nhiều cuộn giấy da để ghi lại
các phần khác nhau của Kinh Thánh. Cho đến thế kỷ IV, sau khi phát minh ra
codex (sách chép tay), toàn bộ quy điển Kinh thánh có thể đưa vào chung trong một
bộ sách duy nhất với sự sắp xếp và liên hệ cụ thể với nhau. Không giống trước
đó khi mà ý tưởng quy điển Kinh thánh như một thực thể duy nhất chỉ là một khái
niệm, thì việc phát minh sách chép tay giúp cho độc giả nhận biết quy điển là một
thể thống nhất. Mặc dù việc phát hành cuốn Kinh
Kim Cang tại Trung Hoa vào thế kỷ IX được xem là bản in đầu tiên giúp cho
Phật giáo mở rộng khắp châu Á, thì sự phát triển công nghệ gây chấn động là việc
phát minh ra máy in của Gutenberg đã làm nảy sinh nền văn hóa văn bản và việc
phổ biến thông tin chưa từng có trong suốt 500 năm qua.[5]
Công nghệ máy
tính phát triển vào cuối thế kỷ XX và đầu thiên niên kỷ mới này đưa truyền
thông đến một tầm cao không đoán trước được. Việc số hóa thông tin và truyền tải
thông tin dưới hình thức này là một sự phát triển độc đáo, ảnh hưởng đến cách
thức thông tin được xuất bản, phổ biến và tiêu thụ. Trong bối cảnh mới hiện nay,
sách báo có thể xuất bản hoàn toàn trực tuyến. “Báo chí” không cần có mặt ở các
sạp báo hoặc thậm chí không cần phải in ra. Các tài liệu nghiên cứu học thuật
có sẵn khá nhiều trên internet, và về mặt lý thuyết, các luận án tiến sĩ cũng
có thể được hoàn thành bằng cách nghiên cứu trực tuyến, sau đó viết bài trên
máy tính, lưu trữ dưới dạng kỹ thuật số và gởi đến hội đồng đánh giá qua thư điện
tử.[6]
Internet là một
phương tiện truyền thông mới và độc đáo, nhưng đối với xã hội loài người và thần
học Công giáo, nó còn mang nhiều tác động hơn. Trong tài liệu “Giáo hội và
Internet” của Ủy ban Giáo hoàng về Truyền thông xã hội ban hành năm 2002, Giáo
hội Công giáo nhìn nhận sức mạnh của internet trong việc đem lại “những thay đổi
mang tính cách mạng trong lãnh vực thương mại, giáo dục, chính trị, báo chí,
tương quan giữa các quốc gia, tương quan giữa các nền văn hóa – không chỉ thay
đổi trong cách mọi người giao tiếp nhưng cả trong cách họ hiểu về cuộc sống nữa”.[7]
Thật vậy, với sự ra đời của các mạng xã hội, giao tiếp trên mạng không đơn thuần
chỉ là chia sẻ thông tin, mà còn là việc trau dồi các mối tương quan với những
người quen biết thực sự và cả những người chỉ quen trên mạng mà thôi. Đức Thánh
Cha Biển Đức XVI nhận định về các mạng xã hội như sau:
Mọi
người tham gia xây dựng các mối tương quan, kết bạn, tìm kiếm câu trả lời cho
những thắc mắc của mình và giải trí, nhưng họ cũng tìm kiếm sự kích thích trí
tuệ, chia sẻ kiến thức và các bí quyết. Các mạng xã hội ngày càng trở nên một
thành phần của xã hội, đến nỗi chúng đem mọi người đến với nhau dựa trên những
nhu cầu căn bản. Do đó, mạng xã hội được nuôi dưỡng bằng những khát vọng bắt
nguồn từ trái tim con người.[8]
Thực tế là
internet với nhiều hình thức và ứng dụng đa dạng (thư điện tử, trò chuyện, phát
trực tiếp giọng nói và video, World Wide Web, trò chơi điện tử, mạng xã hội…)
đã thâm nhập vào mọi khía cạnh của xã hội hiện đại của loài người, điều ấy có
nghĩa là cần phải suy tư về hình thức truyền thông này không chỉ về mặt xã hội
học mà còn về mặt thiêng liêng và thần học nữa. Cũng cần phải phân biệt giữa
internet và không gian mạng (cyberspace). Internet là một hệ thống mạng kết nối
hàng tỉ máy tính trên thế giới lại với nhau, là nơi thông tin được trao đổi qua
những ứng dụng đa dạng của World Wide Web, thư điện tử, điện thoại và mạng
ngang hàng (peer-to-peer networks) để chia sẻ dữ liệu.[9]
Trong khi định nghĩa về internet khá dễ, thì nói chính xác về không gian mạng
(cyberspace) lại không như thế. Đôi lúc người ta dùng hạn từ này lẫn lộn với
internet, nhưng thật ra không chính xác. Oxford Languages và Google định nghĩa
không gian mạng là một “môi trường ý niệm (notional environment) trong đó diễn
ra việc truyền thông qua mạng máy tính.”[10]Từ ý niệm được dùng vì không gian mạng thực tế không tồn tại theo vật lý. Nó là một không gian ẩn dụ (metaphorical space) chỉ tồn tại trong tâm trí của chúng ta, đặc biệt khi chúng ta nói chuyện với bạn bè và cảm nhận như thể chúng ta gặp họ tại một không gian cụ thể. Theo Neil Postmas, “Không gian mạng là một ý tưởng ẩn dụ (metaphorical idea) nơi đó ý thức của bạn được định vị khi bạn sử dụng kỹ thuật máy tính trên internet.”[11]
Trong ngôn ngữ hàng ngày, không gian mạng được xem như là một thuật ngữ chung để
nói về vô số thứ diễn ra trên môi trường trực tuyến – nơi người ta có thể tìm
kiếm thông tin, giải trí hoặc tương tác với những người dùng internet khác.
Một khái niệm nảy
sinh gắn liền nhưng không giống hệt với không gian mạng là thực tế ảo (virtual
reality), một thuật ngữ đôi khi xuất hiện trong giao tiếp hằng ngày nhưng không
luôn được hiểu đúng.[12]
Trong lãnh vực công nghệ máy tính, thực tế ảo đề cập đến việc mô phỏng hoặc sao
chép thực tế vật lý bằng cách sử dụng đồ họa tương tác 3D thời gian thực
(real-time) và các thiết bị kỹ thuật nhằm tạo nên môi trường giúp người dùng nhập
vai và tương tác trong chính môi trường đó.[13]
Có thể thấy rằng thực tế ảo là một công nghệ rất đặc thù liên quan đến nhiều
công cụ khác nhau để đạt được trải nghiệm nhất định cho người dùng. Bất cứ cái
gì được xem là thực tế ảo đều phải đáng tin cậy, có tính tương tác, thao tác
trên máy tính, có thể khám phá và nhập vai.[14]
Tuy nhiên, thực tế ảo lại thường bị hiểu lầm và được dùng để nói đến những môi
trường trực tuyến hay thế giới các mạng xã hội. Thật ra, công nghệ thực tế ảo
không nhất thiết phải liên quan đến internet, truyền thông kỹ thuật số hay
không gian mạng, cái mà theo một nghĩa nào đó, không phải là ảo mà lại rất thật.
Như Đức Thánh Cha Biển Đức XVI khẳng định: “Môi trường kỹ thuật số không phải
là một thế giới song song hay thuần túy ảo, nhưng nó là một phần trải nghiệm
hàng ngày của rất nhiều người, đặc biệt người trẻ.”[15]
Quả thực, ngày nay người ta không còn nói về việc lên mạng như thể là thực hiện
một cuộc dạo chơi trong thế giới thần tiên kỹ thuật số, rồi sau đó trở về với đời
thực với những vấn đề và trách nhiệm của nó. Trong thế giới kỹ thuật số toàn cầu
hiện nay, internet là nơi chúng ta giữ liên lạc với gia đình và bạn hữu, gặp gỡ
người mới và kiến tạo những mối tương quan, làm ăn kinh doanh và cập nhật tin tức
địa phương lẫn quốc tế, tìm kiếm đủ loại thông tin từ cách để thắt cà vạt đến phương
thức nấu món canh tom yum kung nổi tiếng
của Thái Lan. Rồi đến chia sẻ hình ảnh, ý tưởng, cảm xúc với người khác trên mạng
xã hội, blog hay các diễn đàn. Chính vì thế mà Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II so
sánh không gian mạng với công trường La mã cổ đại “nơi chính trị và kinh doanh
giao du, nơi thực thi các bổn phận tôn giáo, nơi diễn ra phần lớn đời sống xã hội,
là nơi bản chất cao quý nhất cũng như tệ hại nhất của con người thể hiện ra.”[16]
Ở Thái Lan nơi tôi đang phục vụ, một hình ảnh có thể dùng để so sánh như thế là
các quãng trường trong thành phố lớn hay các khu chợ tỉnh, nơi đó người ta tụ tập
để làm việc, giao lưu và buôn chuyện, ngay cả để làm công quả cho các nhà sư khất
thực.[17]
Một cách nào đó, không gian mạng là biểu tượng của những khu chợ vô cùng sầm uất
ở các thị trấn với tất cả khung cảnh nhộn nhịp, âm thanh, và màu sắc xen lẫn
vào nhau.
Vì thế không
gian mạng không còn là một nơi tách biệt đâu đó nhưng nối kết không rời với đời
sống chúng ta đến nỗi chúng ta gắn bó với môi trường kỹ thuật số nhiều như đời
thực vậy. Nhiều người không còn coi internet là điều mới lạ nữa nhưng là một phần
của đời sống hằng ngày.[18]
Cầm trên tay điện thoại thông minh hay máy tính bảng với kết nối 4G/5G, chúng
ta có thể check-in và cho người khác biết mình đang ở đâu vào bất cứ lúc nào,
dù là ở sân bay, rạp chiếu phim hay xếp hàng tính tiền ở siêu thị. Chỉ cần
thoáng nhìn hàng dài các nhân viên văn phòng ở Bangkok đang kiên nhẫn xếp hàng
đợi xe ôm mỗi tối hay các hành khách ở Hàn Quốc tiêu khiển thời gian trên tàu
điện ngầm thì cũng có thể thấy internet thịnh hành ra sao trong đời sống con
người. Với làn sóng dịch vi-rút corona năm 2020-2021, internet trở thành lớp học
thay thế cho học sinh trên toàn thế giới không thể đến trường vì lệnh đóng cửa
để chống dịch. Vì vậy, theo Antonio Spadaro,
Internet… không chỉ là một phương tiện truyền thông để người ta chọn sử dụng, nhưng nó còn mở ra một “môi trường” văn hóa quyết định một lối tư duy, tạo nên những vùng đất mới, những hình thức giáo dục mới, góp phần hình thành khái niệm về cách kích thích trí thông minh và thắt chặt các mối tương quan. Đó là lối sống và tổ chức thế giới của chúng ta. Nó không phải là một thế giới tách rời, nhưng ngày càng hội nhập sâu hơn trong đời sống hằng ngày của chúng ta.[19]
Tuy nhiên, khẳng định của Spadaro không phải mới mẻ và bất ngờ. Thậm chí vào năm 1990, khi internet còn chưa được dùng rộng rãi trong giới không chuyên thì Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã thấy trước tiềm năng làm thay đổi mô hình văn hóa của các công nghệ truyền thông mới trong thời hiện đại. Trong thông điệp Redemptoris Missio (Sứ vụ Đấng Cứu Chuộc), ngài ví môi trường truyền thông mới như một “nền văn hóa mới” với “những cách thức giao tiếp mới, ngôn ngữ mới, kỹ thuật mới và tâm lý mới.”[20] Vì thế, cũng không lạ khi Domenico Pompili lập luận rằng internet là một nơi có sự hiện diện thực sự của con người và có phẩm chất như một không gian nhân học.[21]Nhận thức này buộc chúng ta phải tin vào sự tồn tại và vai trò của nó trong việc hình thành suy nghĩ và cảm xúc của chúng ta, và cuối cùng tác động đến sự nhạy bén tâm linh và thần học của chúng ta nữa.Vậy cần phải hỏi xem thần học kỹ thuật số hay thần học mạng là gì? Tại Đại học Durham ở Anh quốc, nhân viên trung tâm Thần học Kỹ thuật số trả lời như sau:
Thần học kỹ thuật
số suy tư về quá trình số hóa của xã hội và sự liên quan của nó đến đức tin và
việc thực hành Kitô giáo. Những đổi mới công nghệ tạo ra một loạt thay đổi xã hội
trong nhiều lãnh vực đời sống của thế kỷ XXI. Giáo hội Kitô giáo và nhiều tôn
giáo khác cũng đang thay đổi khi tham gia vào truyền thông xã hội, giao tiếp
qua các trang web và gia tăng việc sử dụng công nghê kỹ thuật số trong việc phụng
tự, trong hoạt động mục vụ và Phúc âm hóa. Tiền đề cơ bản của Thần học Kỹ thuật
số là nền văn hóa mới nảy sinh tạo nên điều kiện mới cho Giáo hội tìm được
chính mình trong đó. Cần có những cuộc đối thoại thần học mới mẻ và những cách
tiếp cận phù hợp.[22]
Debbie Herring quản trị một trang web về thần học mạng, trong đó nội dung được chia thành ba mục – thần học trong, thần học của, và thần học cho mạng xã hội.[23] Peter Singh khẳng định: “Thần học mạng phải được hiểu như là trí tuệ của đức tin trong kỷ nguyên mạng ảnh hưởng đến cách chúng ta suy nghĩ, học tập, giao tiếp và sống.”[24] Spadaro cũng tham chiếu khái niệm truyền thống về thần học để lập luận về những ý nghĩa thần học của internet. Vị linh mục viết:
Suy tư thần học mạng luôn là một tri thức phản xạ bắt đầu từ kinh nghiệm của đức tin… Do đó, Thần học mạng không phải là sự phản ánh xã hội học về tôn giáo trên internet, mà là kết quả của đức tin làm phát sinh một động lực nhận thức vào thời điểm mà logic của Web tác động đến cách suy nghĩ, cách hiểu biết, cách giao tiếp và cách sống.[25]
Thần học mạng cũng được phân biệt với các thần học khác tập trung vào hoặc uu tiên cho những lãnh vực/nhóm người đặc thù trong xã hội, ví dụ như thần học giải phóng (người nghèo và giới lao động), thần học nữ quyền (người nữ), thần học nữ giới (phụ nữ Mỹ gốc Phi) và thần học châu Á (người nam và nữ châu Á). Hơn nữa, thần học mạng cũng không phải là một loại thần học nào đó chỉ nằm trong không gian mạng, xa rời với đời sống cụ thể hàng ngày. Quả thật, môi trường kỹ thuật số ngày càng bao trùm lên cuộc sống của chúng ta và có nhiều ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của đời sống. Do đó, thần học mạng là một sự suy tư có hệ thống về tác động biến đổi của thời đại kỹ thuật số trên các khía cạnh của đời sống đức tin và sự đáp trả của con người trước sự thay đổi không ngừng này. Thần học dưới bất kỳ hình thái nào đều quy chiếu về Thiên Chúa và mối tương quan của Người với con người như chủ đề chính. Tuy nhiên, thần học mạng lấy thông tin từ môi trường kỹ thuật số với tất cả những khám phá và cảm hứng của nó. Phần sau của chương này sẽ trình bày những suy tư về mối quan hệ đối với các khía cạnh khác nhau của cuộc sống con người, đặc biệt là mối tương quan của con người với Thiên Chúa và đồng loại. Mục đích là để xem các mối tương quan này có thể được nhận thức và duy trì như thế nào trong bối cảnh kỹ thuật số hiện đại.[1] Antonio Spadaro, Thần học mạng: Kitô
giáo trong thời đại Internet (New York: Fordham University Press, 2014)
[2]
Spadaro, Cybertheology, viii.
[3]
Spadaro, Cybertheology, ix.
[4] Heidi A. Campbell, “Giới thiệu về Giáo hội
học Kỹ thuật số: một cuộc đối Thoại về Giáo hội học Kỹ thuật số sẽ ra sao?” trong
sách Giáo hội học Kỹ thuật số: cuộc đối
thoại toàn cầu, ed. Heidi A. Campbell (Digital Religion Publications,
2020), 6.
[5] Ched
Spellman, “The Canon after Google: Implications of a Digitized and Destabilized
Codex” Princeton Theological Review 17, no. 2 (2010): 39-40.
[6] Trùng
hợp là nghiên cứu và việc viết tài liệu này được thực hiện 90% trực tuyến với sự
hỗ trợ của máy tính xa1chc tay, thiết bị đọc sda1ch Kindle và Ipad.
[7] Ủy ban
Giáo hoàng về Truyền thông, “Giáo hội và Internet,”
http://www.vatican.va/roman_curia/pontifical_councils/pccs/documents/rc_pc_pccs_doc_20020228_church-internet_en.html.
[8] Đức
Thánh Cha Biển Đức XVI, “Sứ điệp ngày Thế giới Truyền thông 2013,” http://w2.vatican.va/content/benedict-xvi/en/messages/communications/documents/hf_ben-xvi_mes_20130124_47th-world-communications-day.pdf.
[9]
Wikipedia, “Internet,” https://en.wikipedia.org/wiki/Internet.
[10] Oxford
Languages and Google, “Cyberspace,” https://languages.oup.com/google-dictionary-en/.
[11]
Sunshine Recorder, “Neil Postman on Cyberspace,” http://sunrec.tumblr.com/post/73223445766/neil-postman-on-cyberspace-1995.
[12] Tomasz
Mazuryk and Michael Gervautz, “Thực tế ảo: Lịch sử, Ứng dụng, Kỹ thuật và Tương
lai” https://www.cg.tuwien.ac.at/research/publications/1996/mazuryk-1996-VRH/TR-186-2-96-06Paper.pdf : 3.
[13]
Mazuryk and Gervautz, “Virtual Reality,” 4.
[14] Chris
Woodford, “Virtual Reality,”
http://www.explainthatstuff.com/virtualreality.html.
[15] Đức
Thánh Cha Biển Đức XVI, “Sứ điệp ngày Thế giới Truyền thông 2013”.
[16] Đức
Thánh Cha Gioan Phaolô II, “Sứ điệp ngày Thế giới Truyền thông 2002,”
http://w2.vatican.va/content/john-paul-ii/en/messages/communications/documents/hf_jp-ii_mes_20020122_world-communications-day.html.
[17] Trong
các quốc gia Phật giáo Nguyên thủy của Đông Nam Á, hình ảnh các nhà sư đi khất
thực ở các khu chợ mỗi buổi sáng là bình thường.
[18] Sam
Han and Kamaludeen Mohadmed, Văn hóa kỹ thuật số và tôn giáo ở châu Á
(London: Routledge, 2016), Kindle edition.
[19]
Spardaro, Cybertheology, 2-3.
[20] Đức
Thánh Cha Gioan Phaolô II, Sứ vụ Đấng Cứu Chuộc, 37c,
http://w2.vatican.va/content/john-paul-ii/en/encyclicals/documents/hf_jp-ii_enc_07121990_redemptoris-missio.pdf. Incidentally, in the same year, Đức Thánh Cha
Gioan Phaolô II also discussed in his “Message for World Communication Day” the
importance of “computer telecommunications” and a “computer culture” for the
evangelizing mission of the Church.
http://w2.vatican.va/content/john-paul-ii/en/messages/communications/documents/hf_jp-ii_mes_24011990_world-communications-day.html.
[21]
Domenico Pomili, Il nuovo ell’antico. Comunicazione e testimonianza nell’era
digitale [Cái mới trong cái cũ: Truyền thông và Chứng tá trong kỷ nguyên kỹ
thuật số] (San Paolo, Italy: Cinisello Balsamo, 2011): 62.
[22] Center
for Digital Theology, “What is digital theology,” (11 May 2020), https://www.dur.ac.uk/digitaltheology/.
[23] Debbie
Herring, http://www.cybertheology.net/.
[24] M.
Peter Singh, “Tổng quan về Thần học mạng” (Paper presented at Seminar on
Ekklesiology in Cyber Age, Bangalore, June 26-27, 2014). Kindle edition.
[25]
Spadaro, Cybertheology, 17.
No comments:
Post a Comment