Friedrich Max Müller, một học giả về tôn giáo và ngôn ngữ, đã khẳng định: "Chỉ hiểu biết về một [tôn giáo] là không hiểu biết tôn giáo nào cả."[1] Câu nói nổi tiếng của Müller hàm ý rằng, việc học hỏi và hiểu biết về các tôn giáo khác nhau là vô cùng quan trọng để cho tín đồ có cơ hội so sánh và khám phá sâu hơn về niềm tin của chính mình. Trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay, xã hội ngày càng trở nên đa dạng hơn về mặt sắc tộc, văn hoá cũng như tôn giáo. Vì thế, những người theo tôn giáo cần mang tinh thần cởi mở, hòa nhập và đối thoại với tín đồ từ các tôn giáo khác. Sự giao thoa và đối thoại liên tôn giúp ngăn chặn xung đột phát sinh từ sự hiểu lầm và định kiến đối với tôn giáo khác, tăng cường sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, xây dựng sự hòa hợp tôn giáo, đồng thời đóng góp vào việc thúc đẩy công lý và hòa bình toàn cầu.[2]
Trước tình trạng khủng hoảng sinh thái ngày càng nghiêm trọng, đối thoại liên tôn trở thành một phương thức quan trọng để đối phó với vấn nạn này. Theo lời Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô, ngoài việc xây dựng tình đoàn kết trong gia đình nhân loại, thiết lập hòa bình và thúc đẩy tình huynh đệ trên toàn cầu, chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta thông qua đối thoại liên tôn cũng là một nhiệm vụ quan trọng cần thực hiện trong thời kỳ hậu đại dịch COVID-19.[3]
Đối thoại liên tôn đưa các tôn giáo đến gần nhau để chung tay giải quyết các vấn đề môi trường như biến đổi khí hậu, ô nhiễm, phá rừng và mất cân bằng sinh học. Đức Đạt-lai Lạt-ma đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc thúc đẩy một nền đạo đức toàn cầu kết hợp giữa giá trị tâm linh và tôn giáo để bảo vệ hệ sinh thái. Ngài kêu gọi việc đối thoại sâu sắc và ôn hoà để khắc phục các vấn đề môi trường. Mặc dù vẫn còn nhiều xung đột trên thế giới, nhưng ngài tin rằng thế hệ hiện tại có khả năng và trách nhiệm hành động trước khi quá muộn.[4]
Trong bài viết này, tác giả sẽ bàn luận về vài trò của đối thoại liên tôn trong việc góp phần vào nỗ lực chăm sóc ngôi nhà chung của nhân loại, không chỉ ở tầm mức quốc tế mà còn trong đời sống cộng đồng. Đặc biệt, bài viết sẽ tập trung vào bốn hình thức cụ thể của đối thoại liên tôn: đối thoại trong cuộc sống, đối thoại thông qua sự hợp tác trong hành động, đối thoại về trải nghiệm tâm linh, và đối thoại trao đổi thần học.
2. Tại sao cần đối thoại liên tôn trong vấn đề môi trường?
Trước khi bàn luận về các hình thức đối thoại liên tôn, tác giả xin trình bày những lý do nhằm giải đáp câu hỏi tại sao cần đối thoại liên tôn đối với vấn nạn khủng hoảng hệ sinh thái.
2.1. Chia sẻ trách nhiệm
Đối thoại và hợp tác giữa các tôn giáo liên quan đến khủng hoảng môi trường cho thấy rằng các tôn giáo nhận thức được vai trò của tất cả mọi người trong việc chăm sóc cho Trái Đất. Trong Thông điệp Laudato Si' của Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô, ngài nói rõ Trái Đất là "ngôi nhà chung" mà tất cả mọi người chúng ta đều có trách nhiệm phải giữ gìn. Đức Phan-xi-cô đã kêu gọi sự hợp tác đa tôn giáo để đối phó với các thách thức môi trường. Ngài tin rằng, sự cấp bách trong vấn đề bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta có thể đưa cả gia đình nhân loại lại với nhau để tìm kiếm phương thức phát triển bền vững và toàn diện.[5] Đối với Đức Phan-xi-cô, việc đối thoại giữa các tôn giáo để đối phó với khủng hoảng môi trường là một phần của việc hội thoại đa chiều liên quan đến cộng đồng quốc tế, các lãnh đạo trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội và khoa học.[6] Nói cách khác, tất cả mọi người bất kể địa vị hay tầng lớp trong xã hội đều phải tham gia vào việc đối thoại để bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta.[7]
Quan niệm về Trái Đất là "ngôi nhà chung" tuy đơn sơ nhưng mang ý nghĩa sâu sắc vì hình ảnh ngôi nhà là một biểu tượng gần gũi mà ai cũng có thể thấu hiểu và cảm nghiệm được giá trị của nó trong đời sống con người. Người Việt Nam có thói quen tích góp tiền để xây nhà thay vì mua căn hộ bởi vì căn nhà là biểu tượng của đời sống gia đình cùng với sự ổn định, bền vững và tình thân giữa các thành viên cùng sống dưới mái nhà đó.
Khi nói về trái đất như một ngôi nhà, Đức Phan-xi-cô cũng nhấn mạnh tính liên kết của mọi loài trên Trái Đất. Thực tế cho thấy các yếu tố trong thiên nhiên bao gồm sinh vật, môi trường, và khí hậu có mối liên hệ và phụ thuộc lẫn nhau. Tuy con người có một vị trí đặc biệt riêng so với các loài sinh vật khác trên Trái Đất, nhưng chúng ta không thể tồn tại nếu bị tách rời khỏi mạng lưới kết nối của hệ sinh thái toàn cầu. Khi nhận ra Trái Đất là một tổ ấm chung, những người theo các tôn giáo và văn hóa khác nhau có thể được coi là thành viên của một gia đình toàn cầu. Vì thế, mọi người có trọng trách phải bảo tồn nơi ở chung và tạo mối quan hệ hòa hợp bên trong ngôi nhà mà chúng ta đang sống. “Nhà sạch thì mát; bát sạch ngon cơm.” Do đó, Trái Đất cần phải được chăm sóc chu đáo để cuộc sống con người và các loài thọ tạo được phát triển một cách tốt đẹp.
Cách diễn đạt của Đức Phan-xi-cô về tinh thần đồng trách nhiệm đối với "ngôi nhà chung" của nhân loại đã tìm được sự đồng cảm nơi các nhà lãnh đạo tôn giáo trên thế giới. Nhân dịp "Ngày thế giới cầu nguyện cho việc chăm sóc vạn vật" (World Day of Prayer for the Care of Creation) vào năm 2017, Thượng phụ Bar-tô-lô-mê-ô đã kêu gọi bảo vệ môi trường và xây dựng sự đoàn kết nhằm khắc phục các vấn nạn môi trường. Ngài cũng kêu gọi các doanh nghiệp dừng việc khai thác thiên nhiên, và tuyên bố rằng những doanh nghiệp không coi trọng Trái Đất như ngôi nhà chung của chúng ta không thể được coi là hợp pháp.[8] Tương tự, các học giả và nhà lãnh đạo Hồi giáo cũng đồng thuận với lời kêu gọi của Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô về trách nhiệm chung. Họ nhấn mạnh sự tương đồng giữa những nguyên tắc thần học được trình bày trong Thông điệp Laudato Si' và giáo lý Hồi giáo, đồng thời kêu gọi người Hồi giáo ghi nhận những ý tưởng được trình bày trong văn kiện cũng như tham gia tích cực vào việc đối thoại về môi trường.[9]
2.2. Cải thiện hình ảnh về tôn giáo luôn xung đột với nhau
Đối thoại và hợp tác tôn giáo trong các vấn đề môi trường có vai trò quan trọng trong việc giúp cải thiện hình ảnh không tích cực về sự xung đột giữa các tôn giáo. Trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại đã có vô số cuộc xung đột được cho là bắt nguồn từ sự khác biệt tôn giáo. Điều này góp phần tăng cường quan niệm rằng các tôn giáo không thể hòa hợp và luôn tìm cách loại trừ nhau. Một mặt các nhà lãnh đạo tôn giáo luôn thuyết giảng về tình yêu và sự tha thứ với các tín đồ, nhưng các mối hận thù và việc đối xử tệ đối với tôn giáo khác đã gây nghi ngờ về sự khả tín trong lời giảng dạy của họ. Những cuộc xung đột tôn giáo đã khiến một số người bất mãn dẫn đến việc từ bỏ niềm tin tôn giáo để trở thành người “vô tôn giáo”.[10] Điều này đáng buồn vì chính những xung đột này làm lu mờ những đóng góp tích cực của các tổ chức tôn giáo trên toàn thế giới.
Thực tế cho thấy những xung đột tôn giáo có liên quan đến nhiều yếu tố khác nhau như chính trị, kinh tế và bản sắc văn hóa. Tuy nhiên, tôn giáo nhiều khi bị lợi dụng như một công cụ để biện minh cho sự tranh chấp giữa các bè phái và nhóm người. Do đó, không thể phủ nhận một thực tế rằng tôn giáo là yếu tố quan trọng góp phần vào nhiều cuộc xung đột, chiến tranh và bạo lực. Vì thế, suốt chiều dài lịch sử thế giới, sự bất hoà giữa các tôn giáo liên tục diễn ra khiến cho hình ảnh về tôn giáo khó được cải thiện trong ánh mắt của dư luận.
Trước tình trạng kỳ thị và mất lòng tin này, tinh thần hợp tác giữa các tôn giáo trong vấn đề môi trường sẽ có những tác động tích cực nhằm thay đổi ấn tượng và suy nghĩ về tôn giáo. Thay vì bị chi phối bởi những mâu thuẫn, các tôn giáo có thể tập trung công sức và nguồn lực vào nỗ lực phát triển xã hội và cải thiện môi trường thiên nhiên. Điều này chứng tỏ tiềm năng của các tôn giáo vượt qua sự khác biệt để có thể làm việc cùng nhau để đối mặt với những thách thức của nhân loại. Bằng cách khuyến khích đối thoại, hợp tác và đảm nhận trách nhiệm đối với Trái Đất, các tôn giáo thực hiện vai trò tích cực trong việc xây dựng một thế giới hoà bình thịnh vượng.
2.3. Mối quan tâm của tôn giáo vào các vấn đề thế tục
Đối thoại và hợp tác giữa các tôn giáo về môi trường cho thấy tôn giáo không chỉ quan tâm đến những khía cạnh tâm linh và sự sống đời sau. Bên cạnh những vấn đề siêu nhiên, tôn giáo cũng có sự quan tâm đúng đắn đến những mối lo toan trong thế giới hiện tại liên quan trực tiếp đến đời sống của con người. Để con người phát triển lành mạnh toàn diện, không chỉ chiều kích tinh thần cần được chú trọng mà các khía cạnh về thể chất, tình cảm và xã hội cũng cần phải được chăm sóc một cách đầy đủ. Do đó, các tôn giáo nhận thức rằng việc nuôi dưỡng đời sống tâm linh không thể bỏ qua những khó khăn như đói nghèo, bệnh tật, chiến tranh và bạo lực mà con người đang phải đối mặt trong cuộc sống hằng ngày.
Thực tế cho thấy rằng khi con người gặp phải quá nhiều thách đố trong việc thoả mãn nhu cầu cơ bản như cơm áo gạo tiền, nhà cửa và y tế, khả năng tham gia vào các hoạt động tâm linh có thể bị ảnh hưởng. “Có thực mới vực được đạo.” Vì thế các tôn giáo luôn nỗ lực trong các hoạt động giáo dục, y tế, bác ái xã hội như xoá đói giảm nghèo, chăm sóc trẻ mô côi và người già neo đơn và phát triển xã hội. Điển hình tổ chức Caritas Internationalis của Giáo hội Công giáo là một trong những tổ chức bác ái xã hội lớn nhất thế giới. Caritas đang hiện diện tại trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ với rất nhiều hoạt động giúp đỡ người nghèo và yếu thế. Dưới lăng kính này, hoạt động chăm sóc và bảo vệ môi trường thiên nhiên được xem là một công việc thiết yếu cho đời sống con người, bởi vì sự huỷ hoại môi trường đưa đến nhiều khó khăn cho con người như thiên tai, hạn hán, lũ lụt khiến họ phải di cư để mưu sinh kiếm sống. Trong các vấn nạn khủng hoảng môi trường, chính người nghèo, phụ nữ và trẻ em là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Hơn nữa, các tôn giáo luôn ủng hộ một lối sống đạo đức và trách nhiệm xã hội, kêu gọi tín đồ tích cực tham gia vào các hoạt động vì cộng đồng và lợi ích chung. Giáo huấn của các tôn giáo luôn liên kết hành động yêu thương và lòng từ bi với đức tin của mình. Thánh Gia-cô-bê khẳng định: “Bạn thử cho tôi thấy thế nào là tin mà không hành động, còn tôi, tôi sẽ hành động để cho bạn thấy thế nào là tin” (2,18). Trái với quan niệm rằng tôn giáo chỉ quan tâm đến cuộc sống đời sau, trên thực tế, thế giới quan của các tôn giáo không hoàn toàn tách biệt khỏi thực tại. Ví dụ, trong Phật giáo, mục tiêu tối hậu của mỗi người là làm sao để siêu thoát khỏi chuỗi luân hồi; nhưng điều này không có nghĩa rằng Phật tử không quan tâm đến thế giới hiện thực. Ngược lại, để đạt được siêu thoát, Phật tử phải thực hành lòng từ bi, yêu thương và những đức phẩm tốt mới có cơ hội giải thoát khỏi sự luân hồi. Ở điểm này, cách nhìn của Phật giáo không khác biệt nhiều so với các tôn giáo khác, ví dụ như Công giáo. Thật vậy, Giáo huấn Công giáo xác định rằng quan tâm đến con người trong thế giới này, đặc biệt là những người nghèo đói và bị bỏ rơi trong xã hội, là điều kiện để đạt được sự sống vĩnh cửu trên thiên đàng (Mát-thêu 25).
2.4. Giá trị chứng tá của sự hợp tác
Đối thoại liên tôn và hợp tác trong các vấn đề môi trường nêu bật tầm quan trọng của việc tìm ra tiếng nói chung và tạo dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa các tôn giáo trước những mối quan tâm của nhân loại. Mặc dù có những khác biệt đáng kể về thế giới quan, niềm tin và thực hành trong các tôn giáo, nhưng sự dấn thân của các tôn giáo trong việc giải quyết các vấn đề môi trường nhấn mạnh tiềm năng của sự giao thoa và hợp tác. Các tôn giáo cho thấy rằng trách nhiệm chăm sóc cho Trái Đất vượt xa ranh giới về quốc gia, văn hoá và tôn giáo. Bằng cách đóng góp quan điểm, kiến thức và nguồn lực của mình vào vấn đề chung, các tôn giáo thể hiện tấm gương về cách vuợt qua sự khác biệt, xung đột và hận thù trong quá khứ vì lợi ích chung cho thế giới ngày nay và cho các thế hệ tương lai, từ đó khuyến khích sự đoàn kết giữa các thành phần trong xã hội.
Qua tấm gương của các tôn giáo, các cá nhân và tổ chức ngoài tôn giáo có thể nhận ra giá trị của đối thoại và hợp tác nhằm khắc phục các vấn nạn trong xã hội. Tiếng nói chung của các tôn giáo sẽ có ảnh hưởng lớn trên xã hội, có thể tác động vào sự nhận thức của người dân cũng như các lãnh đạo quốc gia trong việc xây dựng chính sách nhằm bảo vệ môi trường lâu dài. Khi chung sức với nhau, các tôn giáo không chỉ tác động vào các tổ chức và chính phủ trong việc bảo vệ môi trường mà còn giúp cho các tín đồ ý thức về trách nhiệm của mình đối với Trái Đất và hệ sinh thái.
[1] F.M. Müller, Introduction to the Science of Religion: Four Lectures Delivered at the Royal Institution with Two Essays of False Analogies, and the Philosophy of Mythology (London: Longmans, Green & Co, 1873).
[2] Peter C. Phan, “Interreligious and Ecumenical Dialogue at Vatican II Some Rethinking Required,” Conversations on Jesuit Higher Education 42, Article 5 (2012). http://epublications.marquette.edu/conversations/vol42/iss1/5
[3] Pope Francis, speech at VII Congress of Leaders of World and Traditional Religions, 14/9/2022, https://www.vatican.va/content/francesco/en/speeches/2022/september/documents/20220914-kazakhstan-congresso.html
[4] Ibid.
[5] Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô, Thông điệp Laudato Si’, 2015, số 13, https://www.vatican.va/content/francesco/en/encyclicals/documents/papa-francesco_20150524_enciclica-laudato-si.html
[6] Laudato Si’, số 163-201.
[7] Laudato Si’, số 3.
[8] World Council of Churches, “Ecumenical Patriarch Calls for Solidarity in the Protection of Creation,” 31/08/ 2017,
https://www.oikoumene.org/news/ecumenical-patriarch-calls-for-solidarity-in-the-protection-of-creation
[9] A. Rashied Omar, “A Muslim Response to Pope Francis’ Environmental Encyclical Laudato Si,” Contending Modernities, 17/12/2015, https://contendingmodernities.nd.edu/field-notes/a-muslim-response-to-pope-franciss-environmental-encyclical-laudato-si/
[10] Pew Research Center, “Why America’s Nones Left Religion Behind,” 24/08/2016, https://www.pewresearch.org/short-reads/2016/08/24/why-americas-nones-left-religion-behind/
No comments:
Post a Comment