1. Nhập đề
Trong đời sống hằng ngày, các Ki-tô hữu thường đề cao những trách nhiệm đối với Thiên Chúa và với tha nhân vì đó là giới luật yêu thương mà Chúa Giê-su đã dạy cho chúng ta phải tuân theo. Từ thời thơ ấu cho tới tuổi trưởng thành, cho dù trong bài giảng của các Thánh lễ hay trong các buổi học giáo lý, chúng ta chủ yếu được nhắc nhở phải xây dựng mối tương quan mật thiết với Thiên Chúa và với tha nhân – người anh em đồng loại. Có khi các lời nhắc nhở nhấn mạnh việc đối xử tốt với người khác địa vị xã hội, văn hoá, màu da hay thế giới quan với chúng ta. Để thực hiện tốt những Giáo huấn đó, chúng ta siêng năng đi lễ và cầu nguyện để xây dựng mối tương quan mật thiết với Thiên Chúa. Ngoài ra, chúng ta còn thực hiện những công việc bác ái như giúp đỡ những người neo đơn, bệnh tật, các trẻ mồ côi, v.v. để thể hiện tình yêu mến đối với tha nhân, đặc biệt những người yếu thế sống bên lề xã hội.
Tuy nhiên, trong giới luật yêu thương mà mỗi Ki-tô hữu được kêu gọi thực hành cách chuyên cần đó còn bao gồm một chiều kích quan trọng mà nhiều người ít nhận ra hoặc ít được nghe tới. Đó là môi trường sinh thái, hoặc nói cách khác, những anh em không đồng loại với chúng ta. Chúng ta không chỉ được kêu gọi phải xây dựng mối tương quan tốt với tha nhân mà còn với cả thiên nhiên mà Thiên Chúa đã tạo dựng nên. Nhiều tín hữu đạo đức, siêng năng đi lễ, tham gia các sinh hoạt nhà thờ, đọc kinh sáng tối và làm việc phúc đức. Tuy nhiên, khi hỏi về trách nhiệm trong việc chăm sóc và bảo vệ môi trường sinh thái theo Giáo huấn của Giáo hội thì nhiều người tỏ ra không mấy hiểu biết hoặc quan tâm về vấn đề này.
Tôi từng nghe về một người Công giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ rất siêng năng tham gia các hội đoàn. Người ấy cũng có một công việc rất tốt với vị trí cao trong công ty, nhiều khi được điều đi công tác xa bằng máy bay riêng của công ty – đây là điều thường chỉ có giới đại gia, nguyên thủ quốc gia hoặc minh tinh điện ảnh mới dám mơ tối. Khi được hỏi về vấn đề được công ty điều đi công tác bằng máy bay riêng, tín hữu này đã chia sẻ rằng nhờ tham gia vào hội đoàn chuyên cần nên mới được Chúa ban cho công việc như vậy. Theo tôi thì rất có thể Chúa đã ban cho vị ấy nhiều ân phúc, nhưng tôi không nghĩ rằng việc đi lại bằng máy bay riêng tạo rất nhiều ô nhiễm cho môi trường là một “ơn lành” của Chúa. Chúng ta không nên quy cho Chúa những trách nhiệm một cách tự tiện như vậy.
Trong bài viết này, tác giả sẽ trình bày về vai trò chăm sóc “Ngôi nhà chung” như là một phần thiết yếu trong đời sống và căn tính của mỗi Ki-tô hữu. Để thực hiện vai trò này, mỗi tín hữu cần phải phát triển lương tâm về vấn đề môi sinh, và có ý thức về trách nhiệm đối với hệ sinh thái. Nếu như chúng ta có ý thức về việc bảo vệ người nghèo, người yếu thế, xây dựng công bình và bác ái trong xã hội, thì chúng ta cũng không thể phớt lờ trọng trách đối với hệ sinh thái. Đó là một trách nhiệm mà chính Thiên Chúa đã trao ban cho chúng ta khi Ngài tạo dựng con người trong hình ảnh của Ngài.
Vì thế bài viết này sẽ bàn về sự cần thiết trải qua sự “hoán cải sinh thái” để xây dựng một “lương tâm sinh sinh thái” và trở nên một con người có “ý thức sinh thái”. Tất cả những khái niệm này đều được trình bày từ lăng kính của Giáo huấn Công giáo mà chúng ta lấy làm nền tảng cho đời sống luân lý và đạo đức của chúng ta.
No comments:
Post a Comment