Tuesday, June 20, 2023

Thúc đẩy một lương tâm sinh thái nơi tín hữu Ki-tô giáo (phần 5)


3. Tìm hiểu về lương tâm sinh thái

3.1. Cảm thức về tội hệ sinh thái

Thử hỏi những tham dự viên trong một cuộc tĩnh tâm của giáo xứ, một sự kiện hội trại giới trẻ, hoặc cuộc họp giữa các linh mục, tu sĩ, chủng sinh… liệu họ đã bao giờ đi xưng tội đã phạm đối với hệ sinh thái hay không, khả năng cao chúng ta sẽ nhận được một câu trả lời đơn giản là "Không". Thực trạng này là điều đáng ngạc nhiên, bởi Giáo hội đã từ lâu công nhận và đề cập đến khái niệm về các tội hệ sinh thái. Mặc dù không phải là người đứng đầu Giáo hội Công giáo La mã, nhưng Đức Bartholomew I, vị lãnh đạo Giáo hội Chính thống, đã lên tiếng xác định việc lạm dụng môi trường là các tội hệ sinh thái. Khi Đức Bartholomew, người đại diện cho 300 triệu người Chính thống giáo trên toàn thế giới, tuyên bố điều này trong một hội nghị về tôn giáo, khoa học và môi trường tại Hoa Kỳ vào năm 1997, lời phát biểu của ngài được cho là lần đầu tiên một lãnh đạo tôn giáo nổi tiếng đã trực tiếp kết nối các vấn đề hệ sinh thái với hành vi đạo đức. Paul Gorman, một trong số người tham dự hội nghị, đã nhận xét rằng tuyên bố này mang đến "một tầm cao mới trong việc thẩm vấn thần học về nguyên nhân, độ sâu và khía cạnh của trách nhiệm con người khi nêu lên khái niệm ‘tội lỗi’” trong bối cảnh hệ sinh thái.

Thật vậy, tuyên bố của Đức Bartholomew đã được chứng minh là một trong những tuyên bố tôn giáo quan trọng và có ảnh hưởng nhất trong thời gian gần đây. Tuyên bố này đã được trích dẫn và tái hiện nhiều lần trong các truyền thống tôn giáo khác nhau. Trong Thông điệp Laudato Si, chính Đức Phan-xi-cô cũng đã trích dẫn những lời của Đức Bartholomew ngay ở chương đầu, nói lên sự đồng tình của ĐTC với giáo huấn của ngài.

Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Trái đất vào năm 2020, Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô nhận xét rằng: "Chúng ta đã thất bại trong việc chăm sóc cho trái đất, ngôi vườn nhà của chúng ta; chúng ta đã thất bại trong việc chăm sóc cho anh em chúng ta. Chúng ta đã phạm tội chống lại trái đất, chống lại người thân cận thân thương của chúng ta, và cuối cùng là chống lại Đấng Tạo hóa, vị Cha thương yêu, người nuôi dưỡng cho tất cả mọi người và mong muốn chúng ta chung sống trong sự hiệp thông và thịnh vượng.”
Suy nghĩ của hai vị lãnh đạo Giáo hội Công giáo và Chính thống giáo đã tác động vào cách nhìn nhận của các Giáo hội địa phương về tội hệ sinh thái. Cụ thể, Hội đồng giám mục vùng Amazon trong văn kiện kết thúc của Thượng hội đồng năm 2019 đã đề cập đến đề tài này. Trong văn kiện ghi rằng:
"Chúng tôi đề xuất định nghĩa tội hệ sinh thái là hành động hoặc sự bỏ sót chống lại Thiên Chúa, chống lại người thân cận thân thương, cộng đồng và môi trường. Đó là tội lỗi chống lại thế hệ tương lai, được thực hiện trong các hành vi và thói quen gây ô nhiễm và phá hủy sự hài hòa của môi trường. Đây là những vi phạm đối với nguyên tắc tương phụ, và chúng phá hủy mạng lưới tình liên đới giữa các loài thọ tạo (xem. Giáo lý của Hội Thánh Công giáo, 340-344) và vi phạm đạo đức công bằng." 

No comments:

Post a Comment