Friday, June 23, 2023

Thúc đẩy một lương tâm sinh thái nơi tín hữu Ki-tô giáo (phần 8)


4. Ý thức sinh thái

Để hình thành và phát triển một lương tâm sinh thái nơi các tín hữu, Giáo hội cần tận dụng Kinh Thánh và Giáo huấn trong các mục vụ như giáo lý, lớp học Kinh Thánh, chương trình tĩnh tâm, các nghi thức phụng vụ, các bài giảng trong Thánh lễ và truyền thông mục vu, v.v. để truyền cảm hứng và dẫn dắt Ki-tô hữu tới “sự hoán cải đối với điều đúng đắn và tốt lành.” Chỉ thông qua một lương tâm sinh thái được hình thành đúng mực, chúng ta mới có thể trở thành những cá nhân, cộng đồng và Giáo hội có ý thức sinh thái. Nếu đọc kỹ Thông điệp Laudato Si của ĐGH Phan-xi-cô, chúng ta sẽ thấy rằng một người có ý thức sinh thái phải hội tụ những đặc điểm như sau:

4.1. Thái độ về thế giới tự nhiên và siêu nhiên

a) Mở lòng với sự kinh ngạc và sự kỳ diệu. Những người có ý thức sinh thái cảm nhận sự kinh ngạc và sự kỳ diệu đối với mọi khía cạnh của Trái Đất bất kể lớn hay nhỏ. Điều này dẫn đến nhận ra sự kết nối của con người với tất cả các loài thọ tạo như hiện thân của sự hiện diện của Chúa. Họ luôn cố gắng tìm hiểu thêm về thế giới tự nhiên và sự kết nối đan xen giữa mọi loài với nhau.

b) Kính phục sự tương quan. Những cá nhân có ý thức sinh thái coi tất cả các sinh vật là thành viên trong một gia đình hiển sinh và quan tâm đến chúng, thay vì chủ trương khai thác chúng. Họ nhận ra sự phụ thuộc lẫn nhau của các sinh vật trong việc đáp ứng các nhu cầu lẫn nhau. Nhận thức này dẫn đến thêm sự sáng tạo và sự hăng say trong việc giải quyết các vấn đề của thế giới, đặc biệt về môi trường sinh thái.

c) Mở lòng với sự hiện diện của Thiên Chúa. Đối với những người có ý thức sinh thái và niềm tin, việc mở lòng với vẻ đẹp và sự kỳ diệu của Trái Đất và các sinh vật trên Trái Đất giúp họ nhận thấy bản chất của Thiên Chúa. Họ nhận ra rằng mỗi sinh vật phản ánh một phần của sự thông thái và thiện lành của Thiên Chúa, và không có sinh vật nào bị loại trừ khỏi sự hiện diện này. Họ coi tự nhiên như một cuốn sách, nói với chúng ta về vẻ đẹp và thiện lành vô tận của Thiên Chúa, và họ hiểu rằng mỗi sinh vật có mục đích và ý nghĩa riêng trong kế hoạch của Người. Họ chấp nhận quan điểm của các Giáo phụ và nhà thần học Trung cổ rằng Thiên Chúa là tác giả của một cuốn sách quý giá; trong cuốn sách này, các từ ngữ chính là vạn vật được tạo ra trong vũ trụ.

d) Hiếu kỳ về nghiên cứu khoa học. Những người có ý thức sinh thái mở lòng để khám phá kiến thức khoa học về các vấn đề môi trường nhằm đưa ra quyết định thông minh về cách phản ứng. Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô thể hiện sự hiểu biết rộng về các kết quả khoa học trong Thông điệp, ngài nhận ra Trái Đất là ngôi nhà chung của tất cả các sinh vật. Ngài cũng nhận ra sự quan trọng của sự kết nối giữa con người, sự phụ thuộc lẫn nhau trong các hệ sinh thái, và sự phụ thuộc vào môi trường lành mạnh cho mọi loài có thể tồn tại và phát triển. Một người có ý thức sinh thái nuôi dưỡng một cảm giác kỳ diệu, khơi nguồn cho việc tìm kiếm kiến thức khoa học để đưa ra quyết định về cách hoạt động trong ngôi nhà chung của con người và các loài khác trên Trái Đất.

e) Có lòng biết ơn với món quà Trái Đất mà Thiên Chúa đã ban tặng. Những người có ý thức sinh thái chấp nhận trách nhiệm bảo tồn và bảo vệ Trái Đất vì lợi ích chung. Họ cũng thể hiện lòng biết ơn qua sự kiểm soát bản thân và những hành động mang tính công lý khi sử dụng các tài nguyên trên Trái Đất. 

No comments:

Post a Comment