Sunday, June 18, 2023

Thúc đẩy một lương tâm sinh thái nơi tín hữu Ki-tô giáo (phần 3)


2.2. Quan điểm của Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đíc-tô XVI


Trong Thông điệp Caritas in Caritate, ĐGH Bê-nê-đíc-tô XVI cũng củng cố giáo huấn của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II rằng một sự hoán cải sinh thái toàn diện phải đi liền với hệ “sinh thái nhân văn”. Đức Bê-nê-đíc-tô nhấn mạnh sự tương liên giữa các vấn đề môi trường và xã hội và kêu gọi sự biến đổi cách suy nghĩ của chúng ta. Ngài kêu gọi mọi người đón nhận một lối sống đặt giá trị vào sự thật, vẻ đẹp, thiện lành và hiệp thông với người khác. ĐTC khẳng định rằng sự coi thường tình liên đới và tình bạn công dân không chỉ gây hại cho xã hội mà còn đe dọa nghiêm trọng môi trường. Ngược lại, sự suy thoái môi trường cũng có tác động tiêu cực đến quan hệ xã hội. Trước tình trạng này, Giáo hội có trách nhiệm phải bảo vệ cả nhân loại và các tạo vật khỏi tình cảnh tự phá hoại.

ĐGH Bê-nê-đíc-tô XVI lập luận rằng sự phát triển một sinh thái nhân văn cần thúc đẩy sự tôn trọng sâu sắc đối với thế giới tự nhiên và công nhận giá trị đích thực của mỗi con người. Những nỗ lực tập trung vào các lĩnh vực kinh tế, giáo dục và pháp luật mà thôi không đủ để bảo vệ môi trường một cách hiệu quả; thay vào đó, định hướng đạo đức của xã hội phải được biến đổi. ĐTC nhắc nhở rằng Cuốn sách của Tự nhiên không chỉ liên quan đến môi trường mà còn bao gồm cuộc sống, tình dục, hôn nhân, gia đình, quan hệ xã hội và phát triển toàn diện của con người. ĐTC nhấn mạnh sự cần thiết của việc thực hiện nghĩa vụ của chúng ta đối với môi trường và con người, tránh sự nguy hiểm trớ trêu là khi con người bị suy thoái, môi trường cũng bị huỷ hoại và cuối cùng dẫn đến sự tổn hại trong xã hội. Do đó, sự hoán cải sinh thái là một phần cần thiết của một sự hoán cải sâu sắc hơn nơi con người đối với nhân loại lẫn các tạo vật.

No comments:

Post a Comment