1. Nhập Đề
Một trong những vấn đề quan trọng nhất được Giáo hội Công giáo quan tâm là tình trạng suy thoái môi trường và khủng hoảng sinh thái đang gây hại cho môi trường. Ngày nay, việc thúc đẩy nhận thức về môi trường, khuyến khích sự phát triển bền vững của hệ sinh thái và đảm bảo sự bảo tồn các loài trở thành nhiệm vụ của toàn xã hội, không chỉ là của một số nhóm xã hội hay cá nhân. Điều này cũng đúng với tất cả các thành viên của Giáo hội Công giáo. Trải qua nhiều thập kỷ, các nhà lãnh đạo và thần học trong Giáo hội đã nỗ lực để đưa ra một học thuyết rõ ràng về bảo vệ môi trường, dựa trên sự hiểu biết về Kinh thánh và các giáo huấn của Hội Thánh.Hơn 50 năm trước đây, nhà sử học Lynn White Jr. đã viết một bài tiểu luận về truyền thống Do Thái-Ki-tô giáo. Ông đã nêu lên luận điểm rằng, trong lịch sử loài người, đây là một tôn giáo với lối tư duy lấy con người làm trọng tâm (anthropocentric) nhất bởi vì trong Kinh Thánh, Thiên Chúa cho phép con người cai trị và làm bá chủ thiên nhiên (St 1,28), khiến cho con người trở nên độc tài, trần tục hoá thiên nhiên và lạm dụng tài nguyên môi trường một cách vô tội vạ. Vì thế, White cho rằng truyền thống Do Thái – Ki-tô giáo chính là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng sinh thái ngày nay (White, 1967).
Lời cáo buộc này cho dù có hợp lý hay không, thì nó cũng đã giáng một đòn mạnh vào Ki-tô giáo. Bởi lẽ, lập trường của White đã được nhiều người chấp nhận, trong đó có cả giới học thuật, các chuyên gia nghiên cứu về đạo đức môi trường, cũng như các nhà hoạt động về xã hội và môi trường. Mặc dù đã nhiều năm trôi qua kể từ khi bài viết được phát hành, tuy nhiên, lời cáo buộc của White vẫn thường xuyên được đề cập như một quan điểm yêu cầu người Ki-tô hữu phải cung cấp lời giải thích và thanh minh.
Hiện nay, vẫn còn nhiều nhận thức sai lầm hoặc thiếu hiểu biết về các giáo huấn của Hội Thánh Công Giáo liên quan đến vấn đề sinh thái. Một phần là do những hành động của một số tín đồ Công Giáo đi ngược lại với giáo huấn của Giáo Hội. Tuy nhiên, thực tế là Giáo huấn của Hội Thánh về môi trường rất phong phú và có thể tìm hiểu qua nhiều lăng kính khác nhau, từ Thần học, Kinh Thánh, Luân Lý, v.v..
Trong bài viết này, tác giả muốn trình bày về tư tưởng của Giáo hội về vấn đề sinh thái thông qua góc nhìn của chủ nghĩa nhân văn Kitô Giáo. Đây là một cách nhìn về môi trường có nền tảng trong nhiều tài liệu khác nhau của Giáo Hội, và đã được các vị Giáo hoàng liên tục đề cập từ thời Công đồng Vatican II cho đến nay.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ làm sáng tỏ chủ nghĩa môi trường Công Giáo dưới lăng kính nhân văn Kitô giáo. Chủ nghĩa này bắt nguồn từ một chủ nghĩa nhân văn, nó nhấn mạnh đến lời mời gọi cao quí dành cho mỗi cá nhân, đó là cố gắng hướng tới một đời sống nhân đức và trở thành những tác nhân không chỉ sống trong xã hội mà còn hành động để hướng tới cuộc sống hài hòa với Thiên Chúa, nhân loại, và toàn thể vũ trụ. Chủ nghĩa môi trường Công Giáo đề cao giá trị của sự kính trọng và bảo vệ môi trường, như một phần cốt lõi của sự kính trọng và bảo vệ sự sống con người, đồng thời, đề cao sự công bằng và sự tôn trọng đối với tất cả các sinh vật và môi trường sống của chúng ta.
No comments:
Post a Comment