Saturday, May 20, 2023

Đối thoại liên tôn trong kỷ nguyên số (Phần 2/6)



2. Tin tức giả mạo trong kỷ nguyên hậu sự thật

Một trong những đặc điểm nổi bật của thời kỳ hậu sự thật là sự tràn lan tin giả trên các phương tiện truyền thông, đặc biệt là trên các nền tảng trực tuyến. Khi tôn giáo là chủ đề của tin giả, nội dung thường liên quan đến một số vấn đề gây tranh cãi, chẳng hạn như sự xung đột giữa tôn giáo và xã hội thế tục, hoặc tôn giáo này chống lại tôn giáo khác. Chẳng hạn, tại Nigeria, quốc gia đông dân nhất châu Phi, các nhà phê bình và nhà nghiên cứu về truyền thông chỉ ra tin tức giả mạo và các chiến dịch truyền thông sai sự thật, là một trong những yếu tố chính góp phần vào sự phân chia dân tộc - tôn giáo đang diễn ra ở quốc gia này. Một đường ngăn cách đã được vẽ ra giữa miền bắc, chủ yếu là người Hồi giáo, và miền nam theo đạo Thiên Chúa; cả hai phía được giới truyền thông mô tả là đang cực lực đấu tranh nhằm giành quyền lực chính trị, xã hội và tôn giáo. Các nhà nghiên cứu nói rằng những mô tả sai trái như vậy không chỉ ảnh hưởng đến kết quả của các vấn đề chính trị như bầu cử quốc gia, mà còn đe dọa loại bỏ các phương tiện truyền thông chính thống, đáng tin cậy mà trước đây thường được người dân dựa vào để tìm thông tin.[6]

Chuyện diễn ra ở Nigeria không phải là cá biệt. Việc phổ biến tin tức giả đã được tạo điều kiện rất nhiều nhờ sự phát triển của công nghệ internet với những ứng dụng của nó, đặc biệt là các phương tiện truyền thông mạng xã hội. Với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT), người ta có khả năng biến hóa tin tức giả mạo trở nên đáng tin cậy một cách nhanh chóng và tinh tế. Bên cạnh đó, cộng với sự thiếu nhận thức về truyền thông của một bộ phận công chúng là một phần nguyên do dẫn đến nhiều sự nhầm lẫn trong việc đánh giá thông tin. Năm 2016, Viện Giáo dục Sau đại học Stanford tại Hoa Kỳ (SHEG) đã tiến hành một nghiên cứu đối với các học sinh trung học và sinh viên đại học Mỹ về khả năng nhận biết các tin tức đáng tin cậy và không đáng tin cậy. Các kết quả, theo lời nhận định của nhóm nghiên cứu, cho thấy rằng tình hình là rất "ảm đạm". Trong phần tóm tắt của bài báo cáo, các nhà nghiên cứu đã viết:
“Những người bản xứ kỹ thuật số” (digital natives) của chúng ta có thể lướt qua lại giữa Facebook và Twitter, đồng thời tải ảnh tự chụp lên Instagram và nhắn tin cho bạn bè. Nhưng khi đánh giá thông tin truyền qua các kênh truyền thông mạng xã hội, họ rất dễ bị đánh lừa. Chúng tôi không thiết kế các bài thử thách của mình để loại bỏ điểm số hoặc khắt khe cho điểm để phân loại câu trả lời “tốt” và câu trả lời “tốt hơn”. Thay vào đó, chúng tôi đã cố gắng thiết lập một mức độ hợp lý, một mức hiệu suất mà chúng tôi hy vọng là trong tầm tay của hầu hết học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông và đại học… Nhưng trong mọi trường hợp và ở mọi cấp độ, chúng tôi đã rất ngạc nhiên vì sự thiếu chuẩn bị của các học sinh.[7]
Sau khi kết quả nghiên cứu đầu tiên được công bố rộng rãi, các nhà nghiên cứu của Đại học Stanford đã thực hiện một công trình nghiên cứu khác với 3.446 học sinh trung học Mỹ từ năm 2018 đến năm 2019. Trong nghiên cứu lần này, nhóm SHEG nhận thấy rằng kiến thức số (digital literacy) ở nhóm tuổi này vẫn ở mức quá thấp. Sam Wineburg, một trong những tác giả của báo cáo do SHEG phát hành đã nhận xét: “Nếu các kết quả có thể được tóm tắt trong một từ, tôi sẽ nói rằng học sinh của chúng ta rất đáng quan ngại (troubling).” Trong quá trình nghiên cứu, các học sinh đã được cho xem một số tin tức giả liên quan đến gian lận bầu cử để đánh giá. Việc các bạn trẻ đã không làm tốt công việc phân biệt giữa thông tin giả và thông tin thật khiến các nhà nghiên cứu lo ngại rằng, họ sẽ dễ dàng bị lừa gạt trong quá trình tiếp cận thông tin để thực hiện nghĩa vụ công dân trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2020.

Khả năng con người có thể đưa ra phán đoán chính xác về tính xác thực của các thông tin cũng gặp nhiều trở ngại do khối lượng thông tin khổng lồ được sản xuất trong từng giây phút. Vào năm 1982, R. Buckminster Fuller đã ước tính trong cuốn sách Critical Path của mình rằng, ở thời điểm năm 1900, phải mất khoảng một thế kỷ để kiến thức nhân loại tăng gấp đôi. Vào thời điểm cuốn sách được xuất bản, thời gian cho kiến thức nhân loại tăng gấp đôi đã giảm mạnh, chỉ còn khoảng một năm. Tuy nhiên, tập đoàn công nghệ IBM đã đưa ra một ước tính đáng kinh ngạc về tốc độ tăng gấp đôi vào năm 2020, đó là chỉ 12 giờ.[8] Điều này không khó hiểu khi chỉ riêng nền tảng Facebook mỗi phút có tới 317.000 lượt cập nhật trạng thái, 400 người dùng mới, 147.000 bức ảnh được tải lên và 54.000 liên kết được chia sẻ.[9] Điều gì đang gây ra sự bùng nổ kiến thức này trong xã hội hiện đại? Marc Rosenberg đưa ra 4 lý do chính:[10]

1. Mạng lưới internet. Với khoảng 50 tỷ thiết bị được kết nối với nhau, thông tin do những cỗ máy này tạo ra có thể vượt trội hơn hẳn thông tin do con người tạo ra.

2. Dữ liệu lớn (Big Data). Thông tin về mọi người và mọi thứ đang được thu thập và phân tích bằng các phương pháp phân tích dữ liệu hiện đại, với mục đích là tạo ra những hiểu biết quan trọng giúp đưa ra quyết định về tất cả các loại vấn đề liên quan đến nhân loại và thế giới.

3. Tiến bộ của khoa học và phát minh. Tốc độ bùng nổ của các khám phá và phát minh khoa học cũng góp phần rất lớn vào việc tăng tốc độ sản xuất thông tin.

4. Một xã hội hợp tác, chia sẻ tri thức. Bản chất hợp tác của các cá nhân và nhóm làm việc trên toàn thế giới dẫn đến việc chia sẻ và sản xuất thông tin nhiều hơn.

Cần lưu ý rằng bên cạnh sự bùng nổ thông tin, các chuyên gia cũng đã chỉ ra sự sụt giảm tương ứng trong chu kỳ bán rã (half-life) của kiến thức, được định nghĩa là “khoảng thời gian mà một nửa kiến thức hoặc dữ kiện trong một lãnh vực cụ thể được thay thế hoặc chứng minh là không còn đúng sự thật."[11] Trong cuốn sách có tựa đề Nửa đời của sự thật: Tại sao mọi thứ chúng ta biết đều có ngày hết hạn, Samuel Arbesman giải thích:
Các dữ kiện, khi được xem như một khối kiến thức lớn, cũng có thể dự đoán được [như chất phóng xạ]. Dữ kiện có chu kỳ bán rã: Chúng tôi có thể đo lượng thời gian để lật lại một nửa kiến thức của một chủ đề. Tồn tại một môn khoa học khám phá tốc độ mà dữ kiện mới được tạo ra, công nghệ mới được phát triển và thậm chí cả cách các dữ kiện được lan truyền. Sự thay đổi kiến thức có thể được hiểu một cách khoa học.[12]
Các dữ kiện, khi được xem xét trong các lĩnh vực cụ thể của chúng, có “chu kỳ bán rã” (half-life) khác nhau. Ví dụ, các dữ kiện toán học sẽ duy trì chu kỳ bán rã dài hơn các dữ kiện y học. Ngược lại, các dữ kiện trong lĩnh vực khoa học xã hội có xu hướng phân rã với tốc độ nhanh hơn nhiều so với các dữ kiện khoa học vật lý.[13] Một số dữ kiện như số lục địa trên trái đất không thay đổi qua hàng triệu năm trong khi các dữ kiện khác, chẳng hạn như tổng dân số của các thành phố và quốc gia thì thay đổi liên tục. Tuy nhiên, khi xem xét tổng thể, không thể phủ nhận rằng kiến thức cũng có ngày hết hạn.

Trước tốc độ phát triển không thể tưởng tượng của thông tin, một số trong số đó là sai sự thật trắng trợn, và một số trong số đó có thể được coi là sự thật ngay lúc này và sau đó sẽ bị coi là sai sự thật, không khó để nhận thấy những nguy cơ to lớn đối với sự hài hòa xã hội và tôn giáo do thực tế đó gây ra. Thách thức còn phức tạp hơn bởi thực tế là hầu hết thông tin này được loan truyền trên mạng và có thể được thực hiện theo ý thích của bất kỳ ai. Diễn đàn Kinh tế Thế giới cảnh báo rằng thế giới siêu kết nối của chúng ta có thể bị “cháy rừng kỹ thuật số” (digital wildfire) do lượng “thông tin sai lệch quá lớn”.[14] Hiện tượng này giống như sự kiện những người Mỹ nghe đài phát thanh làm nghẽn mạng đường dây điện thoại của đồn cảnh sát vào năm 1938, do chương trình phát thanh cuốn tiểu thuyết The War of the Worlds (Thế giới đại chiến) của HG Wells, khiến các thính giả nghĩ rằng trái đất đang thật sự bị tấn công bởi người sao Hỏa. Các chuyên gia cho rằng các đợt hoảng loạn có thể xảy ra trong các cộng đồng mới tiếp cận với phương tiện internet, vì nhiều người chưa đủ kiến thức số để đưa ra đánh giá sáng suốt về nội dung mà họ nhận được.

Một điều có thể khẳng định: tin tức giả mạo có thể mang lại những tác động thật trên các lĩnh vực trong đời sống con người và xã hội. Điều này đã được nhìn thấy rõ ràng trong vụ Brexit ở Anh. Quốc gia này đã rút khỏi Cộng đồng châu Âu do thông tin sai lệch được cung cấp cho công chúng hằng ngày đã ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng của cuộc trưng cầu dân ý. Hiện tượng người ta tự điều chỉnh thực tế để trở nên phù hợp với ý kiến cá nhân, thay vì ngược lại, dường như đang là xu hướng trên khắp thế giới. Người ta bình thản quảng bá thông tin đã bị sàng lọc, bị làm sai lệch, phóng đại hoặc thậm chí bị làm giả, nhằm thúc đẩy một phiên bản nào đó của sự thật mà họ muốn mọi người đón nhận và tin theo.
Không chỉ ở phương Tây, tin tức giả trên mạng cũng đã làm bùng phát các cuộc xung đột giữa các tôn giáo và giữa các sắc tộc ở các khu vực khác trên thế giới. Vào năm 2016, Basuki Tjahaja Purnama, một người theo đạo Thiên Chúa người Indonesia gốc Hoa, đang tranh cử lại vào vị trí thống đốc Jakarta, thành phố thủ đô của Indonesia. Ông Purnama có triển vọng thành công cao, cho đến khi ông quyết định nhắc nhở một số khán giả nhỏ đừng để bị lừa bởi những người trích dẫn kinh Qur’an rằng, người Hồi giáo không nên bỏ phiếu cho một người không theo đạo Hồi làm lãnh đạo của họ. Các đối thủ của Purnama đã nắm lấy cơ hội để tấn công ông, họ tải lên các phiên bản có nội dung khác nhau của các đoạn trích trong bài phát biểu của ông lên mạng xã hội và kêu gọi đưa ra cáo buộc chống lại ông ta.

Tiếp sau chiến dịch truyền thông mạng xã hội nhằm bôi nhọ Purnama là các cuộc biểu tình có tổ chức, trong đó có tới 500.000 người biểu tình Hồi giáo, chủ yếu là nam giới, tham gia. Từ một bài phát biểu dài 6.000 giây, một đoạn clip dài 13 giây đã được cắt ra rồi tải lên YouTube và các phương tiện truyền thông mạng xã hội khác; và ngay cả những clip bị cắt xén này cũng hầu như không được xem bởi những người cho rằng Purnama mắc tội báng bổ. Một cuộc khảo sát chỉ ra rằng, chỉ có 13% trong số 45% những người nghĩ rằng Purnama có tội khi được hỏi đã trực tiếp xem đoạn trích video. Cuối cùng, “chế độ đám đông chủ” (mobocracy), theo thuật ngữ của tạp chí chính trị Indonesia Tempo, đã thắng thế, Purnama bị kết tội báng bổ vào tháng 5 năm 2017. Bản kịch Purnama có thể nói là một “vụ cháy rừng kỹ thuật số”, đã bị thổi bùng lên bởi các đối thủ chính trị và được đổ thêm dầu vào lửa bởi các nền tảng mạng xã hội như WhatsApp, Facebook và YouTube.

Một vụ khác đã chịu tác động lớn từ mạng xã hội là trường hợp diệt chủng người Ronhinya ở Miến Điện (Myanmar). Tại quốc gia đang trải qua nhiều sóng gió chính trị trong thời gian gần đây, tỷ lệ sử dụng internet đã tăng vọt từ 1% năm 2012 lên 33% năm 2018. Đến tháng 1 năm 2021, tỷ lệ sử dụng Internet ở Myanmar đã đạt 43,3%.[15] Sự bùng nổ việc sử dụng internet diễn ra nhờ vào những thay đổi chính trị được tiến hành ở Myanmar trong thời gian đó, trước khi xảy ra cuộc đảo chánh ngày 1 tháng 2 năm 2021. Bên cạnh những thay đổi trong cơ chế chính trị, việc có rất nhiều điện thoại di động giá rẻ có cài đặt Facebook sẵn tràn ngập khắp đất nước cũng là một yếu tố quan trọng thúc đẩy người dân tiếp cận với công nghệ kỹ thuật số.[16] Khi người dân Miến Điện sử dụng internet ngày càng nhiều hơn, đặc biệt truyền thông mạng xã hội Facebook, các cá nhân và các nhóm cực đoan đã nhận ra phương cách lợi dụng mạng xã hội để kích động lòng căm thù dân tộc và tôn giáo trong nhân dân, trong đó có một nhà sư Phật giáo tên Ashin Wirathu. Mặc dù là một người tu trì, nhưng Wirathu lại theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Sau khi Wirathu bị chính phủ Miến Điện cấm giảng thuyết nơi công cộng vào năm 2016, ông ta đã tìm tới mạng xã hội Facebook để đăng tải những bài viết và hình ảnh mang tính kích động, thúc đẩy bạo lực chống lại người thiểu số Hồi giáo Rohingya. Trong các bài đăng, Wirathu thường miêu tả người Rohingya như là những kẻ ngoại đạo hung hãn và bạo lực. Ông cho rằng họ là những kẻ gây rối và so sánh họ với những con chó điên. Nhà sư này cũng từng đăng ảnh và video về các thi thể đang phân hủy mà ông cho rằng là nạn nhân của các vụ tấn công của người Ronhingya.[17] Tự hào gọi mình là một "Phật tử cấp tiến", Wirathu tuyên bố: "Bạn có thể đầy lòng nhân ái và tình yêu thương, nhưng bạn không thể ngủ cạnh một con chó điên."[18]

Bất chấp phát ngôn gây thù hận dẫn đến nhiều người Rohingya bị giết chết hoặc phải di tản để lánh nạn, Wirathu không bị Facebook kiểm duyệt. Việc Facebook không hành động kịp thời đã khiến công ty công nghệ này bị nhiều tổ chức nhân quyền quy một phần trách nhiệm trong vụ diệt chủng người Rohingya. Vấn đề là Facebook đã chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với nội dung căm thù như chữ vạn của những người theo chủ nghĩa tối cao da trắng, nhưng lại không có sự chuẩn bị về mặt nhân sự để kiểm duyệt những lời nói căm thù diễn ra ở một quốc gia nghèo nàn và lạc hậu về công nghệ ở châu Á.[19] Sự thiếu sót này của Facebook đã đóng góp vào một trong những câu chuyện bi thảm nhất trên thế giới trong những năm gần đây.

Tin tức giả và thông tin sai lệch nhắm vào các nhóm tôn giáo cũng đã xuất hiện nhiều trong cơn đại dịch Covid-19, điển hình tại đất nước Ấn Độ. Thời gian đại dịch bắt đầu bùng phát tại Ấn Độ năm 2020, người Hồi giáo trở thành đối tượng của thông tin sai lệch lan rộng trên WhatsApp với tuyên bố rằng người Hồi giáo Ấn Độ đang cố tình lây lan vi-rút trong nước.[20] Chiến dịch bôi nhọ người Hồi giáo bắt đầu sau khi một nhóm truyền giáo Hồi giáo có tên là Tablighi Jamaat tổ chức một buổi thuyết pháp ở thành phố New Delhi, vi phạm quy định của chính quyền địa phương về cấm tụ tập. Sự kiện này dẫn đến một điểm nóng về Covid-19, khiến nhóm Hồi giáo Tablighi Jamaat nói riêng, và người Hồi giáo nói chung trở thành tâm điểm lên án dữ dội của công chúng Ấn Độ. Sự tức giận đối với một nhóm nhỏ được định hướng để nhắm vào toàn bộ một tôn giáo thông qua WhatsApp, ứng dụng có 400 triệu người dùng ở Ấn Độ, đóng vai trò là phương tiện lan truyền các video và hình ảnh cáo buộc người Hồi giáo có hành vi sai trái.

Một ví dụ nói lên cách WhatsApp được sử dụng để bôi nhọ người Hồi giáo tại Ấn Độ là một đoạn video lan truyền được cho là mô tả một đầu bếp Hồi giáo cố tình nhổ nước bọt vào bánh mì trước khi phục vụ cho khách hàng. Đoạn video kèm theo thông điệp cảnh báo mọi người không nhận thức ăn từ những người đeo mũ đội đầu kiểu Hồi giáo. Sau khi video lan truyền, đã có nhiều lời kêu gọi, bao gồm cả từ người phát ngôn của Ban thanh niên của Đảng cầm quyền Bharatiya Janata, đòi tẩy chay các cửa hàng thuộc sở hữu của người Hồi giáo.[21] Do sự thù địch lan rộng, người Hồi giáo trở nên lo sợ cho tính mạng của họ. Những người làm nghề bán rau từng vào các làng mạc bán hàng không còn dám đi vì sợ bị tấn công.[22] Nhờ một trang web xác minh tính xác thực, đoạn video sau đó được xác định là giả mạo. Trên thực tế, đoạn video đã xuất hiện trên mạng một năm trước đó khi chưa có đại dịch, và có lẽ thậm chí không được quay ở Ấn Độ. Tuy nhiên, với sự lan truyền rộng rãi, đoạn video đã gây lên rất nhiều thiệt hại cho người Hồi giáo tại Ấn Độ, vốn là thành phần thiểu số trên một đất nước đại đa số theo Ấn giáo. Chiến dịch phỉ báng người Hồi giáo của những người theo Ấn giáo cũng có sự hỗ trợ của các quan chức chính phủ cấp cao. Điều này có nguy cơ gây nguy hiểm cho người Hồi giáo Ấn Độ không chỉ trong đại dịch mà còn lâu dài sau đó.

Một nhóm tôn giáo khác chịu tác động bởi thông tin sai lệch trên quy mô toàn cầu trong đại dịch Covid-19 là Hội Thánh của Chúa Giêsu tại Shincheonji (SCJ), một phong trào tôn giáo mới ở Hàn Quốc. Chiến dịch phỉ báng nhóm SCJ bắt đầu sau khi một nhóm của giáo phái được phát hiện là nguyên nhân dẫn đến bùng phát dịch ở thành phố Daegu, khiến cho ít nhất 5.000 trường hợp nhiễm bệnh. Phong trào tôn giáo SCJ với khoảng 250.000 thành viên sau đó đã bị truyền thông Hàn Quốc đổ lỗi cho cuộc khủng hoảng Covid-19 tại đất nước này, và thậm chí đã bị thành phố Daegu kiện về những thiệt hại dân sự với số tiền lên tới 100 tỷ won.[23]

Tuy nhiên, một tập Sách trắng có tựa đề “Shincheonji và Coronavirus ở Hàn Quốc: Phân loại sự thật từ hư cấu” được xuất bản bởi một nhóm tác giả tiết lộ rằng, có rất nhiều thành kiến và thông tin sai lệch được lan truyền trên các phương tiện truyền thông về hội thánh này. Trong phần giới thiệu, các tác giả, những người tự nhận mình là “học giả, nhà hoạt động nhân quyền, phóng viên và luật sư, tất cả đều có kinh nghiệm đáng kể trong lĩnh vực các phong trào tôn giáo mới,” đồng thời không ai trong số họ là thành viên của SCJ, viết:
Chúng tôi lo ngại về lượng lớn thông tin không chính xác về Shincheonji và sự liên quan của hội thánh này trong cuộc khủng hoảng vi-rút corona ở Hàn Quốc. Chúng tôi đã phỏng vấn các thành viên của Shincheonji và các học giả Hàn Quốc, đồng thời xem xét các tài liệu của cả chính phủ Hàn Quốc và Shincheonji. Chúng tôi đã chuẩn bị sách trắng này để giúp các tổ chức quốc tế, giới truyền thông và các bên liên quan hiểu rõ hơn về tình hình.[24]
Các tác giả cho rằng thông tin sai lệch lan tràn về SCJ là một nỗ lực để biến một nhóm thiểu số tôn giáo trở nên con dê tế thần, giống như những gì đã xảy ra với người Do Thái trong Đại dịch Cái chết Đen ở châu Âu thế kỷ XIV. Một cách tương tự, trong suốt thế kỷ XVI và XVII, những người theo đạo Tin Lành ở các nước Công giáo và người Công giáo ở các nước theo đạo Tin Lành thường bị đổ lỗi cho việc lây lan bệnh dịch và bị xử tử.

Trong tài liệu Sách trắng, các tác giả chủ trương làm sáng tỏ các diễn biến liên quan đến vai trò của thành viên SCJ trong sự bùng phát dịch tại Hàn Quốc, mà không đưa ra nhận định về đức tin hay thần học của phong trào. Theo họ, thông tin lan truyền cho rằng các thành viên SCJ tin rằng họ miễn nhiễm với bệnh tật và không tìm kiếm sự trợ giúp y tế ngay cả khi bị ốm là một thông tin sai lệch. Ngoài ra, cáo buộc rằng lãnh đạo SCJ và bệnh nhân Covid-19 bất hợp tác không được chứng minh bằng các bằng chứng xác thực. Tuy nhiên, chủ tịch của SCJ, Lee Man Hee đã thừa nhận có sai sót trong quá trình hợp tác với các cơ quan chức năng và bày tỏ lời xin lỗi chân thành trong một cuộc họp báo.

Theo các tác giả, thông tin sai lệch tràn lan về SCJ trên các phương tiện truyền thông đã khiến hàng nghìn thành viên của SCJ bị phân biệt đối xử trong cộng đồng và nơi làm việc. Các tác giả cũng kết luận rằng chiến dịch phỉ báng và xóa bỏ tư cách pháp nhân của SCJ không được thực hiện bởi những người thực lòng quan tâm đến đất nước, mà bởi những thành phần tự xưng là Kitô giáo chính thống, họ muốn thấy phong trào tôn giáo mới mà họ gán cho là giáo phái tà đạo sẽ bị đánh bại.[25]

Những trường hợp được trích dẫn ở trên chỉ nhằm minh họa cho rất nhiều bối cảnh và tình huống mà tôn giáo hay người theo đạo trở nên nạn nhân của tin giả, với những hậu quả nghiêm trọng không chỉ đối với các cá nhân và cộng đồng bị mô tả không trung thực, mà còn ảnh hưởng sâu rộng đến sự ổn định trong xã hội cũng như các quan hệ liên tôn.

Những người phổ biến tin tức giả mạo về tôn giáo biết rõ rằng niềm tin tôn giáo là một điều vô cùng riêng tư, nhạy cảm và quan trọng trong cuộc sống của con người. Vì thế, họ dễ dàng lợi dụng yếu tố tôn giáo để đạt được lợi ích chính trị, kinh tế cũng như các mưu đồ phục vụ cá nhân hoặc nhóm. Cần phải nhấn mạnh rằng tin giả về tôn giáo không nhất thiết đến từ người không có tôn giáo, mà thường là từ chính những người có theo tôn giáo. Các trường hợp đề cập trên đều có sự khởi động hoặc tham gia của thành viên tôn giáo này chống lại tôn giáo kia.

_______

  6. AFP, “’Fake News’ driving ethno-religious crisis in Nigeria” (14/4/2019), https://www.france24.com/en/20190414-nigeria-buhari-fake-news-azikwe-islam-muslim-christianity.
7. “Evaluating Information: The Cornerstone of Civic Online Reasoning,” Stanford History Education Group, https://stacks.stanford.edu/file/druid:fv751yt5934/SHEG%20Evaluating%20Information%20Online.pdf (22/11/2016).
8. Modern Work Place Learning 2019 (14/5/2019), https://www.modernworkplacelearning.com/cild/mwl/the-effect-of-information-explosion-and-information-half-life/.
9. Omnicore, “Facebook by the Numbers: Stats, Demographics, and Fun Facts,” (4/9/2019), https://www.omnicoreagency.com/facebook-statistics/.
10. Marc Rosenberg, “The Knowledge Explosion,” Learning Solutions (10/10/2017), https://learningsolutionsmag.com/articles/2468/marc-my-words-the-coming-knowledge-tsunami
11. Wikipedia, “Half-Life of Knowledge,” (21/9/2019), https://en.wikipedia.org/wiki/Half-life_of_knowledge.
12. Samuel Arbesman, The Half-Life of Facts: Why Everything We Know Has an Expiration Date (New York: Penguin Group, 2013): Kindle
13. The Economist, “The Half-Life of Facts: Q&A with Samuel Arbesman,” (28/11/2012), https://www.economist.com/babbage/2012/11/28/the-half-life-of-facts.
14. http://reports.weforum.org/global-risks-2013/risk-case-1/digital-wildfires-in-a-hyperconnected-world/
15. https://datareportal.com/reports/digital-2021-myanmar
16. Aim Sinpeng, “Southeast Asian cyberspace: politics, censorship, polarization,” New Mandala, http://www.newmandala.org/southeast-asian-cyberspace-politics-censorship-polarisation/ (1/11/2017).
17. Ibid.
18. “Ashin Wirathu on comparing Rohingya Muslims to dogs in Myanmar,” The Berkley Center, https://berkleycenter.georgetown.edu/quotes/ashin-wirathu-on-comparing-rohingya-muslims-to-dogs-in-myanmar.
19. Megan Specia and Paul Mozur, “A war of words puts Facebook at the center of Myanmar’s Rohingya crisis,” The New York Times,
https://www.nytimes.com/2017/10/27/world/asia/myanmar-government-facebook-rohingya.html (27/10/2017).
20. Ankar Shar, “Indians must stop spreading anti-Muslim fake news on WhatsApp,” Nikkei Asian Review (8/5/2020), https://asia.nikkei.com/Opinion/Indians-must-stop-spreading-anti-Muslim-fake-news-on-WhatsApp
21. Ibid.
22. Shruti Menon, “Coronavirus: the human cost of fake news in India,” BBC (1/7/2020), https://www.bbc.com/news/world-asia-india-53165436
23. Rosie Perper, “A South Korean doomsday church linked to thousands of coronavirus cases is being sued for $82 million in damages,” (25/6/2020), https://www.insider.com/south-korea-doomsday-church-shincheonji-sued-daegu-coronavirus-damages-2020-6
24. Massimo Introvigne et al. Shincheonji and Coronavirus in South Korea:
Sorting Fact from Fiction, https://freedomofbelief.net/activities/shincheonji-and-coronavirus-in-south-korea-sorting-fact-from-fiction
25. Ibid.

No comments:

Post a Comment