4. Hướng tới một chủ nghĩa nhân văn Công giáo về môi trường
Theo ý kiến của tác giả, những trình bày về chủ nghĩa nhân văn Ki-tô giáo (CNNV.KTG) trên là cơ sở vững chắc để chúng ta có thể hình thành một “đạo đức môi trường Công giáo” (Catholic environmental ethics). Bởi vì đạo đức này được đặt trên nền tảng của CNNV.KTG, chúng ta có thể đặt tên cho nó là “chủ nghĩa nhân văn Công giáo về môi trường” (Catholic environmental humanism).
Từ góc nhìn của chủ nghĩa này, giáo huấn của Hội Thánh không chấp nhận bất kỳ đặc điểm nào coi con người là trung tâm của vũ trụ. Trước hết, mặc dù giáo huấn Công giáo khẳng định vị thế cao quý của con người trong trật tự tạo dựng, nhưng nhân loại luôn phải nhận thức rõ thân phận thụ tạo nhỏ bé của mình so với Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa. Kinh Thánh khẳng định rằng cuộc sống của mỗi người rất mong manh và dễ vỡ như đóa hoa sáng nở chiều tàn. Cho dù có đẹp tới đâu thì nó cũng có thể bị thổi bay chỉ bởi một cơn gió thoảng qua (Tv 103:15-16; G 14:2; 1 Pt. 1:24). Con người cũng được nhắc nhở về thân phận của mình vốn từ tro bụi mà ra và sẽ trở về tro bụi (Gn 3:19; Eccl 3:20; Tv 103:14).
Với những lời khuyên thẳng thắn về thân phận con người như vậy, bất cứ ai hiển hiện sự kiêu ngạo trước mặt Thiên Chúa và thế giới đều đang tự lừa dối bản thân. Sớm hay muộn, họ sẽ tự đốt cháy chính mình bởi lòng tự cao và kiêu căng. Biện pháp phòng ngừa chống lại sự tự cao tự đại cũng là việc ngăn chặn con người xem các tạo vật như là những công cụ nhằm thoả mãn nhu cầu ích kỷ của con người. Theo quan điểm này, các tạo vật chỉ có giá trị khi chúng phục vụ cho con người trong các mục đích như cung cấp dinh dưỡng, giải trí hoặc tạo bối cảnh cho những bức ảnh đẹp để chia sẻ trên mạng xã hội.
Chủ nghĩa môi trường Công Giáo đưa ra một thách thức đối với suy nghĩ thông thường bằng cách khẳng định rằng con người không có nhiệm vụ chính là định đoạt giá trị cho các loài tạo vật. Thậm chí, con người cũng không có quyền định đoạt giá trị của chính mình, bởi nhiệm vụ cao cả đó thuộc về Thiên Chúa. Thực tế là, giá trị tuyệt đối của tất cả các loài thọ tạo đã được Thiên Chúa -- Đấng Tạo Hoá xác định từ thời khắc sơ khai của sự sáng tạo. Các vị Giáo Phụ trong Hội Thánh cũng đã đề cập đến sự thật này khi nói về giá trị của các loài thọ tạo.[35]
Trong cuốn Nature of the Good (Bản Chất Của Điều Tốt Đẹp), thánh Au-gút-ti-nô thành Hip-pô đã chỉ ra rằng có "những điều tốt đẹp chung chung (generic good) có thể tìm thấy được ở muôn loài mà Thiên Chúa đã dựng nên, cho dù trong linh hồn hay thân xác". Khi suy ngẫm về đoạn sách Sáng Thế chương 1, John Chrysostom đã xác nhận rằng một khi Thiên Chúa đã quả quyết rằng mọi loài thụ tạo đều tốt đẹp, thì đừng ai dám tuyên bố ngược lại một cách khờ khạo. Thánh Chrysostom còn nhận xét rằng, dĩ nhiên, trong các loài mà Thiên Chúa tạo dựng, không phải loài nào cũng đẹp hay bổ ích theo đánh giá của con người. Nhưng giá trị của chúng hoàn toàn không lệ thuộc vào sự lượng giá của con người, mà do bởi Thiên Chúa ban tặng. Vì thế, thánh Tô-ma A-qui-nô đã khẳng định rằng muôn loài có giá trị bởi vì tất cả đều có Thiên Chúa là nguồn gốc tối cao cho sự tồn tại của chúng. Mỗi loài tốt đẹp bởi bì nó hoạt động theo cách mà Thượng Đế đã định đoạt cho chúng.
Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô thể hiện sự đồng thuận với ý niệm này khi ngài bày tỏ: “Rõ ràng, Kinh Thánh không có chỗ cho chủ nghĩa con người là trung tâm mang tính tàn bạo, không quan tâm gì đến các loài thụ sinh khác.”[36] Chủ nghĩa lấy con người là trung tâm thể hiện sự hiểu biết sai lầm về giá trị và phẩm giá của muôn loài cũng như mối quan hệ đúng đắn giữa con người và các loài thọ tạo. Thế nên, điều này đã dẫn đến việc con người sử dụng không đúng hoặc lạm dụng món quà tạo hóa mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta.[37] Thói quen này đã gây ra sự thoái hóa trong các mối quan hệ giữa con người và con người cũng như phá vỡ sự hài hòa trong xã hội. Vì thế, chủ nghĩa nhân văn Công Giáo về môi trường chỉnh sửa một cái lỗi mang tính nhân chủng học – đó là não trạng vốn phân rẽ mối liên hệ giữa con người với con người, và giữa con người với thiên nhiên.
Ngoài ra, não trạng này cho rằng giữa con người với nhau và giữa con người với thiên nhiên có mối tương quan mang tính đối kháng và thống trị. Nếu như trong xã hội, chúng ta thấy các cá nhân và nhóm người chứng tỏ sức mạnh của mình bằng cách chinh phục và thống trị các thành viên yếu hơn trong gia đình nhân loại, thì hiện tượng này cũng nhìn thấy trong mối liên hệ giữa con người với thiên nhiên. Đối với thiên nhiên, con người luôn nỗ lực khẳng định quyền lực của mình thông qua việc khai thác tối đa tài nguyên thiên nhiên thay vì thể hiện vai trò chăm sóc và quản lý các loại thọ tạo với tinh thần trách nhiệm. Mất cân bằng xã hội và suy thoái hệ sinh thái là hệ quả của những hành vi xuất phát từ não trạng và hành động đối kháng thay vì thiện chí và sự quan tâm đến lợi ích chung.
Chủ nghĩa nhân văn Công giáo về môi trường công nhận vị trí chính đáng của con người trong trật tự sáng tạo cũng như đưa con người vào việc đảm nhận vai trò quan trọng trong việc chăm sóc các loài thọ tạo. Tuy nhiên, tri thức của con người có được không phải hoàn toàn do công họ gầy dựng nên, nhưng họ cũng được lĩnh hội nhờ ơn Thiên Chúa mặc khải cho. Thiên Chúa là nguồn thật của tri thức và là nguồn cội của những gì tốt đẹp. Vì thế, con người không đơn giản làm cho mọi thứ xuất hiện dựa vào khả năng trí tuệ của riêng mình, nhưng họ còn phải cậy dựa vào sự linh hứng của Thiên Chúa, Đấng mặc khải cho họ phải làm như thế nào để có thể nhìn thấy và hiểu thấu thế giới xung quanh.
Trong lĩnh vực đạo đức môi trường có một số chủ thuyết môi trường, đặc biệt là khái niệm Sinh thái học bề sâu (Deep Ecology) hoặc chủ nghĩa trung tâm sinh học (biocentrism), đã làm suy giảm hoặc loại bỏ giá trị và vị trí của con người trong hệ sinh thái. Trong các mô hình này, con người chỉ đại diện cho một nhánh cây nhỏ bé trên cây cổ thụ to lớn của quá trình tiến hóa. Với cách nhìn này, sự ưu tiên và trách nhiệm của con người trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng sinh thái dường như không được coi trọng. Tuy nhiên, chủ nghĩa nhân văn Công giáo về môi trường lại khẳng định vai trò và trách nhiệm chính đáng của con người trong cuộc khủng hoảng sinh thái. Như Đức Phan-xi-cô đã lập luận rằng: "Không thể trông mong con người đảm nhận trách nhiệm với thế giới nếu không công nhận và đánh giá đúng khả năng hiểu biết, ý chí, tự do và trách nhiệm độc đáo của họ."[38]
Cho dù chủ nghĩa môi trường lấy con người là trung tâm hoặc lấy thiên nhiên làm trung tâm đều không thực tế vì cả hai hệ thống tư duy đều sử dụng những nguyên tắc siêu hình học lệch lạc. Cả hai mô hình đều đặt con người và thiên nhiên vào mối quan hệ đối kháng, có khi là kẻ thù của nhau.
Trong mô hình này, hoặc con người kiểm soát thiên nhiên và thực hiện quyền kiểm soát tự do với thiên nhiên theo ý muốn của mình, hoặc con người trở thành một phần của thiên nhiên như một điểm nút bé nhỏ trong toàn bộ cõi hiện sinh. Cả hai chủ thuyết trên dường như không tha thiết gì đến việc xem xét làm thế nào để con người có thể hiểu và ý thức rằng bản thân họ là chủ thể có giá trị, đồng thời có nghĩa vụ thích đáng đối với thiên nhiên.
Ngược lại với hai mô hình trên, chủ nghĩa nhân văn Công Giáo về môi trường sử dụng mô hình siêu hình học bao gồm ba vế bao gồm: Thượng đế, con người và thiên nhiên.
Theo khái niệm này, con người lẫn thiên nhiên được đặt dưới sự tạo hoá và quan phòng của Thiên Chúa. Ngài chỉ đạo và tạo điều kiện cho mối quan hệ tương trợ và nâng đỡ lẫn nhau giữa các loài thọ tạo. Ngoài ra, Thiên Chúa cũng yêu thương và chăm sóc các loài thọ tạo mà chính Ngài đã dựng nên. Vì chủ nghĩa nhân văn Công giáo về môi trường đặt Thiên Chúa trên cả con người và các tạo vật nên chủ nghĩa này thúc đẩy một sự nhận thức về mối tương quan giữa con người và thiên nhiên mang tính “anh em” cùng một vị Cha chung. Sự nhận thức này thúc đẩy việc xây dựng một nền luân lý đạo đức trong việc quản lý hệ sinh thái vốn loại bỏ các khuynh hướng bóc lột và hủy hoại thiên nhiên cách bừa bãi.
Nhiều học giả Kinh Thánh đã khẳng định rằng chúng ta không thể sử dụng mệnh lệnh của Thiên Chúa trong sách Sáng Thế 1,28 để biện minh cho sự thống trị tuyệt đối của con người đối với thiên nhiên. Cách hiểu biết như vậy là giải thích sai hoàn toàn chủ ý của tác giả Kinh Thánh và ý định của Thiên Chúa. Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô lẫn Đức Thượng Phụ Ba-tô-lô-mê-ô I đều có đồng quan điểm rằng, bất cứ tín hữu nào đối xử với các loài thọ tạo theo cách thức trên, cần phải xưng thú tội thống trị và bóc lột môi trường thiên nhiên bởi vì hành động của họ vi phạm đến luật của Thiên Chúa. Đối với Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô, tội lỗi không chỉ được biểu hiện rõ ràng trong các động thái chiến tranh, bạo lực, cưỡng bức, và ức hiếp kẻ yếu đuối mà còn trong “hành động tàn phá thiên nhiên.”[39]
Cuối cùng thì những điều mà chủ nghĩa nhân văn Công giáo về môi trường đang nỗ lực thực hiện, đó là giúp đỡ loài người phát triển tâm linh dựa trên mối quan hệ mật thiết giữa họ với Đức Ki-tô. Đức Ki-tô chính là Đấng Cứu Độ của nhân loại, Đấng mặc khải khả năng tiềm ẩn của con người, Đấng là thước đo sự hoàn thiện của con người. Sự phát triển tâm linh của con người cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa họ với Thiên Chúa, giữa con người với nhau, ngay cả giữa con người với tất cả các loài thụ tạo.
Chủ nghĩa bảo vệ môi trường được truyền cảm hứng bởi đạo đức cá nhân của những nhà tư tưởng Công giáo nổi tiếng như Maritain và Janssens, khẳng định rằng sự không quan tâm đến hệ sinh thái phản bội tính cách con người chân thật và gây hại đến mục tiêu của họ trong việc đạt tới sự phát triển và hoàn thiện cá nhân. Nói cách khác, chăm sóc các loài thọ tạo là một phần không thể thiếu của triết lý nhân văn đích thực. Chủ nghĩa môi trường Công giáo về môi trường là một biểu hiện hợp lý hướng đến việc xây dựng các mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên, nhằm đạt được sự hòa hợp xã hội, sự thịnh vượng cá nhân cùng với môi trường sinh thái.
5. Kết Luận
Ngày nay việc đối thoại liên tôn là một hoạt động thiết yếu trong việc giải quyết các vấn nạn trong xã hội. Giáo hội Công giáo luôn tích cực đối thoại với nhiều tôn giáo cũng như các tổ chức nhân sự khác nhau nhằm thúc đẩy việc xây dựng một thế giới công lý và hoà bình. Đối với lĩnh vực chăm sóc môi trường sinh thái là một thách đố có nhiều tác động đến sự an sinh và phồn thịnh của nhân loại cũng như thiên nhiên, thiết nghĩ Giáo hội cần tích cực đóng góp tiếng nói của mình qua việc trình bày những ý kiến như đã được khẳng định trong chủ nghĩa nhân văn Ki-tô giáo lẫn chủ nghĩa nhân văn Công giáo về môi trường. Điều này sẽ giúp làm phong phú thêm cuộc đối thoại, gợi lên những nguồn cảm hứng mới để đối phó với những khó khăn của thời đại và góp phần khắc phục vấn đề nan giải cho toàn thế giới.
_______
35. J. Schaeffer, “Valuing Earth Intrinsically and Instrumentally: A Theological Framework for Environmental Ethics,” Theological Studies, 66, no.4 (2005): 783-814.
36. Francis, LS, no. 68.
37. Francis, LS, no. 115.
38. Francis, LS, no. 118.
39. Francis, LS, no. 66.
36. Francis, LS, no. 68.
37. Francis, LS, no. 115.
38. Francis, LS, no. 118.
39. Francis, LS, no. 66.
No comments:
Post a Comment