Sunday, May 21, 2023

Đối thoại liên tôn trong kỷ nguyên số (Phần 3/6)

3. Bản chất của bối cảnh hậu sự thật


Vấn nạn và não trạng hậu sự thật đang phổ biến trong thế giới thời nay bắt nguồn từ đâu? Một số học giả đã truy tìm ra nguồn gốc của tư duy và chính trị hậu sự thật chính là một phong trào trí thức gọi là chủ nghĩa hậu hiện đại (postmodernism), phát triển vào giữa đến cuối thế kỷ XX trong các lĩnh vực triết học, nghệ thuật, phê bình văn học, xã hội học, v.v. Phạm vi của bài viết này không cho phép tác giả đi sâu vào chi tiết của phong trào hậu hiện đại. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy những phát triển của lối tư duy này đã dẫn đến lập trường cho rằng: tất cả các khía cạnh của cuộc sống đều tràn ngập ý nghĩa. Tuy nhiên, những người trong cuộc có thể hiểu hoặc không thể hiểu được ý nghĩa đó thực sự là gì. Khi giải thích một tình huống hay giải mã về một nhân vật, chúng ta không chỉ xem xét các giả định chính trị, xã hội, lịch sử và văn hóa liên quan tới tình huống hay cá nhân đó, mà những phạm trù tương tự của người thực hiện việc phân tích và giải thích cũng được đưa vào để cân nhắc. 

Vì thế, không có hành động diễn giải nào sẽ giống hành động diễn giải nào, do có sự thay đổi trong nhân vật thực hiện hành động diễn giải. Mười người giải nghĩa một sự việc có thể đưa ra mười kết luận khác nhau do mỗi người xuất phát từ những bối cảnh chính trị, xã hội, văn hóa, kinh nghiệm sống….khác nhau. Trong hoàn cảnh này, sự thật không bao giờ tuyệt đối, vì sự thật còn lệ thuộc vào cách nhìn của người nhận xét. Theo Lee McIntyre, “Cách tiếp cận theo chủ nghĩa hậu hiện đại là mọi thứ đều bị chất vấn và cái giá trị bề ngoài ít được coi trọng. Không có câu trả lời đúng, chỉ có tường thuật.”[26]

Chủ nghĩa hậu hiện đại thể hiện một sự khác biệt rõ rệt so với tư duy chủ nghĩa hiện đại kể từ thời Khai sáng. Chủ nghĩa hiện đại cho rằng khoa học và lý luận có thể cung cấp nền tảng cho tri thức và chân lý phổ quát khách quan để tất cả mọi người và mọi nền văn hóa đều có thể tiếp nhận. Tuy nhiên, trong môi trường trí tuệ hậu hiện đại, khoa học chỉ trở thành một trong số rất nhiều câu chuyện kể, có thể lấy sự kiện thực nghiệm làm điểm xuất phát hoặc không, và tất cả đều có thể được coi là hợp lệ. Do đó, sự chắc chắn về mặt khoa học khi đề cập đến những vấn đề như biến đổi khí hậu có thể bị phủ nhận hoặc giải thích dựa trên các kiểu lý luận khác, chứ không nhất thiết phải dựa vào bằng chứng khoa học đã được chứng minh. Điều tương tự cũng có thể xảy ra đối với bất kỳ vấn đề nào khác trong cuộc sống con người, bởi vì việc đánh giá thực tế không còn phụ thuộc vào các sự kiện đã được chứng minh và chấp nhận cách khoa học.

Những trình bày trên cho thấy, những gì bắt đầu có vẻ như là một “trào lưu trí tuệ”, theo cách nói của nhà triết học Daniel Dennett, đã để lại những hậu quả cực kỳ nghiêm trọng đối với nhân loại, đặc biệt là làm xói mòn và thậm chí bác bỏ khái niệm chân lý. Dennet tuyên bố:
Đôi khi, quan điểm có thể gây ra những hậu quả đáng sợ mà có thể thực sự trở thành thật. Tôi nghĩ những gì mà những người theo chủ nghĩa hậu hiện đại đã làm thực sự là xấu xa. Họ có trách nhiệm gây nên trào lưu trí thức cho rằng, việc nghi vấn chân lý và sự thật là điều đáng tôn trọng. Có những người xung quanh chúng ta chế giễu: "Chắc bạn thuộc về cái đám người vẫn còn tin vào sự thật.”[27]
Trên thực tế, thông tin sai lệch và lừa dối, đặc biệt là thông tin được sử dụng trong các chiến dịch tuyên truyền của các chính phủ quốc gia, hầu như không có gì là mới trong lịch sử nhân loại. Tuy nhiên, bối cảnh hậu sự thật lại thể hiện một số đặc điểm khác biệt. Trong bối cảnh hiện nay, vấn đề không chỉ đơn giản là phổ biến thông tin sai lệch mà còn là thái độ của mọi người đối với loại thông tin này. Thứ nhất, về phía những người gieo rắc gian dối, họ dường như không bao giờ rút lời hay điều chỉnh nội dung, ngay cả khi phải đối mặt với bằng chứng hiển nhiên rằng những gì đã nói là sai lệch một cách trắng trợn. Nhiều nhà lãnh đạo chính trị trên khắp thế giới nổi tiếng với việc chuyên phát biểu thông tin sai sự thật, nhưng tuyệt đối từ chối nhận sai. Ngay cả khi những bằng chứng về sự sai trái được trình bày trước mắt, họ vẫn phớt lờ sự thật hoặc chỉ đơn giản là tìm cách biện minh cho tính chính xác của những gì đã tuyên bố.

Đặc điểm khác biệt thứ hai của não trạng hậu sự thật liên quan đến thái độ của công chúng đối với các sự kiện được trình bày. Nhiều người dân được tuyên truyền những điều sai trái, sau đó có cơ hội tiếp cận với những bằng chứng về sự giả dối. Thay vì thay đổi quan điểm, họ lại phủ nhận các bằng chứng, tiếp tục tin vào lời nói dối, nhiều khi còn chỉ trích những người cố giúp cho họ nhận thức sự việc cách chính xác hơn. Thái độ và cách xử lý của con người trong thời kỳ hậu sự thật cho thấy rằng, cái gọi là “thời đại thông tin” không hề làm cho chúng ta sáng suốt hơn trong cách tiếp nhận và đánh giá thông tin. Đáng ngạc nhiên là khi các nhà lãnh đạo bị phát hiện đã nói sai sự thật, họ dường như rất ít phải chịu hậu quả cho hành động giả dối. 

Trong thời đại thông tin này, sự thiếu hiểu biết trong cộng đồng không phải do thiếu dữ kiện, mà là do sự chủ tâm phủ nhận những sự kiện rất cơ bản một cách lan tràn trong xã hội. Não trạng ngày nay không khuyến khích người dân đưa ra kết luận dựa trên các thông tin đáng tin cậy, mà chủ yếu dựa trên cảm nhận cá nhân. Như Lee McIntyre nhận xét, “Sự hư hỏng của quá trình mà các dữ kiện được thu thập một cách đáng tin cậy và được sử dụng một cách đáng tin cậy để hình thành niềm tin của một người về thực tế… làm xói mòn ý tưởng rằng một số điều là đúng bất kể chúng ta cảm thấy thế nào về chúng; sự thật có ích lợi cho chúng ta (cũng như các nhà hoạch định chính sách quốc gia) nên chúng ta phải cố tìm cho ra.”[28] Thật vậy, việc thúc đẩy và củng cố những lập trường dựa trên cảm xúc, bất kể chứng cớ phản ánh cách rõ rệt tư duy hậu sự thật, điều này có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng ở cấp độ địa phương và toàn cầu — suy thoái môi trường không còn cách khắc phục được, gia tăng chủ nghĩa cực đoan tôn giáo và thêm xung đột giữa các sắc tộc.

Từ những bằng chứng thực nghiệm được trình bày trong bài viết này cũng như từ các nguồn khác, có thể thấy tư duy hậu sự thật đã được củng cố và duy trì nhờ sự phát triển của internet và các ứng dụng liên quan. Mặc dù là một nguồn kiến thức vô biên có tiềm năng đưa nhân loại lên một đỉnh điểm mới về mặt trí tuệ, nhưng công nghệ này không may đã bị những cá nhân và tổ chức thiếu thiện chí lợi dụng để tạo ra sự chia rẽ sâu sắc trong xã hội. Các nhà phát minh và nhà phát triển công nghệ internet đã hình dung ra một thế giới được thăng tiến và công bằng nhờ vào sự đối thoại và chia sẻ thông tin một cách cởi mở và rộng rãi đến mọi người trên toàn cầu. Người ta hy vọng rằng các chân lý và giá trị cơ bản có thể được thống nhất khi mọi người chia sẻ thế giới quan của mình cũng như quan điểm văn hóa và tôn giáo. Trên thực tế, thế giới kể từ năm 1990, năm mà công nghệ World Wide Web ra đời, cho đến nay đã không diễn ra như mong đợi. Mặc dù chúng ta có thể thấy được rất nhiều lợi ích mà công nghệ internet đã mang lại cho con người, nhưng để tìm ra những bằng chứng ngược lại cũng không mấy khó khăn.

Nguyên do cho sự đối nghịch này là vì internet có khả năng tách biệt mọi người không kém gì khả năng đưa chúng ta đến với nhau. Trong không gian mạng, chúng ta có quyền chọn gặp gỡ, trao đổi và ủng hộ chỉ những người có cùng quan điểm và niềm tin với mình. Mặc dù chúng ta có thể chọn truy cập các diễn đàn và tham gia với những người có quan điểm chính trị, xã hội, tôn giáo và văn hóa khác với chúng ta, nhưng trên thực tế, đa số chúng ta chỉ chọn nối kết với những người mà chúng ta cảm thấy thoải mái nhất. Đó là những người có những cách nhìn trùng hợp với suy nghĩ của chúng ta, giúp cho chúng ta cảm thấy được củng cố trong thế giới quan của mình. Những người cố tình tham gia vào các diễn đàn có người mang quan điểm đối lập tham gia, không ít khi là các dư luận viên được chính phủ hoặc tổ chức nào đó trả tiền để bảo vệ ý thức hệ của họ hoặc để đánh lạc hướng dư luận. Chính phủ Nga, Trung Quốc và Philippines đã bị cáo buộc sử dụng số lượng lớn người cho nhiệm vụ này.

Trong công nghệ internet ngày nay, việc sử dụng các thuật toán để xử lý và giới thiệu thông tin đến người dùng càng dẫn đến tình trạng chúng ta chỉ tiếp cận được thông tin một chiều, loại thông tin mà chúng ta muốn nhận được, đặc biệt là loại thông tin giúp củng cố các lập trường sẵn có của chúng ta. Mặc dù ở trong thế giới mạng bao la không biên giới ngăn cách, nhưng chúng ta ngày càng tự cô lập mình trong những bong bóng kỹ thuật số (digital bubble). Những gì không phù hợp với sở thích của mình sẽ bị lọc ra bên ngoài với sự hỗ trợ của các lập trình thuật toán. 

Vì thế, trải nghiệm trực tuyến của một người theo chủ nghĩa chính thống Hindu chống Hồi giáo phần lớn sẽ là một sự trấn an và củng cố rằng thế giới quan của họ là một thế giới quan đúng đắn. Những người chống chính phủ đương nhiệm ở Thái Lan sẽ dễ dàng gặp được vô số người trên mạng có cùng quan điểm cho rằng, thủ tướng hiện tại, Prayut Chan-o-cha, người lên nắm quyền vào năm 2014 do một cuộc đảo chính quân sự, nên được thay thế bằng một nhà lãnh đạo khác có năng lực hơn. Đó cũng là trường hợp của những người ủng hộ hoặc phản đối Tổng thống Jair Bolsonaro ở Brazil và Tổng thống Rodrigo Duterte ở Philippines. Vì thế, hành động tự tách biệt này dẫn đến việc tiếp cận thông tin chỉ là để củng cố quan điểm của một cá nhân hoặc của một nhóm người, dẫn đến sự phân cực tôn giáo, xã hội và chính trị ngày càng thêm nghiêm trọng. Giáo sư Cass Sunstein nhận xét:
Nếu nguồn cấp dữ liệu Twitter của bạn chỉ bao gồm những người nghĩ như bạn, hoặc nếu bạn bè trên Facebook của bạn có cùng niềm tin với bạn, thì việc tranh luận sẽ bị hạn chế rất nhiều. Thật vậy, những biến chuyển sẽ xảy ra với những cá nhân không tham gia thảo luận mà thay vào đó chỉ tham khảo ý kiến — trên đài phát thanh, truyền hình hoặc internet — những nguồn mà họ quen thuộc. Xu hướng của các cuộc tham vấn như vậy là để cố thủ và củng cố các quan điểm đã có sẵn, điều này thường dẫn đến chủ nghĩa cực đoan.[29]  

No comments:

Post a Comment