Friday, May 26, 2023

Đối thoại liên tôn trong kỷ nguyên số (Phần 6/6 - Kết)


6. Công tác đối thoại trong bối cảnh mới

Các tài liệu của Giáo hội đã giới thiệu bốn hình thức đối thoại liên tôn mà tất cả mọi người có thể thực hiện với những mức độ khác nhau, như đã đề cập ở trên. Trong khi các hình thức đối thoại cơ bản có thể không thay đổi, việc áp dụng dĩ nhiên phải được điều chỉnh cho phù hợp với bối cảnh kỹ thuật số ngày nay. 

Trong kỷ nguyên số, đối thoại không còn bị giới hạn trong không gian vật lý. Như đã thấy, ngày nay, phần lớn nội dung trình bày ý tưởng và quan điểm của mọi người thường diễn ra trong không gian mạng. Không gian mạng là nơi người ta dùng để truyền bá chủ nghĩa cơ yếu tôn giáo, xuất bản các bản tuyên ngôn cực đoan, tuyển mộ những kẻ khủng bố tiềm năng và đăng tải hướng dẫn cách chế tạo bom để thực hiện các chiến dịch bạo lực. Internet không chỉ là một nền tảng truyền thông đại chúng truyền thống như báo và sách được in trên giấy. 

Không gian mạng ngày nay đã biến thành một không gian không thể thiếu được trong cuộc sống con người, nó là nơi mọi người được kết nối và tương tác với nhau. Nó là nơi người ta có thể dùng để gây chiến, gieo rắc chia rẻ, hận thù, bạo lực, nhưng cũng có thể là nơi để xây dựng hòa bình, tình liên đới và sự hiệp thông. Vì vậy, đối thoại phải được thực hiện một cách có chủ đích và hệ thống trong không gian này. Như Đức Bênêđíctô XVI đã khẳng định trong Thông điệp cho Ngày Truyền thông lần thứ 47,
Những không gian này, khi được tham gia một cách khôn ngoan và cân bằng, sẽ giúp thúc đẩy các hình thức đối thoại và tranh luận, nếu được tiến hành một cách tôn trọng và quan tâm đến quyền riêng tư, trách nhiệm và sự trung thực, có thể củng cố mối dây đoàn kết giữa các cá nhân và thúc đẩy hiệu quả sự hòa thuận của gia đình nhân loại.[49]
Nếu những người trong Giáo hội đã từng bước vào các nhà thờ Hồi giáo và giáo đường Do Thái để thực hiện đối thoại và xây dựng tình liên đới, thì điều tương tự cũng phải được thực hiện đối với các nền tảng trực tuyến nơi tụ họp của những người thuộc các truyền thống tôn giáo và hệ tư tưởng khác nhau. Tuy nhiên, khi nhìn sâu sắc vào sứ mệnh này, có thể thấy rằng đối thoại trong môi trường không gian mạng thách thức hơn nhiều so với không gian vật lý, một phần bởi vì các thực thể bên trong môi trường này là vô số. Mặc dù cơ hội đối thoại là vô hạn, nhưng không thể phủ nhận làm tốt sứ vụ thực sự rất là khó khăn.

Đối thoại trong kỷ nguyên kỹ thuật số đòi hỏi một nhận thức mới về ý nghĩa của khái niệm “cuộc sống hằng ngày”. Cái gọi là cuộc sống hằng ngày không còn chỉ là chuyện gặp gỡ mọi người ở chợ, ở quán cà phê, hay nơi làm việc. Cuộc sống hằng ngày còn bao gồm tất cả các cuộc gặp gỡ trên phương tiện mạng xã hội, trong đó có “bạn bè” trên Facebook, “những người theo dõi” trên Instagram và Twitter, và những người đồng nghiệp trên các diễn đàn thảo luận. Thuật ngữ “chuyên gia” trong việc đối thoại liên tôn không còn chỉ dành để nói về những người có bằng Thần học, Kinh Thánh, hay Tôn giáo học. 

Không gian hội thảo các vấn đề không chỉ là các phòng máy lạnh được bài trí đẹp đẽ tại các nhà thờ, học viện, thậm chí cả các phòng hội nghị của khách sạn cao cấp. “Chuyên gia” trong bối cảnh ngày nay còn bao gồm những người có khả năng thâm nhập vào các nền tảng khác nhau trên internet để tham gia đối thoại với các “chuyên gia” khác trong môi trường trực tuyến, trong các diễn đàn mà các nhóm người khác nhau tìm đến để bày tỏ suy nghĩ và cảm xúc.

Do đó, như Đức Bênêđíctô XVI khẳng định, bối cảnh mới đòi hỏi “sự cam kết của tất cả những ai ý thức về giá trị của đối thoại, tranh luận có lý trí và lập luận hợp lý; của những người cố gắng trau dồi các hình thức diễn đạt và diễn đạt thu hút những nguyện vọng cao quý nhất của những người tham gia vào quá trình giao tiếp."[50] Sứ mệnh đối thoại của Giáo hội hiện nay đòi hỏi một cái nhìn hoàn toàn mới về các hình thức đối thoại khác nhau từng được Giáo hội đưa ra trước đây. 

Trong thời đại kỹ thuật số, việc phải thực hiện các hình thức đối thoại liên tôn trong không gian trực tuyến yêu cầu nơi mỗi thành viên trong Giáo hội sự sáng tạo để đáp ứng tốt hơn những thay đổi trong lối sống và cách giao tiếp trong xã hội ngày nay. Thiết nghĩ các chuyên gia về đối thoại liên tôn cần nghiên cứu và tìm ra những phương cách thiết thực, hiệu quả để đối thoại trong không gian mạng, bên cạnh những hình thức đối thoại trong không gian vật lý.

***

Trong kỷ nguyên kỹ thuật số, Giáo hội phải đương đầu với nhiều thách thức khi thực hiện sứ mệnh của mình. Một trong những thách đố lớn nhất của xã hội ngày nay là tư duy hậu sự thật có nguy cơ phá vỡ sự hiệp nhất trong Giáo hội cũng như các mối quan hệ giữa các tôn giáo. Trước bối cảnh đáng quan ngại này, các vị lãnh đạo Giáo hội phải chủ động và sáng tạo trong sứ mệnh đối thoại nhằm thúc đẩy sự đoàn kết bên trong Hội Thánh cũng như sự hòa hợp giữa các tôn giáo. Đối thoại giữa các tôn giáo phải tiếp tục là yếu tố chủ chốt của Giáo hội và tất cả các thành viên của Giáo hội. Đây không phải là một cách thức mới để thể hiện bản chất và sứ vụ của Giáo hội, nhưng là cách thức thiết yếu, nhất là trong bối cảnh ngày nay, sứ mệnh phục vụ Nước Trời của Giáo hội đang bị cản trở bởi chủ nghĩa bè phái, cố chấp, chủ nghĩa cơ yếu tôn giáo và chủ nghĩa cực đoan. 

Những hiện tượng và trào lưu tiêu cực này lại được hỗ trợ và được kích động bởi các công cụ và chiến dịch tuyên truyền thông tin xuyên tạc, sai lệch, ác ý. Sự trung thành của chúng ta với sứ mệnh này có nghĩa là chúng ta tiếp tục cam kết với các giá trị hòa bình, công lý và lòng nhân ái – những giá trị chỉ có thể được thực hiện thông qua đối thoại với những người thuộc các nền văn hóa và tôn giáo khác. Như Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tuyên bố, các Kitô hữu phải “cam kết đối thoại với các tín đồ của tất cả các tôn giáo” và “sẽ chung tay với tất cả nam và nữ thiện chí và làm việc cùng nhau để mang lại một xã hội công bằng và hòa bình hơn, trong đó người nghèo sẽ là người đầu tiên được phục vụ."[51]

Truyền bá sứ điệp Tin Mừng và loan báo Nước Thiên Chúa luôn là ưu tiên lớn nhất trong suốt lịch sử của Giáo hội. Sự tiến bộ về công nghệ thông tin và truyền thông đã được chứng minh có tiềm năng mang lại lợi ích to lớn trong sứ mệnh truyền bá Phúc Âm. Tuy nhiên, thời đại kỹ thuật số và tư duy hậu sự thật hiện nay cũng gây ra những trở ngại cho tính hiệu quả của công việc mà Giáo hội đang thực hiện. Bài viết này khẳng định mạnh mẽ rằng đối thoại liên tôn là điều cần thiết cho đời sống và sứ mạng của Giáo hội trong bối cảnh xã hội hiện nay. 

Trước những thế lực xã hội trực tiếp hoặc gián tiếp nhắm mục tiêu loại bỏ tôn giáo ra khỏi đời sống con người hoặc gây bất ổn cho nhân loại bằng cách gieo rắc sự hiểu lầm và xung đột tôn giáo, Giáo hội cần phải nỗ lực gấp đôi trong việc đối thoại giữa các tôn giáo ở mọi cấp độ và trong mọi môi trường bất kể vật lý hay kỹ thuật số. Tuy nhiên, hành động đối thoại đó được thực hiện như thế nào là điều mà các vị lãnh đạo trong Giáo hội cần nghiêm túc nghiên cứu, phân định và thử nghiệm nhằm đáp ứng được bối cảnh xã hội và lối tư duy của con người thời nay. 

______
49. Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, Sứ điệp ngày Thế giới Truyền thông 2013, http://www.vatican.va/content/benedict-xvi/en/messages/communications/documents/hf_ben-xvi_mes_20130124_47th-world-communications-day.html.
50. Ibid.
51. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Sứ điệp ngày Thế giới Truyền thông 1981, https://w2.vatican.va/content/john-paul-ii/en/speeches/1981/february/documents/hf_jp-ii_spe_19810221_manila-auditorium.html, 5.

No comments:

Post a Comment