Saturday, May 6, 2023

Chủ Nghĩa Nhân Văn Kitô Giáo Trong Việc Giải Quyết Vấn Đề Khủng Hoảng Về Môi Trường (Phần 4)



3. Nguyên do của cuộc khủng hoảng sinh thái dưới nhãn quan của chủ nghĩa nhân văn Ki-tô giáo (CNNV.KTG)

Giáo huấn của Công đồng Vatican II và các triều đại giáo hoàng cũng như các nhà tư tưởng Công Giáo có ảnh hưởng đã làm sáng tỏ rằng CNNV.KTG nhằm giúp cho con người đạt tới sự phát triển toàn diện và có một đời sống đức hạnh hướng đến việc phục vụ người khác. Sự tập trung vào con người trong CNNV.KTG không có nghĩa là con người đặt mình lên trên hết, tập trung vào bản thân và sự hoàn thiện của mình mà hoàn toàn mù quáng không quan tâm đến sự phát triển và lợi ích của người xung quanh.

Đối với những quan tâm về môi trường sinh thái, CNNV.KTG cố gắng đạt được sự chuyển đổi tâm linh và tinh thần cần thiết để chống lại xu hướng khai thác và lạm dụng quyền lực dẫn đến suy thoái sinh thái. Từ quan điểm nhân văn Công Giáo, khủng hoảng môi trường sinh thái cũng là một vấn đề liên quan đến con người cũng như là một vấn đề về sinh thái. Đức Thánh Cha Bê-nê-đic-tô XVI đã lập luận rằng cuộc khủng hoảng sinh thái phản ánh một khiếm khuyết trong "sinh thái nhân văn". Khi hệ sinh thái nhân văn bị xáo trộn với sự xuống dốc của các nhân đức, thiếu tôn trọng sự sống và đánh mất lương tâm, thì hệ sinh thái môi trường cũng hứng lấy những thiệt hại này.[25]

Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II đã đặt tên cho tình trạng suy yếu này của hệ sinh thái nhân văn là “nền văn hóa của sự chết”.[26] Nó hủy hoại cuộc sống con người trên bình diện xã hội và cũng được thể hiện trong “sự hủy hoại môi trường một cách thiếu suy nghĩ”.[27] Đối với Đức Gioan Phaolô II, nền văn hóa của sự chết được hỗ trợ bởi một "cấu trúc tội lỗi thật sự" không chỉ có hình thức thiếu sự tôn trọng đối với cuộc sống con người ở mọi giai đoạn mà còn thiếu sự tôn trọng đối với thiên nhiên. Tình trạng này được phản ánh trong “lối suy nghĩ mang tính khoa học và kỹ thuật đang được phổ biến trong nền văn hóa ngày nay. Nó loại bỏ ý tưởng rằng chân lý của sự sáng tạo phải được thừa nhận, hay kế hoạch của Thiên Chúa cho sự sống cần được tôn trọng.”[28]

Tình trạng thiếu hòa bình, ngoài việc phát sinh từ các xung đột khu vực, phá thai, nghèo đói và những vấn đề tương tự, còn xuất phát từ việc cướp bóc tài nguyên thiên nhiên.[29] Tương tự như các vấn đề xã hội khác, khủng hoảng sinh thái là một vấn đề đạo đức phản ánh mối quan hệ bất hòa giữa con người và Thiên Chúa. Trong Thông điệp Centesimus Annus (Bách Chu Niên), Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II đã chẩn đoán nguyên nhân sâu xa của cuộc khủng hoảng sinh thái là một “lỗi nhân chủng học” lan rộng gây hại cho xã hội loài người.

Con người khám phá ra khả năng của mình để thay đổi, và theo một nghĩa nào đó, họ tiếp tục sáng tạo ra thế giới thông qua công việc của mình. Họ quên rằng điều này luôn luôn phải cậy dựa vào Thiên Chúa trước tiên, vì Ngài là ngồn gốc của mọi vật như vốn có của nó. Con người nghĩ rằng mình có thể sử dụng trái đất một cách tùy ý, làm chủ muôn loài mà không bị bất cứ điều gì ngăn cản việc họ thực hiện ý muốn của mình. Tuy nhiên, trái đất được Thiên Chúa ban cho những điều kiện cần thiết và ưu tiên để thực hiện một mục đích nào đó, nên thực sự, con người có thể phát triển nhưng không được phụ bạc nó. Thay vì thực hiện vai trò là người cộng tác với Thiên Chúa trong công cuộc sáng tạo, con người tự đặt mình vào vị trí của Thiên Chúa. Họ thống trị thiên nhiên thay vì quản lý nó, và do đó, kết cục là họ gây ra một cuộc nổi loạn từ phía thiên nhiên.[30]

Do đó, nỗ lực giải quyết khủng hoảng sinh thái phải tiến hành từ nỗ lực “bảo vệ các điều kiện đạo đức cho một ‘hệ sinh thái nhân văn’ đích thực,” cho phép con người “tôn trọng cấu trúc tự nhiên và cấu trúc đạo đức mà họ đã được Thiên Chúa ban tặng”.[31] Nguyên tắc cơ bản của một hệ sinh thái nhân văn tốt nhằm thúc đẩy phẩm giá con người đã được Đức Thánh Cha Phan-xi-cô tái khẳng định và thảo luận rộng rãi trong thông điệp về môi trường Laudato Si, chứng tỏ điều này không thể tách rời khỏi bất kỳ cuộc thảo luận nào về sinh thái tự nhiên. Đức Phan-xi-cô đã viết:

Sự tàn phá môi trường con người là vô cùng nghiêm trọng, không chỉ vì Thiên Chúa đã giao phó thế giới cho chúng ta, nhưng vì sự sống của con người tự nó là một món quà cần được bảo vệ khỏi nhiều hình thức xâm hại khác nhau. Mọi nỗ lực để bảo vệ và cải thiện thế giới của chúng ta đều kéo theo những thay đổi sâu sắc về 'phong cách sống sống, mô hình sản xuất và tiêu thụ, và các cấu trúc quyền lực đã được thiết lập để điều hành xã hội ngày nay.' Sự phát triển đích thực của con người…. đòi hỏi sự tôn trọng đầy đủ đối với con người, nhưng con người cũng phải quan tâm đến thế giới xung quanh và ‘tính đến bản chất của mỗi sinh vật và sự kết nối lẫn nhau của chúng trong một hệ thống có trật tự.’[32]

Những điều mà CNNV.KTG nhấn mạnh như đã được nhiều vị giáo hoàng mô tả, và được người viết trích dẫn cho đến nay là một nhu cầu trong việc tiếp cận quá trình phát triển nói chung, và giải quyết khủng hoảng sinh thái nói riêng với một “tầm nhìn toàn diện và tích hợp hơn”, tính đến cả hai mặt xã hội lẫn tự nhiên của thực tại.[33] Việc thiếu “chủ nghĩa nhân văn chân chính và sâu sắc” cuối cùng sẽ khiến các cơ chế xã hội, chính trị, kinh tế và khoa học trở nên vô hiệu, cho dù chúng có được tư duy tốt đến đâu.[34]  Việc phối hợp và tập hợp nhiều lĩnh vực tri thức khác nhau là chưa đủ, nếu nỗ lực đó không được thúc đẩy bởi một chủ nghĩa nhân văn có thể nắm bắt một tầm nhìn toàn diện hơn về thực tại.

__________
25. Benedict XVI, CV, no. 51.
26. John Paul II, Evangeliuum Vitae, no.12, http://w2.vatican.va/content/john-paul-ii/en/encyclicals/documents/hf_jp-ii_enc_25031995_evangelium-vitae.pdf.
27. John Paul II, EV, no. 38.
28. John Paul II, EV, no. 22.
29. Pope John Paul II, “World Day of Peace Message 1990,” https://w2.vatican.va/content/john-paul-ii/en/messages/peace/documents/hf_jp-ii_mes_19891208_xxiii-world-day-for-peace.pdf.
30. Pope John Paul II, Centesimus Annus, no. 37, http://w2.vatican.va/content/john-paul-ii/en/encyclicals/documents/hf_jp-ii_enc_01051991_centesimus-annus.html.
31. John Paul II, CA, no. 38.
32. Francis, Laudato Si (Vatican: Vatican Press, 2015), no.5, https://w2.vatican.va/content/dam/francesco/pdf/encyclicals/documents/papa-francesco_20150524_enciclica-laudato-si_en.pdf.
33. Francis, LS, no. 141.
34. Francis, LS, no. 181.



No comments:

Post a Comment