Thursday, May 4, 2023

Chủ Nghĩa Nhân Văn Kitô Giáo Trong Việc Giải Quyết Vấn Đề Khủng Hoảng Về Môi Trường (Phần 2)


2. Tìm hiểu chủ nghĩa nhân văn Ki-tô giáo

2.1. Sự nảy sinh chủ nghĩa nhân văn thế tục

Thánh I-rê-nê là một giám mục và nhà thần học sống vào thế kỷ thứ II tại thành phố Ly-on đã nói rằng: "Vinh quang của Thiên Chúa là một con người sống tròn đầy cuộc sống của chính họ." Quan điểm này của Thánh nhân xuất phát từ nền tảng Phúc Âm, bởi Chúa Giê-su đã công bố rằng mục đích Ngài đến thế gian là để cho nhân loại "được sống và sống dồi dào" (Ga 10,10). Những lời này tôn vinh mục đích của chủ nghĩa nhân văn Kitô giáo, đó là giúp con người nhìn thấy vẻ đẹp và vinh quang của Thiên Chúa, đồng thời trải nghiệm chúng một cách trọn vẹn và thực tế trong cuộc sống của mỗi người.

Một số câu hỏi cần phải được đặt ra là: Sống trọn vẹn và thực sự có nghĩa là gì? Liệu thái độ và hành vi của con người đối với Thiên Chúa, đồng loại và mọi sinh vật có phản ánh điều đó như thế nào? Để trả lời những câu hỏi này, chúng ta cần phân biệt giữa khái niệm chủ nghĩa nhân văn (humanism) được hiểu bởi các nhà tư tưởng Công giáo trong nhiều thế kỷ và khái niệm phát triển từ thời kỳ Khai Sáng vào cuối thế kỷ 17.

Khi nói về chủ nghĩa nhân văn, đây là một khái niệm đã tồn tại lâu trước khi tư tưởng tự do lên ngôi và giải thích hoàn cảnh nhân loại thông qua quan điểm thuyết lý, thế tục và tự nhiên. Thực ra, khái niệm này không phải là phát minh của phong trào nhân văn thế tục. Chính nhà nhân văn học thế tục Nicolas Walter đã nhìn nhận một cách chính xác rằng, mặc dù ngày nay từ “humanism” đang được nhiều người gắn kết với chủ nghĩa tư duy mang tính trần tục, nhưng trên thực tế, nó đã, đang và sẽ được nhiều người sử dụng theo những cách khác nhau. Bên cạnh đó, hầu hết các cách dùng từ này đều bao hàm cả ý nghĩa tôn giáo. [2]

Thuật ngữ chủ nghĩa nhân văn bắt nguồn từ một từ trong tiếng Latinh, humanitas. Từ này chỉ về một con người văn minh, có học thức, ngược lại với sự dã man, mọi rợ.[3]  Một nhà nhân văn, như từ được sử dụng trong thời Trung Cổ tại châu Âu khi thuật ngữ này được tạo ra, là người đã hưởng lợi từ một quá trình giáo dục bao gồm ngôn ngữ và văn học, và tiếp tục làm việc trong các lĩnh vực này như một học giả và giáo viên sau khi kết thúc chương trình đào tạo.[4] Một người như vậy sẽ được xem như là mang tính liêm chính đạo đức và xã hội; họ đã thể hiện trọn vẹn tính chất của một con người đích thực.[5]

Khi thuật ngữ nhà nhân văn học xuất hiện trong tiếng Anh vào thế kỷ thứ 16, nó thường được sử dụng để chỉ đến một nhà ngữ pháp học hoặc nhà văn học, hoặc một người cống hiến bản thân cho việc nghiên cứu các vấn đề liên quan đến con người. Mặc dù chủ nghĩa nhân văn nhấn mạnh đến yếu tố giáo dục, nhưng nó luôn được phát triển trong bối cảnh của Ki-tô giáo và niềm tin vào Thiên Chúa. Mãi đến cuối thế kỷ 19, học thuyết chủ nghĩa nhân văn mới bắt đầu chứa đựng ý niệm phản đối tôn giáo. Nó miêu tả con người như những sinh vật có lý trí, không phụ thuộc vào suy nghĩ thần học.[6]

Sau đó, vào những năm tiếp theo, các triết gia như Ludwig Feuerbach và Arnold Ruge tiếp tục tìm cách loại bỏ các chiều kích Ki-tô giáo ra khỏi chủ nghĩa nhân văn, do đó chủ nghĩa này ngày càng trở nên độc lập hơn với tôn giáo. Sự lên ngôi của chủ nghĩa nhân văn cũng được ủng hộ bởi chủ nghĩa chứng thực chống tín ngưỡng của Auguste Comte. Nhà triết gia đã thúc đẩy phong trào thay thế niềm tin vào Thiên Chúa bằng việc tập trung vào con người. Tuy nhiên, trước những biến đổi sâu sắc trong lối tư duy của nhân loại thời hiện đại, tôn giáo vẫn phần nào duy trì được vị trí của mình trong đời sống và tư duy của những người đi theo chủ nghĩa nhân văn. 

Mãi cho đến nửa sau của thế kỷ 20, chủ nghĩa nhân văn mới hoàn toàn tách ra khỏi tôn giáo. Nhà giáo dục học Harold Blackham đã phản ánh điều này trong lời phát biểu của ông rằng chủ nghĩa nhân văn đóng vai trò như một “sự thay thế cho tôn giáo.” Blackham đã khẳng định rằng chủ nghĩa nhân văn bắt nguồn từ “giả định rằng con người tồn tại trong chính họ và cuộc sống này là tất cả đối với họ. Theo giả định này, con người có trách nhiệm đối với cuộc sống của chính họ và của toàn thể nhân loại.”[7]  Có thể nói đây là não trạng phản ánh chính xác tính chất của chủ nghĩa nhân văn thế tục trên thế giới ngày nay. 


[2] Nicolas Walter, Humanism: Finding Meaning in the Word (Amherst, NY: Prometheus Books, 1998), Kindle edition.
[3] Angus Ritchie and Nick Spencer, The Case for Christian Humanism: Why Christians Should Believe in Humanism, and Humanists in Christianity (London: Theos, 2014), 15.
[4] Walter, Humanism, Kindle edition.
[5] John W. O’Malley, “How Humanistic is the Jesuit Tradition? From the 1599 Ratio Studiorum to Now,” in Jesuit Education 21: Conference Proceedings on the Future of Jesuit Higher Education, ed. Martin R. Tripole (Philadelphia: St. Joseph's University Press, 2000), 1.
[6] Ritchie and Spencer, Case, 17.
[7] Quoted in Ritchie and Spencer, Case, 20.

No comments:

Post a Comment