Thursday, May 18, 2023

Đối thoại liên tôn trong kỷ nguyên số (Phần 1/6)


1.  Nhập đề 

Vào tháng 7 năm 2016, giữa chiến dịch tranh cử tổng thống ở Hoa Kỳ, khi mà Donald Trump và Hillary Clinton đang tranh giành một cách quyết liệt vị trí hàng đầu trong chính phủ của cường quốc số một thế giới, một bài báo xuất hiện dưới dạng một mẩu tin đã được phổ biến rộng rãi trên các phương tiện mạng xã hội nói rằng, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gây chấn động thế giới khi tuyên bố ủng hộ Trump, ứng cử viên của Đảng Cộng hòa. Bài báo dẫn lời Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng, ngài cảm thấy phải thể hiện lập trường này vì nhận thức về trách nhiệm của người đứng đầu Tòa Thánh. Trên thực tế, cái gọi là tin tức này có nguồn gốc từ trang web WTOE 5 News, một trong vô số trang báo giả mạo thường tung ra các nội dung để phổ biến và gây nhầm lẫn cho công chúng. Mặc dù chỉ cần thực hiện việc kiểm chứng đơn giản thì có thể dễ dàng xác định rằng bài báo là một câu chuyện tin tức thất thiệt về một nhà lãnh đạo tôn giáo quan trọng, nhưng nó vẫn nhận được vô số lượt chia sẻ, dẫn đến việc đã có nhiều người Mỹ cũng như ở các nước khác tin rằng, người đứng đầu Giáo hội Công giáo La Mã sẽ thực sự đứng về một phía nào đó trong một chiến dịch chính trị ở Hoa Kỳ. Trong một cuộc họp báo ngày 2/10/2016, chính Đức Thánh Cha đã lần đầu tiên lên tiếng về chiến dịch tranh cử tổng thống tại Hoa Kỳ. Ngài nói, “Tôi không bao giờ nói một lời gì về các cuộc tranh cử.” Đức Thánh Cha cũng nói rằng, ngài cảm thấy một số “khó khăn” với cả hai ứng viên.[1]  Tuy nhiên, đến tháng 11 năm 2016 thì bài tin giả này đã nhận được 960.000 tương tác, vượt xa số lượng tương tác của những bài tin tức thịnh hành nhất của các hãng thông tấn chính thống và có uy tín. 

Việc có tin giả về Đức Thánh Cha Phanxicô ủng hộ ông Trump trong cuộc tranh cử tổng thống không phải là trường hợp cá biệt. Trước vụ liên quan đến ông Trump chỉ vài tháng, Hội đồng Giám mục Philippines đã phải lên tiếng bác bỏ thông tin lan truyền trên mạng xã hội cho rằng, Đức Thánh Cha đã bày tỏ sự ủng hộ đối với ông Rodrigo Duterte trong cuộc tranh cử tổng thống Philippines. Trong bài viết, Đức Thánh Cha được cho là “hâm mộ” ông Duterte và khen ông là người “thành thật”.[2]  Tuy nhiên, đây không phải là lần duy nhất có tin giả về Đức Thánh Cha Phanxicô và vị tổng thống gây tranh cãi của Philippines. Tháng 6 năm 2018, trên trang blog realspotnews.info xuất hiện một bài viết trích dẫn lời của Đức Thánh Cha ca tụng ông Duterte rằng: “He is the most popular leader, he did the right thing for your country and a blessing” (Ông ta là một lãnh đạo được ưa chuộng nhất, ông đã làm điều đúng cho đất nước của bạn và là một hồng ân).[3]  Trên thực tế, Tòa Thánh Vatican chưa bao giờ đưa ra bất cứ lời bình luận nào của Đức Thánh Cha về ông Duterte như được thuật lại trong bài viết. 

 Có một điều trớ trêu là trong khi thời đại kỹ thuật số mang lại cho chúng ta rất nhiều phương tiện để giao tiếp và trao đổi thông tin, thì xu hướng tri thức của công chúng dường như lại hướng về những điều không đúng sự thật, những thông tin xuyên tạc và những cảm giác chủ quan hơn là hướng tới chân lý và sự thật khách quan. Các nhà xã hội học và triết học đã đặt cho lối tư duy trí tuệ hiện nay một cái tên là “hậu sự thật” (post-truth). Thuật ngữ “hậu sự thật” đã được Bộ từ điển Oxford công nhận là “từ của năm” vào năm 2016 sau khi tổ chức này nhận thấy sự gia tăng đáng kể trong việc sử dụng từ ngữ này vào năm 2015, với một con số đáng kinh ngạc là 2.000 phần trăm.[4]  Hậu sự thật được định nghĩa là “liên quan đến hoặc biểu thị những trường hợp mà sự thật khách quan ít ảnh hưởng đến việc định hình dư luận so với việc hấp dẫn cảm xúc và niềm tin cá nhân.”[5]  Định nghĩa này cho thấy rằng mặc dù sự thật không ngừng tồn tại, nhưng sự liên quan và ăn nhập của nó đối với suy nghĩ và cân nhắc của con người đã bị tổn hại nghiêm trọng. Thay vào đó, mọi người được khuyến khích đưa ra kết luận về các vấn đề không dựa trên những chứng cứ khách quan mà chủ yếu dựa trên cảm xúc cá nhân. 

 Các nhà xã hội học cho rằng một biểu hiện của tình trạng hậu sự thật là sự phổ biến vô số tin tức giả mạo về đủ loại vấn đề, từ chính trị đến tôn giáo, xã hội. Một số tin tức giả nhằm mục đích điều khiển dư luận theo hướng của một nhóm hoặc cá nhân nào đó, trong khi những tin tức khác chỉ đơn giản là những lời kích động, được đăng bởi những người bịa đặt ra để kiếm tiền (càng có nhiều người truy cập bài viết thì sẽ có thêm tiền từ quảng cáo trên trang). Có thể nói, khuynh hướng hậu sự thật có tác động quan trọng đối với sự hợp nhất của Giáo hội Công giáo và các mối quan hệ đại kết và đối thoại liên tôn của Giáo hội. Bài viết này bàn luận về cách ứng phó của Giáo hội Công giáo đối với tư duy hậu sự thật đang lan tràn trên thế giới như một loại dịch bệnh về mặt tri thức. Cụ thể, bài viết trình bày quan điểm rằng, sứ mệnh đối thoại liên tôn phải được Giáo hội tích cực thực hiện một cách có chủ động để chống lại tác động tiêu cực của tình trạng hậu sự thật trong xã hội thời nay.


----

[1] Hannah Ritchie, “Read all about it: The biggest fake news stories of 2016,” CNBC (30/12/2016), https://www.cnbc.com/2016/12/30/read-all-about-it-the-biggest-fake-news-stories-of-2016.html.
[2] Aries Hegina, “CPCP: Pope Francis not endorsing Duterte,” Inquirer (24/3/2016), https://newsinfo.inquirer.net/776078/cbcp-pope-francis-not-endorsing-duterte
[3] Rappler, “HOAX: ‘Pope Francis called Duterte a blessing, a good leader’,” (27/6/2018),
https://www.rappler.com/newsbreak/fact-check/hoax-pope-francis-calling-duterte-blessing-good-leader
[4] Amy B Wang, “‘Post-truth’ named 2016 word of the year by Oxford Dictionaries,” Washington Post (16/11/2016), https://www.washingtonpost.com/news/the-fix/wp/2016/11/16/post-truth-named-2016-word-of-the-year-by-oxford-dictionaries/.
[5] Oxford Dictionary, https://languages.oup.com/word-of-the-year/2016/.




No comments:

Post a Comment