Thursday, May 25, 2023

Đối thoại liên tôn trong kỷ nguyên số (Phần 4/6)



4. Giáo hội Công giáo nên phản ứng như thế nào?

Bất chấp những lời phàn nàn về tư duy hậu sự thật đang tràn ngập trong xã hội hiện đại, khi nhìn kỹ vào vấn đề, chúng ta nhận thấy bản thân thuật ngữ này đã tiết lộ rằng, “sự thật” vẫn là điểm tham chiếu chính trong việc suy tư và lý luận của con người. Mặc dù nạn tin giả, thông tin sai lệch và sự dối trá trắng trợn nhiều khi gây ra những hậu quả rất tiêu cực, bằng cách đánh lạc hướng hoặc định hướng dư luận của công chúng trong các vấn đề quan trọng trong xã hội, nhưng trong thực tế, nó đã không thể loại bỏ sự hiểu biết ngầm rằng, tính trung thực vẫn là tiêu chí tối hậu để đánh giá một thông tin.

Trong khi thuật ngữ “hậu sự thật” phản ánh một thái độ tri thức tiêu cực, thậm chí cực đoan, đang hiện hành trên thế giới, nó cũng nhắc nhở chúng ta về vai trò của “sự thật” trong quá trình xem xét và cân nhắc các vấn đề trong cuộc sống. Do đó, chúng ta không nên đơn giản xem thuật ngữ này như là bằng chứng phản ánh một lối tư duy đầy hoài nghi và thất bại đang lan tràn trong xã hội loài người. Đối mặt với tư duy hậu sự thật, chúng ta cũng không nên chỉ phản ứng bằng việc hoài niệm về một thời đã xa, khi mà chúng ta luôn cảm thấy an tâm và chắc chắn vào những nguồn tin có thẩm quyền và đáng tin cậy, hầu giúp chúng ta vững trí và vững lòng chèo lái giữa muôn ngàn giông bão trong cuộc sống.

Thực trạng này còn nhắc nhở và mời gọi chúng ta phải nỗ lực duy trì và cổ võ cho giá trị của những gì được coi là sự thật, ngăn cản không để cho những chân lý bị đào thải khỏi cuộc sống cá nhân và tập thể con người. Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI trong Thông điệp Caritas in Veritate (Bác Ái Trong Chân Lý) kêu gọi “tìm kiếm, khám phá và diễn đạt” về chân lý qua đức ái. Điều này “không những chúng ta phục vụ tình yêu được chân lý soi sáng, mà còn mang lại tính khả tín cho chân lý, chứng minh sức thuyết phục và minh xác của chân lý trong bối cảnh thực tiễn của đời sống xã hội. Đây không phải là vấn đề nhỏ ngày nay, trong bối cảnh văn hóa và xã hội đang tương đối hóa chân lý, ít quan tâm tới chân lý, lại còn không muốn nhìn nhận sự hiện hữu của chân lý.”[30]

Khi nói về chân lý hay sự thật, chúng ta nên ý thức rằng, bản thân sự thật không có nghĩa là một thực thể nguyên khối. Thật vậy, Julian Baggini trong cuốn sách A Short History of Truth: Consolations for a Post-Truth World (Lịch sử vắn tắt về sự thật: Những an ủi cho thế giới hậu sự thật) đã liệt kê 10 loại sự thật khác nhau bao gồm: sự thật vĩnh cửu, sự thật có thẩm quyền, sự thật bí truyền, sự thật lý luận, sự thật thực nghiệm, sự thật sáng tạo, sự thật tương đối, sự thật mạnh mẽ, sự thật đạo đức và sự thật toàn diện.[31] Ngoài những loại sự thật nói trên, chúng ta có thể thêm vào danh sách này "sự thật đời thường", đó là sự thật liên quan đến cuộc sống hằng ngày mà chúng ta dựa vào để hoạt động và tồn tại. Chẳng hạn, chúng ta lên kế hoạch cho các sinh hoạt thường nhật với niềm tin rằng sẽ luôn có 24 giờ trong một ngày, đủ cho chúng ta làm việc, dùng bữa, hẹn uống cà phê với một người bạn thân và nghỉ ngơi. Khi chúng ta tham khảo lịch phát sóng truyền hình, thấy có một chương trình thú vị sẽ diễn ra vào giờ nào đó, chúng ta tin rằng, đến giờ ấn định, bật TV lên sẽ được thưởng thức chương trình đó. Chúng ta hoạt động với niềm tin rằng, thời gian trong ngày của chúng ta sẽ không bỗng nhiên bị trừ đi một tiếng, hoặc đài truyền hình sẽ chủ ý đăng lịch phát sóng sai chỉ để lừa đảo chúng ta.

Mặc dù sự thật cần phải được hiểu trong các lĩnh vực cụ thể của chúng, nhưng hiểu biết trực quan của chúng ta về bản chất của sự thật không khác xa với định nghĩa của Aristotle rằng: "Nói cái phải là không phải, hoặc cái không phải là phải, là sai; còn nói cái phải là phải, và cái không phải là không phải, ấy là sự thật.”[32] Nói một cách đơn giản hơn, có thì nói có, không thì nói không, không được bóp méo, xuyên tạc, thêm thắt (x. Mt 5,37).

Nhận thức được điều này, chúng ta sẽ nhận ra rằng não trạng hậu sự thật không ngụ ý đến một tình trạng mà chúng ta không còn hiểu chân lý nghĩa là gì, hoặc rằng sự thật đã mất đi vị trí hay vai trò của nó trong quá trình suy luận của chúng ta. Thiết nghĩ nếu chúng ta không tin sự thật hiện hữu hoặc cho rằng nó không còn vai trò gì trong đời sống của chúng ta, thì việc chỉ để sống cuộc sống hằng ngày với những sinh hoạt cơ bản nhất như ăn uống, đi lại cũng không thể thực hiện nổi. Vì thế, chính xác hơn, bối cảnh hậu sự thật phản ánh một tình trạng đầy thách đố, đó là nhiều người trong chúng ta không thể chắc chắn về tính hợp lý của một số điều được cho là sự thật được trình bày với chúng ta, cũng như mức độ đáng tin cậy của cá nhân hay tổ chức truyền đạt điều đó. 

Vấn đề cốt lõi nằm ở sự khúc mắc trong quá trình xác lập sự thật do thiếu sự tin tưởng giữa bên cung cấp thông tin và bên tiếp nhận thông tin. Sự chán chường và thái độ ngờ vực của nhiều người đối với sự thật không phải do họ không có nhu cầu tìm ra sự thật hoặc họ chê ghét sự thật, mà là do nhiều lý do khiến khả năng phân định và phân biệt giữa sự thật chân chính và sự thật giả mạo đã bị suy giảm. Đứng trước sự ngờ vực và bối rối về tính đích thực của cái được cho là sự thật, nhiều người lựa chọn phương pháp đi theo điều hấp dẫn họ nhất về mặt cảm xúc, thay vì phải phán đoán dựa trên lý luận. Tuy vậy, quan điểm cho rằng thế giới hiện nay không còn chỗ cho sự thật là một ngộ nhận. Như Baggini đã quan sát:
Chính những dữ liệu cho thấy sự suy giảm trong hơn một thế kỷ vừa qua liên quan tới việc sử dụng từ “sự thật” cũng chỉ ra sự phục hưng của thế kỷ XXI về khái niệm này. Chúng ta thậm chí sẽ không nói về hậu sự thật nếu chúng ta không nghĩ rằng sự thật quan trọng. Thế giới chưa sẵn sàng cũng như không muốn nói lời tạm biệt với sự thật, ngay cả trong chính trị, là lĩnh vực mà đôi khi dường như sự thật đã ra đi.[33]
Thật vậy, đối với mỗi "lời nói dối" mà một nhà lãnh đạo chính trị nổi tiếng phát biểu hoặc tweet, các phương tiện truyền thông chính thống phải mất hàng giờ để mổ xẻ sự trung thực hay sai trái của nó. Nếu vấn đề chính không phải là sự coi thường hoàn toàn sự thật, mà là sự nhầm lẫn về độ tin cậy của sự thật, điều này đặt ra cho chúng ta – đặc biệt là các thể chế tôn giáo – một trọng trách phải chủ động ứng phó với tình trạng hiện nay. Vì Kitô giáo, cũng như các tôn giáo khác, luôn quan tâm đến hạnh phúc của nhân loại trong tất cả các khía cạnh của cuộc sống, nên Giáo hội sẽ mất mát rất nhiều, nếu những gì Giáo hội truyền dạy chỉ có sức nặng ngang với một vlogger hoặc một người có ảnh hưởng trên mạng xã hội với số lượng người theo dõi cao. 

Thách thức đối với Giáo hội là phải hiểu sâu sắc tính phức tạp của tình hình xã hội hiện nay, đặc biệt là não trạng và lối tư duy của con người thời đại mới. Ngày càng nhiều người cảm thấy các niềm tin truyền thống và kiến thức khoa học hiện đại dường như mâu thuẫn với nhau. Nhiều người, đặc biệt là sinh viên đại học ở Tây phương cho rằng giữa khoa học và tôn giáo không thể hòa giải hoặc hòa hợp với nhau. Theo các nghiên cứu thì sự ngộ nhận về xung đột một cách không thể giải hòa giữa tôn giáo và khoa học là nguyên do lớn nhất khiến nhiều người trẻ tại Hòa Kỳ trở nên người “không theo bất cứ đạo gì”. Bậc thang giá trị, lối suy nghĩ và truyền thống địa phương đang ngày càng bị giới trẻ xem thường. Sự phát triển công nghệ thông tin và truyền thông tạo nên nhiều kênh thông tin tự do, khó bị kiểm soát bởi các cơ chế chính quyền. Chúng trở nên nguồn cung cấp các thông tin phơi bầy sự lừa dối ở những lãnh đạo chính trị, xã hội, tôn giáo…mà trước đây dường như nằm ngoài sự giám sát của công chúng.

Nhưng không chỉ tôn giáo mới bị con người thời nay ngờ vực và đưa lên mổ xẻ. Ngay cả sự chính thống trong khoa học như sự đồng thuận về biến đổi khí hậu và sự nóng lên toàn cầu cũng có thể bị bác bỏ bởi một số tổ chức và cá nhân chủ trương phủ nhận hiện tượng này vì lợi ích riêng. Gần đây nhất chúng ta thấy ở Hòa Kỳ việc tiêm chủng vắc-xin để phòng ngừa bệnh Covid-19 đã trở nên một vấn đề đầy tranh cãi vì nhiều người không tin rằng, những lời khuyên và phát biểu của các nhà khoa học, bác sĩ chính thức của chính quyền đáng tin cậy. Ngay cả giữa thành phần người Công giáo (trong đó có cả giới linh mục, tu sĩ), nhiều người khẳng định rằng việc tiêm chủng hay không là vấn đề của lương tâm cá nhân mà không ai có thể can thiệp, mặc dù chính Đức Thánh Cha và các hồng y, giám mục tại châu Mỹ đã từng lên tiếng kêu gọi mọi người tiêm vắc-xin. Đức Thánh Cha cho rằng đây là “một hành động yêu thương.”[34]

Đứng trước thực trạng này, Giáo hội cần khiêm tốn chấp nhận rằng tôn giáo truyền thống và chính thống cũng ngày càng bị xem như là những “món hàng” được rao bán trên thị trường, có thể được đón nhận hoặc có thể bị từ chối nếu không hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Với bối cảnh hiện tại, tất cả các trụ cột của xã hội hiện đại đều có cơ hội bị đánh gục bởi những người cảm thấy rằng họ muốn xây dựng xã hội dựa trên các chất liệu khác. Nói tóm lại, khía cạnh then chốt nhất của bối cảnh hậu sự thật là bất kỳ phiên bản nào của sự thật, kể cả những phiên bản từng được coi là vững bền, không thể tranh cãi, đều có thể bị thách thức bởi bất kỳ ai bất cứ lúc nào. Điều đáng nói là ngày nay sự thách thức các thể chế có lịch sử hàng nghìn năm có thể được thực hiện chỉ với một chiếc điện thoại thông minh có kết nối internet.

_____
30. Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, Thông điệp Caritas in Veritate (Bác ái trong Chân lý), số. 2.
31. Julian Baggini, A Short History of Truth: Consolations for a Post-Truth World (London: Quecus Editions Ltd, 2017): Kindle
32. Aristotle, Metaphysics, 1011b. “To say of what is that it is not, or of what is not that it is, is false, while to say of what is that it is, and of what is not that it is not, is true.”
33. Baggini, A Short History, Kindle. “The same data that shows a century-and-a-half decline in the use of the word “truth” also points to a twenty-first-century revival in the concept. We wouldn’t even be talking about post-truth if we didn’t think truth mattered. The world is neither ready nor willing to say goodbye to truth, even in politics where it sometimes seems as though it has already taken its leave.”
34. Hồng Thúy, “ĐTC cùng các Hồng y và giám mục ở châu Mỹ kêu gọi mọi người tiêm vắc-xin ngừa Covid-19,” Vatican News (18/8/2021),
https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2021-08/dtc-phanxico-keu-goi-chich-vac-xin-hanh-dong-yeu-thuong.html

No comments:

Post a Comment