Thursday, May 25, 2023

Đối thoại liên tôn trong kỷ nguyên số (Phần 5/6)

5.  Đối thoại trong sứ mệnh của Giáo hội

Đối mặt với vấn nạn hậu sự thật, Giáo hội có thể chọn đi theo dòng chảy, chấp nhận thực tế này như một sự việc không thể tránh khỏi của quá trình tục hóa và dân chủ hóa đang diễn ra trên toàn cầu; hoặc Giáo hội có thể nghiêm túc nhìn nhận vấn đề, suy tư và phân định, đồng thời tìm được tiếng nói nhằm vượt ra khỏi tình trạng hỗn độn trong xã hội. Trong thời đại quá tải thông tin, có những tiếng nói trái ngược nhau, cũng như những thông điệp không nhất quán xuất phát từ hoặc nói về Kitô giáo, Giáo hội phải đương đầu với tình trạng này bằng cách dấn thân mạnh mẽ vào một chương trình đối thoại với các tôn giáo bạn cũng như với các giáo phái Kitô giáo khác. 

Theo nhà thần học Công giáo người Mỹ gốc Việt Peter C. Phan, đối thoại giữa các tôn giáo là điều bắt buộc trong thế giới toàn cầu hóa hiện đại được định hình bởi sự di cư quốc tế, công nghệ truyền thông và các sự kiện chính trị và xã hội. Phan nhận xét, "Tôn giáo không thể hoạt động một cách xác thực và thực sự, và không thể đạt được mục tiêu của mình nếu không tham gia đối thoại với các tôn giáo khác.”[35] Đối với Phan, các truyền thống tôn giáo thường xuyên giao tiếp với nhau thông qua các hình thức đối thoại khác nhau là một phần tự nhiên và thiết yếu của tôn giáo trong thế giới đương đại. Tuy nhiên, đó là một thế giới đầy rẫy những nguy cơ xung đột giữa các tôn giáo và ngay cả trong nội bộ của mỗi tôn giáo.

Tư duy hậu sự thật được đặc trưng bởi vô số tin tức giả mạo không được kiểm soát đòi hỏi các tôn giáo không chỉ mạnh dạn đối thoại với tín đồ của mình, mà còn phải đối thoại một cách cởi mở với nhau để tạo ra sự hiểu biết lẫn nhau, giải quyết các xung đột giữa các tôn giáo, đồng thời ngăn chặn ảnh hưởng xấu từ những người theo chủ nghĩa cơ yếu (fundamentalism) và chủ nghĩa cực đoan (extremism). Để đối phó với những nhóm hoặc người cố tình tạo xung đột giữa các tôn giáo nhằm đạt được lợi ích cá nhân, các truyền thống tôn giáo cần có tiếng nói chung, thông qua quá trình đối thoại liên tôn để duy trì sự hòa hợp tôn giáo, đồng thời đạt được những mục tiêu cao cả mà tất cả các tôn giáo đặt ra cho các tín đồ của mình cũng như cho toàn thể nhân loại.

Về phía Giáo hội Công giáo, đối thoại liên tôn không phải là một khái niệm hoặc hoạt động mới lạ. Từ lâu, Giáo hội đã ý thức được rằng đối thoại liên tôn gắn liền với sứ mạng cũng như chính sự tồn vong của Giáo hội. Năm 1964, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã tuyên bố trong Thông điệp Ecclesiam Suam rằng: “Đối thoại là một phương thức mới để trở thành Giáo hội” (Dialogue is a new way of being Church).[36] Hơn năm thập kỷ sau, phải nói rằng, đối thoại không còn là điều gì mới mẻ, cũng không phải chỉ là một phương thức, nhưng thật ra, đó chính là cách để Giáo hội trở thành Giáo hội và thực hiện sứ mệnh truyền giáo của mình. 

Điều này được chứng kiến qua hàng loạt văn kiện của Giáo hội bàn thảo về đối thoại và thái độ đối với các tôn giáo bạn như: – Sắc lệnh Ad Gentes (Hoạt động Truyền giáo); Tuyên ngôn Nostra Aetate (Giáo Hội Với Các Tôn Giáo Ngoài Kitô Giáo) của Công Đồng Vatican II; Tông thư Missio Redemptoris (Sứ Vụ Đấng Cứu Thế) (1990) của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ; Tông huấn Ecclesia in Asia (Giáo Hội Tại Châu Á) của Thượng Hội Đồng Giám mục Á châu (1999); Tông thư Dialogue and Mission (Đối Thoại Và Truyền Giáo) (1984) và Tông thư Dialogue and Proclamation (Đối Thoại Và Công Bố Tin Mừng) (1991) của Đức Gioan Phaolô II.

Về mặt lý thuyết, nội dung từ tất cả những văn kiện này chứng tỏ đối thoại là một hoạt động không thể tách rời khỏi đời sống và sứ mạng của Giáo hội Công giáo. Bên cạnh những tuyên bố mang tính lý thuyết, Giáo hội cũng đã có rất nhiều những thực hành để thúc đẩy đối thoại liên tôn và xây dựng tinh thần liên đới giữa các tôn giáo. Tại Vatican vẫn thường xuyên tổ chức những buổi gặp gỡ giao lưu giữa Công giáo và các tôn giáo bạn. Ngoài ra các vị giáo hoàng trong các chuyến tông du luôn chú tâm đến việc gặp gỡ các vị lãnh đạo tôn giáo bạn ở quốc gia mà các ngài tới thăm. Đây chỉ là những hoạt động bề nổi của vô số hoạt động liên tôn cụ thể khác đang diễn ra ở mọi cấp độ của Giáo hội trên toàn thế giới.

Vì thế, đối thoại không phải là một lựa chọn trong nhiều lựa chọn khác nhau, nhưng là lựa chọn thiết yếu không thể bỏ qua trong việc thực thi sứ mạng mà Thiên Chúa đã giao phó cho Hội Thánh. Sứ mạng của Giáo hội như đã được khẳng định là “loan báo Nước Thiên Chúa được thiết lập trên trần gian này trong Chúa Giêsu Kitô, qua sự sống, cái chết và sự phục sinh của Người.”[37] Sứ mạng này bắt nguồn từ sứ mạng và sứ vụ của chính Chúa Giêsu, đó là công bố vương quốc của Đức Chúa Trời – kêu gọi mọi người ăn năn sám hối, tham dự vào vương quốc và làm việc cho vương quốc của Đức Chúa Trời. Như Hiến Chế Mục Vụ Gaudium et Spes tuyên bố: “Giáo hội chỉ có một mục đích duy nhất – đó là Nước Trời có thể trị đến và sự cứu rỗi loài người có thể được hoàn thành.”[38]

Nước Trời mà Chúa Giêsu đã công bố và Giáo hội luôn cổ vũ hết sức nhiệt tình trong mọi thời đại là gì? Thứ nhất, đó là nơi hòa bình vượt thắng mọi xung đột và bạo lực, như nhà tiên tri Isaia đã minh họa tuyệt vời bằng những hình ảnh con sói sống cùng cừu con, và trẻ thơ sẽ chăn dắt cả sư tử và bò tơ (Is. 11,6). Trong Vương quốc này, những con người và nhóm người trước đây trải qua những cuộc xung đột và đổ máu, nay có thể đến với nhau trong tình bằng hữu và sự hòa hợp. 

Thứ hai, Nước Trời là một nơi mà sự hòa nhập được coi trọng hơn sự loại trừ hay sự ưu tiên cho những người giàu có, tri thức, quyền lực. Chúa Giêsu đã luôn thiên về lối hòa nhập này suốt thời gian Ngài thực hiện sứ vụ, bằng những hành động như dùng bữa với nhiều đối tượng khác nhau – những người thuộc thành phần thượng lưu trong xã hội Do Thái cũng như các tội nhân. Ngài trò chuyện với những người bình thường cũng như các thành viên của tầng lớp chính trị. Ngài vượt qua các rào cản văn hóa, tôn giáo, giới tính để trò chuyện với một phụ nữ Samari, và thậm chí chạm vào một người bị bệnh phong. 

Thứ ba, Nước Trời là nơi dành sự quan tâm ưu tiên cho những người nghèo và những người bị gạt ra ngoài lề xã hội. Nhà thần học giải phóng người Sri Lanka Aloysius Pieris, S.J. khẳng định rằng giữa Đức Chúa Trời và người nghèo có một hiệp ước bảo vệ giúp đảm bảo quyền tự do và chiến thắng cuối cùng của họ.[39] Chính vì sự quan tâm ưu tiên này đối với những người thấp cổ bé họng mà ngay từ đầu sứ vụ của mình, Chúa Giêsu đã tuyên bố rằng Ngài đã được xức dầu và được sai đi để loan báo Tin Mừng Nước Trời cho người nghèo, công bố tự do cho các tù nhân, và giải thoát những người bị áp bức (Lc 4,18).

Viễn tượng tốt đẹp của Chúa Giêsu về Nước Trời là một nơi hòa bình, công lý và lòng trắc ẩn tiếp tục là viễn tượng của Giáo hội khi Giáo hội tìm cách loan báo Nước Trời thông qua sứ vụ đối thoại giữa các tôn giáo. Cuộc đối thoại liên tôn này, như Hội đồng Giáo Hoàng về Đối thoại Liên tôn đã khẳng định, không chỉ dành riêng cho các chuyên gia mà là trách nhiệm của toàn thể Giáo hội. “Được hướng dẫn bởi giáo hoàng và các giám mục của họ, tất cả các giáo hội địa phương và tất cả các thành viên đều được kêu gọi đối thoại.”[40] Các thành viên của Giáo hội thực hiện các hình thức đối thoại khác nhau — về cuộc sống, hành động, trao đổi thần học, kinh nghiệm tôn giáo — tùy thuộc vào chuyên môn, trách nhiệm của họ trong Giáo hội và tình trạng đời sống của họ.

Dù là thông qua hình thức này hay hình thức khác, hay kết hợp giữa bốn hình thức đối thoại nêu trên, mục đích của đối thoại liên văn hóa và liên tôn trong sứ mạng của Giáo hội không chủ trương thuyết phục tất cả mọi người gia nhập Kitô giáo, mà là hoán cải lòng người để phục vụ Vương quốc hòa bình, hòa hợp và đầy lòng thương xót của Chúa. Paul F. Knitter nhận xét rằng, “Cho dù một nhà truyền giáo không có trường hợp rửa tội nào để báo cáo, nhưng người đã giúp người Hồi giáo, Ấn giáo, Phật giáo và Cơ đốc giáo sống với nhau và làm việc với nhau một cách yêu thương và công bình, người ấy là một môn đệ thành công của Đức Kitô.”[41] 

 Tuy nhiên, việc đối thoại liên tôn không loại trừ khả năng các thành viên của các tôn giáo khác quyết định gia nhập Kitô giáo khi họ được Chúa Thánh Thần thúc đẩy và lương tâm tự do của họ quyết định làm điều dó. Dù sao đi chăng nữa thì việc cải đạo không cần và không nên là chủ trương, cho dù là ngấm ngầm hay công khai, của công việc đối thoại liên tôn, một hoạt động mà sự cởi mở và tin tưởng lẫn nhau là quy tắc không thể thiếu được.

Đối thoại là cách thức để trở thành Giáo hội, tức là để thực hiện sứ mạng của Giáo hội bởi vì, theo lời của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, đối thoại “ở mức độ sâu xa nhất của nó luôn luôn là một cuộc đối thoại của ơn cứu độ, bởi vì nó tìm cách khám phá, làm sáng tỏ và hiểu rõ hơn những dấu hiệu của cuộc đối thoại lâu đời mà Đức Chúa Trời duy trì với nhân loại."[42] Giáo hội chứng tỏ mình trung thành với sáng kiến thiêng liêng này khi tham gia vào cuộc đối thoại với mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho việc hoán cải mọi dân tộc về Nước Thiên Chúa. Paul F. Knitter chỉ ra rằng đối thoại không chỉ đơn giản là lắng nghe và học hỏi từ / về người khác.

Khía cạnh khác của đối thoại là nói, tức là công bố và làm chứng về những gì chúng ta cho là sự thật. Chia sẻ niềm xác tín của chúng ta vào Chúa Giêsu là Đường, Sự thật và Sự sống, cũng là một nhiệm vụ quan trọng không kém việc kiên nhẫn lắng nghe người khác nói về niềm tin tôn giáo của họ. Trong Tin Mừng của Gioan, khi ông Tôma vốn là người có tính hay nghi ngờ, hỏi Chúa Giêsu: “Lạy Chúa, chúng con không biết con đang đi đâu, vậy làm sao chúng con biết đường?” Chúa Giêsu đã trả lời: “Ta là đường, là sự thật và là sự sống (Ga 14,5-6). Câu trả lời ngắn gọn của Chúa Giêsu đảm bảo với Tôma rằng bất kỳ sự ngờ vực và băn khoăn nào về tương lai đều có thể được giải quyết một cách triệt để khi ông nhận ra và thấu hiểu cách chính xác về Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu là đường đi. Khi Chúa Giêsu Kitô tuyên bố chính Ngài là con đường dẫn đến Đức Chúa Cha, nguồn sống đích thực, Ngài đang nói về một phương thức mới để hiện diện và hoạt động trong đời. Thời giáo hội sơ khai, những người đi theo Chúa Giêsu thường được biết đến là những người theo Đạo, hay thuộc về Con Đường (belonged to the Way) (Cv 9,2; 11,26; 19,9; 24,22). Chẳng hạn, Thánh Phaolô đã tự giới thiệu mình với Tổng trấn Rôma rằng: “Nhưng điều này tôi thú nhận với ngài, rằng theo Đường, mà người ta gọi là một giáo phái, tôi thờ phượng Đức Chúa của tổ phụ chúng tôi, tin mọi điều do Luật pháp quy định và được chép trong các sách Tiên tri” (Cv 24,14). Mặc dù trong tiếng Anh, các Kitô hữu ngày nay không tự gọi mình và cũng không được coi là người thuộc về “Con đường”, nhưng người Việt Nam chúng ta vẫn tự xưng hoặc được gọi là những người “theo đạo” hoặc người “có đạo”, mà đạo chính là đường đi tới hạnh phúc đích thực, sự sống sung mãn. Người Công giáo Việt Nam xác tín rằng, “đạo/đường” của chúng ta là Chúa Giêsu, là Con Đường dẫn đến sự sống vĩnh cửu.

Việc mô tả các Kitô hữu thời kỳ đầu như những người “bước theo Con Đường” rất có thể bắt nguồn từ chính cách Chúa Giêsu đã nói về mình như được minh chứng trong tuyên bố ở trên. Bằng cách tự đề cập đến mình cách tương tự, các Kitô hữu đã nêu bật một lối sống đặc biệt khác với những lối sống của những người xung quanh, đặc biệt là các dân ngoại. Đối với các Kitô hữu, đó là một lối sống bao gồm thành tâm ăn năn tội lỗi, mến Chúa yêu người (ngay cả kẻ thù), và loan báo Nước Trời chan chứa tình yêu, sự hòa hợp, hòa bình và công lý. Con đường do Chúa Giêsu vạch ra và được nhiều thế hệ Kitô hữu noi theo phải tiếp tục là con đường mà các Kitô hữu đương thời can đảm bước theo cũng như công bố trong đời sống và trong hoạt động đối thoại giữa các tôn giáo.

Sự thật. Khi Chúa Giêsu tuyên bố mình là Đường đi, Ngài cũng củng cố niềm tin của các môn đệ vào Ngài bằng cách xác nhận rằng Ngài chính là “Sự thật”. Trong cuộc sống, con đường để bước đi có rất nhiều lối với những khúc quanh co, gồ ghề, gian nguy, người ta có thể dễ dàng bị dẫn vào con đường sai lầm do thiếu hiểu biết, si mê và lừa dối. Chọn con đường sai lầm có thể dẫn đến bất hạnh, tù đày, hoặc thậm chí là cái chết và sự đau khổ đời đời. Tuy nhiên, theo Chúa Giêsu, chúng ta tin rằng Ngài sẽ dẫn chúng ta đi trên con đường dựa trên lẽ thật, sẽ dẫn chúng ta đến tự do (Ga 8,32), tình yêu đích thực và sự sống sung mãn. Chúa Giêsu cũng khẳng định Ngài đến thế gian này không gì ngoài mục đích “làm chứng cho sự thật” (Ga 18,37). Giáo hội và các tín hữu trong Hội Thánh sẽ thể hiện rõ nét và đúng đắn bản chất của mình, khi chúng ta can đảm công bố những chân lý mà Chúa đã mặc khải cho chúng ta. Theo Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI,
Chân lý là LOGOS – LỜI, Lời tạo nên DIA-LOGOS – ĐỐI THOẠI và do đó, kiến tạo truyền thông và hiệp thông. Khi giúp con người thoát khỏi những ý kiến và ấn tượng chủ quan, chân lý giúp họ có khả năng vượt lên trên những giới hạn văn hóa và lịch sử, giúp nhau xác định giá trị và bản chất của mọi vật. Chân lý khai mở và kết hợp tâm trí của chúng ta với LOGOS của tình yêu: đó là sứ điệp và chứng tá của tình yêu Kitô giáo. Trong môi trường văn hóa xã hội hiện hành có xu hướng tương đối hóa chân lý, việc sống bác ái trong chân lý giúp người ta hiểu rằng việc gắn bó với các giá trị Kitô giáo không những hữu ích, nhưng còn là một yếu tố tất yếu để xây dựng một xã hội tốt đẹp và giúp phát triển con người cách toàn vẹn và đích thực.[43]
Trong việc này, chúng ta không thể bỏ qua việc công bố Chúa Giêsu là hiện thân tối hậu của chân lý mà nhân loại từng biết. Tác giả và nhà tâm lý học nổi tiếng Jordan Peterson chỉ ra rằng, trong sách Sáng thế ký, qua Logos (Ngôi Lời) mà Thiên Chúa đã tạo nên trật tự tốt lành từ tình trạng hỗn loạn.[44] Theo Peterson, trật tự được kiến tạo khi có sự hiện diện của Lời nói yêu thương và can đảm của Chân lý. Đức Kitô – Ngôi Lời nhập thể – đã tự nguyện hy sinh chính mình vì chân lý, vì sự tốt lành, vì Thiên Chúa.[45] Nếu như Chúa Giêsu – Ngôi Lời nhập thể, Lời nói sự thật – chính là phương thức kiến tạo nên trật tự trong vũ trụ từ thời nguyên thủy, vai trò của Ngài vô cùng thiết yếu trong bối cảnh hậu sự thật ngày nay. Trong một thế giới ngày càng hỗn loạn, sự thật ngày càng bị phớt lờ, không được tôn trọng, việc công bố Chúa Giêsu là “Sự thật” không thể thiếu được trong chương trình Phúc Âm hóa của Giáo hội. Trong điều này, Giáo hội không thể nhân nhượng hay dè dặt, bất kể xã hội đang ưa chuộng những trào lưu tư duy nào.

Sự sống. Chúa Giêsu đã tuyên bố, “Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10). Tuyên bố này của Chúa Giêsu khẳng định nguồn gốc Kinh Thánh đối với truyền thống nhân văn Kitô giáo đã được phát triển suốt chiều dài lịch sử của Giáo hội. Chủ nghĩa nhân văn Kitô giáo được xây dựng theo mẫu gương của Con Người nhập thể là Chúa Giêsu Kitô, Người chính là sự hợp nhất hoàn hảo giữa Thiên Chúa và con người. Lấy cảm hứng từ mầu nhiệm nhập thể, các Kitô hữu cũng được kêu gọi để kết hợp với Thiên Chúa qua việc trở nên hợp nhất với Con Nhập Thể của Người là Chúa Giêsu Kitô. Chính Chúa Kitô trở thành thước đo cho sự phát triển đạo đức, xã hội và tâm linh của con người, và chính Chúa Kitô là Đấng giúp con người chiến thắng sức mạnh của tội lỗi, thấm nhuần trái tim viên mãn công lý, và biểu lộ những chiều kích cao quý của bản chất con người.[46]

Hiến Chế Mục Vụ Gaudium et Spes, một trong những tài liệu quan trọng nhất của Giáo hội Công giáo, tuyên bố rằng chủ nghĩa nhân văn Kitô giáo được định nghĩa bởi "sự trưởng thành về tinh thần và đạo đức của loài người" và được đặc trưng bởi "trách nhiệm với anh em của mình và với lịch sử."[47] Ngược với chủ nghĩa nhân văn Kitô giáo là sự suy đồi đạo đức khiến thế giới bị bao trùm bởi “cấu trúc tội lỗi thực sự” và “nền văn minh sự chết” được phản ánh trong sự thiếu tôn trọng sự sống con người, xung đột ở cấp khu vực và toàn cầu, nạn nghèo đói và suy thoái môi trường, và nhiều vấn nạn khác nữa.

Những biểu hiện này phản ánh rõ rệt tình trạng thiếu phát triển con người một cách toàn diện. Do đó, chủ nghĩa nhân văn Kitô giáo kêu gọi học hỏi Chúa Giêsu trong cách chúng ta đối xử với đồng loại cũng như tạo vật, nhằm thăng tiến trọn vẹn trong mọi lĩnh vực trong đời sống chúng ta. Chủ nghĩa nhân văn Kitô giáo khẳng định rằng để thành con người đích thực, đạt tới sự hưng thịnh và hạnh phúc viên mãn, phụ thuộc trực tiếp vào hành động của chúng ta đối với bản thân, với người khác và cả với các loài thụ tạo. Nói cách khác, mục tiêu tối hậu của mỗi chúng ta là đạt được sự sống vĩnh cửu trực tiếp phụ thuộc vào việc tuân thủ một chủ nghĩa nhân văn Kitô giáo, mà Giáo hội đã phát triển và truyền đạt cho chúng ta qua các giáo huấn của Hội Thánh suốt hai nghìn năm qua.

Ba ý niệm mà Chúa Giêsu mô tả về chính Ngài là “Đường”, “Sự thật” và “Sự sống” diễn đạt đầy đủ sứ điệp Kitô giáo mà Giáo hội phải công bố bằng cả lời nói và việc làm. Với tư cách là Nhiệm thể của Chúa Kitô, Giáo hội và các thành viên của mình có nhiệm vụ công bố nhân danh Chúa Kitô, đồng thời noi gương Ngài trong các hành động của mình. Không thể đánh giá thấp giá trị truyền thông của các hành động được nhìn thấy từ các vị lãnh đạo và các thành viên trong Hội Thánh, bên cạnh những lời nói mà người ta được nghe.

Thật vậy, nếu người dân tin vào những gì họ nghe được, đó là bởi vì họ đã quan sát thấy rằng những lời nói đó đã được chuyển thành những hành động cụ thể, trung thực, mang lại sự sống. Liên quan đến sứ mệnh đối thoại liên tôn mà bài viết bàn luận tới, những hành động xác thực nhằm củng cố cho những lời lẽ được công bố cũng là điều bắt buộc. Như Đức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng định: “Chúng ta không áp đặt bất cứ điều gì, chúng ta không áp dụng bất kỳ chiến lược tinh vi nào để thu hút các tín hữu; thay vào đó, chúng ta làm chứng cho những gì chúng ta tin và việc chúng ta là ai với niềm vui và sự đơn sơ."[48] 

----------
35. “Peter C. Phan – being religious as being interreligious,” Rumiforum, https://youtu.be/YrSCMZu47HM.
36. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, Thông điệp Ecclesiam Suam http://w2.vatican.va/content/paul-vi/en/encyclicals/documents/hf_p-vi_enc_06081964_ecclesiam.html, 63.
37. Pontifical Council for Interreligious Dialogue, Dialogue and Proclamation, http://www.vatican.va/roman_curia/pontifical_councils/interelg/documents/rc_pc_interelg_doc_19051991_dialogue-and-proclamatio_en.html, 58.
38. Vatican II, Gaudium et Spes, http://www.vatican.va/archive/hist_councils/ii_vatican_council/documents/vat-ii_const_19651207_gaudium-et-spes_en.html, 45.
39. Aloysius Pieris, Fire and Water: Basic Issues in Asian Buddhism and Christianity (Maryknoll, NY: Orbis Books, 1993): 151.
40. Dialogue and Proclamation, 43.
41. Paul F. Knitter, “Mission and Dialogue,” Missiology: An International Review, Vol. 33, no.2, April 2005: 209
42. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, “Address to the Pontifical Council for Interreligious Dialogue,” 13/11/1992, https://w2.vatican.va/content/john-paul-ii/en/speeches/1992/november/documents/hf_jp-ii_spe_19921113_dialogo-interreligioso.html, 2.
43. Caritas in Veritate, Số 4.
44. Jordan Peterson, Beyond Order: 12 More Rules for Life (New York: Penguin, 2021): Epub version.
45. Ibid.
46. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptor Hominis (1979), http://w2.vatican.va/content/john-paul-ii/en/encyclicals/documents/hf_jp-ii_enc_04031979_redemptor-hominis.html , số 10
47. Công đồng Vatican II, Hiến Chế Mục Vụ Về Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay Gaudium et Spes, http://www.vatican.va/archive/hist_councils/ii_vatican_council/documents/vat-ii_const_19651207_gaudium-et-spes_en.html, no.22.
48. Đức Giáo Hoàng Phanxicô, “Address to the Pontifical Council for Interreligious Dialogue,” 28/11/2013, https://w2.vatican.va/content/francesco/en/speeches/2013/november/documents/papa-francesco_20131128_pc-dialogo-interreligioso.html. 

No comments:

Post a Comment