Thursday, May 4, 2023

Chủ Nghĩa Nhân Văn Kitô Giáo Trong Việc Giải Quyết Vấn Đề Khủng Hoảng Về Môi Trường (Phần 3)


 2.2. Sự duy trì và phát triển của chủ nghĩa nhân văn Ki-tô giáo


Bất chấp sự nảy sinh của một chủ nghĩa nhân văn hoàn toàn đi ngược với tôn giáo, nhưng suốt lịch sử và đến thời hiện đại, các nhà tư tưởng Công giáo vẫn cho rằng chủ nghĩa nhân văn có nguồn gốc đích thực từ tôn giáo và niềm tin vào Thiên Chúa. Khái niệm về con người trong chủ nghĩa này lấy nguồn cảm hứng từ con người Chúa Giê-su Ki-tô như là một gương mẫu hoàn hảo. Hiện nay, chủ nghĩa nhân văn Ki-tô giáo vẫn giữ vị trí quan trọng của nó thông qua những giáo huấn sống động của Giáo hội.

Nếu chúng ta xét về thời điểm xuất hiện, chủ nghĩa nhân văn hiện đại có thể coi là bắt nguồn từ thời đại Phục hưng. Tuy nhiên, chủ nghĩa nhân văn Ki-tô giáo lại có một di sản lâu đời và phong phú, bắt nguồn từ những ngày đầu của Ki-tô giáo.[8] Các Giáo phụ như Clê-men-tê ở A-le-xan-đri-a, Am-brô-si-ô, Âu-Tinh ở Hip-pô, và Giê-rôm đã đại diện cho những nhà học giả uyên bác nhất trong thời đại của họ. Các tác phẩm của các vị này đã trở thành những nguồn tài liệu quan trọng trong việc phát triển giáo dục nhân văn. Quyển sách De Doctrina Catholica (Giáo Huấn Công Giáo) của Thánh Âu-Tinh cùng với kỹ năng hùng biện của ngài đã truyền cảm hứng cho nền giáo dục thời Trung Cổ. Nó cũng là một phần trong chương trình phục hồi truyền thống Ki-tô giáo cổ đại bằng cả tiếng Hy Lạp và tiếng Latinh.[9]

Chủ nghĩa nhân văn Ki-tô giáo tiếp tục được thúc đẩy trong thời hiện đại, điển hình là triết lý của triết gia người Pháp Jacques Maritain (1882-1973). Maritain khẳng định rằng chủ nghĩa nhân văn Ki-tô giáo đã giúp cho con người phát triển toàn diện bằng cách không chối bỏ chiều kích tâm linh của cuộc sống và “không đặt giới hạn a priori cho sự hiện diện của Thiên Chúa trong con người." Quan điểm nhân loại học này, trong đó con người đưa mình đến với thần linh và siêu lý, là điểm khác biệt giữa nhân văn Ki-tô giáo và những gì Maritain gọi là "nhân văn trung tâm loài người" (anthropocentric humanism), trong đó con người trở thành "trung tâm của chính họ, và do đó là trung tâm của mọi thứ."[10] Khi con người đặt bản thân làm trung tâm, thì không còn chỗ cho Thượng đế hay những điều siêu hình. Ngược lại, chủ nghĩa nhân văn Ki-tô giáo dẫn đến "khám phá một ý nghĩa sâu sắc và toàn diện hơn về phẩm giá của con người, để con người tìm lại chính mình trong Thiên Chúa, và dẫn dắt công việc xã hội đến một lý tưởng anh hùng về tình yêu huynh đệ.”[11]

Chủ nghĩa nhân văn toàn diện của Maritain tìm thấy sự liên tục và cộng hưởng trong cá nhân chủ nghĩa đạo đức của Louis Janssens. Theo Janssens, con người là một tổng thể phức tạp, trong đó giá trị của một con người được nhận biết thông qua chính hành động của họ trong cuộc sống.[12] Thay vì chỉ là một cá nhân độc lập tồn tại trong không gian và thời gian, con người được tạo thành từ cả những thành phần vật chất và tinh thần, và có thể dẫn đến việc hướng tới Thiên Chúa và những người khác thông qua các mối quan hệ tự do, yêu thương, hợp tác và tương trợ. Vì vậy, sự thực hiện bản thân hoặc trở thành người đích thực được đạt được trong quá trình gặp gỡ với những người khác trong một mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau, tự do và tình cảm, thay vì sự chiếm đoạt hay khai thác người khác để phục vụ nhu cầu cá nhân.

Có thể nói rằng tư tưởng của Maritain và Janssens đã có tác động đáng kể đến Giáo hội Công giáo. Cái nhìn của họ về chủ nghĩa nhân văn Ki-tô giáo có thể thấy được trong Hiến Chế Về Mục Vụ Gaudium et Spes, là một trong những văn kiện quan trọng nhất của Công đồng Vatican II. Theo diễn giải của Giáo hội, nhân văn Kitô giáo liên kết chặt chẽ với con người của Đức Kitô, Đấng đã khôi phục lại cho nhân loại tất cả những gì đã đánh mất do tội lỗi của Adam.
Chúa Kitô, Adam mới, đã mặc khải cho con người về chính bản thân họ và tỏ cho con người lời mời gọi cao cả của Ngài. Ngài là "hình ảnh của Thiên Chúa vô hình" (Col 1,15), chính Ngài là con người hoàn hảo. Ngài đã trả lại cho con cháu của Adam hình ảnh Thiên Chúa đã bị tội nguyên tổ làm hư mất. Bản tính nhân loại mà Ngài mặc lấy không hề bị tiêu diệt nhưng được nâng lên tới một phẩm giá siêu việt. Con Thiên Chúa khi nhập thể đã kết hợp tất cả loài người nên một. Đức Ki-tô đã được sinh bởi Đức trinh nữ Maria, Ngài đã thực sự trở nên một người giữa chúng ta, giống chúng ta mọi sự, ngoại trừ tội lỗi.[13]
Do đó, sự phát triển về mặt đạo đức, xã hội và tâm linh của con người phải được đo lường dựa trên chính con người Chúa Ki-tô, Đấng là khuôn mẫu hoàn hảo của tất cả các khía cạnh này. Bởi vì chính Chúa Ki-tô đã Nhập Thể trong thân phận con người, loài người không còn là nô lệ của tội lỗi hay than khóc về sự bất trung của mình nữa, nhưng có thể hướng tới một thân phận cao quý hơn thông qua sự kiện lịch sử phi thường này. Sự nhập thể của Chúa Ki-tô cũng giúp con người có thể kết hợp với Thiên Chúa, Đấng đã tạo dựng con người và mong muốn tất cả mọi người trở nên một gia đình.[14]

Nếu con người nhận thức được món quà đặc biệt mà Chúa Giê-su đã ban tặng cho họ, họ sẽ hiểu được rằng thân phận con người rõ ràng chỉ có thể nhận biết một cách đầy đủ qua việc mỗi người là “một món quà chân thành của chính mình.”[15] Do đó, chủ nghĩa nhân văn Ki-tô giáo được định nghĩa bằng “việc nhân loại trưởng thành trên bình diện tinh thần và luân lý” và được đặc tả “bằng trách nhiệm của chính mỗi người với anh em mình và với lịch sử.”[16] Công đồng Vatican II nhấn mạnh rằng chính Chúa Ki-tô “có thể ban cho con người ánh sáng và sức mạnh để con người có thể đáp lại thiên chức cao cả của mình.”[17]

Công đồng Vatican II đã đặt Chúa Kitô đứng ở vị trí trung tâm trong chủ nghĩa nhân văn Ki-tô giáo, và điều này đã được các giáo hoàng kế tiếp khẳng định mạnh mẽ hơn cho đến ngày nay. Trong thông điệp Populorum Progressio (Phát Triển Các Dân Tộc), Đức Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI đã tuyên bố rằng chỉ khi sự phát triển toàn diện của con người hướng về Chúa Kitô thì nó mới có thể “thăng tiến tất cả mỗi người và toàn thể nhân loại.”[18] Ngài đã viết: “Nhờ sự kết hợp với Chúa Kitô là suối nguồn của sự sống, con người mới đạt đến sự hoàn thiện mới về bản thân mình, đến một chủ nghĩa nhân bản siêu việt mang lại cho con người sự hoàn thiện tột độ: Đây là mục tiêu tối hậu của sự phát triển con người.”[19]

Tương tự, trong bức thông điệp đầu tiên Redemptor Hominis (Đấng Cứu Chuộc Con Người), Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nhấn mạnh rằng chủ nghĩa nhân văn thực sự chỉ có thể được đạt được khi được kết nối với Chúa Kitô và công cuộc cứu độ thông qua thập giá, cái chết và sự phục sinh của Ngài.[20] Khi mối liên kết mà Chúa Kitô đã thiết lập thông qua mầu nhiệm bị phá vỡ, không chỉ loài người mà cả thế giới tổn thương. Theo Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, việc từ chối Chúa Kitô chỉ dẫn đến kết quả vô nghĩa, được thể hiện qua việc tàn phá môi trường, xung đột vũ trang và coi thường sự sống.[21] Tuy nhiên, sự kết hợp với Chúa Kitô - Đấng Cứu Thế giúp con người vượt qua tác động của tội lỗi, đong đầy trái tim bằng công lý và thể hiện những phẩm chất cao quý của bản chất con người.[22]

Giống như Hiến chế Gaudium et Spes, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã công nhận và khẳng định rằng sức đẩy đạo đức chứa đựng trong trong chủ nghĩa nhân văn mà trung tâm điểm là Chúa Ki-tô được bộc lộ qua sự phục vụ khiêm nhường. Ơn gọi của người Ki-tô hữu được mô tả như là một ơn gọi “vương đế”, bởi vì họ chia sẻ sứ mệnh vương đế của chính Chúa Ki-tô. Tuy nhiên, ơn gọi này không ủng hộ cho việc thực thi sự ngạo mạn và tính thống trị, mà là theo tấm gương công chính của Chúa Ki-tô, Đấng "đến không phải để được phục vụ mà để phục vụ."

Đối với Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, chức vụ vương đế đích thực xuất phát từ việc làm chủ bản thân thông qua việc trưởng thành cá nhân trong đời sống nhân đức cũng như thiêng liêng qua việc thể hiện vai trò của một người tôi tớ đích thực. Sự kết hợp giữa vương quyền và tôi tớ đã làm nảy sinh ra nguyên tắc “phục vụ có tính chất vương đế” vốn “áp dụng cho mỗi người chúng ta theo gương mẫu của Đức Ki-tô. Nghĩa vụ này đòi hỏi chúng ta đáp trả lại ơn gọi của mình một cách chính xác những điều chúng ta được kêu gọi để làm hay là những điều chúng ta có trách nhiệm phải làm nhờ bởi những hồng ân mà Thiên Chúa đã ban tặng cho ta.”[23]

Là người kế nhiệm Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đíc-tô XVI đã lên án bất kỳ chủ nghĩa nhân văn nào dám tước bỏ chiều kích về Thiên Chúa, và cho đó là “vô nhân văn.” Ngài đã viết trong phần kết của thông điệp Caritas in Veritate (Bác Ái Trong Chân Lý) như sau:
Một nền nhân bản loại trừ Thiên Chúa là một nền nhân bản vô nhân tính. Chỉ có nền nhân bản nào khai mở cho Đấng Tuyệt Đối mới có thể hướng dẫn chúng ta trong việc thăng tiến và hiện thực những hình thức sống mang tính xã hội và dân sự trên bình diện cơ cấu, tổ chức, văn hóa và đạo đức. Đồng thời, điều này giúp chúng ta tránh những nguy hiểm trở thành nô lệ cho những trào lưu hiện hành.[24] 

______

8. William Schweiker, “Humanity Before God: Theological Humanism from a Catholic Perspective,” Martin Marty Center Web Forum, 2003, accessed August 28, 2017, https://divinity.uchicago.edu/sites/default/files/imce/pdfs/webforum/102003/Schweiker%20essay.pdf, 1.
9. Alistair Hamilton, “Humanism and the Bible,” in The Cambridge Companion to Renaissance Humanism, ed. Jill Kraye (Cambridge: Cambridge University Press, 1996), 101.
10. Jaques Maritain, True Humanism (New York: Charles Scribner’s Sons, 1938), 19.
11. Maritain, “Integral,” 7-8.
12. Louis Janssens, Personne et Société. Théories actuelles et essai doctrinal (Gembloux: Ducolot, 1939), 3.
13. Vatican II, Gaudium et Spes, no. 22, http://www.vatican.va/archive/hist_councils/ii_vatican_council/documents/vat-ii_const_19651207_gaudium-et-spes_en.html, para. 22.
14. Vatican II, GS, no. 24
15. Vatican II, GS, no. 24
16. Vatican II, GS, no. 55.
17. Vatican II, GS, no. 10
18. Paul VI, Populorum Progressio, no.14, http://w2.vatican.va/content/paul-vi/en/encyclicals/documents/hf_p-vi_enc_26031967_populorum.html.
19. Paul VI, PP, no. 16.
20. John Paul II, Redemptor Hominis, no.10, http://w2.vatican.va/content/john-paul-ii/en/encyclicals/documents/hf_jp-ii_enc_04031979_redemptor-hominis.html.
21. John Paul II, RH, no. 8.
22. John Paul II, RH, no. 9.
23. John Paul II, RH, no. 21.
24. Benedict XVI, Caritas in Veritate, no. 78, http://w2.vatican.va/content/benedict-xvi/en/encyclicals/documents/hf_ben-xvi_enc_20090629_caritas-in-veritate.html.

 

No comments:

Post a Comment